Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Đức Maria trong các bài đọc kinh Sách

1.                       Giới thiệu chung
Bên cạnh thánh lễ và các Bí tích, Kinh Nhật tụng có một vị trí quan trọng trong đời sống phụng vụ của Giáo hội. Đây là kinh nguyện công cộng của Giáo Hội, là nguồn đạo đức và của ăn cho mọi người. Do đó, để việc tham dự giờ kinh đạt kết quả tốt hơn, việc học hỏi và tìm hiểu các thánh vịnh và các bài đọc là rất cần thiết.[1] Đàng khác, trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hàng năm, Giáo hội cũng dành một sự tôn kính đặc biệt đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Ðấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con mình bằng mối dây bất khả phân ly. Nơi Mẹ, Giáo Hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của công trình cứu chuộc.[2]
Phụng vụ nói chung và các giờ Kinh Nhật tụng nói riêng dành cho Mẹ một chỗ đứng quan trọng. Ngoài các ngày lễ cố định dành riêng cho Mẹ theo chu kỳ trong năm, Mẹ còn được kính nhớ cách đặc biệt vào các ngày thứ Bảy. Trong phần chung các thánh, phần chung dành cho Đức Maria chỉ đứng sau phần cung hiến các thánh đường.
Trong hai bài đọc dài của giờ Kinh Sách, bài đọc đầu tiên lấy từ Kinh Thánh còn bài thứ hai thì trích từ các bài diễn giải của các giáo phụ hay các thánh. [3] Việc đọc các bài chú giải cũng như những bài giảng của các Giáo phụ đã thấy xuất hiện trong thần vụ những ngày lễ của Phụng vụ Syri cổ thời. Trong truyền thống Hylạp, người ta đọc bài của các Giáo phụ trong giờ Orthros (sáng sớm). Trong Giáo Hội La tinh, thì có lẽ thánh Bênêđitô là người đã đưa ra sáng kiến phải đọc những bài chú giải kinh thánh vào giờ thần vụ ban đêm. Cũng vào khoảng thời gian đó, đền thờ thánh Phêrô ở Rôma cũng làm như vậy: “Người ta đọc những bài của các thánh Giêrônimô, Ambrôsiô, và những Giáo Phụ khác, tùy theo nhu cầu[4]. Tập quán đọc bài giáo phụ này dần dần lan rộng trong giờ kinh của Giáo hội. Cuộc canh tân của Đức Piô V đã thay đổi sâu xa cuốn bài đọc Giáo phụ của sách nguyện Rôma, đặc biệc là đã thêm vào những bài của các Giáo phụ Hy Lạp để làm phong phú hóa tư tưởng Kitô giáo. Trong cuốn các giờ kinh phụng vụ 1971, các bài đọc Giáo phụ đã được nới rộng đáng kể, một phần vì được đọc mỗi ngày (trừ ngày kính thánh có bài đọc về thánh ấy) và không giới hạn vào các Giáo phụ nhưng được mở rộng để đón nhận tất cả những trang sách thiêng có giá trị nhất của các tác giả Kitô giáo thuộc mọi thời đại.[5] Có hơn 600 bản văn của 180 giáo phụ và văn sĩ Kitô giáo từ thánh Clemen I (tk 1) đến Công đồng Vaticano II đã được dùng làm bài đọc thứ hai trong giờ Kinh Sách. Điều này nói lên sự phong phú của các bài giáo huấn trong đời sống phụng vụ của Giáo hội. Bài đọc Giáo phụ cũng giúp giáo dân hiểu các mùa và lễ Phụng vụ, hơn thế, còn mở lối cho họ tiến đến kho tàng thiêng liêng vô giá làm thành di sản quý báu của Hội thánh.[6]
Trong các bài đọc thứ hai này, có rất nhiều khảo luận nói về Đức Maria với nhiều chủ đề phong phú. Tập họp các chủ đề này ta sẽ có một dòng chảy xuyên suốt từ vai trò và hình bóng Đức Maria trong Cựu ước cho đến việc cưu mang và sinh hạ Ngôi lời cũng như vị trí của mẹ trong Giáo hội ngày nay. Các bản văn trình bày những vấn đề về Thánh mẫu học, Kitô học cho đến Giáo hội học, đặc biệt là những lời ca tụng Giáo hội dành cho mẹ cũng như những nhân đức mẹ đã thực hiện trong cuộc sống của mình. Các bài viết này đến từ nhiều nguồn khác nhau. Không kể các bài đọc một là các bài trích từ Kinh thánh, các bài đọc hai trích của các Giáo phụ nổi tiếng như Augustinô, Ambrôsiô, Irênê, Bênađô, Gioan Kim khẩu, Syrilô, Giáo hoàng Lêô cả, Giáo hoàng Piô XII, các thánh Bê-đa khả kính, Athanasiô, Ansenmô,v.v, cũng như một số bài trích từ các văn kiện của Công đồng chung Vaticanô II.
Các bài đọc này được đọc trong các ngày lễ kính Mẹ, các ngày thứ Bảy dành cho Mẹ cũng như các bài trong các ngày thuộc mùa Vọng. Bên cạnh một số bài nhắc đến Đức Maria một cách gián tiếp, thì phần đông dành riêng cho Mẹ một cách trực tiếp. Bài viết này nhằm tìm hiểu một số chủ đề qua các bài đọc này và qua đó cho thấy phần nào vai trò và vị trí của Mẹ trong đời sống của Hội thánh.           

2.                       Đức Maria trong chương trình cứu độ
2.1.               Đức Maria và Eva
Mối tương quan giữa Đức Maria và bà Eva đã được Thánh kinh đề cập đến ngay từ buổi đầu của lịch sử con người: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Từ đó mối tương quan giữa Đức Maria và Eva cũng như mối tương quan giữa Đức Kitô và Ađam luôn được quan tâm. Trong bài đọc hai ngày thứ Sáu, tuần thứ 2 mùa Vọng, Giám mục Irênê đã cho thấy sự đối lập giữa Đức Maria và Eva trong một khảo luận chống lạc giáo của mình. Ngài viết: “Xưa bà Eva bị thần dữ dùng lời lẽ dụ dỗ, đã trốn tránh Thiên Chúa, vì bất tuân lời Người. Còn nay, Đức Maria được thiên thần loan báo tin mừng, đã cưu mang Thiên Chúa nhờ tuân phục lời Người. Bà Eva đã bị dụ dỗ bất tuân phục Thiên Chúa còn Đức Maria thì được khích lệ tuân phục Thiên Chúa, để trinh nữ Maria trở nên trạng sư cho Eva”. Như vậy, hình ảnh trinh nữ Maria đối lập với hình ảnh bà Eva trong việc tuân phục Thiên Chúa.
Thánh Pơ-rốc-lô, Giám mục constantinop cũng đã viết trong một bài giảng của mình và được trích đọc trong ngày thứ Bảy nhớ Đức Mẹ như sau: “Lỗi lầm của Eva đã được xóa bỏ và thứ tha nhờ sự tinh tuyền của đức trinh nữ Maria”. Như vậy, với sự tuân phục, Đức Maria đã sửa chữa lỗi lầm bất tuân phục của bà Eva. Ngoài ra, thánh Giám mục Gioan Kim khẩu còn có một bài giảng nổi tiếng, được trích đọc vào ngày thứ Bảy nhớ Đức Mẹ, trong đó ngài nhấn mạnh đến mối tương quan giữa ông Ađam và Đức Kitô, giữa bà Eva với Đức Maria.  Qua đó, ngài cho thấy có sự đối lập trong hình ảnh một trinh nữ, một khúc gỗ và sự chết. Xưa kia, người trinh nữ là Eva, vì lúc đó nàng chưa biết đến người đàn ông; khúc gỗ là một cây xanh; sự chết là hình phạt Ađam phải chịu, tất cả đều là biểu tượng của sự thất bại. Nhưng này đây xuất hiện một trinh nữ, một khúc gỗ và cái chết; chính là những biểu tượng của cuộc thất bại kia, nay lại trở thành biểu tượng của sự toàn thắng. Thay vì Eva là Đức Maria, thay vì cây biết lành biết dữ là cây thập giá, thay vì cái chết của Ađam là cái chết của Đức Kitô.
Ngoài những hình ảnh đối lập giữa Đức Maria và Eva, các bài đọc còn cho thấy vị trí của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
2.2.               Đức Maria trong kế hoạch của Thiên Chúa
Việc tiên báo dòng dõi người phụ nữ sẽ đạp đầu con rắn khai mở dòng lịch sử cứu độ, trong đó, con Thiên Chúa sẽ đến để chuộc lại những gì đã mất. Hình ảnh một trinh nữ sẽ sinh con đã được tiên báo từ lâu và trở thành dấu hiệu thời của Đấng Mêsia. Ngoài các sách Cựu ước tiên báo điều này, các giáo phụ cũng nhấn mạnh trong các bài giảng của mình. Bài đọc ngày thứ Ba tuần 20 thường niên, trích lại bài giảng của thánh Bênađô, Viện phụ, khẳng định Mẹ được Đấng Tối Cao chuẩn bị và được các tổ phụ loan báo từ trước. Ngài lập luận rằng Đấng tác tạo loài người, khi muốn làm người sinh bởi một con người, thì biết là một người mẹ phải như thế nào mới xứng hợp với mình. Chắc hẳn Người đã tuyển chọn giữa muôn người, hay đúng hơn, đã tạo thành cho mình một người mẹ đúng như thế. Chẳng phải vào phút chót, cũng không phải do tình cờ mà đức Maria  đã được Thiên Chúa tìm ra, nhưng Mẹ đã được tuyển chọn từ muôn thuở, đã được Đấng Tối Cao biết từ trước và chuẩn bị cho mình, được các thiên thần gìn giữ, các tổ phụ dùng hình ảnh tiên báo và các ngôn sứ hứa từ xưa.
Hiến chế Lumen Gentium được trích đọc trong phần chung kính nhớ Đức Mẹ cũng khẳng định từ muôn thuở, theo ý định của Thiên Chúa quan phòng, đức trinh nữ đã được tiền định làm thánh mẫu Thiên Chúa. Thiên chức làm mẹ của Đức Maria đã được tiền định trong nhiệm cục ân sủng, nhiệm cục cứu độ và Mẹ đã đem lòng yêu mến thiết tha mà cộng tác cách đặc biệt vào việc phục hồi sự sống siêu nhiên nơi các linh hồn.
Thực vậy, sự cộng tác của Mẹ được thực hiện qua lời thưa xin vâng mà theo như lời của thánh Bênađô thì đó là câu trả lời mà cả thế giới mong đợi. Trong bài giảng ca ngợi Mẹ đồng trinh của ngài, được trích đọc vào ngày 20 tháng 12, ngài viết “Thần sứ đang chờ câu trả lời của mẹ vì đã đến lúc người phải trở về cùng Thiên Chúa, cả chúng con nữa, chúng con cũng chờ đợi câu trả lời vì chúng con là những kẻ đang phải khốn khổ bởi mang án tội tình”. Giá phải trả cho ơn cứu độ chúng ta được trao vào tay Mẹ. Mẹ mà chấp thuận thì chúng ta được cứu thoát. Chỉ một câu trả lời vắn tắt của Mẹ thôi là chúng ta được tái tạo. Nguyên tổ Ađam đang khóc lóc cùng với dòng dõi của mình, tổ phụ Apraham và vua Đa vít cũng khóc than, các thánh tổ phụ, tổ tiên Mẹ cùng toàn thể thế giới đang hồi hộp chờ câu trả lời của Mẹ. Vâng, chính qua câu trả lời xin vâng của Mẹ mà Đức Kitô đi vào thế giới. Vì thế chúng ta không thể không quan tâm đến mối tương quan giữa Đức Maria với Đức Giêsu.
2.3.               Đức Maria với Đức Giêsu
Nói đến tương quan giữa Đức Maria với Chúa Giêsu trước hết phải đề cập đến biến cố thụ thai. Mặc dù sau lời truyền tin của sứ thần, Đức Maria mới chính thức cưu mang Đức Giêsu trong thân xác mình, thế nhưng các thánh Giáo phụ lại nhấn mạnh rằng trước khi cưu mang Đức Giêsu nơi thân xác Đức Maria đã cưu mang Người trong tâm hồn trước. Đó là chủ đề trong bài giảng của thánh Lêô cả Giáo hoàng và được trích đọc vào ngày 16-07, ngày lễ Đức Mẹ núi Cát minh.
Còn trong ngày lễ Đức Mẹ dâng mình (21-11), bài đọc trích từ bài giảng của thánh Augustinô lại nhấn mạnh việc Đức Maria nhờ lòng tin mà thụ thai. Ngài cho rằng Đức Maria đã thi hành ý Chúa, và vì thế đối với Mẹ, làm môn đệ Đức Kitô thì quan trọng hơn là làm mẹ Đức Kitô. Đức Maria diễm phúc vì đã nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Người gìn giữ sự thật trong tâm trí hơn là cưu mang xác phàm trong lòng. Đức Kitô là sự thật, Đức Kitô là xác phàm. Là sự thật, Đức Kitô ở trong tâm trí Đức Maria, là xác phàm, Đức Kitô ở trong lòng Đức Maria. Việc Đức Kitô ở trong tâm trí thì quan trọng hơn việc Đức Kitô ở trong lòng Mẹ. Từ đó thánh nhân cho thấy diễm phúc của Hội thánh cũng như của mỗi Kitô hữu vì Hội thánh và mỗi Kitô hữu cũng có thể cưu mang Đức Kitô nhờ lòng tin.
Còn thánh Giám mục Athanasiô thì đề cập đến khía cạnh trung gian của Đức Maria. Nhờ có Mẹ mà Ngôi Lời nhận lấy một thân xác và Người hiến dâng thân xác ấy như của riêng mình để chúng ta được hưởng nhờ. Qua Đức Maria, Ngôi Lời nhận lấy bản tính của chúng ta và hiến dâng làm hy tế, đồng thời Người mặc cho chúng ta bản tính của Người. Đó là nội dung được trích đọc trong ngày lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (01-01). Điều này cũng được thánh Bênađô Viện phụ nói đến trong bài giảng trích đọc vào ngày lễ Mẹ Mân Côi (07-10). Ngài nói nhờ Mẹ làm trung gian mà Ngôi Lời nay trở thành xác phàm.
Các giáo phụ còn đề cập đến tương quan giữa Đức Maria với Đức Giêsu khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Thực vậy, bài giảng của thánh Viện phụ Bênađô được trích đọc trong ngày lễ kính Mẹ sầu bi (15-09) đã gọi Đức Maria là vị tử đạo trong tâm hồn. Sau khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu đã không bị lưỡi gươm tàn bạo đâm thâu lòng, nhưng chính lúc đó nó lại đâm thâu lòng Mẹ. Linh hồn của Người chắc chắn không còn ở đó nữa nhưng tâm hồn của mẹ không tránh đâu được. Do vậy, Đức Maria được gọi là tử đạo trong tâm hồn. Điều này đã được tiên báo từ sớm, ngay khi Mẹ dâng Đức Giêsu trong Đền thờ qua lời tiên báo của cụ già Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35).
Cũng dưới chân thập giá, Đức Giêsu trối ông Gioan cho Đức Mẹ và trao Đức Mẹ lại cho tông đồ Gioan. Hình ảnh này đã được truyền thống hiểu là Đức Giêsu muốn trao Giáo hội cho Thân mẫu mình cũng như trao Thân mẫu mình cho Giáo hội. Chính vì thế chủ đề tiếp theo sẽ là tương quan giữa Đức Maria và Giáo hội.
3.           Đức Maria với Giáo hội
Khi so sánh Đức Maria với Eva, các Giáo phụ đã nêu bật vai trò làm mẹ của Đức Maria  so với vai trò làm mẹ của Eva. Bài giảng của chân phước Viện phụ Enrêđi được trích đọc trong phần chung kính Đức Mẹ cho thấy nhờ Đức Maria, chúng ta đã lãnh nhận sự sống cao quý hơn gấp bội so với sự sống chúng ta đã lãnh nhận từ Eva, vì chính Đức Mẹ đã sinh hạ Chúa Kitô. Thay vì cái cũ chúng ta nhận được cái mới, thay vì hư hoại lại được bất hoại, thay vì tối tăm lại được ánh sáng. Còn chân phước Viện phụ Ghêricô thì nói rằng Eva đúng ra không phải là mẹ thật cho bằng mẹ kế, vì xưa kia bà đã bắt con cái mình lãnh tiền án tử hình trước khi cho chúng được nhìn thấy ánh sáng. Xưa Eva không đáp ứng đúng danh xưng của mình thì nay Đức Maria đã thể hiện hoàn toàn mầu nhiệm, vì cũng như Hội thánh mà người là hình ảnh, Đức Maria là mẹ của những ai được tái sinh để sống mãi. Đó là lời dạy của chân phước được trích đọc trong ngày thứ Bảy nhớ Đức Mẹ.
Đức Maria được gọi là mẹ của chúng ta không chỉ vì tương quan giữa Mẹ với Eva nhưng còn vì tương quan giữa Mẹ với Đức Kitô. Thực vậy, trong bài giảng của chân phước Enrêđi Viện phụ trích đọc vào phần chung kính Đức Mẹ, ngài nói vì Đức Maria là mẹ Đức Kitô nên cũng là mẹ đem lại ơn khôn ngoan, ơn công chính, ơn thánh hóa và ơn giải thoát cho ta. Vì thế người là mẹ chúng ta còn hơn mẹ ruột chúng ta nữa. Do vậy, chính chúng ta phải có bổn phận tôn vinh Mẹ, yêu mến và ca ngợi Mẹ. Chúng ta phải tôn vinh Mẹ vì Mẹ là thân mẫu của chúng ta. Ai không tôn kính người mẹ thì chắc chắn cũng chẳng kính trọng người con.
Như vậy trong tương quan với Eva hay với Đức Kitô, các Giáo phụ nhìn nhận vai trò làm mẹ của Đức Maria đối với Hội thánh. Ngoài ra, giữa Đức Maria và Hội thánh còn có nhiều điểm tương đồng, chính vì thế mà Mẹ được xem là hình ảnh tiên trưng của Hội thánh. Thực vậy, bài đọc trích trong hiến chế Lumen Gentium vào ngày thứ Bảy nhớ Đức Mẹ nói rõ Đức Maria là hình ảnh tiên trưng của Hội thánh trên bình diện đức tin, lòng mến và mối hiệp nhất trọn vẹn với Đức Kitô. Khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện diệu kỳ và noi gương bác ái của Đức Maria, khi trung tín chu toàn thánh ý Chúa Cha, nhờ trung tín lãnh nhận lời Thiên Chúa, chính Hội thánh cũng được làm mẹ. Quả vậy, qua lời rao giảng và qua bí tích Thánh Tẩy, Hội thánh đã sinh hạ những người con để họ được sự sống mới vĩnh cửu; những người con này đã được cưu mang bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và đã được sinh ra bởi Thiên Chúa.
Chân phước Ixaác cũng so sánh Đức Maria với Hội thánh dưới khía cạnh cả hai đều là trinh nữ và cả hai đều là mẹ. Bài giảng của ngài được trích đọc vào ngày thứ Bảy, tuần 2, mùa Vọng cho thấy Đức Maria và Hội thánh, cả hai đều là mẹ và cả hai đều là trinh nữ. Cả hai đều thụ thai do cùng một quyền năng Thánh Thần chứ không phải do xác thịt. Cả hai đều sinh con cho Thiên Chúa Cha. Một người mẹ sinh ra Đấng là Đầu của thân thể mà không mắc tội nào, còn người mẹ kia sinh ra thân thể cho Đầu, nhờ ơn tha thứ mọi tội lỗi. Hơn nữa, điều nói chung về trinh mẫu là Hội thánh cách phổ quát, thì cũng áp dụng riêng cho trinh nữ Maria, và điều nói riêng về trinh mẫu Maria thì cũng hiểu chung về trinh mẫu là Hội thánh.
Ngoài ra, các Giáo phụ cũng nhấn mạnh vai trò trung gian của Đức Maria trong việc Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn phúc lành cho nhân loại. Bài giảng của thánh Xốp-rô-ni-ô được trích đọc trong phần chung về Đức Maria nói rằng nhờ Mẹ mà Chúa Cha đã tuôn đổ phúc lành cho loài người và giải thoát họ khỏi lời chúc dữ xưa. Mẹ đã đem lại phúc lành cho toàn cõi đất và cứu chuộc cõi đất khỏi lời chúc dữ. Nhờ Mẹ mà tổ tiên của Mẹ tìm được ơn cứu độ. Còn thánh Giám mục Ansenmô thì quả quyết nhờ quả phúc từ lòng Mẹ mà tất cả được sống lại với vẻ đẹp nguyên thủy và được ban tặng một hồng ân mới. Nhờ Mẹ đầy ân phúc mà mọi vật trong âm phủ vui mừng vì được giải thoát, mọi vật trên dương gian vui sướng vì được phục hồi. Chính nhờ Người Con vinh hiển do lòng trinh khiết rạng ngời của Mẹ mà mọi người công chính qua đời trước khi Người Con ấy chịu chết, đều hớn hở vui mừng vì được thoát khỏi chốn giam cầm. Đó là nội dung bài giảng của thánh nhân được trích đọc vào ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm (08-12).
Qua các mối tương quan giữa Đức Maria với Thiên Chúa cũng như với Hội thánh, các giáo phụ đã hết lòng ca ngợi các nhân đức của Mẹ. Đó là những lời tán dương xứng đáng với vai trò và vị trí của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.


4.           Hội thánh tán dương Mẹ
Hiến chế Lumen Gentium được trích đọc trong thứ Bảy nhớ Đức Mẹ đã khuyến khích các Kitô hữu hãy ngước mắt hướng nhìn lên Đức Maria như gương mẫu nhân đức rạng ngời cho toàn thể cộng đoàn. Khi sốt sắng kính nhớ và chiêm ngắm Đức Maria trong ánh sáng của Ngôi Lời làm người, Hội thánh kính cẩn tiến sâu hơn vào mầu nhiệm Nhập Thể cao cả và ngày càng nên đồng hình đồng dạng với vị Hôn phu của mình hơn.
Khi chú giải Tin mừng Luca, đoạn Đức Maria thăm bà Elisabét, thánh Giám mục Ambrôsiô mong ước phải chi tâm hồn của Đức Maria ở nơi mỗi người để ngợi khen Đức Chúa. Ước chi thần trí Đức Maria cũng ở nơi mỗi người, để hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa.
Thánh Luy Grignion Monfort thì ca ngợi rằng giữa mọi loài thọ tạo, chỉ có Đức Maria là người đã nên giống Đức Giêsu hoàn toàn nhất. Vì thế trong những cách sùng kính khác nhau, thì lòng tôn sùng đức trinh nữ Maria là phương thế tuyệt hảo để linh hồn được tận hiến và nên giống Đức Giêsu. Ai càng tận hiến cho Mẹ thì càng thuộc về Đức Giêsu Kitô. Đó là nội dung trích trong khảo luận “Lòng sùng kính đích thực đối với đức trinh nữ Maria” được đọc vào ngày lễ của thánh nhân, ngày 28-04.
Trong bài giảng của thánh Syrilô, Giám mục Alexandri tại công đồng Êphêsô, ngài ca ngợi Đức Maria là kho tàng đáng kính của cả hoàn vũ, là ngọn đèn không bao giờ tắt, là triều thiên ân thưởng đức khiết trinh, là vương trượng tượng trưng cho giáo lý chân truyền, là đền thờ không hư nát, là nơi trú ngụ cho Đấng không nơi nào có sức chứa đựng, là mẹ mà vẫn là trinh nữ. Nơi cung lòng trinh khiết thánh thiện, mẹ đã cưu mang Đấng Vô Biên. Nhờ Mẹ, Ba Ngôi chí thánh được tôn vinh và phụng thờ. Nhờ mẹ cây thập giá cao quý được kính tôn và thờ lạy trên khắp địa cầu. Nhờ mẹ trời cao nhảy mừng. Nhờ mẹ, các thiên thần và tổng lãnh thiên thần hân hoan. Nhờ mẹ Maria quỷ chạy trốn. Nhờ mẹ, thọ sinh sa ngã được cất nhắc về trời. Nhờ mẹ, toàn thể thụ tạo vẫn nô lệ tà thần, nay nhận ra chân lý. Nhờ mẹ, các cộng đoàn Hội thánh được thiết lập trên khắp cả địa cầu. Nhờ mẹ, các dân ngoại được ăn năn trở lại. Này đây vạn vật đang mừng rỡ hân hoan. Thiên Chúa duy nhất, được sùng bái và phụng thờ khi chúng ta ca ngợi Đức Maria trọn đời đồng trinh là đền thờ của Thiên Chúa. Đó là nội dung bài giảng được trích đọc trong ngày lễ cung hiến thánh đường Đức Maria ngày 05-08.
Còn trong ngày lễ Đức Maria hồn xác lên trời (15-08), bài đọc trích lại lời trong tông huấn “Thiên Chúa vô cùng đại lượng” của đức Giáo hoàng Piô XII như sau. Ngài nói Đấng đã bảo toàn được nguyên vẹn đức đồng trinh khi sinh con hẳn cũng giữ gìn được cho thân xác mình khỏi mọi hư hoại khi lìa đời. Đấng đã bồng ẵm Tạo Hóa trong lòng mình như bồng ẵm một bé thơ phải được cư ngụ trong nhà Thiên Chúa (trích lời của thánh Gioan Đamat). Vì thế, nếu thân xác đức trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, không bị hư hoại và được đưa về trời, thì điều đó không những xứng hợp với thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, mà còn xứng hợp với thân xác đồng trinh rất thánh của Mẹ nữa. Thân xác đồng trinh của Mẹ hoàn toàn thánh thiện, hoàn toàn thanh khiết và đích thực là nơi Thiên Chúa ngự. Cũng vì thế, thân xác ấy không thể biến thành tro bụi. Vì Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, mà Đức Kitô chính là Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng ban sự sống và sự trường sinh  bất tử, nên Mẹ phải được Đức Kitô làm cho sống và cho thân xác Mẹ được nên giống thân xác người, nghĩa là không bao giờ hư hoại. Đức Maria đã kết hợp một cách huyền nhiệm với Đức Kitô. Mẹ đã hết lòng cộng tác với Đấng Cứu Chuộc và cuối cùng mẹ cũng được chiến thắng tội lỗi và tử thần. Chiến thắng này là phần thưởng cao quý giữa những đặc ân Mẹ đã được. Nhờ đó Mẹ được gìn giữ vẹn toàn, không bị hư nát chút nào trong phần mộ, và như Con của Mẹ, Mẹ chiến thắng tử thần và cả hồn lẫn xác được đưa về hưởng vinh quang cao cả trên trời.
Không những được đưa về trời, Đức Maria còn được tuyên dương với tước hiệu Nữ vương. Trong bài giảng của thánh Amađê, Giám mục Lô-dan, trích đọc vào ngày lễ Đức Maria Nữ vương (22-08), ngài chú giải về tước hiệu này như sau. Vì Mẹ đồng trinh và vì danh dự của Người Con do Mẹ sinh ra, trước hết Mẹ phải cai trị ở dưới đất, rồi sau đó cùng đón nhận cõi trời vinh quang. Mẹ phải được đầy tràn ở dưới đất này, để rồi tiến vào trong sung mãn thánh thiện chốn trời cao. Ở trên trời, mẹ được các thiên sứ tới lui phục vụ, ở dưới đất, mẹ được loài người hầu hạ kính tôn. Các thiên sứ hân hoan nhìn nhận mẹ là Nữ vương của mình, các tông đồ vui mừng nhìn nhận Mẹ là bà chúa của mình và tất cả đều đem lòng đạo đức và yêu mến mà vâng phục Mẹ. Mẹ đang ngự trên lâu đài cao chót vót của các nhân đức và trổi vượt mọi người nhờ ân sủng dồi dào. Nhờ đó Mẹ tuôn đổ thật rộng rãi muôn ơn phúc xuống trên đoàn dân đang tin tưởng và khao khát. Mẹ như nguồn suối cho các thửa vườn thiêng liêng, như giếng đầy nước hằng sống và đem lại sức sống. Nước ấy phát xuất từ núi Ly băng của Thiên Chúa, chảy như thác lũ.
Vào ngày lễ sinh nhật Đức Maria, bài đọc trích từ bài giảng của thánh Anrê, Giám mục Côrêta mời gọi mọi loài thọ tạo hãy đồng ca, hãy nhảy múa và biểu lộ niềm vui thích hợp với ngày lễ. Vì đây là ngày mọi loài trên trời dưới đất cùng nhau hoan hỷ vì thánh điện của Đấng Tạo Thành muôn vật đã được xây lên, và một thọ tạo, vì một lý do mới mẻ và thích đáng, đã được chuẩn bị làm nơi cư trú mới cho Đấng Hóa Công.
Còn bài đọc trong ngày lễ kính trái tim vô nhiễm Đức Mẹ (thứ Bảy sau CN II sau lễ hiện xuống) trích từ bài giảng của thánh Lôrenxô Giuttianô, Giám mục, thì mời gọi các linh hồn trung tín hãy noi gương Đức Maria. Quả thật, để được thanh tẩy về đường thiêng liêng và có thể rửa sạch các vết nhơ tội lỗi, ta hãy bước vào đền thờ tâm hồn của mình. Ở đó Thiên Chúa nhìn đến thiện ý trong mọi việc chúng ta làm, hơn là chính các việc làm.
Giáo hoàng Phaolô VI trong Tông huấn Việc sùng kính Đức Maria đã gọi chuỗi Mân Côi kính Đức Maria là bản tóm lược toàn bộ phúc âm vì qua các mầu nhiệm, chúng ta suy ngắm toàn bộ cuộc đời của Đức Kitô. Đó là nội dung của bài đọc trong ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi của Phụng vụ riêng Dòng Đaminh.
5.           Đức Maria trong Phụng vụ Giờ kinh của Dòng Đaminh
Trong Phụng vụ riêng của Dòng Đaminh, Đức Maria cũng có một chỗ đứng quan trọng. Không kể các thánh lễ cũng như các hình thức đạo đức khác dành cho Mẹ, ở đây cũng chỉ đề cập đến Mẹ trong các bài đọc hai của giờ Kinh Sách mà thôi.
Các bài đọc hai được chọn lựa trong Phụng vụ riêng của Dòng đa phần được trích từ các khảo luận, thư từ, bài giảng của các thánh hay các tu sĩ trong Dòng. Nhìn chung có thể phân thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất đề cập đến mối tương quan của Dòng với Đức Maria. Chẳng hạn bài đọc trong ngày lễ kính chân phước Reginald (12-02) trích từ sách Khai nguyên Dòng Anh Em Giảng Thuyết của chân phước Jordan Saxony kể lại việc Đức Maria hiện ra và xức dầu cho Reginald khi đó đang bị bệnh nặng. Mẹ còn tỏ cho người bộ y phục của Dòng và ngay lập tức người lành bệnh. Ngoài ra, bài đọc trong ngày lễ Đức Mẹ Bảo Trợ Dòng (08-05) trích sách Diễn giải Hiến pháp của cha Humbert Roman nêu lên những lý do để Dòng Đaminh nhận Đức Maria làm bổn mạng riêng của Dòng. Đó cũng là những lý do để thánh Đaminh luôn phó thác Dòng cho Mẹ và tạo nên truyền thống đi kiệu đến trước tòa Mẹ. Cũng trong ngày này, còn có một bài đọc khác trích từ trình thuật của chân phước Xêxilia về thánh phụ Đaminh. Trong đó ngài tường thuật về việc Đức Maria hiện ra với thánh Đaminh đang khi người cầu nguyện và tỏ cho biết là Mẹ chăm sóc Dòng như thế nào (rảy nước thánh cho anh em, che chở anh em dưới áo choàng). Còn bài đọc trong ngày lễ kính chân phước Gioan Đaminh (10-06) thì trích khảo luận của chính thánh nhân về sự bó buộc của Hiến pháp Dòng, trong đó ngài giải thích vì sao chúng ta tuyên khấn vâng phục Đức Mẹ cùng với Thiên Chúa và thánh Tổ phụ. Trong khảo luận, ngài giải thích rõ việc Đức Maria nêu gương cho chúng ta về ba nhân đức Vâng phục, thanh bần và khiết tịnh như thế nào.
Nhóm thứ hai trích các bài chú giải, bài giảng, thư từ của các thánh nhân nhằm ca ngợi Đức Maria. Chẳng hạn bài chú giải của thánh Tôma Aquinô về kinh Kính Mừng được trích đọc vào ngày lễ Mẹ Mân Côi (07-10). Trong đó thánh nhân ca ngợi Đức Maria là Đấng đầy ân sủng và nhờ Mẹ các ân sủng này được tuôn đổ đầy tràn sang mọi người. Các bài đọc dưới đây được đọc trong ngày thứ Bảy kính nhớ Đức Mẹ. Trong đó có kinh nguyện của thánh Catarina Siena ca ngợi Mẹ là đền thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, là biển thái bình, là bình chứa đức khiêm nhường. Trong một bức thư khác, thánh nữ gọi đức Maria là nữ vương các tông đồ.
Còn chân phước Humbert Roman khi chú giải Hiến pháp Dòng đã giải thích lý do tôn sùng Đức Maria vào ngày thứ Bảy. Chân phước cũng đề cập đến nhiều việc đạo đức của Dòng Đaminh dành Đức Mẹ. Chẳng hạn vì công tác giảng thuyết, Dòng không ngừng ngợi khen, chúc tụng và rao giảng về Đức Trinh nữ; Việc “đi kiệu” kính Đức Trinh nữ sau giờ Kinh Tối; Sự hiện diện của Đức Mẹ trong lời khấn của tu sĩ Đaminh. Khảo luận của thánh Albert Cả Về bản chất sự thiện thì gọi Mẹ là Sao mai xua tan đám mây của tội lỗi, ưu phiền và lầm lạc. Sách Đồng hồ mặt trời của Đức Khôn ngoan của chân phước Henri Suxô thì gọi Mẹ là niềm hy vọng và là nguồn an ủi của mình. Trong một bài giảng của thánh Vinh sơn Phêriô, ngài dẫn chứng lời của thánh Giám mục Ambrôsiô trong tác phẩm Về các trinh nữ để nói rằng Đức Maria là người đầu tiên thấy Chúa Kitô phục sinh! Và ngài nêu ra ba lý do để biện hộ cho niềm tin này.
6.           Nhận định và bài học
Như vậy ta thấy phụng vụ nói chung và phụng vụ các giờ kinh nói riêng dành cho Đức Maria một vị trí quan trọng. Từ lâu các giáo phụ đã viết những khảo luận, những bài giảng chú giải để ca tụng Đức Maria như là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Cũng theo truyền thống, những bài viết đó đã sớm được đưa vào sử dụng trong phụng vụ, qua đó giúp cho các tín hữu nâng tâm hồn lên tới Chúa nhờ sự cầu bầu của Mẹ.
Quả thật, thánh Bê-đa linh mục khả kính, trong một bài giảng được trích đọc vào ngày lễ Đức Mẹ đi thăm viếng bà Elisabet đã cho biết trong Hội thánh có thói quen tốt lành là hằng ngày mọi người hát thánh thi Đức Mẹ khi nguyện kinh chiều, nhờ đó tâm hồn các tín hữu vừa năng tưởng nhớ đến mầu nhiệm của Chúa mà thêm lòng sốt mến, vừa năng suy niệm các gương lành của Thánh Mẫu mà thêm vững mạnh trên đường nhân đức.
Qua các bài đọc này, ta thấy hình ảnh Đức Maria đã được tiên báo và chuẩn bị từ trong Cựu ước để phục vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua lời đáp xin vâng, Đức Maria đã vâng phục và cộng tác với chương trình này. Cuộc đời của Đức Maria là cuộc đời đầy các nhân đức sáng ngời. Chiêm ngưỡng hình ảnh của Mẹ giúp chúng ta học hỏi được nhiều nhân đức như: vâng phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa, cưu mang Lời Thiên Chúa trong tâm hồn, khiêm nhường, thánh thiện, trinh khiết, v.v.. Khởi đi từ phụng vụ của Giáo hội, nhiều tư tưởng của các Giáo phụ trở thành nền tảng cho những đề tài suy tư thần học và được tuyên bố thành những tín lý của Giáo hội. Các tư tưởng này được Công đồng Vatican II trích lại rất nhiều trong chương tám của Hiến chế Lumen Gentium, phần nói về Đức Maria.
Chúng ta xác tín rằng sau khi được rước lên trời, Mẹ vẫn chuyển cầu cho chúng ta bằng trăm phương ngàn cách, vẫn tiếp tục xin cho chúng ta những ân huệ cần thiết để hưởng ơn cứu độ muôn đời. Với tư cách là Mẹ, Mẹ lấy tình mẫu tử mà chăm sóc đàn con đang lữ hành và đương đầu với bao nguy hiểm âu lo, cho đến khi được đưa vào quê trời vĩnh phúc. Do vậy, có gì đó như một tình hiếu thảo tự nhiên của lòng tin thúc đẩy chúng ta nhất thiết phải chạy đến kêu cầu danh Mẹ trong mọi nhu cầu và mọi cơn gian nan khốn khó, như trẻ thơ chạy đến nép mình trong lòng mẹ mình vậy.

Tài liệu tham khảo
Vat II. Sacrosanctum Concilium, Bản dịch của Giáo hoàng Học viện thánh Pi-ô X.
Văn kiện trình bày và qui định Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Kinh sách các bài đọc, tập 1,2,3,4. Bản dịch của Nhóm Các giờ Kinh Phụng Vụ. TP HCM, 1999.
Kinh sách các bài đọc – phần riêng dòng Đaminh. Tủ sách Đại kết, 1993.
A.G. Martimort. Bản Việt ngữ Phụng vụ & thời gian, Phụng vụ các giờ. TP HCM: ĐCV Giu-se, 1998.
Nguyễn Thế Thủ, Giờ Kinh Phụng Vụ. TP HCM: ĐCV Giu-se, 2001.



[1] Xc. Vat II, SC, số 90, bản dịch của Giáo hoàng Học viện thánh Pi-ô X.
[2] Xc. Vat II, SC, số 103, nt.
[3] Phần này tham khảo A.G. Martimort, bản Việt ngữ Phụng vụ & thời gian, Phụng vụ các giờ (TP HCM: ĐCV Giu-se, 1998), tr.61-64 và Nguyễn Thế Thủ, Giờ Kinh Phụng Vụ (TP HCM: ĐCV Giu-se, 2001), tr.62-63. 97-98.
[4] Xc. Văn kiện trình bày và qui định Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 141.
[5] Xc. Sđd, số 164.
[6] Xc. Sđd, số 146.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét