Hiển thị các bài đăng có nhãn PS3. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn PS3. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

THẦY CÓ LỜI BAN SỰ SỐNG

THỨ BẢY TUẦN III PS (Ga, 6, 60-69)
Đi từ cuộc sống: Lời Chúa vẫn còn khó hiểu đối với nhiều người thời nay. Có những lời cũng dễ hiểu nhưng sao trần trụi quá, cụ thể và quyết liệt quá. Nghe mà không thể đón nhận được. Có những người dựa vào một hai câu Lời Chúa để hiểu theo nghĩa đen rồi dùng nó châm chọc, kích bác Chúa và Giáo hội. nhưng cũng có những người tuy không hiểu nhiều nhưng sẵn sàng đón nhận vì đơn giản đó là Lời Chúa.
Lời Chúa soi đường: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì sẽ có sự sống đời đời”. Lời rất thật, rất cụ thể nhưng cũng rất chân thành. Thật và cụ thể đến nỗi có các môn đệ đã không thể chịu nỗi và phải rút lui. Nhưng trái lại, Phêrô hùng hồn tuyên bố: “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, vì chỉ có Thầy mới có Lời ban sự sống”. Chúa Giêsu khẳng định, không ai có thể đến với Thầy được nếu Chúa Cha không ban ơn.
Cảm nhận tình thương: Để hiểu Lời Chúa, chúng ta không chỉ cậy dựa vào trí khôn mà thôi nhưng trước hết là nhờ ơn Chúa. Nhiều người trong chúng ta có lẽ thua kém người đời rất nhiều xét về mặt tri thức. Thế nhưng, tạ ơn Chúa vì chúng ta không gặp khó khăn khi đón nhận Lời Chúa.

Dấn thân hành động: với lòng khiêm nhường, chúng ta xin Chúa mở trí để mỗi ngày càng thêm hiểu biết và sẵn sàng đón nhận Lời Chúa hơn.

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

HÌNH ẢNH GIÁO HỘI BÊN BIỂN HỒ TIBÊRIA

Chúa nhật III Phục sinh
HÌNH ẢNH GIÁO HỘI BÊN BIỂN HỒ TIBÊRIA
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kể lại việc Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ lần thứ 3 tại Biển Hồ Tibêria. Qua lần hiện ra này, chúng ta có thể nhận ra hình ảnh một Giáo hội thật sống động.
Một Giáo hội quy tụ bên vị thủ lãnh
Dù cho Phêrô vẫn còn khiếm khuyết qua việc chối Thầy, thế nhưng ngài vẫn có uy tín với các Tông đồ khác. Các vị khác tuy không chối Chúa nhưng có lẽ cũng chẳng có ai dám coi mình tốt hơn hay xứng đáng hơn Phêrô. Chính Chúa Giêsu cũng đã xác nhận vị trí của Phêrô qua việc giao phó đoàn chiên của Ngài. Ngày nay, dù cấp độ hoàn cầu hay địa phương, hình ảnh Giáo hội vẫn là hình ảnh quen thuộc đó: một đoàn chiên quy tụ bên vị mục tử. Dù cho vị mục tử vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng các ngài vẫn là những người được Chúa tuyển chọn để chăm sóc đoàn chiên.  
Đã quen với việc có Thầy ở bên, giờ không có Ngài các ông cảm thấy buồn. Do vậy, Phêrô quyết định ra khơi đánh cá. Thủ lãnh ra khơi, lẽ nào các môn đệ khác ngồi ở nhà? Vậy là các ông lên tiếng: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Ra khơi để cùng chia sẻ vui buồn sướng khổ với nhau, ra khơi để cùng chịu vất vả và tận hưởng niềm vui với nhau, đó là một hình ảnh đẹp của Giáo hội. Mẻ lưới đầy cá được kéo vào bờ trước Phêrô nhưng các môn đệ không vội đưa lưới lên bờ. Cần chờ Phêrô vào bờ để chính ngài phụ trách việc đếm cá. Giáo hội vừa đồng lòng hiệp nhất nhưng cũng có trật tự rõ ràng. Vai trò của Phêrô luôn được tôn trọng. Giáo hội ngày nay cũng cần như thế. “Ra khơi” không chỉ là việc của các Giám mục, Linh mục hay Tu sĩ nhưng là của tất cả mọi người. Tất cả đều cùng “ra khơi bắt cá” dưới sự hướng dẫn của vị mục tử.
Một Giáo hội sống Lời Chúa
Các tông đồ ra khơi nhưng không bắt được gì, cho tới khi làm theo lời Đức Giêsu. Nhờ làm theo lời Đức Giêsu, họ được một mẻ cá lạ lùng với 153 con. Theo các nhà khoa học lúc bấy giờ, người ta biết được tất cả là 153 loài cá dưới biển. Nếu đúng như thế thì 153 không phải là con số chỉ số lượng nhưng chỉ số loại. Nghĩa là mẻ lưới của các Tông đồ bắt được tất cả các loại cá có được ở dưới biển. Điều kỳ diệu đó xảy ra không phải do khả năng của các ông nhưng nhờ nghe và làm theo Lời Đức Giêsu.
Giáo hội ngày nay cũng thế, sẽ vất vả uổng công nếu thiếu vắng Đức Giêsu. Mọi nổ lực của con người sẽ trở nên vô ích nếu không có Chúa. Mọi nổ lực xây dựng Giáo xứ sẽ vô ích nếu không được hướng dẫn bởi Lời Chúa. Gia đình sẽ không thể hạnh phúc thực sự nếu gạt Chúa ra ngoài. Việc giáo dục con cái sẽ không trọn vẹn nếu không khuyến khích con cái học hỏi giáo lý để biết và sống Lời Chúa.
Một Giáo hội quy tụ bên bữa tiệc thánh thể
Các môn đệ lên bờ thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Các môn đệ có vẻ e dè khi đến với Đức Giêsu. Điều đó cũng dễ hiểu bởi các ông còn mặc cảm về tội lỗi của mình. Người thì bỏ Thầy mà chạy bán sống bán chết, người theo Chúa xa xa thì lại chối Thầy. Hầu hết đều bặt vô âm tín trong những ngày Thầy chịu khổ hình.
Trái ngược với thái độ e dè của các môn đệ, Đức Giêsu chủ động đến với các ông. Như biết được nỗi lòng của các ông, Ngài ân cần chăm sóc và tận tình lo lắng. Ngài dọn sẵn cho các ông một bữa ăn sau đêm dài vất vả. Ngài mời gọi các ông đến dùng bữa với Ngài. “Anh em hãy đến mà ăn!” Lời mời gọi thật thân thương và gần gũi biết bao. Ngài cầm lấy bánh và cá mà trao cho các môn đệ. Đó là những cử chỉ gợi lại việc Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể.
Hình ảnh Giáo hội là hình ảnh các tín hữu quy tụ nhau quanh bàn tiệc Thánh Thể. Có Đức Giêsu hiện diện và chăm lo. Ngày nay cũng thế, hình ảnh Giáo hội sẽ chưa trọn vẹn nếu thiếu việc cử hành bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Hay nói khác khác, ai tự tách mình ra khỏi bàn tiệc Thánh Thể thì cũng có nghĩa là tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội.



Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

HỒNG ÂN ĐỨC TIN

Thứ Năm tuần III PS (Ga 6,44-51)

"Không ai đến được với Tôi nếu Cha Tôi không lôi kéo người đó"
Chúa Giêsu đã nói: Người không tự mình đến thế gian nhưng là theo ý của Chúa Cha. Mà ý của Chúa Cha là tất cả những ai tin vào Đức Giêsu không phải chết nhưng sẽ sống lại vào ngày sau hết.
Nhưng, như thế nào là tin vào Đức Giêsu? Tự mình, chúng ta có thể tin vào Đức Giêsu được không? Đức tin trước hết là ơn ban của Chúa. Chính Thiên Chúa mời gọi và ban cho ta ơn đức tin. Phần ta, chúng ta chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa để đức tin càng ngày càng bền vững.
Trong bài đọc 1, trích từ sách Công vụ Tông đồ, có một vị quan đọc sách ngôn sứ Isaia nhưng không hiểu. Với sự trợ giúp của Thần Khí Thiên Chúa, Philiphê đã giảng giải lời Chúa cho ông, nhờ đó, ông đã hiểu và đã tin. Như thế, để tin vào Đức Giêsu cần có người giảng dạy, đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: không ai đến được với Tôi, nếu Cha Tôi, không lôi kéo người đó. Như thế, chúng ta biết và tin vào Đức Giêsu là nhờ Chúa Cha lôi kéo. Chúa Cha lôi kéo chúng ta theo nhiều cách thức khác nhau: Người sai Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta, hay Người cũng có thể dùng một người nào đó, thậm chí có khi là người mà ta chưa hề biết.
Tóm lại, đức tin của chúng ta trước hết là ơn ban của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải biết cảm ơn Ngài. Chúng ta hãy cầu nguyện và học hỏi để đức tin của ta ngày càng vững mạnh hơn. Amen.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA: AI TIN CHÚA CON SẼ ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Thứ Tư, tuần III PS (Ga 6,35-40)
Kính thưa cộng đoàn, các bài đọc hôm nay đề cập đến chương trình, kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Chương trình đó, đôi khi khó hiểu, nếu ta nhìn vào từng sự kiện cụ thể, nhưng, dưới sự hướng dẫn của Chúa, tất cả đều sẽ trở nên tốt đẹp.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói cho ta biết Người không tự mình đến thế gian nhưng là theo ý muốn của Chúa Cha. Và ý muốn của Chúa Cha là tất cả những ai tin vào Chúa Con sẽ không phải chết đời đời nhưng sẽ sống lại vào ngày sau hết.
Thế nhưng, tin vào Chúa Con cũng không phải là điều đơn giản, bởi không phải chỉ nói “lạy Chúa, lạy Chúa” là tin vào Chúa. Không phải cứ rửa tội, là được ơn cứu độ. Tin vào Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta nhiều hơn thế.
Chẳng hạn trong bài đọc 1 trích từ sách Công vụ Tông đồ, sau khi phó tế Têphanô bị ném đá chết, Giáo Hội tại Giêrusalem tiếp tục bị bách hại khiến cho các tín hữu phải từ bỏ Giêrusalem mà phân tán khắp nơi. Vì tin vào Đức Giêsu Kitô, các tín hữu đầu tiên phải đối diện với sự truy bắt và bách hại của quan quân.