Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: QUÀ TẶNG HAY ÂN SỦNG (2)

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.

Thiên Chúa Cha đã mời gọi chúng ta hầu chúng ta có thể đạt đến sự trưởng thành tròn đầy trong Đức Kitô. Như nền tảng cho lời kêu gọi này khi đọc thư Ê-phê-xô 4, 13 :
            “Và chính Người đã “ban” ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái”(Ep 4, 11-16).
2.1.      Trưởng thành trong thân thể Đức Kitô
            Tác giả thư gửi cho tín hữu Ê-phê-xô đề cập đến “những ân sủng” mà Chúa Phục sinh đã ban cho một số người trong Hội thánh để xây dựng thân thể, thân thể của Người, là chính Hội thánh. Trong khi xây dựng Hội thánh của Người, Chúa Phục sinh hướng đến việc hoàn thành ba yếu tố được gắn kết chặt chẽ với nhau : (a) mọi thành viên trong Hội thánh đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong trải nghiệm (kiến thức dựa trên kinh nghiệm) về Con Thiên Chúa ; (b) theo cách này họ có thể đạt đến “Đấng toàn hảo” là Đầu và họ có thể được nối kết với Người ; (c) và cũng theo cách này, họ có thể cảm nếm toàn bộ uy quyền trong sự tròn đầy của Đức Kitô.[1]
            Trưởng thành trong Đức Kitô là một thực tại mà tác động đến hết những ai tin vào Chúa Giêsu. “Nói chung, thân thể Đức Kitô và sự bao bọc, che chở mọi người, và đồng thời hướng đến việc tạo ra một cộng đoàn để bao bọc mọi người”[2], tuy nhiên, việc xây dựng thân thể Chúa Kitô nhờ vào những thừa tác vụ khác nhau thì không phải là mục đích tối hậu. Việc xây dựng Hội thánh không phải là cùng đích. Một Hội thánh trưởng thành, không có những cá nhân thơ ngây, khờ dại, loan báo Tin Mừng sự thật trong tình yêu, và cả trong hành động, hình thành nên sự trưởng thành hài hòa toàn vẹn hướng về Đức Kitô. Trong giới hạn liên kết với Đức Kitô, Hội thánh thúc đẩy vũ trụ trưởng thành quy hướng về Chúa Kitô. Vì vậy, xây dựng Hội thánh có nghĩa là xây dựng vũ trụ. Có một tiến trình trưởng thành toàn cầu đang tiếp diễn hướng về Đức Kitô mà chúng ta không thấy, nhưng vào ngày cánh chung sẽ được tỏ lộ (x. Ep 4, 30). Trong bất kì trường hợp nào, Đức Kitô làm cho thân thể Người lớn lên ; nhưng Hội thánh cũng phải trưởng thành và cộng tác trong sự trưởng thành quy hướng về Đức Kitô. Hội thánh cũng phải nhận thức rằng theo cách này Hội thánh đang hành động như một tôi tớ trưởng thành của Chúa Kitô trong vũ trụ[3].
Vì vậy, “sự trưởng thành tròn đầy nơi Đức Kitô” hẳn không được hiểu theo ý nghĩa riêng tư hay cá nhân đơn thuần, khi đoạn trích Kinh thánh trưng dẫn những điểm hướng đến toàn bộ tiến trình trưởng thành của Hội thánh – được thúc đẩy bởi những đặc sủng mà Thiên Chúa ban cho Hội thánh – một mặt khám phá sự viên mãn trong việc hiệp nhất đức tin Hội thánh và kiến thức trải nghiệm. Mặt khác, nhận ra sự trưởng thành viên mãn của toàn nhân loại và vũ trụ quy hướng về Đức Kitô, ngõ hầu Người có thể ôm trọn tất cả vào trong Người.
2.2.      Trong dân Thiên Chúa
            “Bước đường thiêng liêng” của chúng ta không phải là con đường duy nhất mà chúng ta phải độc hành. Đúng hơn, con đường của dân Thiên Chúa, đường xuất hành hướng về quê hương vĩnh cửu trong Đức Kitô, mới là con đường chúng ta phải theo. Để đến được đích điểm này, Thiên Chúa đã trao cho Hội thánh những thừa tác vụ, hầu cho phép mọi thành viên đạt đến sự trưởng thành viên mãn như Người đã hứa. Thăng tiến đời tu là một vấn đề của cộng đoàn, của Hội thánh. Trưởng thành cá nhân được sản sinh trong giới hạn nhất định, như những chi thể của một thân thể, chúng ta tham dự vào sự sống của thân thể và được kết hợp trong sự hiệp nhất. Đây là cách thế mà chúng ta có thể “đạt hiệu quả hơn qua việc thông chuyển ân sủng Phúc Âm đến với tha nhân”.
Nền tảng đời sống tâm linh của chúng ta là đời sống tâm linh của dân Thiên Chúa, của Hội thánh. Đây chính là đời sống tâm linh có Chúa Thánh Thần hiện diện như người giữ vai trò chính và những tác vụ khác nhau trong Hội thánh, như Đấng trung gian trực tiếp. Không thể có sự trưởng thành tâm linh mà thiếu sự hiệp thông Hội thánh, thiếu đi sự sống và việc kết hợp chặt chẽ với thân thể. Không thể có chuyện theo Đức Kitô mà không theo con đường của dân Thiên Chúa, của Hội thánh. Chỉ khi chúng ta trở nên và cảm nhận mình là dân Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đương đầu với mọi sức mạnh thù địch, vượt qua những khó khăn và cám dỗ, khi đó chúng ta đạt đến đích điểm, nối kết với Đức Kitô là Đầu.
Ngoài ra, sự trưởng thành này còn là việc tham dự vào “sự công chính”“sự thánh thiện” của Thiên Chúa. Cung cách hành xử nhân bản của con người cũng tham dự vào sự công chính của Thiên Chúa nhằm đáp lại ý Chúa và làm đẹp lòng Người ; đó chính là người duy nhất sống chính trực trong sự hiện diện của Thiên Chúa, luôn đến với Người. Trên hết, người môn đệ của Chúa Giêsu phải khao khát Nước Thiên Chúa và sự công chính Người (x. Mt 6, 33), sau hết, người tu sĩ phải sống sao cho xứng hợp với thánh ý Chúa Cha. Công chính hay chính trực là ân ban từ trời và luôn phải tìm kiếm. Nhưng trong thế giới đầy bất công này (bất công vì trái với thánh ý Chúa Cha), những ai tìm kiếm và nhận lấy sự công chính của Thiên Chúa sẽ bị ngược đãi (x. Mt 5, 10). Vì chính lý do này, Chúa Giêsu chúc phúc cho tất cả những ai khao khát sự công chính[4].



[1] Cf. Heinrich Schilier, La Lettera Agli, Paideia Editrice, Brescia 1973, p.319.
[2] H. Schilier, O.P.cit., p. 314,
[3] Cf. H. Schilier, O.P.cit., pp.299-329.
[4] Cf. G. Schrenk, art. Dikaiosyne, in GLNT II, 1253-1265.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét