Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Ơn gọi làm mẹ

Nội dung
      I.      Hiện trạng phá thai hay cái nhìn ở tầng sự kiện
   II.      Nguyên nhân và giải pháp hay cái nhìn ở tầng ý nghĩa
1)    Nguyên nhân :
Ø Không có lý tưởng sống
Ø Cuộc sống hời hợt
Ø Tình yêu ích kỷ
2)    Giải pháp :Tìm lại ý nghĩa và ơn gọi làm người
Ø Ý nghĩa cuộc sống
Ø Nhận diện tình yêu đích thực
Ø Ý nghĩa và giá trị sự sống
o   Sự sống, một huyền nhiệm
o   Sự sống, một quà tặng
III.      Yêu sách tuyết đối : Thiên chức làm mẹ


      I.      Hiện trạng phá thai hay cái nhìn ở tầng sự kiện
Vấn nạn phá thai đang là một vấn đề gây nhức đầu cho cả xã hội. Những ai quan tâm đến sự sống, giáo dục, đạo đức, v.v., không thể không bàng hoàng khi biết Việt Nam là một trong ba nước có con số ca nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó phần lớn là những phụ nữ chưa lập gia đình. Giáo sư bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – giám đốc Bệnh Viện Phụ Sản Từ Dũ, Sài-gòn – cho biết mỗi năm nước ta có khoảng 700.000 phụ nữ nạo phá thai. Riêng ở Sài-gòn, với khoảng 7 triệu dân, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 ca sinh nhưng số ca nạo phá thai cũng tương đương. Tại bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm tổng số sinh khoảng 45.000 người nhưng nạo phá thai hơn 30.000 người. Năm 2004 tại bệnh viện có trên 30.000 trường hợp nạo phá thai, trong đó gần 5.000 em gái dưới 19 tuổi. Thống kê của cả nước cho biết có khoảng 10% số ca nạo phá thai là ở lứa tuổi vị thành niên, chưa có gia đình, tức khoảng 70.000 ca / năm.[1]
Với những con số trên, nhiều người đã nhảy vào cuộc nhằm tìm hiểu các nguyên nhân cũng như hướng hạn chế. Xét về nguyên nhân ta có thể kể ra rất nhiều như bối cảnh xã hội, kinh tế, giáo dục, gia đình, cá nhân v.v.. Bài viết này chỉ nhắm vào đối tượng là những người phụ nữ trẻ_là những người chủ động trong việc quyết định số phận thai nhi_ với mục đích tìm ra những nguyên nhân sâu xa nhất, căn bản nhất dẫn đến tệ nạn trên. Do vậy, bài viết này không đề cập đến mọi nguyên nhân và giải pháp những chỉ đưa ra một cái nhìn triết lý để từ đó đi đến sứ vụ chung và cao cả của người phụ nữ. Đó chính là hồng ân làm mẹ.

   II.      Nguyên nhân và giải pháp hay cái nhìn ở tầng ý nghĩa
1)    Nguyên nhân
Nguyên nhân của việc phá thai ta không thể liệt kê hết được. Tuy nhiên dưới cái nhìn triết lý ta có thể thấy vài nguyên nhân nổi bật sau : đó là một cuộc sống không có lý tưởng, giới trẻ đã đánh mất các giá trị cao đẹp của cuộc sống, đặc biệt là đánh mất ý nghĩa của một tình yêu đích thực.
Ø Không có lý tưởng
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của chiến tranh. Trải qua “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây…”[2], con người Việt Nam nói chung và giới trẻ việt Nam nói riêng đã công hiến cả cuộc đời cho quê hương. Lý tưởng của tuổi trẻ là cống hiến tuổi xuân cho đất nước để giành lấy độc lập và hòa bình.
Nếu như có chút thời gian thanh bình nào thì tuổi trẻ lại ra sức học tập để góp phần xây dựng nước nhà. Nói chung, xã hội luôn cung cấp đủ những lý tưởng, những lý do cao quí để sống và phấn đấu hết mình nhằm tạo lập cho bản thân và góp phần cho tổ quốc.
Thế nhưng hai từ lý tưởng hình như đang xa lạ dần với giới trẻ ngày nay. Đất nước đã thanh bình. Xã hội đã yên ổn. Và hình như sức sống của người trẻ cũng ngủ yên trong “giấc mộng” thanh bình !
Được sinh sống trong bầu khí “yên lặng”, trái tim người trẻ không còn thổn thức với những nhịp đập của xã hội. Người trẻ hầu như không còn quan tâm vận mệnh đất nước. Những vấn đề lớn của xã hội không thu hút được sự quan tâm của số đông giới trẻ. Xã hội phát triển, người trẻ cũng đang mở rộng tầm tay nhưng với mục đích thỏa mãn riêng cho bản thân chứ không phải là hướng đến lợi ích chung của xã hội.
Giới trẻ đánh mất lý tưởng cũng là một hậu quả tất yếu của một xã hội còn nhiều bất cập. Nạn tham nhũng, thiếu trách nhiệm, thiếu uy tín, thiếu trung thực trong nhiều lãnh vực quan trọng của xã hội như các cơ quan nhà nước, vấn đề giáo dục, y tế v.v. đã khiến giới trẻ mất lòng tin. Đứng trước những thực trạng như vậy người trẻ dễ cảm thấy bất lực và thất vọng. Họ không còn đủ lòng tin và mất luôn tinh thần cầu tiến. Họ phải đối mặt với những vấn đề gai góc trước mắt chứ không đủ thì giờ hay không dám xây đắp một lý tưởng xa xôi.
Ø Cuộc sống hời hợt
Từ việc không có lý tưởng dẫn đến việc người trẻ đang sống một cuộc sống rất hời hợt. Không có lý tưởng, người trẻ bị bó buộc vào những vấn đề hiện tại và không thể có cái nhìn xa hơn. Quá coi trọng các vấn đề hiện tại và tự che mình khỏi những hướng nhìn tương lai, người trẻ tự trói những ước mơ của mình. Những vấn đề họ quan tâm trong hiện tại này thường là những vấn đề mang tính thực dụng. Làm việc gì họ muốn có kết quả ngay. Chính vì vậy nhiều khi họ đã bỏ qua nhiều giá trị khác của cuộc sống.
Con người mong chờ điều gì thì sẽ nhạy cảm với điều đó, ngược lại thì họ sẽ vô tình bỏ qua. Nếu không có lý tưởng cao đẹp thì nhiều giá tị khác của cuộc sống như : tình bạn, chân thành, tín nghĩa, hy sinh, vươn lên, … cũng sẽ bị lãng quên. Thiếu các giá trị trên, thế giới này sẽ biến thành hàng hóa dưới mắt con người. Mọi thứ đều được mua bán sòng phẳng bằng tiền bạc hoặc là mạnh được yếu thua. Các giá trị trên trở thành những thứ sa sỉ phẩm. Dưới con mắt của xã hội kinh tế mọi thứ đã được nhìn bằng cách khác.
Cuộc sống hời hợt đưa con người đến vực thẳm của những cuộc khủng hoảng. Cuộc sống trở nên vô nghĩa. Mối dây ràng buộc gia đình ngày càng lỏng lẻo. Tình cảm cũng được con người đánh giá bằng những điều thứ yếu. Sự hời hợt khiến cho con người không thể thỏa mãn với chính mình. Hậu quả là nhiều bạn trẻ lao đầu vào những cuộc ăn chơi, vào những tệ nạn để “hóa giải” chính mình hay nói đúng hơn là để chạy trốn chính mình. Từ đấy những cuộc tình chóng qua bắt đầu xuất hiện như một chiếc áo nhằm che dấu chính mình.
Ø  Tình yêu ích kỷ
Xã hội ngày nay đề cao tự do. Nhưng người trẻ đã quá lạm dụng nó. Giới trẻ ngày nay sớm thoát ly gia đình để hòa nhập vào môi trường rất thuận lợi cho tự do cá nhân. Chính vì vậy họ được tự do lựa chọn lối sống cho mình (dĩ nhiên là vẫn trong vòng ảnh hưởng của xã hội). Nhưng vì quá tự do nên nhiều bạn trẻ đã phải trả giá đắt cho những lựa chọn này, nhất là trong lãnh vực tình cảm.
Đời không lý tưởng, cuộc sống hời hợt, do vậy nhiều bạn trẻ có những cái nhìn cũng rất hời hợt về tình yêu. Thực vậy, trong một xã hội tạp đa, nhiều người trẻ đã có cái nhìn ngộ nhận hay sai lệch về tình yêu. Có bạn cho rằng tình yêu là sự cuốn hút của người khác phái, tình yêu là chiếm hữu, tình yêu là tình dục, tình yêu là tiền tài, là thương mại, …
Trong bầu không khí như vậy, tình yêu của người trẻ trở nên bồng bột, nhất thời. Họ nhìn nhau và đánh giá nhau theo dáng vẻ hay giá trị hào nhoáng bên ngoài. Một cảm giác “phải lòng” họ cũng cho rằng đó là tình yêu để rồi dễ dãi với bản thân_hậu quả của cuộc sống hời hợt. Họ không đủ kiên nhẫn để đón nhận nhau bằng những hy sinh và sự tôn trọng, ngược lại họ muốn “người kia” phải “chứng tỏ” ngay tình yêu dành cho họ. Họ đòi hỏi tình yêu phải cụ thể hóa bằng những hành động. Thậm chí nhiều người đến với nhau không phải bởi sự thúc đẩy của tiếng gọi yêu thương nhưng là vì danh vọng của cải. Hậu quả là càng ngày càng có nhiều cuộc tình vụn vặt, phải lòng thì đến, không phải lòng thì chia tay. Và một hậu quả khác kéo theo làm nhức nhối cả xã hội : đó chính là vấn đề phá thai.

2)    Giải pháp :Tìm lại ý nghĩa cuộc sống và ơn gọi làm người
Ø Tìm lại những giá trị cao quí[3]
Những khủng hoảng của người trẻ xét cho cùng là những khủng hoảng tự bên trong. Vì thế cần tìm ra những giải pháp giải quyết tận gốc rể của vấn đề. Đó là nhiệm vụ quan trọng của gia đình, nhà trường và xã hội.
Ngay từ trong gia đình, những người lớn đã phải có trách nhiệm giúp cho trẻ cảm nhận tình yêu. Nhờ đó, tự trong sâu thẳm tâm hồn, trẻ biết yêu thương những người thân và bác ái đối với mọi người.
Lớn lên, trẻ đến trường. Nhà trường là nơi giúp trẻ hiểu thế nào là nhân lễ nghĩa trí tín. Dù cho ảnh hưởng của Nho giáo lên xã hội không còn như trước đây nhưng những giá trị tinh thần này vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hôm nay.
Xã hội là ngôi trường mở rộng, là nơi áp dụng những gì trẻ đã tiếp thu nơi gia đình và trường học. Nơi đây, trẻ được lôi cuốn không phải bởi những lời nói nhưng bởi những gương sáng. Xã hội, hay cụ thể hơn là các đoàn thể, tổ chức, các nhóm… phải thu hút các bạn trẻ bằng những chương trình hành động cụ thể và thiết thực. Chính xã hội phải cung cấp và hướng dẫn cho các bạn trẻ những lý tưởng hay những giá trị đẹp của cuộc sống.
