Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (3)

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Thánh Phaolô nói với chúng ta : “Giữa các anh em, hãy có tâm tình của Đức Giêsu Kitô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, … nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:5-9). Những lời này thúc giục chúng ta đồng hóa chính mình với Đức Giêsu khiêm nhường. Tuy nhiên, khiêm nhường là gì ? Chức năng của đức khiêm nhường trong việc thực thi đời sống tu trì là gì ?
Những gì chúng ta coi là to lớn thì Thiên Chúa xem là nhỏ nhặt, những gì chúng ta coi là lố bịch, Thiên Chúa xem là cao cả[1]. Khiêm nhường là sức mạnh hay là nhân đức nhằm đặt để chúng ta vào trong nhãn quan của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể đánh giá lại và nhìn mọi thứ như chúng là. Khiêm nhường là một quà tặng, một nhân đức giúp chúng ta phần nào hiểu được những gì là đáng giá dưới ánh mắt Thiên Chúa, cũng như những gì Ngài muốn nơi mỗi người chúng ta. Khi Chúa Cha kêu gọi chúng ta nên giống Chúa Giêsu, Ngài kêu gọi chúng ta nên giống với những tình cảm sâu kín nhất của Chúa Giêsu.
Thế nhưng tâm tình nơi Đức Giêsu là gì ? Chính Ngài đã nói với chúng ta : “Hãy học cùng tôi vì tôi khiêm nhường trong lòng” (x. Mt 11:29). Với câu nói này, Đức Giêsu “cho thấy Ngài có một tấm lòng qui phục theo thánh ý Chúa Cha, bất cứ điều gì có thể. Một ‘tấm lòng khiêm nhường’ cũng giống như một ‘tinh thần nghèo khó’, là những người đã từ bỏ những quan điểm của mình để mặc lấy cái nhìn của Thiên Chúa”[2]. Khiêm nhường – như luôn được dạy trong Giáo hội – là nền tảng của sự hoàn hảo Kitô giáo. Bất cứ ai muốn trở thành Kitô hữu phải bắt đầu với cấp bậc nền tảng này. Bất cứ ai dựa vào sự tự phụ và tự mãn của mình sẽ không bao giờ tìm cách trở thành một Kitô hữu. Chúng ta có thể không đồng hóa với Đức Kitô mà cũng không thuộc về Ngài nếu chúng ta kiêu căng, tự kiêu, tự mãn, tự phụ, bởi khi đó chúng ta tôn thờ chính bản ngã của mình.
Cựu ước khuyên chúng ta : “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3, 18). Lời đề nghị ngược lại cũng rất đúng : Thiên Chúa từ chối ban ân huệ cho những kẻ kiêu căng. Đức khiêm nhường chuẩn bị cho ta đón nhận ân huệ Thiên Chúa. Tại sao vậy ? Bởi vì Thiên Chúa trao cho chúng ta ân huệ của Người dưới hình thức đức khiêm nhường, và chỉ có ai khiêm nhường mới nhận ra. Khi ta nhận ra sự nghèo hèn và bé nhỏ của mình, mọi thứ sẽ trở nên cao quí. Nhưng khi ta nghĩ mình cao quí, hầu như sẽ không có gì làm hài lòng ta. Sách Châm Ngôn cho thấy điều này cách rõ ràng : “Người no, tảng mật cũng coi thường, kẻ đói thấy đắng cay cũng ngọt” (Cn 27, 7). Vì vậy, những ân huệ của Thiên Chúa thường xuống trên những ai nghèo hèn và tầm thường, và họ biết cách đón nhận chúng cách hạnh phúc. Ngược lại, sẽ rất khó để khám phá ra quà tặng của Thiên Chúa đối với những kẻ kiêu căng và tự phụ. Tính kiêu căng càng lớn chúng ta càng có một ý thức lớn dần về nỗi bất hạnh. Ngược lại, đức khiêm nhường càng thẳm sâu, chúng ta sẽ càng nhận được mọi thứ như một ân huệ, một quà tặng.
Khiêm nhường cũng có nghĩa là nhận ra những món quà của chính chúng ta và dâng tất cả cho Thiên Chúa :
Con ơi, hãy tự hào một cách khiêm tốn, và tự trọng đúng với giá trị của con. Người phạm tội hại đến bản thân, ai bảo nó là công chính được ? Nào ai tôn trọng được kẻ khinh chính mình ?  (Hc 10, 28-29).
Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và là Cha, đã rất đau lòng khi chúng ta không nhận ra những điều tốt lành, những chân lý và vẻ đẹp Người đã gieo vào lòng chúng ta, khi chúng ta chỉ là những món quà bất xứng. Khiêm nhường là nhận ra con người thật của chính mình : cả những gì chúng ta là và những người chúng ta phụ thuộc. Chúa Giêsu đã nhận biết những gì Người làm và những ân huệ Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha ; tuy nhiên người trao cho Chúa Cha vinh quang Người đã lãnh nhận. Theo cách này, những người khác cũng trao những vinh quang họ nhận được qua chúng ta cho Chúa Cha là Đấng ngự trên trời. Chúng ta không chỉ trao tinh thần – là hình ảnh của Thiên Chúa – nhưng còn trao cả con người chúng ta nữa. Chính chúng ta phải trở nên một sự mạc khải đáng tin cậy của Thiên Chúa. Chúng ta không được phép cất giấu những ân ban nơi chúng ta. Chúa Giêsu cho biết người tôi tớ đem chôn tài năng – là món quà đã nhận được - sẽ bị kết án (x. Mt 25, 24-30).
Những người nghĩ rằng họ đang trở nên khiêm nhường nhưng không phải bằng cách biểu lộ và trao tặng ân ban của họ cho tha nhân, nhưng là giữ im lặng và dần trở nên ẩn dật, thực ra họ đang đi trên con đường của tự mãn, kiêu căng và sùng bái chính mình. Những ai không chia sẻ, nhưng lại hành động như thể chính họ là chúa tể và là thầy dạy của những gì đã đón nhận từ Chúa, tức là đặc ân của họ (đặc ân luôn luôn nhận được từ người khác) không phải là khiêm nhường. Họ trở thành kẻ chiếm đoạt vinh quang Thiên Chúa.
Một hình thức khác cũng không phải là khiêm nhường, đó là coi mọi thứ như rác rưởi. Khiêm nhường có nghĩa là đưa ra ánh sáng những gì ta đã lãnh nhận, là đặt ngọn nến cháy sáng lên cao và xây thành phố trên ngọn núi (x. Mt 5, 14-16), bằng cách này chúng ta đang làm vinh danh Cha chúng ta. Nếu thỉnh thoảng có một vài mối nguy hiểm về sự tự kiêu và tự mãn tồn tại trong ta thì ta phải làm sao ? Bất luận thế nào, chúng ta cũng sẽ phải liều mạng vì việc nỗ lực tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa, ngược lại nếu chúng ta muốn chạy trốn thì có thể chúng ta chỉ đang tìm kiếm chính mình mà thôi.
Nhìn vấn đề từ một quan điểm khác, chúng ta phải tránh thái độ vô cảm, cũng có thể còn là phi nhân đạo, đó là một loại chủ nghĩa đạo đức khiến chúng ta hành động chỉ để lấy lòng Thiên Chúa. Chúng ta phải tránh bất kỳ thái độ tự mãn nào trong hành động. Khi tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy mình cao quí, hài lòng và thỏa mãn. Khi chúng ta nhận ra vẻ đáng yêu, sức quyến rũ hay quyền năng Thiên Chúa đã đặt để trong ta, chúng ta có thể cảm thấy hân hoan và hạnh phúc hơn, chúng ta sẽ luôn luôn biết ơn ! Vinh danh Thiên Chúa nghĩa là trải rộng ánh huy hoàng của Người trên trái đất. Một khi chúng ta biết làm sinh lợi những món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho tha nhân, thì như thế là làm cho vinh quang, và vẻ đẹp quyến rũ của Thiên Chúa trổi hiện nơi chúng ta. Do đó, chúng ta phải biểu lộ và phát huy những quà tặng chúng ta nhận được. Người khiêm nhường không phải là người nghĩ rằng mình là thứ rác rưởi, nhưng đúng hơn, họ là những người biết và cảm nhận rằng họ đã nhận được ân huệ từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa Cha.
Khiêm nhường như trên có nghĩa là làm cho những ân ban của chúng ta trổ sinh qua trái. Đó là sự dấn thân chính mình để những món quà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa Cha trổ sinh mãi mãi. Người đã gieo vào chúng ta những hạt mầm, trong đó ẩn dấu niềm mong ước của Thiên Chúa về mỗi chúng ta. Thiên Chúa mong đợi chúng ta học cách dấn thân triệt để, nhằm làm cho những hạt giống mầu nhiệm ấy nảy mầm cho tới khi sinh nhiều hoa trái : tiến tới sự trưởng thành hoàn hảo trong Chúa Kitô ; và cho tới khi chúng ta tiến tới tận cùng những khả năng của chúng ta. Đó là những người khiêm nhường. Họ là những người nhận biết rằng Thiên Chúa đã gieo vào họ những hạt giống, và họ cần sự giúp sức của Thiên Chúa, để những hạt giống này nảy mầm và phát triển. Họ là những người phụ thuộc vào Thiên Chúa. Do đó, những người khiêm nhường không cố gắng làm hơn những gì họ có thể, họ cũng không cố tình làm ít hơn những gì họ có thể, nhưng làm với sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Từ những quan điểm khác nhau, ta thấy thật thú vị để nhận ra việc bày tỏ những khả năng của mình có một mục đích vị tha. Có thể nói những mục đích này nhằm làm phong phú cho người khác. Những mục đích đó tạo ra một trời mới đất mới. Thiên Chúa muốn tạo nên một quà tặng của chính Người cho người khác qua mỗi chúng ta.
Rất tiếc, không phải mọi cái trong ta đều là ân ban. Sự hiện diện của ân sủng được đối trọng với sự hiện diện của kháng sủng (chống lại hay đối nghịch với ân sủng của Thiên Chúa ban), của tội lỗi. Chúng ta là những tội nhân. Tội lỗi cũng giống như một hạt sạn, một sự phát triển qua việc gieo sự chết vào trong chúng ta và đe dọa người khác từ bên trong chúng ta. Không chỉ có những đặc ân mới có một năng lực để chiếu sáng và lan truyền.
Tội lỗi cũng vậy. Vì lý do này, một người nhận thức những tội lỗi của chính mình, những yếu đuối nơi mình, những giới hạn của chính mình cũng là khiêm nhường. Đó là vì không dễ để nhận ra những tội lỗi của chính mình. Không ai có thể hoàn toàn lừa dối chúng ta cho bằng chính chúng ta lừa dối mình. Lòng tự trọng của chúng ta luôn có khuynh hướng thanh minh cho chính nó và quên đi việc nhận thức sự đồi bại nơi mình. Chúng ta có khuynh hướng dán tất cả các loại mác công chính lên những lỗi lầm quan trọng nhất của chúng ta, đặc biệt với những gì chúng ta thấy không thể vượt qua. Đó là một cách cố gắng ngụy trang hay che đậy sự thấp kém của mình, che dấu thực tại.
Dĩ nhiên có những khuyết điểm mà chẳng ai nhận thấy khó phát hiện, nhưng cũng có những người cảm thấy rất đau khi phải đối diện. Có những lỗi lầm chúng ta cố gắng bằng mọi cách để che giấu người khác, và thậm chí che giấu với chính mình. Nhiều người cố gắng thuyết phục chính mình rằng họ không hề có lỗi. Khả năng để tự biện hộ và những ý nghĩ sai lầm bên trong ta là rất lớn. Nó biểu hiện cho quyền lực sự dữ trong ta. Chúa Giêsu cảnh báo rằng ma quỉ là kẻ nói dối và là cha của sự dối trá (x. Ga 8, 44). Đó là lý do tại sao chúng ta thấy rất đau khi ai đó biết được những lỗi lầm thầm kín, thầm kín ngay cả đối với chính mình, và “đặt ngón tay vào những vết thương đau nhức này”. Phản ứng lại vấn đề này thường là một sự bộc phát của một cơn giận bị dồn nén.
Khiêm nhường là nhận biết sự thật về chính mình mà không che đậy. Khiêm nhường có nghĩa là làm mất đi nỗi sợ hãi xấu xa trong chúng ta. Khiêm nhường có nghĩa là đưa nỗi sợ hãi ra khỏi căn phòng của nó và học biết cười nhạo nó một cách đôn hậu. Khiêm nhường còn mang ý nghĩa sâu xa hơn, đó là mang nỗi sợ hãi ra trước anh em. Khi làm như vậy chúng ta sẽ bị lột trần và hoàn toàn có thể bị tổn thương, trong tình trạng yếu đuối và mỏng dòn. Nhưng những gì là yếu đuối đối với con người lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Bất cứ ai hành động theo cách này sẽ được hướng dẫn bởi sự thật vốn mang lại cho ta sự tự do. Họ đang được chinh phục bởi ân sủng.
Tội lỗi thầm kín thì vô cùng nguy hiểm ; khi được mang ra ánh sáng, nó mất đi sự tàn bạo và trở nên nhút nhát và cực kỳ yếu ớt. Tảng băng chìm thật dữ dội và có sức tàn phá nhưng tan chảy dưới ánh sáng mặt trời. Vì lý do này, người nào nhận biết và xưng thú tội lỗi hay thiếu sót nghiêm trọng của mình, thì đã bước đi trên con đường của ơn cứu độ : “Kẻ giấu tội mình sẽ không thành đạt, nhưng ai xưng thú và chừa tội sẽ được xót thương” (Cn 28, 13). “Đừng hổ thẹn xưng thú tội lỗi mình, đừng ngăn chặn dòng sông đang chảy” (Hc 4, 26). Để thừa nhận tội lỗi mình không phải là một việc làm dễ dàng, cần có sự thúc đẩy từ Thiên Chúa.
Khiêm nhường không chỉ có nghĩa là nhận biết tội lỗi thầm kín của mình. Nhận thức này phải được thể hiện bằng hành động. Nó phải được hiện thể trong cách hành động của mình. Mỗi chúng ta nên ý thức về những tội lỗi và thiếu sót của mình cũng như sự phụ thuộc của mình vào Thiên Chúa.
Nhận thức này nên được biểu lộ trong cách đối xử và các mối tương quan của ta với tha nhân. Điều này xảy ra khi chúng ta thừa nhận những lỗi lầm thiếu sót của mình ; khi chúng ta kêu cầu sự tha thứ để thiết lập lại sự thật ; khi chúng ta đứng trước anh chị em trong tư thế của một người ăn năn, như một người phục vụ chứ không như người ra lệnh. Người khiêm nhường nói : “Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân từ với tôi và đã cho tôi thấy lòng nhẫn nại vĩ đại của Chúa là dường nào, vậy sao tôi lại không nhân từ và kiên nhẫn với người khác ?”.
Người khiêm nhường là người không bào chữa những quyền lợi cá nhân của mình thành những chương trình, điểm ưu tiên của cuộc đời anh ta. Thay vào đó anh ta biến cuộc đời của mình thành một chương trình cảm tạ, hân hoan, dấn thân phục vụ và đem chân lý đến với tha nhân. Khiêm nhường tạo cho chúng ta yêu thích sự cởi mở tuyệt vời trong các mối tương quan với anh chị em. Khiêm nhường làm cho việc sống với nhau trở nên dễ chịu, sáng tạo và vui vẻ. Một cộng đoàn của những người khiêm nhường không thể thất bại trong việc trở thành một hồng ân của Thiên Chúa, nơi một thế giới đang chết dần trong việc tự sùng bái chính mình.
Satan là kẻ kiêu ngạo và là người buộc tội anh em : “là những kẻ tố cáo họ suốt đêm ngày” (x. Kh. 12, 10). Sách Khải Huyền của thánh Gioan cho ta biết một dấu chỉ đang đến của Nước Trời, là những kẻ tố cáo anh em sẽ bị loại bỏ vào chốn địa ngục. Địa ngục là xứ sở của tính kiêu căng và sự kết tội tàn bạo. Những kẻ để mình mê muội với những việc này sẽ nhanh chóng thuộc về Satan. Ngược lại, Nước Trời là nơi cư ngụ cho những ai khiêm nhường. Chính ở nơi đó chúng ta tìm thấy những người đã thấm nhuần tinh thần Đức Giêsu Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa nhưng đã trở nên một người trong chúng ta, một tôi tớ tuân phục cho đến chết, ngay cả chết trên thập giá.
Để đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, thái độ của kẻ kiêu căng rất khác với người khiêm nhường. Những kẻ kiêu ngạo trả lời : “Lạy Chúa, bởi vì Ngài đã gọi con và trao cho con một ơn gọi lớn lao, này con đây. Con sẽ dấn thân để hoàn toàn tin tưởng vào Chúa và đáp trả Ngài gấp trăm lần. Ngài có thể hy vọng ở con”.
Bất cứ ai đáp trả ơn gọi của mình theo cách trên, thì người ấy nghĩ rằng mình sẽ mang đến cho cộng đoàn nơi mình đang sống những ước mơ và những dự án to lớn ; người ấy tin rằng mình là người mang một sứ vụ quan trọng đến từ Thiên Chúa. Họ tự biến mình thành tiêu chuẩn cho mọi thứ. Trong ý thức, họ dường như trở thành “người hạ cố đến cách sống của những người khác”. Họ coi mình là tiêu chí của cộng đoàn, lời nguyện và sứ vụ cho mọi người noi theo. Họ cho thấy một thái độ tự phụ, tự mãn chỉ trích đối với những gì đi lệch với khuôn mẫu của họ. Nhãn quan về cộng đoàn của họ ngày càng trở nên tiêu cực qua những lời phê bình. Thái độ, quan điểm của họ đối với Giáo hội cũng giống như vậy. Họ hay xem thường “phẩm chật” trong Giáo hội. Ở đây chẳng phải chúng ta thấy có một thái độ giống như của người Pharisêu trong dụ ngôn đó sao ?
Thái độ của người khiêm nhường đáp trả lại tiếng Chúa gọi thì thật khác biết bao ! Lời đáp trả của anh ta là : “Lạy Chúa, này con đây vì Ngài đã gọi con. Con không xứng đáng để Ngài tỏ bày dù chỉ một lời, cũng không xứng đáng để Ngài tiến cử con vào trong cộng đoàn thánh thiện của Ngài. Ngài đã thương nhìn đến sự khiêm hạ của tôi tớ Ngài”. Bất cứ ai đáp trả theo cách này sẽ vào trong cộng đoàn của Chúa Giêsu và tin tưởng rằng sự hiện diện của anh ta “hoàn toàn là nhờ ân huệ và lòng thương xót” của Chúa. Người khiêm nhường khám phá ra lòng thương xót của Chúa trong lòng thương xót của anh chị em. Người khiêm nhường ngạc nhiên về những điều tốt lành đã nhận được, vì trong sâu thẳm tâm hồn họ cảm thấy bất xứng với tình yêu bao la và lòng nhân từ cao cả như thế. Họ nhận ra rằng anh chị em của họ là một món quà đích thực của Thiên Chúa.





[1] “Trong các loài có cánh, ong là bé hơn cả, thế mà nó làm ra chất ngọt hảo hạng….Công trình của Đức Chúa thật lạ lùng, nhưng vẫn là bí ẩn đối với phàm nhân.” (Hc 11, 2-4)
[2] O.Da Spinetoli, Matteo, Commentoal ‘Vangelo della Chiesa’, Citadella editrice, Assisi 1977, P.304.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét