Hiển thị các bài đăng có nhãn mancoivagiadinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn mancoivagiadinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi và gia đình: Đời sống gia đình là một lời rao giảng

Năm Sự Sáng
Thứ ba: Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng
Chủ đề: Đời sống gia đình là một lời rao giảng

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5,14-16).

Đức Giê-su đến trần gian với sứ vụ khai mở Nước Trời, loan báo Tin Mừng cứu độ, thông truyền tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Ngài đi khắp nẻo đường quê hương để mời gọi người ta ăn năn sám hối. Ngài chọn lấy một lối sống bình dân, giản dị như bao người khác. Ngài hòa mình vào dòng đời, mặc lấy những khổ đau của một kiếp nhân sinh. Ngài rao giảng và làm chứng cho tình yêu bằng lời nói và hành động, bằng lời giảng dạy và cả cuộc sống. Tất cả đều quy hướng về một tình yêu đặc biệt Thiên Chúa dành cho con người.
Trong diễn văn đọc trước đại biểu của các phong trào về gia đình tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình ngày 12.10.1980, Đức Gio-an Phao-lô II đã nhắc nhở các gia đình Kitô giáo phải sống chiều kích thiêng liêng bằng những yếu tố tạo thành thực tại của gia đình, đó là tình yêu giữa vợ chồng, tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Sự cảm thông, lòng tha thứ, sự tương trợ giáo dục con cái cũng như công việc niềm vui nỗi khổ. Trong hôn nhân Ki-tô giáo, tất cả những yếu tố này được bao bọc, được thấm nhuần ơn thánh và hiệu năng của bí tích, do đó trở thành con đuờng sống Phúc âm, một trường dạy đức ái Ki-tô giáo. Gia đình là hình thức sống Tin Mừng một cách đặc biệt. Học hỏi Tin mừng, thực thi Tin mừng chính là sống trọn vẹn chiều kích thiêng liêng của gia đình.
Lạy Chúa, nhờ ân sủng của bí tích Hôn nhân, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Ma-ri-a, xin cho các gia đình thành tâm sống trọn chiều kích thiêng liêng của mình. Đó là một cách thức sống Tin Mừng và loan báo Tin Mừng hiệu quả trong bối cảnh của gia đình hiện nay.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi và Gia đình: Đời sống gia đình dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

                    Năm sự Sáng
Thứ hai: Đức Giê-su dự tiệc cưới Ca-na
Chủ đề: Đời sống gia đình dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : "Họ hết rượu rồi." (Ga 2,1-3).

Đức Giê-su đã làm phép lạ đầu tiên của mình tại tiệc cưới Ca-na. hôm đó, tiệc cưới đang vui say, lòng người đang náo nức, bỗng nhiên hết rượu. Sự cố bất ngờ có nguy cơ gây đỗ vỡ. Mầm móng của lo âu xuất hiện ngay trong khởi đầu của một gia đình trẻ. May thay, đã có sự hiện diện của mẹ  Ma-ri-a và Đức Giê-su. Mẹ đã kịp thời quan sát và Đức Giê-su cũng kịp thời can thiệp. Tiệc cưới tiêp tục vui say. Hạnh phúc tiếp tục triển nở, vì đã có Chúa ở cùng.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi và Gia đình: Gia đình sống bí tích Thanh Tẩy

MẦU NHIỆM SỰ SÁNG
Thứ nhất: Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan
Chủ đề: Gia đình sống bí tích Thanh Tẩy


21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha ; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3,21-22).

Dầu là con Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng đã khiêm tốn bước xuống dòng sông Gio-đan để nhận phép rửa của ông Gio-an. Một phép rửa tỏ lòng sám hối ăn năn dù rằng Người chẳng phạm tội. Phép rửa Người lãnh nhận tiên báo một phép rửa khác do chính Người sẽ thực hiện, đó là phép rửa trong nước và Thánh Thần. Phép rửa này không chỉ để tỏ lòng sám hối ăn năn mà thôi nhưng được thực hiện trong niềm tin vào Thiên Chúa và mang lại ơn tái sinh cho con người (x. Ga 3,5).
Con người được sinh ra nơi gia đình nhưng được tái sinh trong Giáo hội nhờ bí tích Thanh Tẩy. Ngày lãnh phép Thanh Tẩy, con người nhận lấy tấm áo trắng cùng nến sáng, biểu trưng cho sự sống mới trong đức tin. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục con người phần xác thế nào thì cũng dưỡng dục và huấn luyện đời sống đức tin như vậy. Gia đình là nơi mọi người nhắc nhở và trợ giúp nhau sống trọn vẹn đức tin của mình. Gia đình cũng là môi trường để thực hành các nhân đức Ki-tô giáo như bác ái, hy sinh, dấn thân, v.v..

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi với gia đình: Bổn phận của gia đình đối với Thiên Chúa

Thứ năm: Tìm được Chúa Giê-su trong đền thánh
Chủ đề: Bổn phận của gia đình đối với Thiên Chúa

Đức Giê-su đáp : "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?" Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói (Lc 2,49-50).

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội lên đền thờ mừng lễ Vượt qua như luật định. Năm Đức Giê-su mười hai tuổi, Người cùng cha mẹ mình thực thi nghĩa vụ này. Sau những ngày lễ, thay vì theo cha mẹ trở về Nadaret, Người âm thầm ở lại Giêsusalem. Sau ba ngày vất vả, hai ông bà mới tìm thấy cậu bé Giê-su đang ngồi đàm đạo giữa các thầy dạy Do thái. Khi được hỏi lý do tại sao lại hành động như vậy, cậu đáp: Người phải thực thi bổn phận ở nhà Cha.
Một câu trả lời không hề dễ hiểu đối với các ngài lúc bấy giờ! Bổn phận nào nữa? Chẳng phải cả gia đình đang thi hành bổn phận hành hương đền thờ đấy ư? Dù vậy, Đức Ma-ri-a vẫn giữ những lời nói đó trong lòng để “suy đi nghĩ lại”. Theo thời gian, Mẹ sẽ dần hiểu ra bổn phận đó là gì.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi và gia đình: Tiến dâng con cái cho Chúa

Thứ tư: Đức Ma-ri-a dâng Chúa Giê-su trong đền thánh
Chủ đề: Tiến dâng con cái cho Chúa

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,22-23).

Theo luật Do thái, sau khi sinh 40 ngày, người mẹ cần được thanh tẩy (Lv 13,1-4). Cũng theo luật, mọi con trai đầu lòng phải được tiến dâng cho Chúa (Xh 13,2). Gia đình thánh gia đã chu toàn những khoản luật này một cách chu đáo. Việc dâng con trai đầu lòng cho Chúa cùng với những lễ vật kèm theo là để tưởng nhớ lại việc Thiên Chúa đã cứu mọi con trai của dân Do thái trên đất Ai cập. Dù là một nghi thức để tưởng nhớ một hồng ân trong quá khứ, tuy nhiên, việc tiến dâng con cái cho Chúa còn gợi lên một ý thức khác nơi các gia đình, đó là: Con cái là hồng ân.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Kinh Mân Côi với gia đình: Gia đình sống thánh ý Thiên Chúa

Thứ ba: Đức Ma-ri-a sinh Chúa Giê-su nơi hang đá
Chủ đề: Gia đình sống thánh ý Thiên Chúa

Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa (Gs 24,15)

Thánh ý Thiên Chúa bước đầu đã được thực hiện. Mẹ đã đón nhận Đấng Cứu Thế vào cung lòng mình, thánh Giuse đã đón nhận, che chở và chăm sóc cho hai mẹ con, Ngôi Hai đã nhập thể giữa lòng nhân loại. Mỗi người một cách thế khác nhau, nhưng từng thành viên trong gia đình thánh gia đã vui vẻ và mau mắn đón nhận cũng như chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Thánh ý Thiên Chúa là trung tâm của đời sống gia đình. Mọi thành viên từ bỏ những ý riêng của mình để phục vụ thánh ý Thiên Chúa, làm cho thánh ý được thể hiện giữa lòng nhân loại. Một khi đón nhận và sống thánh ý Thiên Chúa, gia đình thánh gia đã góp phần mang ơn cứu độ đến cho nhân loại.
Các gia đình ngày nay ít dành thời gian cho Thiên Chúa. Còn đâu những bữa cơm thân mật quây quần trong tâm tình tạ ơn! Còn đâu những giờ kinh thiêng liêng thân thưa với niềm phó thác! Thiên Chúa không còn là trung tâm của đời sống gia đình. Ngài dường như không đủ sức quy tụ gia đình lại với nhau. Ngài cũng chẳng còn là “đối tượng” được ưu tiên hàng đầu trong mọi quyết định của gia đình. Người ta sẵn sàng li dị hay chia tay, người ta đang tâm phá thai hay đưa ra những quyết định trái nghịch luân lý mà chẳng quy về giáo huấn của Chúa. Người ta đặt lợi ích của bản thân lên trên tất cả chứ không phải là tìm và thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình biết đặt Chúa ở trung tâm của đời sống. Xin cho trong mọi quyết định, gia đình luôn hướng về Chúa là Đấng gìn giữ và dẫn dắt mọi biến cố, để gia đình thực sự là nơi tình yêu Chúa được thể hiện trọn vẹn.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Kinh Mân Côi với gia đình: Chia sẻ trong gia đình

      Mầu nhiệm vui
Thứ hai: Đức Ma-ri-a đi thăm bà Ê-li-sa-bét
Chủ đề: chia sẻ trong gia đình
Chớ để (tâm) hồn con chìm đắm trong phiền muộn, cũng đừng để mình nặng trĩu những ưu tư” (Hc 30,21)

Được tin người chị họ đang mang thai khi tuổi đã xế bóng, Đức Ma-ri-a đã “vội vã lên đường”. Hình ảnh Mẹ hăng say băng đồi vượt dốc cho thấy niềm vui và nhu cầu cần được chia sẻ trong cuộc sống. Thời gian ba tháng sống bên nhau là thời gian hai người mẹ tương lai tâm sự với nhau về những điều lạ lùng Thiên Chúa đã can thiệp trong cuộc đời mình, về niềm vui cũng như những băn khoăn lo lắng cho tương lai của hai con trẻ, và chắc chắn là còn về nhiều điều khác nữa trong cuộc sống.

Tâm sự với nhau thực sự là nhu cầu cần thiết trong mọi gia đình. Qua đó, những nỗi niềm, những ưu tư, những khát vọng được nói lên, được lắng nghe và được chia sẻ. Ngày nay, nhiều gia đình không sắp xếp được thời gian để ngồi trò chuyện trực tiếp với nhau. Những cuộc trò chuyện trên điện thoại, qua máy tính nhiều khi còn nhiều hơn là tiếp xúc trực tiếp với nhau. Hậu quả là con người dần trở nên khô cứng, vô cảm.

Lạy Chúa Giê-su, chia sẻ với nhau chính là một cách để thông chia tình yêu và sống mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin cho các gia đình biết trân trọng những giây phút bên nhau và dành thời gian cho nhau. Trong những giờ quây quần đáng quý đó, xin Chúa hiện diện giữa họ và đồng hành với họ trong mọi biến cố vui buồn của gia đình. Amen. 

Kinh Mân Côi với gia đình_Hồng ân sự sống

Mầu nhiệm vui

Thứ nhất: Thiên thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a

Chủ đề: Hồng ân sự sống

Con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127,3)

Đang tận hưởng cuộc sống bình yên giữa làng quê êm ả Nadarét, bỗng đâu sứ thần xuất hiện với thông điệp bất ngờ. Tuy có chút bối rối, nhưng khi biết sự sống mà mình sẽ cưu mang đến từ Thiên Chúa và là hồng ân cho cả nhân loại, Đức Ma-ri-a đã vui nhận đáp lời xin vâng.
Mỗi một mầm non sự sống đều là ân lộc Chúa ban. Chính Thiên Chúa đã thiết lập quy trình tình yêu: hoa trái của tình yêu chính là một sức sống mới. Dẫu cho thực tế, có những sự sống không phải là kết quả của tình yêu nhân loại, nhưng chắc chắn khơi nguồn từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là chủ sự sống đã thổi sinh khí vào con người. Một vài phụ huynh có thể lo âu về sự sống này, nhưng nếu họ hiểu rằng mọi người bước vào trần gian đều mang theo một sứ mệnh thì có lẽ họ sẽ không nở từ chối các mầm non sự sống này.

Lạy Chúa, càng ngày càng có nhiều người mẹ đang tâm bỏ đi sự sống do chính mình góp phần tạo nên. Xin cho họ, nhờ lời chuyển cầu của mẹ  Ma-ri-a, nhận ra sự sống không phải là một món nợ nhưng là một quà tặng, không phải là tội lỗi nhưng rất linh thiêng, không phải là bóng tối hướng về quá khứ nhưng là ánh sáng chiếu đến tương lai, nơi sự sống đó sẽ thi hành sứ mệnh độc đáo duy nhất của mình. Amen.