Xã hội hãy nói cho các bạn trẻ biết họ chỉ thực sự hạnh phúc khi có một trái tim được hướng dẫn bằng một lý trí sáng suốt, được hun đúc bằng một tình thương sâu đậm, được nối dài bằng một đôi tay ham làm.
Một trái tim được hướng dẫn bằng một lý trí sáng suốt có nghĩa là các bạn phải suy nghĩ, dựa trên một lập trường, trên cơ sở tự biết mình, đồng thời chấp nhận mình và biết được giá trị của sự im lặng.
Bạn hãy có một trái tim được hun đúc bằng một tình thương sâu đậm. Được tình người là được tất cả và mất tình người thì bạn sẽ là người nghèo nhất. Vì vậy để nuôi nấng tình người, các bạn hãy biết thông cảm, từ ái, quên mình, lắng nghe và giữ nụ cười.
Bạn hãy có một trái tim được nối dài bằng một đôi tay ham làm. Chỉ qua hoạt động thì cuộc sống mới đáng sống, miễn là hoạt động ấy tự do, nghĩa là tự ý mình nhập cuộc. Hãy làm những việc mình yêu thích. Và nếu không thể nào làm những việc mình yêu thích, thì hãy yêu thích việc mình làm. Và muốn hành động có hiệu quả, bạn hãy nhớ rằng: Không có việc gì nhỏ và phải luôn có lòng nhiệt tâm, quả quyết, không sợ khó và biết chấp nhận cuộc sống.
Trong cuộc sống các bạn đã đối diện với những biến cố trầm bổng. Các bạn sẽ ghi lại trên giấy, hay ít ra trong ký ức mình. Không có trường nào hay hơn trường đời. Không có thầy nào hay hơn chính mình. Với sự nhạy cảm của bản thân, các bạn sẽ khám phá ra những niềm vui nho nhỏ trong những lần chọn lựa, lần lo âu, lần sầu khổ, lần bị hiểu lầm, lần mất mát, lần cô đơn, lần chán nản, lần thành công, lần thất bại, v.v.. Và như vậy chính bạn đã tạo sự phong phú cho chính cuộc đời của các bạn.

Ø Nhận diện tình yêu đích thực[4]
Một khi nhận diện được những phẩm chất cao đẹp của cuộc sống, các bạn trẻ sẽ dễ dàng xác định được đâu là tình yêu đích thực.
Một tình yêu đích thực là tình yêu biết tôn trọng nhau, biết đối thoại với nhau, đón nhận nhau, hy sinh cho nhau, tha thứ cho nhau, có trách nhiệm với nhau và giúp nhau cùng thăng tiến.
Mong muốn người khác có được bản sắc riêng của họ, đó là một trong những đặc điểm của tình yêu đích thực. Chính thái độ tôn trọng cho thấy các bạn có tình yêu đích thực với nhau hay không. Một người yêu thương đích thực luôn hiểu rằng người mình yêu cũng có một cá tính hoàn toàn khác biệt. Hơn nữa, một người yêu đích thực luôn tôn trọng, thậm chí còn khuyến khích sự khác biệt và tính độc đáo này của người mình yêu. Mỗi người là một nhân vị độc đáo và được lớn lên từ nếp sống gia đình, văn hóa cộng đồng, môi trường sinh thái khác nhau, đặc biệt là sự khác nhau về mặt tâm sinh lý giữa người nam và người nữ. Thế nhưng cả hai lại có một điểm chung : đó là nhu cầu cần được tôn trọng.
Để đối thoại các bạn phải tôn trọng, biết lắng nghe và đón nhận nhau. Cuộc sống chắc chắn sẽ có những lúc hiểu lầm, khi đó bạn cần bình tĩnh, lắng nghe nhau với sự tin tưởng và tôn trọng đồng thời chân thành bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Các bạn cần đối thoại với nhau cách thường xuyên. Không những vậy còn phải biết cách đối thoại để đạt hiệu quả : đó là đối thoại đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách.
Khi đã đối thoại với nhau, các bạn cần đi thêm bước nữa, đó là tha thứ cho nhau. Tha thứ không phải là quên đi nhưng là hóa giải những nghi ngờ bực bội thành sự cảm thông và bao dung. Các bạn đừng quá lệ thuộc vào một sự kiện nhưng hãy nhìn với cả con đường cuộc đời. Khi đó bạn sẽ dễ dàng bỏ qua những vấp váp nhỏ nhặt.
Không những tha thứ cho nhau, tình yêu đích thực đòi hỏi các bạn phải hy sinh cho nhau. Thực ra trong tình yêu, hy sinh không hề mang nghĩa mất mát gì cả. Ngược lại, nó sẽ luôn mang đến cho bạn những điều quí giá nhất. Ngoài ra, tình yêu đích thực luôn gắn liền với sự khôn ngoan suy xét và thái độ dấn thân đầy trách nhiệm. Yêu thương đích thực là một hành vi thăng tiến chính bản ngã ngay cả khi mục đích của nó là sự trưởng thành của người khác. [5]
Sau cùng và cũng là điều quan trọng nhất, tình yêu đích thực phải giúp cho cả hai cùng thăng tiến. Tôn trọng, đối thoại, tha thứ, hy sinh, v.v., cuối cùng cũng chỉ là giúp nhau thăng tiến cách toàn vẹn. “Nếu ta yêu đích thực, ta sẽ luôn nhắm đến mục tiêu thúc đẩy sự trưởng thành tinh thần nơi mình và người khác” [6].

Ø Ýnghĩa và giá trị sự sống : là quà tặng, chúng ta đón nhận, quản lý chứ không co quyền quyết định
o   Sự sống, một huyền nhiệm
Quá trình hình thành vũ trụ này chính là một “phép lạ”. Thực vậy, “vũ trụ dường như được điều chỉnh tỉ mỉ để cho phép xuất hiện một vật chất có trật tự, rồi sự sống, và cuối cùng là ý thức. Chỉ cần một trong những hằng số vật lý, ngay từ đầu đã chịu một sự thay đổi hết sức nhỏ bé, thì vũ trụ đã không có cơ may nào để các thực thể sống và có trí tuệ ở đó cả : có thể nó cũng sẽ chẳng bao giờ xuất hiện” [7]. Sự điều chỉnh đó đến từ đâu ? Ngày nay dù khoa học tiến bộ rất nhanh nhưng cũng đành bó tay trước những câu hỏi tương tự. Đó chẳng phải là một huyền nhiệm sao ?
Sự sống từ đâu mà có ? Thuyết tiến hóa Lamark cho rằng cơ thể sống đầu tiên có nguồn gốc từ vật chất vô cơ. Từ cơ thể sống đầu tiên đó tiến hóa lên đến con người và ý thức[8]. Cứ cho là thuyết này đúng, vậy thì đâu là những nguyên nhân đầu tiên để hình thành nên sự sống. Bằng “ngẫu nhiên” nào mà một số nguyên tử lại xích lại gần nhau để tạo thành những phân tử axit amin đầu tiên ? Và bằng “ngẫu nhiên” nào mà những phân tử ấy được tập hợp lại để đi tới tòa nhà phức tạp ghê gớm là AND ấy ? Đó là những câu hỏi mà Jean Guitton, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp đã đặt ra và cuối cùng ông đi đến kết luận là “không có bất cứ ngẫu nhiên nào. Điều mà chúng ta gọi là ngẫu nhiên chỉ là sự bất lực của chúng ta trong việc hiểu một mức độ trật tự cao hơn”[9].
Sự sống trong thiên nhiên đã vậy, sự sống con người càng kỳ diệu hơn. Cuộc sống con người là một trong những huyền nhiệm đối với chính mình. Con người không hiểu hết về chính thực tại làm người của mình. Con người lại càng không thể thấu hiểu và chắc chắn con người sống để rồi đi đâu và về đâu. Con người sớm nhận thức được thân phận con người có bước khởi đầu và hồi kết nhưng lại không biết được lúc nào. Đó chính là một huyền nhiệm về chính con người.
Chính vì việc làm người có một bước khởi đầu và một đoạn kết không thể tránh nên con người luôn băn khoăn về mục đích của cuộc sống này? Đó cũng là một điều huyền nhiệm nữa được đặt ra cho con người.
Sự sống tự nó là một giá trị, thế nhưng con người chỉ nhận thức được điều đó khi con người quan tâm đến sự sống hay cuộc sống, điều đó chúng ta gọi là tình yêu. Như thế, sự sống con người sẽ xoay quanh hai chữ “tình yêu”. Sự sống thật của con người là bởi tình yêu mà ra, sự sống thật của con người thì sống động nhờ tình yêu và làm cho những sự sống khác cũng trở nên sống động nhờ tình yêu. Như vậy, ở đây đặc tính thật của một con người cốt yếu trong tình yêu.
Con người là huyền nhiệm, sự sống con người cũng là huyền nhiệm, ý nghĩa sự sống con người cũng là huyền nhiệm. Có một sự sống mà không thế lực nào có thể giết chết được. Chính sự sống đó làm nên giá trị cao cả của cuộc sống này và làm cho cuộc sống hiện tại được tràn đầy tình yêu giữa con người với nhau. Muốn khám phá cái cao trọng của sự sống, hãy học sống trong tình yêu và hãy học sống yêu thương.
o   Sự sống, một quà tặng
Chính vì là một huyền nhiệm nên con người không thể hay không có quyền làm chủ sự sống, dù là sự sống chính mình hay sự sống người khá. Sự sống con người chính là món quà tặng mà Thượng Đế đã trao gởi lại cho con người. Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong Evangelium Vitae ( Tin Mừng của Sự Sống ), đã viết : “Con người không phải là chủ tể tối cao và cũng chẳng phải là người phán xét cuối cùng, mà con người, chính là sứ giả cho công trình của Thiên Chúa về sự sống và sự tạo dựng, thì đó mới chính là sự vĩ đại không thể so sánh được của con người.”
C.S. Lewis cũng đã từng hỏi: “Bạn có phải là tên chủ đất hay là kẻ tá điền về sự hiện diện của bạn không ?” Chúng ta không thể nào tự tạo ra chúng ta được hay đem con cái của chúng ta ra hiện diện nơi trần thế này được, vì sự sống chính là món quà cao quí nhất mà Thượng Đế dành cho con người. Qua tính hào hiệp và đại lượng cao cả của Ngài, Thượng Đế đã giao phó cho mỗi người trong chúng ta về mạng sống của chúng ta và mạng sống của tất cả mọi người.
Chính vì sự sống là một huyền nhiệm và là một quá tặng nên điều 3 trong bản Tuyên Ngôn Nhân quyền có ghi: “Mọi cá nhân đều có quyền sống”. Cũng vậy, điều 6 Công Ước quốc tế về Luật Dân sự và Chính Trị có quy định: “Quyền sống gắn liền với nhân vị con người. Không ai có thể bị tước mất quyền sống một cách độc đoán”. Như vậy, “Đối với con người, quyền căn bản nhất chính là quyền được sống ! Ấy thế mà một bộ phận trong nền văn hóa ngày nay đã muốn chối bỏ cái quyền căn bản cần được bảo vệ này”. Quyền sống bao gồm quyền được sinh ra và được sống cho đến khi chết một cách tự nhiên: “Bao giờ tôi còn sống tôi còn có quyền được sống”.” [10]

III.      Yêu sách tuyệt đối : Thiên chức làm mẹ
Người phụ nữ có một “ơn gọi” và “sứ vụ” đặc biệt, đó là trở thành những cộng tác viên của Đấng Tạo Hóa trong việc nuôi dưỡng và giữ gìn sự sống.
Sự kiện thai nhi hình thành và lớn lên trong bụng người mẹ quả là “mầu nhiệm” vượt quá sự chủ động của con người. Người mẹ chỉ biết đón nhận nó với tất cả sự thán phục và sung sướng. Sự sống không lệ thuộc vào trình độ hay khả năng của người mẹ. Sự sống hình thành cách tự nhiên và tất cả mọi người nữ đều có khả năng này (tự bản chất). Kinh Thánh Cựu Ước đã ghi lại lời nói của một người mẹ như sau : "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài” (2Mcb, 7, 22-23a). Như vậy thiên chức làm mẹ là một ơn ban nhưng không dành cho mọi người nữ.
Nếu như Thượng Đế đã ban cho mọi người nữ khả năng làm mẹ thì cũng ban cho họ một trái tim tuyệt vời. Đó là trái tim yêu thương của người mẹ. Nhạc sĩ Y Vân đã diễn tả: “lòng mẹ bao la như biển thái bình”. Còn Bersot đã khẳng định: “trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất vẫn là trái tim của người mẹ”, hay nói như Grétry: “tuyệt phẩm của Tạo hóa, chính là trái tim của người mẹ”. Hoàng đế Napoléon đệ nhất lại qủa quyết: “tương lai của đứa con là công trình của người mẹ”. Điều quan trọng nhất người mẹ trao ban cho người con chính là phẩm hạnh của một con người. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân bản nơi đứa con.
Giáo hội Công Giáo cũng luôn khẳng định tầm quan trọng của thiên chức làm me, ơn gọi làm mẹ là ơn gọi cao qúi không thể thay thế[11]. Giáo hội mời gọi các người mẹ Kitô hữu ý thức được vai trò thánh thiêng của người mẹ: “chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc làm rất quan trọng của các người phụ nữ, những người mẹ trong lòng gia đình… Lòng mong ước hợp lý đóng góp bằng những khả năng của mình cho thiện ích chung, và chính bối cảnh xã hội, kinh tế thường đưa người phụ nữ đến một họat động nghề nghiệp. Tuy nhiên cần tránh cho gia đình và nhân loại phải chịu một sự mất mát và nghèo nàn hơn, bởi vì người phụ nữ không thể thay thế trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Bởi vậy, các chính quyền cần phải đưa ra những luật lệ thuận lợi cho việc thăng tiến nghề nghiệp của người phụ nữ và đồng thời bảo vệ cho ơn gọi làm mẹ và làm nhà giáo dục của họ”[12].



[1] Lê Thanh Hà, báo Tuổi Trẻ 8.8.2005
[2] Trịnh Công Sơn, bài hát “Gia tài của mẹ”.
[3] Tham khảo của Trần Duy Nhiên, bài viết “Quà gửi cho em”, truyển tập Nối lửa cho đời số 3, An Phong, 2000.
[4] Tham khảo bài viết “để có một tình yêu đẹp” của Nữ tu Nguyễn Thị Oanh, Dòng Đaminh Tam Hiệp.
[5] Scott Peck, con đường chẳng mấy ai đi, phần hai : tình yêu, linh mục Lê Công Đức dịch.
[6] Nt
[7] Jean Guitton, Grichka Bogdanov và Igor Bogdanov, Thượng đế và khoa học, nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 77-78.
[8] Joanes Di Napoli, Vũ Trụ Học, Giuse Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ, trang 139.
[9] Jean Guitton, Grichka Bogdanov và Igor Bogdanov, Thượng đế và khoa học, nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 62.
[10] “Vượt qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trích lại trên báo điện tử Ephata số 14.
[11] x. Mulieris dignitatem, số 18.
[12] Gioan Phaolô II, huấn từ ngày 19.03.1994, số 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét