Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

THỬ THÁCH CỦA ĐỨC TIN (Mt 11, 2-11)

Chúa nhật 3 mùa vọng năm A 

 “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác” (Mt 11,3)
Mới hôm nào bên bờ sông Gio-đan, ông Gio-an dõng dạc tuyên bố: Đây là Chiên Thiên Chúa (x.Ga 1, 29) để giới thiệu Đức Giêsu, vậy mà hôm nay ông lại nghi ngờ chính bản thân mình. Vì sao lại có sự nghi ngờ này?
Gio-an Tẩy giả là ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Cái nhìn của ông về Đấng Mê-si-a cũng giống như của rất đông dân chúng thời đó. Nói chính xác hơn, họ mong muốn một Đấng Mê-si-a đầy uy quyền để lãnh đạo dân đập tan xiềng xích nô lệ, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của đế quốc Rô-ma: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10). Vì thế những kẻ không biết sám hối sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống (Mt 3,7). Đấng Mê-si-a trong tâm trí Gio-an phải là vị thẩm phán đến để nhổ rụi cỏ lùng và đốt sạch ngay tức khắc! Thế nhưng những lời nói, việc làm và thái độ của Đức Giê-su không có gì cho thấy một sự vội vàng dứt khoát như vậy.

Gio-an giới thiệu Đức Giê-su cho người khác nhưng chính ông lại chưa hiểu đủ, hiểu đúng về Đức Giê-su. Ông mong đợi Đức Giê-su phải như là ông đã vẽ ra chứ không phải như chính Người. Nếu tự vấn, có lẽ chúng ta cũng chẳng khác gì Gio-an. Có thể tôi đã từng dạy giáo lý, từng chia sẻ lời Chúa, từng nói về Chúa cho người khác nhưng thử hỏi tôi đã biết Đức Giê-su như thế nào? Tôi biết Thầy Giê-su như chính Người là hay tôi biết theo cái nhìn của tôi? Gio-an là một ngôn sứ lớn và đã tiếp xúc với Đức Giê-su mà vẫn chưa thực sự biết thì với chúng ta có lẽ còn khó khăn hơn! Chẳng ai dám nói mình “biết” Người trọn vẹn dù cho đã có mạc khải. Mạc khải đã trọn vẹn nhưng chúng ta đã đón nhận trọn vẹn hay chưa? Là người mang danh Ki-tô hữu, chúng ta có trách nhiệm phải giới thiệu Đức Giê-su. Có nhiều cách để giới thiệu nhưng đòi hỏi trước hết là ta phải học hỏi và cầu nguyện không ngừng để ngày càng “biết” đúng hơn về Thầy Giê-su.
Gio-an nghi ngờ cũng có thể là do hoàn cảnh. Trước đây ông thư thái tự do, hăng say rao giảng và nhận được thành quả là từng đoàn người xếp hàng để nhận cử chỉ sám hối. Ông hớn hở giới thiệu Đức Giê-su. Ông mạnh mẽ, hiên ngang nói lên sự thật. Thế nhưng sự thật trước mắt bây giờ là ông đang ngồi tù! Ông đang bị tù túng. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, ngày tháng sao dài lê thê mà “vị thẩm phán” vẫn chưa hành động. Ông mất kiên nhẫn. Lòng tin lung lay. Là người khẳng khái, ông không chịu nổi sự ngờ vực này. Ông phải hỏi cho ra nhẽ. Phải làm rõ sự thật.
Thế đấy! Tuyên xưng đức tin khi biển yên sóng lặng thật là dễ, nhưng khi sóng gió nổi lên, nghịch cảnh áo tới thì thật khó khăn! Cuộc đời chúng ta không luôn luôn an bình. Giông tố vẫn luôn chờ chực. Trong giờ khắc nguy nan, trong giây phút kinh hoàng liệu đức tin của ta có còn đứng vững?

Gio-an muốn một lời khẳng định từ Đức Giê-su nhưng Đức Giê-su không trả lời thẳng vào vấn đề. Ngài chỉ đưa ra vài dấu chỉ cho Gio-an suy nghĩ. Đường lối Thiên Chúa quả thật khác với đường lối con người. Chúng ta sẽ tuyệt vọng nếu mong đợi một câu trả lời rõ ràng từ Thiên Chúa. Không, Ngài luôn trả lời bằng những dấu chỉ và mời gọi con người khám phá. Dù nghịch cảnh có đớn đau nhưng nếu ta kiên nhẫn đọc ra những dấu chỉ và không vấp ngã vì Ngài thì chúng ta thật là những người có phúc (x.Mt 11,6).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét