Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (6)

ĐỒNG NHẤT VỚI ĐỨC KITÔ
QUA BỆNH TẬT VÀ CÁI CHẾT
Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Khái niệm sứ vụ thường bị giản lược chỉ còn là một “hoạt động” thì khái niệm ấy không đầy đủ. Nếu rơi vào trường hợp ấy, sứ vụ lúc ấy chỉ tồn tại khi có những hoạt động tông đồ nào đó được thực hiện ; sứ vụ được đồng nhất với hoạt động tông đồ hay chỉ là thói quen. Quả thực sứ vụ là “hoạt động”, nhưng cũng là “cuộc khổ hình”.
Đức Giêsu, trong khi chịu đựng đau đớn một cách kiên nhẫn trên Thập giá, đã đưa sứ vụ của Người đến sự hoàn trọn trong trường hợp hoàn toàn bị động, trong khoảnh khắc vừa đủ thốt lên, trong giây phút chẳng thể mang đến cho ai niềm an ủi. Chính trong khoảnh khắc ấy mà Người đã kêu lớn tiếng rằng : “mọi sự đã hoàn tất”. Chúng ta hãy chịu đựng bệnh tật, đau khổ bằng sự khiêm tốn và vâng phục hướng về tình yêu nơi Thiên Chúa, để nhận ra rằng qua những đau khổ chúng ta lấp đầy những gì là thiếu thốn trong nỗi đau của Đức Kitô. Khi đó chúng ta hãy cho thấy sự kiên nhẫn tuyệt vời để hứng chịu bệnh tật hay bất kỳ thiếu thốn nào đó do sự nghèo nàn của chúng ta. Bằng cách này chúng ta có thể thuyết phục người khác bằng chính đời sống chứng tá của chúng ta.

Tình trạng bệnh tật là một khoảnh khắc có tính quyết định trong cuộc đời chúng ta. Tình trạng ấy đưa chúng ta vào hoàn cảnh khủng hoảng. Trong hoàn cảnh này, chúng ta thật sự tự hỏi những câu hỏi vĩ đại về sự tồn tại. Đó là cơ hội tuyệt vời để chúng ta diện đối diện với sự huyền nhiệm, và đạt đến những quyết định trọng yếu nào đó. Nhưng khi tất cả điều này thật sự diễn ra, chúng ta cũng khám phá thấy chúng ta thật mỏng dòn, yếu đuối và dễ bị tổn thương như thế nào. Bệnh tật không chỉ ảnh hưởng đến thân thể nhưng còn cả tinh thần chúng ta nữa, và ngược lại. Bệnh tật còn ngưng trệ công việc của chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy mình là “kẻ vô dụng”, trở thành một gánh nặng. Bệnh tật cô lập chúng ta ra khỏi người khác, khỏi sự chia sẻ đời sống cộng đoàn và xã hội ; bệnh tật lấy khỏi chúng ta hương vị cuộc sống ; nó ru ngủ những giấc mơ và ước muốn của chúng ta ; nó làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về mọi thứ. Vào những lúc như thế, một cảm giác thất vọng, mất kiên nhẫn hay tính bướng bỉnh có thể dễ dàng xuất hiện trong chúng ta.
Vì thế, ốm đau trở thành khoảnh khắc cho sự cám dỗ. Trong chính khoảnh khắc này, người bệnh cần sự quan tâm thích đáng : không chỉ là thuốc men (mặc dù thuốc hoàn toàn cần thiết), mà còn là động viên tinh thần một cách thận trọng và khôn ngoan. Điều quan trọng nhất đối với chúng ta là giúp đỡ anh chị em chúng ta sống với bệnh tật của họ, như là một cơ hội để trở nên đồng nhất với Đức Kitô chịu đau khổ.
Sứ vụ mục tử dành cho người bệnh tật là một công việc khó khăn và đòi hỏi phải có sự khôn khéo, bởi vì người mục tử phải biết tìm lời lẽ khôn ngoan để giúp đỡ bệnh nhân “làm vinh danh Thiên Chúa” và công bố Tin Mừng trong hoàn cảnh đầy đau khổ này. Việc trông cậy hời hợt vào lòng xót thương của Thiên Chúa, Đấng bao dung hoặc cho phép “sự dữ xảy ra cho người lành”, có thể trở thành phản tác dụng và chống lại Tin Mừng. “Thánh ý” là cách nói khác về “lòng thương xót của Thiên Chúa”, bởi Thiên Chúa không muốn bất kỳ sự dữ nào xảy ra, ngay cả những bệnh tật của chúng ta. Điều cốt yếu là người anh em ốm đau của chúng ta hiểu và cảm nhận rằng Thiên Chúa chống lại sự dữ. Thiên Chúa không sinh ra đau khổ và buồn phiền. Nhưng Tin Mừng nói cho chúng ta biết chính thánh ý của Thiên Chúa Cha muốn chúng ta phải trải nghiệm những hoàn cảnh nhiệm mầu này, nơi mà sự ác dường như chiến thắng ngay cả với trường hợp của Đức Giêsu, và Người muốn chúng ta biến những tình huống ấy thành những khoảnh khắc của tình yêu, của sự phó thác hoàn toàn, “để mang lấy cho đủ mức những đau khổ của Đức Kitô, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).
Chúng ta phải sẵn sàng chịu đựng những đau khổ của bệnh tật bằng lòng kiên nhẫn và khiêm hạ. Đây không phải là một điều gì đó mà chúng ta có thể ứng phó trước ngay lập tức. Chỉ những ai đã luôn sống sẵn sàng khi họ còn khỏe mạnh, những người đã suy nghĩ sâu sắc và cố gắng tiên liệu cho việc trải nghiệm về điều này, thì họ mới sẵn sàng, ở một mức độ nào đó, chiến thắng tình trạng sức khỏe này trong sự yếu đuối của con người.
Sứ vụ không chỉ là việc làm, niềm say mê nhưng còn là “chứng nhân”. Chứng nhân chính là sứ vụ có sức mạnh lan tỏa. Có lẽ không có khoảnh khắc nào trong cuộc sống có nhiều sức mạnh để minh chứng cho bằng khoảnh khắc bất hạnh, thống khổ và bệnh tật. Đây chính là lúc Đức Kitô tỏa sáng qua thân xác của chúng ta, thậm chí người khác cảm nghiệm được một cách mạnh mẽ Đức Kitô đang chịu đau khổ trong chúng ta. Đây cũng là lúc người bệnh này giống như “người nghèo đói” mà Đức Kitô chọn để trở nên đồng nhất với Người : kẻ nghèo khổ trong hoàn cảnh cực kỳ túng bấn. Dù cho con người không thể làm gì cả, thì việc nhận ra sự hiện hữu “bí tích” của Đức Kitô sẽ làm tăng sinh lực cho đời sống tâm linh. Người tu sĩ đau ốm và chịu đau khổ nên biết rằng chính trong khoảnh khắc này Đức Kitô hiện diện cách đặc biệt trong anh ta, và anh là đối tượng “hồng ân đặc biệt”, cũng vì nguyên do này chính anh ta lại là một hồng đặc biệt cho những người khác, chứ không phải là một gánh nặng.
Chúng ta phải học cách chịu đau khổ và chết đi cho tha nhân. Điều này không chỉ có nghĩa là thêm vào những mục đích cho mỗi đau khổ của chúng ta. Trên hết tất cả, điều đó có nghĩa là bắt đầu nhận thức rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, bệnh tật có một vai trò truyền giảng và trọng yếu trong sự an bài cho cuộc sống chúng ta. Qua những gì xảy đến cho chúng ta, nhiều người sẽ tìm thấy một cơ hội để tự vấn bằng câu hỏi căn cốt, hay để nghe thấy tiếng Chúa gọi một cách rõ ràng hơn. Chết đi cho người khác không là một nhiệm vụ quá sức mà chúng ta phải mang lấy, nhưng là hồng ân được ban tặng cho chúng ta.
Sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần cùng với bệnh nhân được diễn tả một cách trọng thể, trọn vẹn nhất trong “bí tích xức dầu bệnh nhân”. Qua bí tích này, chúng ta kinh nghiệm sự gần gũi của Thiên Chúa Cha và Lời cùng với sự an ủi của Người. Trong bí tích này, Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta sự hiện diện của Người qua Hội Thánh, cộng đoàn, được thực hiện bởi các linh mục của Người. Chúng ta phải nỗ lực thấu hiểu tầm quan trọng của bí tích này trong những khoảnh khắc khủng khoảng, và chính chúng ta cần phải lãnh nhận bí tích này bằng một thái độ khiêm nhường và tạ ơn. Chúng ta biết rằng đó không phải là bí tích của sự chết ; đúng hơn, đó là bí tích của kẻ đau yếu. Vì thế, điều quan trọng nhất là bí tích được cử hành khi có bất cứ ai lâm trọng bệnh, nghĩa là khi người bệnh đang có triệu chứng nguy kịch đến nỗi cần phải vượt thắng nhờ vào việc gặp gỡ với Thiên Chúa và cộng đoàn cầu nguyện cho người ấy. Vượt trên tất cả, bí tích xức dầu bệnh nhân là bí tích của lời cầu nguyện, khẩn khoản nài xin có thể chữa khỏi và chữa lành trái tim người bệnh. Đó chính là khoảnh khắc của tất cả chúng ta, cùng với Đức Giêsu, dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa là Đấng An Ủi thêm sức cho chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách (2Cr 1, 3-4).

Bí tích này vốn được dành cho phút lâm chung, khoảnh khắc vượt qua cõi đời này để về với Cha, chính là Thánh Thể, dưới mô thức Viaticum, là “của ăn đàng” cho kẻ lữ hành trên chuyến hành trình cuối cùng. Việc rước lễ cuối cùng này hợp nhất chúng ta một cách cận kề với cái chết của Đức Giêsu và làm cho chúng ta cùng Người tiến về với Chúa Cha. Đó là cơ hội tuyệt vời khi người loan báo Tin Mừng phải “trao tặng cuộc đời cho Thiên Chúa vì ơn cứu độ cho mọi người, đặt tất cả niềm tin vào Đấng là sự sống và sự sống lại của chúng ta”. Vì thế, người tu sĩ đạt đến sự hợp nhất với Đức Kitô ở khoảnh khắc cao độ của việc giải thoát sự chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét