Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Vọng và Giáng Sinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Vọng và Giáng Sinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Thứ Ba sau lễ Hiển Linh: Phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mc 6,34-44)


Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá mà có cả một đoàn 5000 người đàn ông, chưa kể đàn bà và con nít. Quả là một tình huống nản giải! Các môn đệ cảm thấy bế tắc. Phải làm sao đây? Thôi, chắc ăn là để họ tự lo. Tự vào các làng mạc mà kiếm. Nhưng kể cả các làng mạc xung quanh chắc gì đã đủ? Các môn đệ đành bó tay!
Thế nhưng một khi năm chiếc bánh và hai con cá được trao đến tay Đức Giêsu, Người cầm lấy, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông. Dù là ít ỏi, chẳng đáng là bao, nhưng tâm tình tạ ơn là không thể thiếu. Thiếu tâm tình tạ ơn là thiếu tất cả!
Không chỉ tạ ơn mà Người còn bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ cũng làm động tác tương tự, bẻ ra và trao cho tất cả mọi người. Phép lạ khởi đầu bằng tâm tình tạ ơn và chia sẻ.

Cuốc sống chúng ta cũng thường gặp những biến cố đầy âu lo, thất vọng. Đôi lúc ta cảm thấy bất lực. Muốn đầu hàng cho xong. Thế nhưng, với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Hãy phó thác những khó khăn đó trong tay Chúa. Với chút ít khả năng, dù nhỏ nhoi đến đâu, hãy tạ ơn. Hãy mạnh “bẻ ra và trao ban”, rồi bạn sẽ có dư thừa!

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

NIỀM VUI ĐÍCH THỰC (Ga 3,22-30)

Thứ 7 sau lễ Hiển Linh

“Người phải nổi bật lên còn thầy phải lu mờ đi”, đó là niềm vui thánh thiện và khiêm tốn của Gioan Tẩy Giả, đó cũng là nềm vui trọn vẹn và đích thực vì ông xác định được sứ vụ cuộc đời mình là thế.

Cuộc đời mỗi người có những niềm vui khác nhau. Có những niềm vui chóng đến mau qua; có những niềm vui nhẹ nhàng sâu đậm; có những niềm vui đầy tính nhân văn nhưng cũng có những niềm vui đè trên nước mắt và đau khổ của người khác.

Thế nhưng, niềm vui chỉ trọn vẹn khi gắn bó đời ta với Chúa. Thiếu bóng dáng Chúa, niềm vui sẽ hời hợt chóng qua. Chỉ trong Chúa ta mới có niềm vui đích thực. 

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

ĐỂ LỜI VANG XA (Mt 4,12-17.23-25)

Thứ 2 sau lễ Hiển Linh

"Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân"


Galilê là vùng đất bao quanh bởi dân ngoại còn Giuđa là trung tâm đời sống tôn giáo của Israel, thế nhưng, Đức Giêsu đã chọn Galilê để khai mạc sứ vụ chứ không phải Giuđa. Tin mừng cần được loan báo cho nhiều người chứ không thể đóng khung trong một nơi bé nhỏ. Nếu mỗi tín hũu đều ý thức điều này thì Lời Chúa sẽ ngày càng vang xa.

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

LÀM CHỨNG

Thứ 7, ngày 3.1 (Ga 1,29-34)

“Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”

Thấy là điều kiện để làm chứng. Nếu không thấy mà làm chứng thì lời chứng sẽ thiếu sức thuyết phục.
Trái lại, có người thấy nhưng không làm chứng vì sợ phiền hà, vì không có khả năng làm chứng, vì bị đe dọa hay vì lười biếng, vô tâm, v.v..
Nhưng nếu đối tượng cần được làm chứng là người mình yêu thương thì có lẽ ta sẽ “xả thân” để làm chứng!
Tôi đã làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hàng ngày hay chưa?
Tôi chưa “thấy” Chúa hay tôi thấy mà không làm chứng?

Ơn gọi làm chứng nằm ngay trong bản chất người Ki-tô hữu. Khi đời sống tôi chưa làm chứng cho Chúa tức là tôi chưa chu toàn bổn phận Ki-tô hữu của mình.

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA

Thứ Sáu, Ngày 2.1 (Ga 1,19-28)

"Tôi là tiếng người hô, hãy dọn con đường cho Đức Chúa."(Ga 1,23)

Tôi là ai trong tương quan với Đức Giêsu? Tôi có dám là “tiếng hô” để dọn đường cho Người.
Con đường để Chúa đến đang có nhiều quanh co, lồi lõm, tôi sẽ đứng ở đâu để đón đợi Người?
Hãy sửa con đường cho Đức Chúa, con đường của lòng tôi và con đường của mọi người!

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

LỰA CHỌN ĐỨNG VỀ CHÚA (Cv 6,8-10)

Ngày 26.12: Thánh Têphanô, tự đạo tiên khởi 
Chúa đã lựa chọn con người qua mầu nhiệm Giáng sinh và Người mời gọi ta hãy lựa chọn đứng về phía Chúa. Têphanô, vị tử đạo tiên khởi của Đức Kitô đã lựa chọn như thế. Ngài đã lựa chọn đứng về Đức Giêsu để làm chứng Người là Con Thiên Chúa, dù cho sự lựa chọn đó đưa ngài đến cái chết. Đây là một cái chết diễm phúc vì nó họa lại cái chết của Thầy Giêsu.

Mỗi ngày chúng ta cũng được mời gọi lựa chọn đứng về phía Chúa, làm chứng cho Chúa, dù cho sự lựa chọn đó đôi lúc gây cho ta những thiệt thòi trong cuộc sống. Thế nhưng, có một điều chắc chắn, đó là lựa chọn đứng về Chúa sẽ không thiệt thòi bao giờ.

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

NIỀM VUI TRONG CHÚA


Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh (Ga 3,22-30)
Ông Gioan nói với các môn đệ: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 2,30).
Đi từ cuộc sống: Một giáo dân chia sẻ: Trong một chuyến đi công tác tông đồ, chị đã có một niềm vui rất khó tả khi được tiếp xúc với những người dân tộc thiểu số vùng Gialai. Những gì các chị mang đến cho họ thật là nhỏ bé so với niềm vui mới lạ mà các chị cảm nhận được nhờ họ. Đó là niềm vui của sự hiệp thông và liên đới.
Lời Chúa soi đường: Gioan Tẩy Giả cho các môn đệ biết niềm vui của ông là được nhìn thấy Đức Giê-su và nghe tiếng của Người. Chính vì vậy, khi gặp Đức Giê-su, ông đã không ngần ngại làm chứng về Người. Thậm chí ông còn giới thiệu để chính các môn đệ của mình đi theo Đức Giê-su. Niềm vui của Gioan là làm mọi sự để Đức Giê-su được nổi bật lên dù ông phải lu mờ đi. Đó chính là niềm vui đích thực, niềm vui trong Chúa và không ai có thể lấy mất được.
Chung lời cầu nguyện: Trong cuộc sống, chúng con chỉ biết chạy theo những thú vui chóng qua bên ngoài mà quên quy hướng đời mình về Chúa. Những niềm vui chúng con có được thì dễ đến và cũng chóng qua. Xin cho chúng con biết tìm kiếm niềm vui trong Chúa, nhất là niềm vui khi qua chính cuộc đời chúng con, Chúa được nổi bật lên và được mọi người dễ dàng nhận biết. Amen.

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

CÁI CHẠM CHỮA LÀNH



Thứ Sáu sau lể Hiển Linh (Lc 5,12-16)

Đức Giê-su giơ tay đụng vào người phong hủi và bảo : "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh (Lc 5,13).

Đi từ cuộc sống: Có người cho rằng con người sợ nhất là nỗi cô đơn. Thời đại công nghệ thông tin có thể mở ra rất nhiều nguồn giao lưu quen biết nhưng cũng đóng lại rất nhiều các mối quan hệ thiết thực. Bạn có thể “kết bạn” rất nhiều trên Facebook nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ dễ dàng tim được một “cái chạm” yêu thương, cảm thông và chữa lành khi cần.


Lời Chúa soi đường: Phong hủi là căn bệnh khiến cho con người không chỉ đau đớn về thể xác nhưng còn bị cô lập về thể xác và tinh thần. Họ bị khai trừ khỏi cộng đoàn, mọi người xa lánh. Theo quan niệm bấy giờ, hễ đụng vào cái gì họ sẽ làm cho cái đó ra ô uế! Thế nhưng Đức Giê-su đã đ ngược lại với thái độ này. Người đã yêu thương chạm tay vào người phong hủi và lập tức anh được chữa lành. Đó là mmột cái chạm đầy yêu thương, cảm thông và có sức chữa lành con người.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa cho con biết quan tâm đến người khác để có thể “chạm” vào cõi lòng họ, một cái chạm đầy yêu thương và chia sẻ như Chúa đã làm. Amen.

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO

Thứ Năm sau lễ Hiển Linh (Lc 4,14-22a).

Lời Chúa: Đức Giê-su mở ra, gặp đoạn chép rằng:  Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (Lc 4,18).
Suy niệm: Đức Giê-su đến trần gian để loan báo Tin Mừng cho những kẻ nghèo hèn. Theo thánh sử Luca, người nghèo là những người không có địa vị, những người bệnh tật, đau khổ, tội lỗi, v.v.. Nhờ thần Khí Chúa cùng hiện diện và hoạt động, Đức Giê-su đã mang lại TIN MỪNG thực sự cho những người nghèo.
Liên hệ cuộc sống: Những người nghèo ngày nay vẫn đang hiện diện rất nhiều xung quanh ta. Họ là những người đang cô đơn, tuyệt vọng, nghèo đói, thiếu tình thương, bị xúc phạm nhân phẩm, v.v.. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su cũng đã ban Chúa Thánh Thần và sai chúng ta đem Tin Mừng cho mọi người. Chúng ta đã thực thi sứ vụ này như thế nào?
Niềm xác tín: Con xác tín rằng những người nghèo luôn là đối tượng ưu tiên số một trong Nước Chúa, con cũng xác tín rằng những người sẽ dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời họ.

Cầu nguyện: Xin cho con luôn ý thức trách nhiệm đem TIN MỪNG đến cho người nghèo.

THỬ THÁCH

Thứ Tư sau lễ Hiển Linh (Mc 6,45-52)

Lời Chúa: Khi các môn đệ thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều : lòng trí các ông còn ngu muội ! (Mc 6,49-52)

Suy niệm: Đức Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để bày tỏ quyền năng Thiên Chúa, thế nhưng các môn đệ không hiểu. Vì không hiểu, vì lòng trí còn ngu muội nên các ông bàng hoàng sợ hãi khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển.
Liên hệ cuộc sống: Lòng trí con người thường ngu muội trước các việc làm của Thiên Chúa. Khi chưa hiểu được ý nghĩa việc Chúa làm, con người thường đặt câu hỏi tại sao: Tại sao con thất bại? Tại sao con đau khổ? Tại sao Chúa thử thách con?
Niềm xác tín: Dù chưa hiểu rõ thánh ý Chúa trong mỗi biến cố cuộc đời, nhưng con xác tín rằng thánh ý Ngài luôn muốn điều tốt lành cho con.

Cầu nguyện: Xin cho con đừng thất vọng sợ hãi khi gặp thử thách đau thương nhưng luôn tín thác vào chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

GIÁNG SINH LÀ LỄ CỦA SỰ TIN TƯỞNG VÀ NIỀM HY VỌNG



Trong bài nói chuyện với các tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 18-12-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy tư về lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu, ngày lễ của sự tin tưởng và niềm hy vọng, vượt thắng sự bất ổn và bi quan. Lý do của niềm hy vọng là vì: Thiên Chúa ở với chúng ta và vẫn còn tin tưởng nơi chúng ta! Thiên Chúa Cha thật là quảng đại.
Thiên Chúa đến ở với loài người, lựa chọn trái đất để cùng sống với con người và để con người nhận ra Ngài trong những niềm vui và khổ đau của cuộc đời. Vì thế trái đất không còn là “thung lũng nước mắt” nữa, mà là nơi chính Thiên Chúa đã cắm lều của Ngài, là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người và liên đới với con người.
Thiên Chúa đã muốn chia sẻ điều kiện làm người của chúng ta đến độ trở thành một với chúng ta trong con người của Đức Giêsu, là người thật và là Thiên Chúa thật. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người không được thực hiện trong một thế giới lý tưởng, tình tứ, nhưng trong thế giới thực sự này, một thế giới bị ghi dấu bởi các chia rẽ, gian ác, nghèo túng, các chuyên quyền và chiến tranh. Ngài đã lựa chọn ở trong lịch sử của chúng ta với tất cả gánh nặng của các hạn hẹp và các thảm cảnh của nó. Khi làm như thế Ngài đã chứng minh cho thấy lòng xót thương và tình yêu của Ngài đối với con người. Chúa Giêsu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ngay cả trong khổ đau và khốn khó của lịch sử.
Đức Thánh Cha định nghĩa lễ Giáng Sinh như sau: Lễ Giáng Sinh biểu lộ cho thấy Thiên Chúa đã đứng về phía con người một lần cho tất cả, để cứu vớt chúng ta, để nâng chúng ta dậy từ bụi đất của các nỗi bần cùng, khó khăn và tội lỗi của chúng ta. Từ đó phát xuất ra món quà vĩ đại của Hài Nhi Giê-su: một năng lực giúp chúng ta không chìm sâu trong các mệt nhọc, thất vọng, buồn sầu của chúng ta; bởi vì nó là một năng lực sưởi ấm và biến đổi con tim.
Từ việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta có thể rút tỉa ra hai điều.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

ƠN GỌI NGÔN SỨ


Ngày 23 Tháng 12 (Lc 1,57-66.80)

Trở thành ngôn sứ là ơn gọi đặc biệt được chính Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa đã từng phán với ngôn sứ Giêrêmia : “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1, 4-5). Lời Chúa phán trên cũng thật đúng cho trường hợp của Gioan Tẩy Giả.
Sự ra đời của Gioan Tẩy Giả đã gây thắc mắc cho nhiều người. Ai nghe thấy cũng đều để tâm suy niệm và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào ?” (Lc 3,16). Ba mươi năm sau, trong khi thi hành sứ vụ, người Dothái hỏi chính Gioan : “Ông là ai ?”, “Ông nói gì về chính mình ?”. Gioan đã trả lời : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa” (Ga 1,23). Gioan tự nhận mình là tiếng hô đi trước để chuẩn bị cho Lời sẽ đến sau. Cuộc đời Gioan sẽ là hình ảnh tuyệt hảo cho người ngôn sứ.
Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi. Gioan đến không phải để nói về mình nhưng để giới thiệu Đấng Cứu Thế. Gioan thi hành sứ vụ ngôn sứ không chỉ bằng lời nói nhưng với trọn vẹn cuộc sống. Trước khi ra mắt dân Israel, ông đã trải qua ba mươi năm sống một mình trong hoang địa. Khi rao giảng, dân chúng đến với ông rất đông nhưng ông tự nhận mình chỉ là tiếng hô đến dọn đường cho Đấng mà ông không đáng cởi quai dép. Khi nhận ra Đức Giêsu, Gioan không ngần ngại giới thiệu cho hai môn đệ thân tín để rồi hai môn đệ cũng bỏ Gioan mà theo Đức Giêsu. Cuối cùng, Gioan lấy chính mạng sống của mình để bảo vệ sự thật. Đó là số phận dành cho những ai sống trọn vẹn vai trò ngôn sứ của mình. Thế nhưng, cũng chính Gioan là người được Chúa Giêsu tuyên dương khi nói : “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan” (Lc 7,28).

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

TIỀN HÔ CỦA CHÚA



Ngày 19-12: Lc 1,5-25

Thiên sứ nói với ông Da-ca-ri-a: “Em (Gio-an) sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.”

Thiên Chúa chu đáo chuẩn bị cho con người một kế hoạch. Thiên Chúa đến viếng thăm con người, đó là một sự kiện trọng đại, là tin vui cho tất cả mọi người, tin vui khỏa lấp bao mong mỏi đợi chờ. Để chuẩn bị cho ngày trọng đại này, Thiên Chúa đã chọn gọi một ngôn sứ, vị Tiền Hô của Người, đến để chuẩn bị lòng dân, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch quay về nẻo chính đường ngay. Sự xuất hiện của Gio-an như dòng nước thỏa mãn cơn khát của bao thế hệ. Lời mời gọi của ông đã mang lại hiễu quả. Người người xếp hàng nối đuôi nhau để xin lãnh phép rửa tỏ lòng sám hối ăn năn. Tiếc rằng không phải ai ai cũng sẵn sàng để đón Chúa.
Thiên Chúa đã chuẩn bị chương trình của Người thật chu đáo, thế nhưng khi Người đến “gõ cửa” thì con người lại chưa sẵn sàng “mở”. Người đã đến nhà mình nhưng người nhà lại từ chối. Đó là thái độ không phải của con người cách đây hơn hai ngàn năm mà thôi nhưng còn là thái độ thường trực của con người thời nay. Mùa Vọng đã đi hơn nữa chặng đường nhưng mấy ai trong chúng ta đã dọn lòng cẩn thận để đón Chúa? Đó đây các hang đá được dựng lên và trang hoàng lộng lẫy nhưng mấy ai chuẩn bị cho Chúa một chỗ trong lòng mình?
Thời gian càng ngắn ngủi thì lời thúc bách càng ý nghĩa. Những ngày con lại của mùa Vọng là cơ hội để chúng ta từ bỏ những ngỗ nghịch của mình mà quay về nẻo chính đường ngay. Đây không chỉ là bổn phận của mỗi người chúng ta với Chúa mà thôi nhưng còn là trách nhiệm đối với người khác. Cách sống của chúng ta có là “cơ hội” để người khác cũng nhìn ra chuẩn bị đón chờ Chúa đến.
Xin Chúa cho con luôn ý thức về cách sống của mình để con cũng trở thành một Tiền hô của Chúa, một người đi trước để dọn dường cho Chúa đến trong lòng mỗi người.

CÁC SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN TIỀN HÔ



1. Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.
Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của Thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.
Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Sứ điệp của Thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.
Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành Dân của Chúa. Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

TÔI ĐÃ ĐƯỢC CỨU

Chúa nhật 4 mùa vọng năm A (Mt 1, 18-24)

Ngày 18 tháng 12
“Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21)
A-đam, E-và phạm tội và phải lãnh nhận hậu quả của tội. Thay vì chiều chiều đi dạo với Thiên Chúa, ông bà không còn dám đối diện với Người. Thay vì vui vẻ đón nhận người trợ tá tương xứng, A-đam đổ lỗi cho E-và. Từ đây, A-đam phải cày sâu cuốc bẩm mới có của nuôi thân, còn E-và thì phải chịu đau đớn khi sinh con.
Thời gian đi qua và biết bao thảm kịch đã xảy ra: Ca-in giết em, tháp Ba-bel sụp đổ, lụt hồng thuỷ, …. Cứ thế con người trượt dài trên con dốc tội luỵ như là hậu quả của tội nguyên tổ. Con người chỉ còn biết gục đầu ăn năn, hai tay hướng lên trời mong tìm được ơn giải thoát.
Thực vậy, tội luỵ quá nặng nề nhưng không ai trong dòng dõi loài người có thể tự cứu chuộc lấy mình cũng như cứu chuộc người khác. Chỉ có Đấng được hứa ban từ trời mới có thể thực hiện công cuộc này. Và hôm nay, tin Đấng Cứu Độ xuống thế đã được chính thức loan đi: Bà sẽ sinh một con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21).

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

BẢN GIA PHẢ NÓI LÊN LÒNG TRUNG TÍN CỦA THIÊN CHÚA

Ngày 17/12: Mt 1,1-17
1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác ; I-xa-ác sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; …
16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
17 Như thế, tính chung lại thì : từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời ; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời ; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
Ngay từ khởi đầu lịch sử con người, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ. Suốt dòng lịch sử nhân loại, Thiên Chúa vẫn âm thầm chu đáo chuẩn bị một con đường, con đường dẫn đến Đấng Cứu Thế. Dù cho trong dòng lịch sử đó, con người thường xuyên phản bội, nhưng Thiên Chúa vẫn trung tín với lời hứa của Người. Dù cho lịch sử có những khúc quanh, nhưng Thiên Chúa đã biến những khúc quanh đó thành những cột mốc quan trọng của lịch sử. Điều đó không chỉ cho thấy quyền năng của Người, nhưng trên hết là tình thương và lòng nhân từ. Vì yêu thương, Người sẵn sàng tha thứ và giúp con người chữa lành những “vết thương”.
Thánh sử Matthêu, khởi đầu bản gia phả với Apraham, tổ phụ của dân tộc Do Thái, trong khi thánh Luca trình bày gia pha theo chiều ngược lại, khởi đầu từ Đức Giê-su và kết thúc là nguyên tổ A-đam. Tuy có khác nhau về cách trình bày, nhưng cả hai đều cho thấy sự ưu ái của Thiên Chúa. Thiên Chúa như Người cha chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình của những đứa con. Một cái tên xuất hiện trong gia phả là một tác động của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ con người.
Ngày hôm nay, chắc hẳn Thiên Chúa vẫn là đấng trung tín và yêu thương con người. Người vẫn đang vạch ra một con đường cho chúng ta. Con đường dẫn dắt chúng ta đến quê trời. Không chỉ vạch ra con đường mà thôi, Người còn dẫn dắt chúng ta bước đi với nhiều ơn lành. Chúng ta không đơn độc trong hành trình này, bởi chúng ta đang cùng đi cùng Giáo hội và trong Giáo hội. Giáo hội có đầy đủ các phương tiện để trợ giúp chúng ta. Hơn nữa, Chúa còn mời gọi mỗi người trong chúng ta góp phần vào chương trình của Chúa để dẫn dắt người khác đến gặp Đấng Cứu Độ, giống như các nhân vật trong bản gia phả đã dẫn dắt ta đến với Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ duy nhất.
Lạy Chúa, Đấng Cứu Độ đã được ban cho chúng con. Người đã đến trong thân phận một con người, đã sẻ chia những buồn vui nhân thế để cảm thông với chúng con. Xin cho chúng con được chuẩn bị xứng đáng đến đến gặp Người.

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

NHÌN NHẬN SỰ THẬT

Tuần 3 Mùa Vọng – thứ Hai (Mt 21,23-27)
25 Các thượng tế và kỳ mục nghĩ thầm : "Nếu mình nói : "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại : "Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?" 26 Còn nếu mình nói : "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ." 27 Họ mới trả lời Đức Giê-su : "Chúng tôi không biết."
Chứng kiến những phép lạ lẫy lừng cũng như cách giảng dạy đầy uy quyền của Đức Giê-su, các thượng tế và kỳ mục, những người giữ vai trò lãnh đạo dân Israel đã đặt vấn đề: người này lấy quyền nào mà làm như vậy? Thực ra, trả lời câu hỏi này không phải là vấn đề khó! Trong lịch sử cứu độ, rao giảng Lời Chúa và làm các phép lạ là hành động chính yếu nơi các ngôn sứ của Thiên Chúa. Chưa có ai dùng quyền hành của ma quỷ để nói Lời Chúa và làm những việc cao cả lạ lùng đến thế. Như vậy, uy quyền của Đức Giê-su chỉ có thể đến từ Thiên Chúa.
Trong hành trình rao giảng và chữa lành, nhiều người đã tin và tuyên xưng điều này. Tiếc thay, đa số những người công khai tuyên xưng niềm xác tín của mình là những người nghèo khổ, bệnh tật, dân ngoại hay những tâm hồn bé mọn, đơn sơ. Họ là những người sẵn sàng mở rộng tâm hồn và con tim để đón nhận Đức Giê-su. Trong khi những người lãnh đạo dân, những thầy dạy tâm hồn lại lãnh đạm làm ngơ hay khép kín lòng mình.
“Chúng tôi không biết”, đó là câu trả lời trốn tránh trách nhiệm, trốn tránh lương tâm. Các ông trả lời không biết trong khi dân chúng ai cũng biết. Thực ra vấn đề của các ông không phải là biết hay không biết nhưng là biết sao để có lợi cho mình. Thay vì mở rộng tâm hồn để đón nhận mạc khải của Thiên Chúa thì các ông đóng kín để tính toán cho riêng mình. Vì mục đích đó, các ông sẵn sàng quay lưng lại với sự thật.
Sự thật chỉ được tỏ lộ cho những tâm hồn đơn sơ, luôn sẵn sàng mở rộng để đón nhận Thiên Chúa. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta biết sự thật nhưng làm ngơ như không biết. Chúng ta sợ sự thật và không dám nhìn nhận vì nó xem ra chẳng mang lại lợi ích gì cho ta. Thay vì phục vụ sự thật, chúng ta bắt sự thật phục vụ cho mình. Nếu không có ích lợi cho mình, chúng ta quay lưng chối từ.
Xin Chúa giúp con can đảm nhìn nhận sự thật để “sự thật giải thoát chúng con”.   

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

THỬ THÁCH CỦA ĐỨC TIN (Mt 11, 2-11)

Chúa nhật 3 mùa vọng năm A 

 “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác” (Mt 11,3)
Mới hôm nào bên bờ sông Gio-đan, ông Gio-an dõng dạc tuyên bố: Đây là Chiên Thiên Chúa (x.Ga 1, 29) để giới thiệu Đức Giêsu, vậy mà hôm nay ông lại nghi ngờ chính bản thân mình. Vì sao lại có sự nghi ngờ này?
Gio-an Tẩy giả là ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Cái nhìn của ông về Đấng Mê-si-a cũng giống như của rất đông dân chúng thời đó. Nói chính xác hơn, họ mong muốn một Đấng Mê-si-a đầy uy quyền để lãnh đạo dân đập tan xiềng xích nô lệ, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của đế quốc Rô-ma: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10). Vì thế những kẻ không biết sám hối sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống (Mt 3,7). Đấng Mê-si-a trong tâm trí Gio-an phải là vị thẩm phán đến để nhổ rụi cỏ lùng và đốt sạch ngay tức khắc! Thế nhưng những lời nói, việc làm và thái độ của Đức Giê-su không có gì cho thấy một sự vội vàng dứt khoát như vậy.

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

Ngày 14 tháng 12

Thánh Gioan Thánh Giá được tôn xưng là nhà thần bí lớn trong Giáo Hội. Khi còn sống, những tư tưởng về đời sống tâm linh đã được đúc kết bằng những khổ đau trong chính cuộc đời mình.
Cha ngài thuộc dòng dõi quí tộc, nhưng bị khai trừ vì cưới một thường dân làm vợ. Ông qua đời lúc ngài vừa sinh được vài tháng nên gia đình phải sống trong cảnh nghèo túng. Tuy vậy Gioan cũng đã được học hành đàng hoàng nhờ vừa đi làm vừa tự học. Đến năm 21 tuổi, ngài gia nhập Dòng Carmêlô.
Dòng Carmêlô ở Tây Ban Nha được ngưởng mộ vì thực hành một đời sống tâm linh sâu sắc, nghiêm túc giữ luật dòng và đời sống cầu nguyện. Nhưng vào thời kỳ của Gioan thì kỷ luật bị buông lỏng và tinh thần đạo đức sa sút. Gioan chịu chức linh mục năm 1567 và được giới thiệu với thánh Têrêxa Avila, đấng đang lãnh đạo phong trào cải tổ sâu rộng dòng Carmêlô.
Cả hai trở nên thân thiết vì có chung một chí hướng. Tinh thần cải tổ rất nguy hiểm trong thời kỳ có Pháp đình Tôn giáo, Cơ quan này sẵn sàng kết án những ai có tư tưởng không theo rập khuôn mẫu tôn giáo đã được ấn định vào thời bây giờ. Thánh Gioan là nạn nhân của anh em trong dòng. Vào năm 1577, thánh Gioan bị bắt cóc đem nhốt vào một phòng giam trong tu viện ở Toledo. Sau chín tháng bị giam cầm, Gioan đã trốn thoát được ra ngoài trong đêm tối.
Sau một thời gian, thánh Gioan được anh em mời trở về dòng nhưng những đau khổ vẫn mãi dồn dập. Gioan vẫn viết lên những lời thơ thần bí để lại cho hậu thế ngưỡng mộ. Gioan chết vào ngày 12 tháng 12 năm 1591 trong cô đơn sau một thời gian bị bệnh lâu dài.
Sự đau khổ đã nung nấu ý chí và tạo nên đời sống tâm linh huyền bí. Tác phẩm lớn là “Đêm tối tăm của linh hồn” được sáng tác với kinh nghiệm lúc bị giam ở Toledo. Gioan tả linh hồn như một người đang yêu trốn ra trong đêm tối đến hẹn hò với Nhân Tình. Đau khổ làm cho linh hồn tinh khiết như cây củi được đốt trong lò sưởi, lửa cháy làm tan nát và thiêu hủy cây củi nhưng tạo được ngọn lửa hồng trong sáng.
 Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gioan linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình. Xin cho chúng con hằng biết noi gương sáng của người để mai sau được chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển (Lời nguyện nhập lễ thánh Gioan thánh giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh ).
Tóm lược theo Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác


ĐAU KHỔ CỦA NGƯỜI NGÔN SỨ

Tuần 2 Mùa Vọng – Thứ Bảy (Mt 17,10-13)

10 Các môn đệ hỏi Người rằng : "Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước ?" 11 Người đáp : "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế." 13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
Dường như cuộc đời của người ngôn sứ luôn gắn liền với đau khổ. Cái đau khổ của họ là luôn hăng hái nhiệt tình nói lời của Chúa cho dân, chuyển tài tình yêu của người bằng những lời cảnh tỉnh lương tâm, mời gọi sám hối, canh tân lối sống để đẹp lòng Chúa hơn, thế nhưng kết cục là họ bị chính dân chúng ngược đãi. Còn gì đau đớn hơn khi chính những người mình yêu thương hướng dẫn lại quay lưng lại và bạc đãi mình? Một sự thật cay đắng! Tuy nhiên, cũng chính sự thật đó mà danh tiếng các ngài được lưu danh muôn đời.
I-sai-a là một tiên tri lớn, luôn nhiệt thành với lời Chúa và với dân, thế nhưng cuộc đời ông lại gặp phải sự chống đối từ vua A-kháp và nhất là hoàng hậu I-de-ven (x 1V 19,1-2). Cũng vậy, Gio-an Tẩy Giả đến loan báo thời đại của Thiên Chúa, chuẩn bị lòng dân đón đợi Đấng Cứu Thế mà bao lâu nay họ vẫn hằng mong đợi. Thế những cuộc sống trần gian của ông lại kết thúc trong tù, dưới sự phán quyết của vua Hê-rô-đê và hoàng hậu Hê-rô-đi-a. Đó là nét tương đồng giữa cuộc đời hai vị ngôn sứ lớn và cũng là tiên báo cuộc đời Đức Giê-su, Vị Ngôn Sứ Vĩ Đại.
Cuộc đời của mỗi Ki-tô hữu chúng ta cũng gắn liền với sứ vụ ngôn sứ. Qua bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đón nhận ba sứ vụ của Đức Giê-su. Chúng ta đã bao giờ chịu đau khổ vì sứ vụ này chưa? Chúng ta đã bao giờ thao thức, trăn trở để nói lên Lời của Thiên Chúa, để cảnh tỉnh con người, để mời gọi người khác hoán cải và canh tân, để chuyển thông tình yêu Thiên Chúa cho người bên cạnh? Chu toàn sứ vụ này không bao giờ là điều dễ dàng. Vất vả, chống đối, đau khổ và cả hy sinh tính mạng là những điềm được tiên báo trước cho số phận của người ngôn sứ. Thế nhưng không vì thế mà ta nản chí sờn lòng. Nước Trời, điều mà các ngôn sứ rao giảng luôn là phần thưởng, là gia nghiệp không ai có thể lấy mất.

Lạy Chúa, mùa Vọng là thời gian hoán cải và canh tân đời sống. Lời Chúa hôm nay giúp chúng con nhìn lại cuộc sống mình để canh tân hầu xứng đáng đón đợi Chúa đến trong con mỗi ngày.