Hiển thị các bài đăng có nhãn TT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TT. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Chúa Thánh Thần – nguồn ơn hiệp nhất

Lễ chúa thánh thần hiện xuống (Ga 20,19-23)

Anh chị em thân mến, có thể nói trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần được mạc khải cho ta sau cùng; nhưng cũng trong Chúa Thánh Thần, ân sủng ban cho ta dồi dào phong phú. Thánh Phaolô liệt kê cho ta vô vàn những hoa trái của Thánh Thần Thiên Chúa. Ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay cũng giới thiệu cho ta những ân sủng phong phú của Chúa Thánh Thần. Qua đó, ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần là nguồn ơn của sự hiệp nhất.
Hiệp nhất trong ngôn ngữ
Bài đọc một trích từ sách Công vụ tông đồ là bài đọc đặc trưng nói về ơn Chúa Thánh Thần. Lưỡi tượng trưng cho bộ phận để nói. Lửa nói lên lòng hăng say, nhiệt tâm. Lưỡi lửa là lòng say mê rao giảng Lời Chúa.
Lời Chúa được cất lên bằng mọi thứ tiếng, mọi ngôn ngữ, nhưng điều dặc biệt hơn nữa là mọi người đều có thể nghe và hiểu bằng chính ngôn ngữ của mình. Xưa kia, vì tội kiêu ngạo mà con người không hiểu và chia rẻ nhau (biến cố xây tháp Baben) thì nay nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mọi ngôn ngữ đều hiệp nhất nên một. Nhờ nghe và hiểu mà mọi người lòng trí hiệp nhất: họ để mọi sự làm của chung và một lòng một ý ca tụng Thiên Chúa.
Ngày nay, chúng ta sống trong một giáo xứ, trong cùng một gia đình, nói chung một thứ tiếng nhưng lắm lúc lại không hiểu nhau. Vợ không hiểu nỗi chồng, chồng không hiểu nỗi vợ; cha mẹ không hiểu con cái và con cái không hiểu cha mẹ. Hoặc có khi hiểu nhưng không thể cảm thông và tha thứ cho nhau. Lý do là thiếu sợi dây liên kết trong đời sống chúng ta. Chúng ta loại Chúa Thánh Thần là nguồn ơn hiệp nhất ra khỏi đời sống gia đình để rồi luôn thấp thỏm trong lo âu và sợ hãi.
Hiệp nhất trong ơn Chúa vì lợi ích chung
Trong thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu ở Côrintô, Ngài khẳng định: Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách là vì ích chung. Như đã nói, ân sủng của Chúa Thánh Thần thì vô vàn. Mọi người đều được mời gọi đón nhận. Nhưng những ơn đó ban cho mỗi người không như nhau: có nhiều đăc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí (x. 1Cr 12,4). Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì đuọc ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người. (x. 1Cr 12,8-11).
Mỗi người trong giáo xứ, trong gia đình chúng ta đều được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Mỗi người mỗi cách khác nhau nhưng tất cả đều phục vụ cho một lợi ích chung. Chúng ta không lãnh nhận ơn Chúa để giữ cho riêng mình. Chúa ban ơn cho ta cũng không chỉ vì bản thân ta. Người đánh đàn, kẻ phất nhịp, người đóng góp giọng ca, có cộng tác với nhau thì mới tạo thành một bản hòa tấu hay. Cũng thế, mỗi người được mời gọi cộng tác với nhau trong ơn Chúa để xây dựng lợi ích chung.
Hiệp nhất trong ơn tha thứ và hòa giải
Chúa Giêsu Phục sinh thổi hơi vào các tông đồ và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người đó được tha. Đó không chỉ là lệnh truyền ban quyền tha tội cho các tông đồ nhưng còn là lời mời gọi mỗi người hãy sống tinh thần tha thứ và hòa giải. Ơn Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn mỗi người, giúp ta sống tinh thần này. Nếu mỗi người để cho ơn Chúa Thánh thần tác động, cộng đoàn chúng ta sẽ là một cộng đoàn biết cảm thông, tha thứ và hòa giải. Đó là cộng đoàn của sự hiệp nhất.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người để giúp chúng ta hiệp lòng hiệp ý hướng đến lợi ích chung trong tinh thần hòa giải và tha thứ.

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Lên trời – hành trình về quê hương đích thực

Chúa nhật Chúa lên trời (Mt 28, 16-20)


Chúa lên trời, hoàn tất hành trình dương thế 33 năm. Chúa từ giã trần gian để về với Cha dấu yêu. Chúa từ biệt cõi tạm để về quê hương đích thực. Tuy thế, Chúa lên trời đâu phải để kết thúc mọi sự, Ngài đang mở ra một chân trời mới. Chúa từ giã trần gian đâu phải để rời bỏ các môn đệ nhưng là để mở đường cho Đấng Bảo Trợ đến. Ngài từ biệt cõi tạm để hẹn gặp ta nơi cõi đời đời.
Quả thật, Ngài từng nói: nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em. Thầy sẽ trở lại dẫn anh em đi, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó. Đó là lời hứa tuyệt vời cho các môn đệ và cũng là lời đầy hy vọng cho mỗi người chúng ta.
Chúa lên trời nhắc nhớ ta hướng lòng về quê hương đích thực: đó là nhà Cha ta. Nơi đó có Anh Cả là Đức Giêsu đang đợi ta. Nơi mà chúng ta có một chỗ đã được dọn sẵn.
Trong kinh Mân Côi, khi suy niệm mầu nhiệm năm sự Mừng, ta đọc: thứ hai Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời. Những sự trên trời là những sự gì? Đang ở dưới đất mà cứ hướng lòng lên trời, đó có phải là mộng mơ ảo tưởng?
Động từ “lên” khiến cho ta hiểu lầm rằng “trời” ở đâu đó trên cao, phía trên “chín tầng trời”. Thực ra, “lên” chỉ là cách diễn tả Đức Giêsu “về” với Cha. “Trời” không nhất thiết là ở trên cao nhưng đúng hơn là nơi Cha - Con hợp nhất với nhau. “Trời” là nơi tình yêu Cha Con hiện diện cách trọn vẹn. Hay nói tóm lại “trời” là nơi có tình yêu Thiên Chúa cách tràn đầy: Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.
Như thế, yêu mến những sự trên trời là ao ước được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Sống những sự trên trời là sống tình yêu thương cách trọn vẹn. Trời là nhà Cha ta. Nơi đó có Anh cả Giêsu đang đón đợi ta; có ông bà tổ tiên, bạn hữu đang sum họp.
Hiểu như thế thì nghĩ về trời đâu phải là mộng mơ ảo tưởng. Nước trời đâu phải là chuyện của tương lai. Bởi ngay ở trần gian này ta đã bắt đầu tham dự vào sự kết hợp với Thiên Chúa rồi. Ngay lúc này ta đã có thể sống những giá trị của tình yêu rồi.
Thực vậy, mỗi khi ta cầu nguyện, mỗi khi ta tham dự thánh lễ và nhất là mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa, là ta đang kết hiệp với Chúa. Đó chính là sự khởi đầu của nước Trời ở trần gian này. Khi ta sống tình yêu thương là ta đang sống các giá trị Nước Trời ngay tại trần gian này. Như thế, yêu mến những sự trên trời là khao khát kết hợp với Thiên Chúa và sống tình yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.
Yêu mến những sự trên trời còn được thể hiện bằng cách rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh. Điều gì ta yêu mến, ta sẽ tìm cách giới thiệu cho người khác. Rao giảng và làm chứng về Chúa cũng chính là mệnh lệnh của Đức Giêsu trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Đó đồng thời cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta. Hằng ngày, chúng ta cầu nguyện, xin cho nước Cha trị đến, dưới đất cũng như trên trời. Đó chính là lời nguyện cho nước trời ngày càng rộng mở và hiện diện cách tràn đầy. Nhưng thiết nghĩ, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở lời nguyện mà thôi nhưng phải được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực.
Rao giảng và làm chứng về Chúa, đó chính là nhiệm vụ của mỗi kitô hữu khi còn sống ở trần gian này. Đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, thậm chí có những nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, Chúa mời gọi ta đừng sợ, vì có Chúa luôn ở cùng ta.
Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta ý thức những giá trị của nước trời ngay ở trần gian này; khao khát sống những giá trị đó cách trọn vẹn và nhất là rao giảng, làm chứng cho những giá trị đó qua chính cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta.

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật lễ Lá hôm nay, Giáo hội tưởng niệm lại cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Qua nghi thức rước lá, chúng ta bắt đầu khai mạc tuần Thánh, tuần lễ ghi đậm dấu ấn những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu ở trần gian này. Đây là biến cố trọng đại nhất trong năm Phụng vụ, bởi qua biến cố này, Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ mà Ngài đã hứa từ xa xưa.
Hình ảnh dân chúng cởi áo choàng trải ra đường, bẻ cành lá hai bên đường và tung hô náo nhiệt: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa” cho ta cảm tưởng họ đang chào đón một vị vua đầy vinh quang trần thế. Thế nhưng, về phía Đức Giêsu, Người khiêm tốn ngồi trên lưng con lừa con, tiên báo trước một hình ảnh trái ngược. Vinh quang trần thế chẳng thấy đâu ngoài tấm thân tan nát da thịt. Vâng, vinh quang Người có được không thuộc trần thế này nhưng là vinh quang vĩnh cửu sau khi đã trải qua những đau khổ.
Tại sao Thiên Chúa lại chọn con đường đau khổ như thế?
Các bài đọc hôm nay phần nào cho ta câu trả lời.
Bài đọc một giới thiệu cho ta thấy hình ảnh người Tôi Tớ đau khổ. Người Tôi Tớ này luôn sống theo đường lối Thiên Chúa. Người Tôi Tớ này tự nguyện đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, người không che mặt đi. Tại sao người Tôi Tớ này lại cam chịu như thế? Thưa, vì ông tin có Thiên Chúa phù trợ. Hơn nữa, ông tự nguyện đón nhận tất cả là để cảm thông, an ủi và chia sẻ với những ai lâm cảnh tương tự.
Qua hình ảnh người Tôi Tớ đau khổ, ngôn sứ Isaia tiên báo trước hình ảnh Đức Giêsu, Đấng Vô Tội nhưng tự nguyện bị đánh đập, bị sỉ nhục và sau cùng bị giết chết. Nhờ bản thân đã chịu qua tất cả, nên Đức Giêsu thấu hiểu và đồng cảm với bao nhiêu con người đang phải chịu đau khổ, đang bị đối xử bất công và bạo lực như thế.
Tất cả những gì ngôn sứ Isaia tiên báo đều ứng nghiệm nơi bản thân Đức Giêsu như ta thấy trong bài Thương Khó. Những gì Đức Giêsu đã chịu trong cuộc Thương Khó không nhằm tôn vinh đau khổ nhưng để cứu chuộc và trở nên nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.
Bài trích thư của thánh Phao-lô Tông đồ gửi các tín hữu Phi-lip-phê là một áng văn đẹp ca tụng con đường khiêm hạ của Đức Giêsu. Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để mặc lấy thân phận phải chết của con người. Không những thế, trong thân phận con người, Đức Giêsu còn chịu mọi đau đớn nơi thân xác, mọi đắng cay sỉ nhục trong tinh thần và cao điểm là cái chết trên thập giá. Vì Đức Giêsu đã tự nguyện vâng lời Chúa Cha để đi con đường thập giá nên Ngài đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh.
Anh chị em thân mến,
Nếu như trong Tông sắc năm Thánh về Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi Đức Giêsu là “Dung Nhan Lòng Thương Xót Chúa” thì chính cuộc Thương Khó là lúc Lòng Thương Xót đó được thể hiện cách cụ thể và sống động nhất. Tất cả những gì Đức Giêsu đã chịu, đã đón nhận là vì lòng thương xót dành cho chúng ta.
Vì thế, chúng ta hãy tạ ơn Chúa! Chúng ta hãy tạ ơn vì lòng thương xót đã mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Nhờ cuộc Thương Khó và Phục sinh của Đức Giêsu mà những đau khổ chúng ta gặp phải không trở nên vô nghĩa.

Những ai đang đau khổ, đang chịu áp bức, đang bị đối xử bất công, đang bị sỉ nhục vô cớ, Thiên Chúa không để cô đơn. Ngài không để mặc chúng ta chịu đựng, bởi chính Con Một yêu dấu của Ngài cũng đã từng bị như thế. Hơn ai hết, Ngài hiểu và thấu cảm nổi khổ của ta. Phần ta, hãy tin tưởng và phó dâng cho Chúa. Tin tưởng những đau khổ ta đang chịu có giá trị hiệp thông với những đau khổ của Chúa và phó dâng cho Chúa vì biết rằng qua những đau khổ đó, chúng ta cũng sẽ được thừa hưởng vinh quang với Ngài.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

CÚI XUỐNG BÊN NGƯỜI ANH CHỊ EM

THỨ 5 TUẦN THÁNH

Anh em cũng hãy rửa chân cho nhau. Mẫu gương và giáo huấn của Đức Giêsu thật rõ ràng. Niềm tin vào Đức Giêsu xóa bỏ mọi khoảng cách, mọi ràng buộc và chỉ dành chỗ cho tình yêu mà thôi. Thiên Chúa đã yêu con người đến cùng và Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy yêu thương nhau đến cùng. Tình yêu không chỉ diễn tả bằng lời nói nhưng là cúi xuống để gần hơn với nỗi đau của anh em mình, để nâng đỡ những bước chân rã rời kiệt sức, để làm tươi mát những tâm hồn héo úa, để lau sạch những bụi bặm trần ai, để mang lại sức sống mới cho những cuộc đời thất thểu. Những ai đã một lần cúi xuống bên cạnh người anh em mình thì cũng sẽ dễ cảm nhận được những lần Chúa cúi xuống bên cuộc đời của chính chúng ta.  

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

CHẾT ĐỂ PHỤC SINH



Thứ Bảy Tuần Thánh
Nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su (1Tx 4,14)
Viện dưỡng lão chiều nay có vẻ u buồn hơn, vắng vẻ hơn, không chỉ vì là thứ Sáu Tuần Thánh mà còn vì sự ra đi của Cụ.
Đời người mấy ai sống nổi trăm năm. Cụ là một trong số ít ỏi đó. Trăm năm cuộc đời chẳng phải là ngắn. Từng đó thời gian, lẽ ra đủ để người ta thực hiện ước mơ của đời mình! Cụ đã mơ ước gì? Đã thực hiện nó ra sao? Tôi cũng không rõ lắm. Nhưng nhìn cảnh cụ từ giã cuộc đời tôi thấy băn khoăn làm sao ấy! Chiếc hòm nhỏ gọn nằm lọt thỏm giữa không gian rộng lớn của viện dưỡng lão. Không một khăn tang. Không tiếng nấc nở nghẹn ngào. Phải chăng chỉ là vài tiếng thở dài đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ.
Tôi liên tưởng đến cảnh ngộ của thầy Giê-su. Chỉ mới đây thôi, người người tung hô, nhà nhà reo mừng, vậy mà, thê thảm quá! Cái chết không ai đoán trước. Chiều Canvê u buồn, lắng động. Thỉnh thoảng uất lên vài tiếng nấc nghẹn ngào của vài phụ nữ và người môn đệ yêu dấu.
Nhưng không sao! Rồi mọi sự sẽ thay đổi. Bóng tối sẽ chuyển thành ánh sáng. Cái chết sẽ nhường chỗ cho sự sống. Đau thương sẽ biến thành vinh quang.
Cụ cũng được an ủi phần nào vì “ra đi” cùng ngày với Đấng mà hàng ngày Cụ vẫn tin thờ. Chắc chắn Cụ sẽ gặp được Người và sẽ chỗi dậy cùng Người. Mong rằng ngày đó sẽ mau đến với Cụ.

YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ



Thứ Năm Tuần Thánh (Ga 13,1-15)

Chuyện kể rằng có một bà cụ, nhìn thấy bên dòng nước một cành cây khô, trên cành cây có con bò cạp đang loay hoay để tránh rơi xuống nước. Thấy vậy, bà cụ với tay kéo cành cây vào bờ. Chẳng may bị con bò cạp cắn phải, bà ôm tay đau đớn. Có người trông thấy liền trách bà sao dại dột cứu làm chi con bò cạp. Bà trả lời: cắn người là bản năng của bò cạp còn yêu thương là bản chất của con người. Bà không thể thấy chết mà không cứu. Bị nó cắn chẳng qua do bà không cẩn thận mà thôi.
Vâng, kính thưa cộng đoàn. Yêu thương chính là bản chất của con người. Người xưa có câu: Nhân chi sơ tính bản thiện. Con người tự bản chất là thiện, là hướng đến những việc tốt lành, là sống yêu thương nhau.
Với đức tin Ki-tô giáo, yêu thương của con người còn xuất phát từ Thiên Chúa vì thánh Gioan tông đồ đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách cụ thể qua việc cho Con Một của Ngài đến ở với chúng ta, để đồng lao cộng khổ với chúng ta. Và trong ngày thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, chúng ta tưởng niệm lại những hành động yêu thương cụ thể của Đức Giê-su.
Trước hết là hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.
Nếu một vị vua, hay một vị thủ tướng mà cúi xuống rửa chân cho thần dân của mình thì có lẽ, điều đó cũng vượt ngoài trí tưởng tượng của chúng ta. Thế nhưng, Đức Giê-su, là Con Một Thiên Chúa, là Thiên Chúa cứu độ nhưng đã tự nguyện quỳ xuống rửa chân cho các đồ đệ của mình. Đây quả là hành động xưa nay hiếm thấy. Đó không chỉ là một hành động khiêm nhường nhưng trên hết là một hành động yêu thương. Chỉ với một tình yêu lớn lao, không phân biệt, không so đo, không tính toán mới có thể thực hiện một hành động như thế. Hình ảnh cúi xuống rửa chân diễn tả một tình yêu sẵn sàng dấn thân phục vụ, sẵn sàng cúi xuống trên những phận người khốn khổ, nghèo nàn, thậm chí là những người mà rồi đây, họ sẽ chối bỏ hay phản bội. Thế nhưng tình yêu của Đức Giê-su là tình yêu vô điều kiện.
Bài học Đức Giê-su để lại cho chúng ta thật rõ ràng. Đó là yêu thương và phục vụ nhau cách vô vị lợi. Nhất là dám cúi xuống trên những thân phận cần sự quan tâm nhất, cần sự giúp đỡ nhất. Bài học này không chỉ dành cho các tông đồ mà thôi nhưng là cho mọi môn đệ của người, trong đó có chúng ta.   
Bài học Đức Giê-su để lại cho chúng ta không phải là quá khó, bởi trong lịch sử Giáo hội cũng đã cho thấy nhiều mẫu gương hy sinh phục vụ như thế.
Trong cuốn nhật ký truyền giáo tại Tây Nguyên, cha Dourisbour đã kể lại một cuộc đối thoại giữa cha và một em nhỏ người Bana như sau:
  • Cha từ đâu tới đây?
  • Cha từ nước Pháp, cách đây rất xa.
  • Cha có yêu đất nước của cha không?
  • Có chứ! Cha yêu đất nước của cha, nơi cha đã sinh ra và lớn lên, nơi đã cho cha rất nhiều kỷ niệm.
  • Thế cha có yêu bố mẹ và gia đình của cha không?
  • Có chứ! Cha rất yêu và nhớ bố mẹ cùng gia đình của cha.
  • Thế tại sao cha lại bỏ họ để đến đây ở với chúng con, một nơi rất xa lạ và thiếu thốn nhiều thứ?
Suy nghĩ một lát, cha trả lời: Bởi vì cha rất yêu chúng con. Cha yêu chúng con như yêu cha mẹ của cha vậy. Vì yêu, cha còn có thể làm nhiều thứ cho chúng con nữa.
Và thế là khởi đi từ tình yêu của con người, khởi đi từ những gì rất cụ thể, cha bắt đầu nói với em về tình yêu của Thiên Chúa, một khái niệm quá trừu tượng đối với trí hiểu non nớt của các em.
Kính thưa cộng đoàn, vì yêu thương và muốn phục vụ, nhiều nhà thừa sai đã không quản ngại đường xá xa xôi hiểm trở cũng như muôn vàn khó khăn khác để ra đi, đến những vùng truyền giáo xa xôi, hẻo lánh, để nói về tình yêu Thiên Chúa cũng như để biểu lộ tình yêu của các ngài. Nhiều vị đi chưa đến nơi thì đã bỏ mạng vì thời tiết khắc nghiệt, vì bị quân lính vây bắt. Nhiều vị suốt đời âm thầm hy sinh, phục vụ người nghèo. Chẳng hạn như đức cha Cac-xanh một đời phục vụ người cùi ở trại phong Di Linh và cuối đời đã chết vì chính căn bệnh này.
Cứ dấu này mà người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ thầy, đó là anh em hãy yêu thương nhau. Từ đây, yêu thương trở thành dấu hiệu để nhận biết môn đệ Đức Giê-su. Giáo hội mở rộng tới đâu, tình yêu lan rộng tới đó. Khi đạo Công giáo mới phát triển tại Việt Nam, người ta đã gọi đây là “đạo yêu nhau”. Không phải là tình yêu riêng biệt của một đôi bạn trai gái, cũng không chỉ là tình yêu mở ngỏ cho một gia đình bé nhỏ mà thôi, nhưng là tình yêu nối kết tất cả chúng ta trong một đại gia đình mà Đức Ki-tô là trung tâm. Tình yêu luôn mang dấu ấn Đức Ki-tô.
Thực vậy, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy yêu như Người đã yêu. Người đã yêu như thế nào? Đó là tình yêu sẵn sàng chết đi, không chỉ cho bạn hữu mà là cho một tội nhân. Vì dù là một tội nhân thì tội nhân đó vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái của Thiên Chúa. Đó chính là đặc trưng của tình yêu Ki-tô giáo.
Tình yêu đó ngày nay vẫn được diễn tả nơi muôn vàn khuôn mặt khác nhau của Giáo hội.
Chuyện kể rằng trong trại tù của Đức Quốc xã, có một luật lệ là hễ 1 tù nhân trốn thoát thì 10 người tù khác phải chết thay cho anh ta. Lần nọ, có một tù nhân trốn thoát và người cai tù đã triệu tập tất cả các tù nhân đến. Ông đi một vòng và chỉ: ngươi, ngươi, ngươi… những người ông chỉ là những người sẽ phải chết thay cho tù nhân trốn thoát. Khi ông chỉ đến tù nhân thứ 10 thì ông này vội quỳ xuống khóc lóc van xin: xin hãy tha cho tôi vì tôi còn có vợ và con dại ở nhà. Họ đang mong chờ tôi trở về…
Người cai tù không đồng ý, bỗng dưng trong hàng ngũ tù nhân còn lại có một cánh tay giơ lên: tôi xin được chết thay cho người này. Viên cai tù hỏi: mày là ai? Tại sao mày lại muốn chết thay cho nó. Người này từ tốn trả lời: Tôi là một linh mục Công giáo, tôi không có vợ, không có con. Tôi xin được chết thay cho người này vì anh ta còn có vợ, có con. Người xin chết thay này chính là thánh Maxximiliano Kolbe. Hành động sẵn sàng chết thay của ngài đã phần nào diễn tả lại hành động của Đức Giê-su. Nếu không có tình yêu, nếu không xuất phát từ tình yêu, người ta sẽ không có những suy nghĩ và hành động cao đẹp như thế.
Lời mời gọi tình yêu không nhất thiết đòi hỏi chúng ta hy sinh mạng sống nhưng còn có nhiều cách thế khác phù hợp hơn với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Sự hiện diện của các sr trong cộng đoàn này, sự âm thầm phục vụ hàng ngày của các sr cũng là một cách thức biểu lộ tình yêu. Sự kiên trì nhẫn nại trong công việc, thái độ khiêm tốn vui tươi khi trò chuyện tiếp xúc với nhau cũng là những cách thức biểu lộ tình yêu. Sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, trò chuyện cởi mở, chia sẻ chân thành của các cụ cũng là cách thức biểu lộ và diễn tả tình yêu.
Và kính thưa cộng đoàn, tình yêu còn được biểu lộ và diễn tả qua việc hiện diện ở bên nhau. Khi đã yêu thương thì người ta muốn ở bên nhau, người ta sẵn sàng chờ đợi nhau để được gặp gỡ, để được kề cận bên nhau. Đức Giê-su đã biểu lộ tình thương bằng cách thiết lập bí tích Thánh Thể để ở lại mãi với con người. Nơi bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa sẽ kết hợp với con người. Thiên Chúa sẽ ở lại trong chúng ta.
Ngài luôn chờ đợi chúng ta nơi nhà chầu để chúng ta có thể đến cầu nguyện bằng cách nói chuyện, chia sẻ, tâm sự với ngài. Chúng ta có thể trút nhẹ những lo lắng, những băn khoăn, những sợ hãi của chúng ta cho Ngài. Trung thành và kiên nhẫn đến với Ngài, ở bên Ngài rồi chúng ta cũng sẽ nhận được sự an ủi và ơn bình an trong những lúc khó khăn, đau đớn của cuộc sống.
Chuyện kể rằng có một cụ nông dân, mỗi lần đi làm ngang qua một ngôi nhà nguyện, cụ ghé vào trong tích tắc rồi lại trở ra ngay. Mọi người thắc mắc không biết cụ vào đó làm gì mà nhanh thế?
Thế rồi cụ mắc phải căn bệnh nghiêm trọng. Trong phòng bệnh, mọi người đau đớn, kêu la, cau có. Thế nhưng cụ lại khác. Dù không có nhiều người ghé thăm nhưng người ta thấy cụ luôn nở nụ cười trên môi, thỉnh thoảng cụ như đang tiếp chuyện với ai đó.
Tò mò, người ta hỏi thăm thì cụ trả lời. Trước đây, hàng ngày tôi ghé vào nhà nguyện để thăm Đức Giê-su nên bây giờ, hàng ngày Đức Giê-su cũng đến đây để thăm tôi. Mọi người lại càng thắc mắc hơn và hỏi xem khi đến thăm ông, Đức Giê-su đã nói gì. Ông trả lời. Trước đây, tôi không biết cầu nguyện thế nào nên mỗi lần đến thăm Chúa tôi chỉ nói: Chúa ơi, con là T… đây, con đến đây để thăm Chúa. Bây giờ, Chúa cũng đến và chỉ nói với tôi là: T… à, Ta là Giê-su đây, Ta đến để thăm con. Chúa chỉ nói từng đó nhưng tôi rất hạnh phúc.
Vâng, hạnh phúc thật đơn giản nhưng cũng thật quý giá. Ước gì mỗi người chúng ta cũng đến với Chúa Giê-su Thánh Thể hàng ngày để chính Ngài cũng sẽ đến thăm ta vào những lúc ta cần Ngài nhất.

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

VÌ TIỀN




Thứ Tư Tuần Thánh (Mt 26,14-25)

Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói : "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu."


Vì tiền mà tình thầy trò tan vỡ, nghĩa đồng môn không còn
Ngày nay, nhiều người cũng đang đánh mất nhiều thứ vì tiền.
Vì tiền người ta:
                tự hạ thấp chính mình khi bôi nhọ danh dự của một học sinh
                đánh mất lòng tin của người hâm mộ qua việc bán độ
                bán đi một phần thân thể để giải quyết cảnh khó nghèo
                bán đi danh dự và phẩm giá để lăng xê chính mình
                cắt đứt tình nghĩa anh em, vợ chồng
                phản bội nhau để trục lợi cho mình
    bán đi thể diện của một quốc gia
                hủy hoại đi một mầm sống “ngoài kế hoạch”
    đánh đổi hạnh phúc đời đời
Tiền, cần thật đấy, nhưng vì tiền mà đánh đổi như thế thì liệu có nên chăng?

RỜI BỎ ÁNH SÁNG




Thứ Ba tuần Thánh (Ga 13,21-33.36-38)
Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố : "Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy."
Có một bức họa về bữa tiệc ly, trong đó chỉ có 11 tông đồ. Cả bàn tiệc được ngọn đèn chiếu sáng nhưng ở một góc phnòng là bóng tối. Nơi đó một bóng dáng không rõ ràng đang rời bàn tiệc. Bóng dáng không rõ ràng đó hẳn nhiên là Giu-đa nhưng cũng ám chỉ bóng dáng của mỗi người chúng ta. 
Thực tế là nhiều lúc chúng ta rời bỏ ánh sáng để đi trong bóng tối. Mỗi lần đi ngược với giáo huấn của Tin Mừng, mỗi lần mắc lỗi với anh chị em, mỗi lầm làm trái lương tâm là mỗi lần ta rời bỏ ánh sáng để đi trong bóng tối.
Xin cho chúng con luôn đi trong đường lối Ngài để đạt được ơn cứu độ.