Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

TÍN ĐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI



Dẫn nhập
Nếu như hai tín điều đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và Trọn Đời Đồng Trinh được Giáo hội tuyên xưng từ rất sớm (vào thế kỷ thứ IV), thì hai tín điều Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời mới được Giáo hội tuyên xưng vào thế kỷ XIX và XX. Điều đó không có nghĩa là hai tín điều này mới được mạc khải nhưng vì Giáo hội cần một thời gian suy tư dưới sự soi sáng của Chúa Thánh thần mới có thể hiểu nội dung súc tích của các tín điều này.
Lịch sử hình thành tín điều[1]
Ngay từ thời các giáo phụ, người ta đã ghi nhận sự thánh thiện của đức Maria nhưng không mấy ai đặt vần đề đức Maria thánh thiện (được khỏi tội) từ lúc nào. Thánh Anselmô là người khởi đầu cho những cuộc khảo luận thần học về đức Maria vô nhiễm. Ngài nêu lên vấn nạn: nếu đức Maria được sạch tội ngay từ lúc thụ thai thì hóa ra người không cần đến ơn cứu chuộc hay sao? Và rồi ngài trả lời rằng đức Maria được hoàn toàn cứu chuộc ngay từ trước khi sinh ra. Tuy nhiên không phải tất cả các nhà thần học đều đồng ý với lập luận ấy vì những vấn nạn về ơn cứu chuộc. Gulielmô de Ware và Gioan Scôtô giải quyết vấn nạn bằng cách phân biệt giữa ơn thánh “rào đón” và ơn thánh “chữa trị”. Cả hai đều là hiệu quả ơn cứu chuộc của Đức Kitô nhưng đức Maria được ơn “dự phòng”, nghĩa là người được giữ gìn khỏi tội vì nhắm thấy trước những công nghiệp của đức Kitô. Vào năm 1661, đức Giáo hoàng Alexandrô VII cho rằng đạo lý đã có tính cách phổ quát và cấm nói ngược lại. Vào năm 1849 sau khi tham khảo ý kiến của tất cả các Giám mục hoàn cầu, tín điều đức Mẹ vô nhiễm đã được công bố ngày 8/12/1854.[2]


Về khía cạnh Phụng vụ, từ thế kỷ thứ VII bên Hy Lạp, người ta thấy xuất hiện một thánh lễ kính sự thụ thai của bà thánh Anna[3]. Đến thế kỷ thứ 8 bên Đông phương xuất hiện lễ “đức Maria thụ thai” mừng vào ngày 8 tháng 12. Lễ này được truyền qua Tây phương vào thế kỷ thứ 9. Đức Giáo Hoàng Sisto IV chuẩn y bài lễ và bài nguyện lễ Vô nhiễm năm 1477. Năm 1708, đức Clementê XI nâng lễ Vô nhiễm lên hàng lễ buộc, và năm 1863 đức Pio IX chuẩn y bài lễ và bài nguyện đã được duyệt lại.[4]

Nội dung tín điều
Năm 1854, đức Piô IX, với sắc chiếu Ineffabilis, đã long trọng tuyên bố tín điều Vô nhiễm nguyên tội như sau: “chúng tôi long trọng tuyên bố rằng đây là một đạo lý được Chúa mạc khải: Trinh nữ Maria rất thánh, ngay từ lúc đầu tiên thụ thai, đã được phòng ngừa khỏi tỳ ố của tội nguyên tổ, nhờ ân sủng diệu kỳ và do đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, và vì nhắm tới công trạng của đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, chân lý đó cần phải được hết mọi tín hữu tin vững chắc” [5].

Nền tảng kinh thánh[6]
Kinh thánh không có đoạn văn nào nói rõ rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ. Tuy nhiên ta thấy những nền tảng để quả quyết rằng đây là một chân lý được Chúa mạc khải.
Đức Maria là “đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28). Đạo lý vô nhiễm nguyên tội muốn xác nhận một chi tiết của sự “đầy ơn” ấy khi xét tới giai đoạn khởi đầu hiện hữu.
Sự thù địch giữa người nữ và con rắn (St 3, 15). Các giáo phụ đã khám phá ra vai trò của đức Maria như là Eva mới. Cũng vì vậy mà người hoàn toàn thánh thiện, tuy dẫu ở bên cạnh đức Kitô và tùy thuộc vào ngài. Chính đoạn văn này đã gợi hứng cho rất nhiều bức họa vẽ Đức vô nhiễm đạp con rắn ở dưới chân mình.[7]
Khi bàn về sự thánh thiện của đức Maria, truyền thống và phụng vụ cũng áp dụng một hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt cho người, đó là “cung thánh của Đấng Tối Cao” : đức Maria được ví như thánh điện Giêrusalem, nơi Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài, vì vậy Ngài đã gìn giữ đức Maria không hề phải dưới bóng của tội lỗi. Kinh nguyện phụng vụ ngày lễ Mẹ vô nhiễm đã gợi lên đề tài ấy: “lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho con Chúa giáng trần khi làm cho đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng Mẹ…”

Ý nghĩa thần học[8]
Tín điều vô nhiễm nguyên tội cần được nhìn trong mối tương quan với Chúa Cứu Thế và trong mối tương quan với Hội thánh, cũng như trong kế hoạch cứu rỗi.
Trong kế hoạch cứu rỗi: tín điều vô nhiễm nguyên tội nói lên ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Ngài tuyển chọn ta ngay từ nguyên thủy, vì yêu thương ta chứ không vì công trạng của ta (x.Ep 1,4).
Trong tương quan với Chúa cứu Thế: Đức Maria tùy thuộc chặt chẽ vào Chúa Cứu thế. Mẹ được thánh hóa là nhờ hồng ân của Chúa, hồng ân đó không chỉ tác dụng nơi Mẹ lúc bắt đầu hiện hữu nhưng còn tác động trong suốt cuộc đời Mẹ.
Trong tương quan với Giáo hội và nhân loại: khi nói rằng đức Maria được khỏi tội thì cần phải hiểu rằng Mẹ được giải thoát khỏi thái độ ích kỷ, khỏi những chướng ngại ngăn trở lòng mến Chúa. Giáo hội nhìn đức Maria như là phần tử ưu tú của mình đã chiến thắng tội lỗi và tính ích kỷ nhờ hồng ân của Đức Kitô. Nơi Mẹ, Giáo hội thấy rằng con người, nhờ ơn thánh, có thể đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa; Giáo hội tin tưởng rằng ơn thánh có sức mạnh lớn hơn tính yếu đuối mỏng dòn của con người.



[1] Xc. Gioan Phaolô II, Những bài huấn giáo về đức Maria, bản dịch của Phan Tấn thành, tr. 92-94.
[2] Xc. Phan Tấn Thành, sđd, tr. 107-708.
[3] Xc. Nguyễn Văn Trinh, Thánh mẫu học, 2005, tr. 258.
[4] Xc. Phan Tấn Thành, Vầng trăng tuyệt vời, đức Maria trongmầu nhiệm cứu độ, tr. 106.
[5] Xc. Gioan Phaolô II, sđd, tr. 95-97.
[6] Xc. Phan Tấn Thành, sđd, tr. 110-111.
[7] Xc. Gioan Phaolô II, những bài huấn giáo về đức Maria, bản dịch của Phan Tấn thành, tr. 88-89.
[8] Xc. Phan Tấn thành, sđd, tr. 112-113.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét