Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Chúa Ba Ngôi – nguồn mạch tình yêu

Chúa nhật Chúa Ba Ngôi (Ga 3,16-18)

Ạnh chị em thân mến, hôm nay Giáo hội long trọng mừng kính mầu nhiệm quan trọng nhất: mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm trọng tâm và là nguồn mạch mọi ơn lành cho chúng ta.
Nhắc đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, có lẽ cảm giác chung của chúng ta là khó hiểu. Khó hiểu cũng phải bởi đây là mầu nhiệm của tình yêu. Mà tình yêu thì luôn khó hiểu. Tình yêu của con người đã thế phương chi tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, càng khó hiểu thì càng nói lên chiều kích sâu đậm của tình yêu Thiên Chúa.
1. Tình yêu của Chúa Cha: nhân từ và nhẫn nại
Các sách Cựu Ước giới thiệu cho chúng ta Thiên Chúa là một người Cha ân cần chăm lo cho con cái. Ngài chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo trước khi dựng nên con người để hưởng dùng. Dù tội lỗi đã cướp đi hồng ân cao cả đó nhưng Thiên Chúa vẫn mở ra những cơ hội mới để con người được sống.
Thiên Chúa còn là người cha giàu lòng từ bi và nhân ái. Dù dân nhiều lần phản bội lại giao ước nhưng Thiên Chúa vẫn cất công tìm kiếm và trao ban cơ hội sửa chữa. Dù nhiều lần con người xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa nhưng Ngài vẫn rộng lòng thứ tha một khi họ biết ăn năn sám hối.
Khi thấy con cái mình bế tắc trong việc tìm về nguồn sự sống, Thiên Chúa lại ban Con Một đến để mang lại sự sống cho ta. Thiên Chúa như người cha luôn nhẫn nại để cho con cái được sống một cách dồi dào.
Tình yêu của Chúa Cha nhắc nhở ta hãy thể hiện tình yêu qua việc ân cần chăm lo cho nhau, nhất là đối với những người nghèo, những người cô thế cô thân. Hãy đón nhận nhau với lòng từ bi và nhân ái, hãy nhẫn nại và nhất là mở ra cơ hội để giúp nhau nên hoàn thiện hơn.
2. Tình yêu của Chúa Con – hy sinh mạng sống
Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Đó là khẳng định của Ngôi Hai Thiên Chúa khi đến trần gian này. Ngài đã cho chiên được sống cách dồi dào qua việc chữa lành bệnh tật, đuổi trừ ma quỷ, ban ơn tha tội và nhất là thiết lập các bí tích để tiếp tục ban ơn thánh cho chúng ta.
Để mang lại sự sống đời đời cho con người, Con Một Thiên Chúa đã chấp nhận hy sinh chính mạng sống mình: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Có muôn vàn cách diễn tả tình yêu nhưng Con Một Chúa đã chọn cách triệt để là cái chết khổ nhục trên thập giá. Chúng ta không thể giải thích sự chọn lựa của Thiên Chúa dựa vào ngôn ngữ của lý trí. Chỉ có ngôn ngữ tình yêu mới có thể cảm nhận được phần nào.
Hơn nữa, trước khi lên trời, Chúa Giêsu còn hứa sẽ không để các môn đệ mồ côi nhưng ban Thánh Thần để hướng dẫn và đồng hành với các ngài.
Qua tình yêu của Ngôi Con ta học được bài học dấn thân. Tình yêu không chỉ thể hiện nơi đầu môi chóp lưỡi nhưng là dấn thân vì người mình yêu, là chịu liên lụy, chịu thiệt thòi vì người mình yêu thương.
3. Tình yêu của Chúa Thánh Thần – tình yêu thánh hóa
Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, nghĩa là giúp ta nên thánh. Ngài soi lòng mở trí giúp ta nhớ lại và hiểu những lời giảng dạy của Đức Giêsu. Nhờ đó gìn giữ ta luôn sống trong đường lối và tình yêu của Thiên Chúa.
Những ân sủng vô vàn phong phú của Chúa Thánh Thần giúp ta sống đời Kitô hữu một cách trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Giúp ta nên giống Chúa hơn mỗi ngày.
Tình yêu Chúa Thánh Thần dạy ta giúp nhau nên thánh trong tình yêu. Tình yêu đích thực phải giúp nhau nên tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Anh chị em thân mến, sự tách biệt tình yêu của từng Ngôi chỉ là tạm thời, giúp ta hiểu hơn đặc tính của từng Ngôi. Thực ra Ba Ngôi luôn hoạt động trong mọi công trình và tình yêu Thiên Chúa cũng thế. Đó là một tình yêu hiệp nhất và tràn đầy. Xin cho mỗi người chúng ta cũng luôn sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong sự hiệp nhất và tràn đầy như thế.



Chúa Thánh Thần – nguồn ơn hiệp nhất

Lễ chúa thánh thần hiện xuống (Ga 20,19-23)

Anh chị em thân mến, có thể nói trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần được mạc khải cho ta sau cùng; nhưng cũng trong Chúa Thánh Thần, ân sủng ban cho ta dồi dào phong phú. Thánh Phaolô liệt kê cho ta vô vàn những hoa trái của Thánh Thần Thiên Chúa. Ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay cũng giới thiệu cho ta những ân sủng phong phú của Chúa Thánh Thần. Qua đó, ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần là nguồn ơn của sự hiệp nhất.
Hiệp nhất trong ngôn ngữ
Bài đọc một trích từ sách Công vụ tông đồ là bài đọc đặc trưng nói về ơn Chúa Thánh Thần. Lưỡi tượng trưng cho bộ phận để nói. Lửa nói lên lòng hăng say, nhiệt tâm. Lưỡi lửa là lòng say mê rao giảng Lời Chúa.
Lời Chúa được cất lên bằng mọi thứ tiếng, mọi ngôn ngữ, nhưng điều dặc biệt hơn nữa là mọi người đều có thể nghe và hiểu bằng chính ngôn ngữ của mình. Xưa kia, vì tội kiêu ngạo mà con người không hiểu và chia rẻ nhau (biến cố xây tháp Baben) thì nay nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mọi ngôn ngữ đều hiệp nhất nên một. Nhờ nghe và hiểu mà mọi người lòng trí hiệp nhất: họ để mọi sự làm của chung và một lòng một ý ca tụng Thiên Chúa.
Ngày nay, chúng ta sống trong một giáo xứ, trong cùng một gia đình, nói chung một thứ tiếng nhưng lắm lúc lại không hiểu nhau. Vợ không hiểu nỗi chồng, chồng không hiểu nỗi vợ; cha mẹ không hiểu con cái và con cái không hiểu cha mẹ. Hoặc có khi hiểu nhưng không thể cảm thông và tha thứ cho nhau. Lý do là thiếu sợi dây liên kết trong đời sống chúng ta. Chúng ta loại Chúa Thánh Thần là nguồn ơn hiệp nhất ra khỏi đời sống gia đình để rồi luôn thấp thỏm trong lo âu và sợ hãi.
Hiệp nhất trong ơn Chúa vì lợi ích chung
Trong thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu ở Côrintô, Ngài khẳng định: Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách là vì ích chung. Như đã nói, ân sủng của Chúa Thánh Thần thì vô vàn. Mọi người đều được mời gọi đón nhận. Nhưng những ơn đó ban cho mỗi người không như nhau: có nhiều đăc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí (x. 1Cr 12,4). Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì đuọc ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người. (x. 1Cr 12,8-11).
Mỗi người trong giáo xứ, trong gia đình chúng ta đều được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Mỗi người mỗi cách khác nhau nhưng tất cả đều phục vụ cho một lợi ích chung. Chúng ta không lãnh nhận ơn Chúa để giữ cho riêng mình. Chúa ban ơn cho ta cũng không chỉ vì bản thân ta. Người đánh đàn, kẻ phất nhịp, người đóng góp giọng ca, có cộng tác với nhau thì mới tạo thành một bản hòa tấu hay. Cũng thế, mỗi người được mời gọi cộng tác với nhau trong ơn Chúa để xây dựng lợi ích chung.
Hiệp nhất trong ơn tha thứ và hòa giải
Chúa Giêsu Phục sinh thổi hơi vào các tông đồ và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người đó được tha. Đó không chỉ là lệnh truyền ban quyền tha tội cho các tông đồ nhưng còn là lời mời gọi mỗi người hãy sống tinh thần tha thứ và hòa giải. Ơn Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn mỗi người, giúp ta sống tinh thần này. Nếu mỗi người để cho ơn Chúa Thánh thần tác động, cộng đoàn chúng ta sẽ là một cộng đoàn biết cảm thông, tha thứ và hòa giải. Đó là cộng đoàn của sự hiệp nhất.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người để giúp chúng ta hiệp lòng hiệp ý hướng đến lợi ích chung trong tinh thần hòa giải và tha thứ.