Hiển thị các bài đăng có nhãn CN25. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN25. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

ĐÓN NHẬN CUỘC THƯƠNG KHÓ ĐỜI MÌNH


Thứ Bảy tuần XXV (Lc 9,43-45)
Mọi người còn đang hớn hở với những “chiến tích” Đức Giê-su đã làm thì Người dội ngay một gáo nước lạnh: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Các môn đệ chưng hửng, chẳng hiểu Thầy nói gì, nhưng lại sợ, không dám hỏi lại.
Nhiều khi chúng ta cũng đang hí hửng với những thành công thì tai họa ập xuống bất ngờ; mọi việc đang suôn sẻ thì điều trái khuấy xuất hiện. Thay vì đón nhận chúng ta sẽ trách Chúa : Tại sao?
Cuộc đời vẫn còn nhiều bí ẩn bị che khuất bởi niềm tin yếu kém. Thánh ý Chúa vẫn luôn là một câu hỏi khó trả lời. Có khi để trả lời được ta phải biết đón nhận “cuộc thương khó” của đời mình!
Xin Chúa giúp con can đảm đón nhận thánh ý Chúa.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

TÌM GẶP THẦY GIÊSU



Thứ Năm, tuần XXV TN (Lc 9,7-9)
Rồi vua Hêrôđê tìm cách gặp Đức Giê-su
Dù xuất phát từ động lực là gì đi nữa thì ý muốn của vua Hêrôđê cũng gợi cho ta suy nghĩ: ta có tìm cách gặp Đức Giê-su?
Ngày nay, ta chưa thể gặp Đức Giê-su mặt đối mặt nhưng ta có thể gặp Người qua đời sống cầu nguyện, vua việc lắng nghe Lời Chúa, qua bí tích Thánh Thể và nhất là qua gặp gỡ tha nhân.
Mỗi ngày đều có rất nhiều cơ hội để ta gặp thầy Giê-su nhưng liệu ta có tận dụng cơ hội? Câu trả lời thuộc về trách nhiệm của mỗi người!

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

CÓ MỘT GIA ĐÌNH




Thứ Ba, tuần 25 TN (Lc 8,19-21)

Có một gia đình, tưởng là điều đơn giản, bình thường, tất yếu cho hết thảy mọi người, thế nhưng thực tế lại khác. Nhiều em nhỏ ngay khi chào đời đã bị bỏ rơi bởi chính cha mẹ ruột của mình. Nhiều người già đang rơi vào cảnh bơ vơ dù một đời họ đã hy sinh cho con cái. Nhiều người “ở trọ” ngay trong chính căn nhà của mình chứ không phải là vui sống trong một gia đình. Có một gia đình, điều xem ra là thường tình thì giờ đây lại trở thành ước mơ của cả đời người.
Lời Chúa hôm nay thật là một lời khích lệ cho chúng ta. Tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình, gia đình của Đức Giê-su. Không ai bị bỏ rơi, không ai phải bơ vơ. Trở thành một gia đình, đó là lời mời gọi dành cho tất cả mọi người, không phân biệt một ai. Muốn trở nên mẹ và anh em với Đức Giê-su, muốn trở thành một thành viên trong gia đình Thiên Chúa, chỉ có một điều kiện duy nhất, đó là nghe và thực thi lời Thiên Chúa.
Đây không phải là một điều kiện để loại trừ nhưng là một lời gợi mở. Lời gợi mở này mở ngỏ cho tất cả, cho bạn, cho tôi, cho tất cả những ai sống theo tiếng nói của Chân, Thiện, Mỹ. Chúng ta được mời gọi quy tụ và sống tình thân trong một gia đình, gia đình Giáo hội. Liệu bạn có hãnh diện và cảm nhận được niềm vui này?

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Mầu nhiệm thánh ý Chúa (Lc 9,43-56)

Tuần XXV - thứ Bảy

43 Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ : 44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy. 46 Một câu hỏi chợt đến với các ông : trong các ông, ai là người lớn nhất ? 

Tai nạn thảm khốc xảy ra, trời như sụp đổ. Những người đang trong độ tuổi sung mãn nhất của đời người phải nằm đất động hoặc ra đi mãi mãi. Đối diện với những hoàn cảnh đó, con người không ngừng thốt lên câu hỏi tại sao. Tại sao lại là tôi? Tại sao là gia đình tôi chứ không phải ai khác? Thiên Chúa ở đâu? Ngài muốn gì? Có những người ngã gục trước những câu hỏi không lời giải đáp nhưng cũng có những người mạnh mẽ đứng dậy sau những tháng ngày miệt mài tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

"Biết" Đức Giê-su (Lc 9,18-22)

Ngày 27: Thánh Vinh Sơn Phaolô
Tuần XXV - thứ Sáu
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : "Dân chúng nói Thầy là ai ?" 19 Các ông thưa : "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." 20 Người lại hỏi : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Phê-rô thưa : "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa." 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói : "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."
 Chúng ta không được nhìn một người nông dân nghèo hay một phụ nữ nghèo theo dáng vẻ bên ngoài của họ, hay theo cảm nghĩ của chúng ta về trình độ hiểu biết của những người ấy, … Nhưng nếu nhìn dưới ánh sáng đức tin, chị em sẽ thấy họ là hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo… (thư của thánh Vinh Sơn Phaolô gửi cho các Nữ tử Bác ái).

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Trở nên sự thắc mắc cho người khác (Lc 9,7-9)

                                                      Tuần XXV – thứ Năm

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói : "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy." Kẻ khác nói : "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy !" Kẻ khác nữa lại nói : "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại." Còn vua Hê-rô-đê thì nói : "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?" Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

Trong tác phẩm “Dân Làng Hồ” (tường thuật về công cuộc truyền giáo tại Kontum), cha cố Ân (Dourisboure) đã thuật lại những lời thắc mắc của người dân bản địa về các thừa sai ngoại quốc như sau: Tại sao các ông từ bỏ cha mẹ, từ bỏ gia đình, quê hương đất nước để đến nơi khỉ ho gà gáy này? Các ông không thương yêu cha mẹ, gia đình sao? Các ông không sợ khổ sao? Các vị thừa sai đã trả lời những câu hỏi của họ bằng chính cuộc đời mình.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 8,19-21)

Tuần XXV - thứ Ba

 Người ta báo cho Đức Giê-su biết : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." Người đáp lại : "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
Khởi đầu năm mới, hầu như mọi người Công giáo đều muốn chọn cho mình một câu Lời Chúa (hái lộc) để làm kim chỉ nam hướng dẫn đời sống mình trong năm mới. Đây là một thói quen tốt lành và rất đáng được phát huy! Thế nhưng thực tế nhiều khi ta chỉ làm theo thói quen, theo phong trào, vì thử hỏi sau khoảng 3 tháng, mấy ai trong chúng ta còn nhớ câu Lời Chúa của mình là gì?
Có lẽ những lo toan của cuộc sống đã chiếm hết thời gian. Và rồi Lời Chúa giống như hạt giống được gieo vào giữa bụi gai, bị bóp ghẹt giữa bộn bề cuộc sống. Cũng có thể ta sống quá hời hợt, do đó Lời Chúa như hạt giống gieo bên vệ đường, bị chim trời là những thú vui tạm bợ tha mất. Thế nhưng sâu xa, có lẽ do chúng ta thiếu thói quen “nghe và thực hành” Lời Chúa. Chúng ta nghe nhưng thiếu một quyết tâm, hoặc có quyết tâm nhưng thiếu dấn thân, quyết tâm chưa mãnh liệt, do đó chúng ta dễ dàng buông xuôi.
Đức Giê-su luôn nhấn mạnh Lời của Người không phải chỉ để nghe mà thôi nhưng còn phải đem ra thực hành. Chính khi thực thi Lời Chúa chúng ta mới trở thành những môn đệ đích thực. Cựu ước cũng luôn nhấn mạnh đến việc phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Vâng phục có gì khác hơn là nghe và đem ra thực hành!

Lạy Chúa, chúng con đã nghe Lời Chúa rất nhiều nhưng chưa chú tâm thực thi bao nhiêu. Xin cho con có đủ can đảm để thực thi và sống Lời Người mỗi ngày một trọn vẹn hơn.

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Cách thức lắng nghe (Lc 8,16-18)

Tuần XXV - thứ Hai

 “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất" (Lc 8,18).
Vừa bước ra khỏi nhà thờ, có người hỏi tôi, bài Tin Mừng hôm nay nói về điều gì vậy. Tôi bất chợt giật mình và bắt đầu lục lọi ký ức. Chắc hản đó là kinh nghiệm mà nhiều người đã trải qua. Đơn giản là bởi ta nghe Lời Chúa với một trí lòng đóng kín.
Các nhà tu đức có nhiều chỉ dẫn về cách thức lắng nghe và đọc Lời Chúa, nhưng tựu trung là phải sẵn sàng để cho Chúa Thánh Thần tác động. Người sẽ có nhiều cách thức để tác động nơi ta. Đó có thể là sự tác động nơi trí tưởng tượng, hoặc cũng có thể là sự tác động nơi trí hiểu giúp ta có một sự liên hệ thực tế để dễ hiểu Lời Chúa hơn. Đó cũng có thể là sự tác động nơi trái tim giúp ta thêm lòng yêu mến Chúa và tha nhân hơn, hoặc đó là sự tác động nơi ý chí giúp ta thêm quyết tâm thực thi Lời Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con mỗi khi lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, để Lời Chúa luôn là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

KHÔN KHÉO (Lc 16, 1-8)

Chúa nhật 25, năm C

“Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”.
                                                                   Khôn khéo của người đời
Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, mỗi một quyết định đưa ra cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán thiệt hơn và đòi hỏi sự khôn ngoan. Chẳng hạn có người còn giảm giá 50% giá trị sản phẩm để bán được hàng, thế nhưng không ai cho đó là dại. Họ sẵn sàng bỏ qua cái lợi trước mắt để có được cái lợi lâu dài hơn. Đó chính là khôn ngoan của người đời.
Suy niệm
Bài tin mừng hôm nay, Đức Giê-su kể câu chuyện về người quản gia. Ông đoán được tương lai ảm đạm của mình nên đã tính toán rất kỹ và đã chọn lựa cho mình giải pháp tốt nhất.
Theo tục lệ, người quản gia có quyền hưởng một phần lợi nhuận từ những gì chủ đã cho vay. Người quản gia này giảm nợ cho các con nợ tức là hy sinh phần lợi nhuận của chính mình. Việc làm này đã chiếm được tình cảm của các con nợ. Đức Giê-su khen ông ta không phải vì phung phí của cải ông chủ nhưng vì đã hành động khôn khéo để đảm bảo cho tương lai của mình.
Qua câu chuyện này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta biết hy sinh những lợi nhuận trước mắt để được bảo đảm cho tương lai. Dám bỏ qua cái lợi trần thế để chọn lựa cái lợi Nước Trời, đó mới là sự khôn ngoan đích thực mà người tín hữu phải lựa chọn mỗi ngày.
 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết chọn lựa Chúa, dù cho sự lựa chọn khó đòi hỏi con phải có nhiều hy sinh, vì con biết rằng những hy sinh đó sẽ mang lại cho sự sự bảo đảm của Nước Trời.