Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Dẫn lễ thứ năm Tuần thánh

THỨ NĂM TUẦN THÁNH
 THÁNH LỄ TIỆC LY

I. NGHI THỨC ĐẦU LỄ
Lời dẫn nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn,
Hằng năm, người Do-thái vẫn có thói quen mừng lễ vượt qua để tưởng niệm việc Gia-vê giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai-cập và ban cho họ một giao ước.
Bữa tiệc mà chúng ta mừng kỷ niệm hôm nay, là bản hoà ước tình yêu của Thiên Chúa với nhân loại, được thể hiện nơi con người Đức Giê-su. Người muốn thực hiện con đường yêu thương đó qua giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Mỗi lần cử hành thánh lễ này, chúng ta cũng tái diễn Bữa Tiệc của Chúa để nhớ đến Người, để tưởng niệm Người đã chịu chết, và trông mong Người trở lại.
Hôm nay, Hội Thánh còn tưởng niệm việc Chúa Giê-su  lập thiên chức linh mục và ban cho chúng ta giới luật yêu thương qua hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.
Tham dự thánh lễ hôm nay, mỗi người chúng ta mặc lấy tâm tình của Chúa Giê-su là bác ái, khiêm hạ để thể hiện tròn đầy hai chữ Ki-tô hữu của mình. Hơn nữa, để biểu lộ lòng biết ơn sâu xa với Chúa Giê-su vì quà tặng cao quý trong nhiệm thể Mình và Máu Thánh. Chúng ta cùng thờ lạy Chúa trong Bí tích Thánh Thể.
Với những tâm tình trên, mời cộng đoàn đứng, bắt đầu Thánh lễ với bài ca nhập lễ.
Ca nhập lễ
Hát kinh vinh danh (rung chuông).
Lời nguyện nhập lễ.
II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Lời dẫn bài đọc I (Xh 12,1-8.11-14) :
Con chiên và những chỉ thị về bữa tiệc Vượt Qua trong thời Cựu Ước, được Gia-vê dùng làm phương thế để giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-cập. Đức Giê-su là chính Chiên Vượt Qua trong thời Tân Ước, nhờ Người mà chúng ta được cứu độ.
Đáp ca : Tv 115
Lời dẫn bài đọc II (1Cr 11, 23-26) :
Thánh Phao-lô tường thuật việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể, và kêu gọi mọi người hãy lãnh nhận cách xứng đáng. Vì khi lãnh nhận là chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại để cứu độ chúng ta.
Lời tung hô Tin Mừng : Ga 13,34
Bài Tin Mừng : Ga 13, 1-15
Giảng lễ
III. NGHI THỨC RỬA CHÂN
Khi chủ tế bắt đầu nghi thức rửa chân, có lời dẫn :
Đang khi dùng bữa với các môn đệ, Chúa Giê-su rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng, rồi người rửa chân cho các môn đệ. Người đã làm và làm như thế, bởi vì Người sinh ra là để nên hữu ích cho ơn cứu độ con người. Có thể nói, việc Chúa Giê-su thể hiện hôm nay đã dệt nên giai điệu ngàn trùng của lòng vị tha và bác ái: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
Ca đoàn hát bài  ca về bác ái yêu thương.
Lời dẫn về ý nghĩa việc rửa chân (tuỳ nghi có thể hát tiếp bài hát về bác ái) :
Rửa chân là việc làm của một người nô lệ. Chỉ có những nô lệ đầy tớ mới rửa chân cho ông chủ hoặc các bạn hữu của ông chủ. Bạn bè không rửa chân cho nhau. Thế mà, Đức Giê-su chọn rửa chân cho các môn đệ. Đây thật là một nét dũng cảm của Tin Mừng, đó là đi rửa chân cho tha nhân.
Đức Giê-su rửa chân cho ông Gia-cô-bê và ông Gio-an là những người có lần muốn trời đánh những kẻ không tin lời dạy của Đức Ki-tô. Họ cũng là những người muốn ngồi bên hữu, bên tả Chúa trong nước Người.
Đức Giê-su rửa chân cho Mát-thêu, người thu thuế giàu có. Chắc hẳn, ông đã từng được các đầy tớ rửa chân cho, nhưng tối nay chính bậc tôn sư của ông lại rửa chân cho ông.
Đức Giê-su rửa chân cho ông Phê-rô, người sẽ chối Thầy đến ba lần vì sợ hãi.
Đức Giê-su rửa chân cho ông Tô-ma, kẻ yếu tin nghi ngờ Thầy đã sống lại.
Đức Giê-su cũng không tránh né đôi chân của Giu-đa, kẻ nộp Thầy. Vì người không sống trong một đạo lí khép kín và duy kỷ. Người rửa chân cho kẻ mà vài giờ nữa sẽ đi nộp Người bằng một nụ hôn.
Cung cách của Đức Giê-su là thế ! Tự huỷ ra không, tự hạ tột bậc, sự khiêm hạ đó là một nét độc đáo  của tình yêu Ki-tô giáo, một tình yêu có một không hai, khác hẳn những tình yêu khác, luôn tìm cách chiếm hữu. Tình yêu của Tin Mừng đòi hỏi rửa chân cho anh chị em mình.
Lưu ý: (thánh lễ chiều nay KHÔNG ĐỌC  kinh Tin Kính)
Lời nguyện tín hữu
IV. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ (như thường lệ).
Sau khi rước lễ, chủ tế sẽ kết thúc thánh lễ bằng lời nguyện hiệp lễ.
V. NGHI THỨC KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA
Lời dẫn :
Hội Thánh kiệu mình thánh Chúa qua nhà Tạm, để chúng ta kính thờ cách đặc biệt long trọng ngày kỷ niệm Chúa lập Bí tích Thánh Thể, đồng thời để đền tạ những xúc phạm của nhân loại đến bí tích Nhiệm Mầu này.
(Trong khi kiệu, cộng đoàn hát bài kính Mình Thánh Chúa.
Khi đến nơi, cha chủ tế đặt bình đựng Mình Thánh Chúa lên bàn thờ phụ, bỏ hương rồi quỳ gối xông hương. Trong lúc hát bài “Ôi Nhiệm Tích” sẽ có những lời dẫn đọc xen kẽ về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể):
Thánh Thể là biểu hiện tình yêu mãi mãi trung thành. Đức Giê-su muốn ở lại vói chúng ta mãi mãi. Người tự huỷ và trở nên lương thực  cho chúng ta. Thân Thầy thật là của ăn, máu Thầy thật là của uống, ai ăn và uống máu Thầy, sẽ ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy.
Thánh Thể là một quà tặng của Thiên Chúa. Một món quà càng có giá trị khi người trao tặng đặt nhiều những gì thuộc về bản thân mình trong đó. Quà tặng của Thiên Chúa là chính Mình Máu Ngôi Hai Thiên Chúa. Tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa tự hiến trong một bữa ăn. Muốn lãnh nhận quà tặng, Thánh Thể tình yêu đó, chúng ta phải biết khiêm hạ, cúi mình xuống và phục vụ tha nhân.
Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời và bánh Tôi ban tặng, chính là  Thịt Tôi  đây để cho thế gian được sống.
Thánh Thể là nhiệm tích tạ ơn, là hy tế chúc tụng, là cuộc Vượt Qua mới từ cõi chết đến cõi hằng sống, là dấu chỉ tình yêu hiệp nhất muôn người trong Thiên Chúa. Đó chính là trung tâm đời sống Ki-tô giáo.
Thánh Thể là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng đời, một sự hiện diện vô hình, nhưng thâm sâu và tròn đầy.
(Sau đó, đóng cửa nhà Tạm và tuỳ nghi thinh lặng giây lát. Cha Chủ tế và các người giúp lễ bái gối, trở vào phòng thánh).

Kính thưa  cộng đoàn,
Nghi thức ngày thứ Năm Tuần Thánh đến đây chấm dứt. Từ lúc này trở đi, Đức Giê-su lo buồn sầu khổ và cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Chúng ta hãy cùng hiệp thông với Ngài  trong cuộc khổ nạn.
Chúng ta âm thầm ra về, và mỗi người sắp xếp thời gian thuận tiện đến chầu Mình Thánh Chúa.
(Vào lúc thuận tiện, lột khăn bàn thờ. Tắt hết đèn Cung thánh để hướng cộng đoàn về nơi lưu Mình Thánh Chúa).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét