Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (4)

NÊN MỘT VỚI ĐỨC KITÔ, ĐẤNG CỨU THẾ
Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Những cách thế trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta, khai mở đường tâm linh cho bất kỳ tu sĩ chính danh nào bước theo Người. Chính Thánh Thần, Đấng xây dựng con người nội tâm, dẫn người tu sĩ đến việc từ bỏ mọi thứ, ngay cả bản thân mình, để có thể đem mọi thứ và mọi người về với Đức Kitô.
Khi kêu gọi các tông đồ, Đức Giêsu đã nói : “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Tuy nhiên đây không là lời mời gọi dấn thân vào con đường buồn chán và đau khổ. Chính sự khiêm hạ mới là chìa khóa đưa người tu sĩ đến hạnh phúc, đó cũng là từ bỏ bản thân, bất chấp những đòi hỏi quyết liệt của việc từ bỏ để cùng chia sẻ niềm vui với Đức Giêsu.

Mọi kế hoạch dường như hoàn toàn tiêu tan trên đường dẫn đến Giêrusalem, nơi Đức Giêsu phải chịu chết trên thập giá. Thiên Chúa dùng con đường này dạy chúng ta hiểu hồng ân đích thực là gì : hạnh phúc nơi kẻ khó nghèo, những người than khóc, những kẻ đói rách, những người bị bỏ rơi. Bước theo Thiên Chúa là chấp nhận thực tế cũng như nghịch lý cay đắng của thập giá. Và không có thập giá nào mà không có hy sinh, không có từ bỏ chính bản thân mình.
Từ bỏ cuộc sống riêng của mình nghĩa là gì ? Đó là từ chối bản thân như một thần tượng. Điều này có nghĩa là kéo xuống khỏi bệ thờ trong lòng một “ông trời con” hay một “thần tượng” của chính bản ngã chúng ta. Tất cả chúng ta đều có “bàn thờ” dành riêng cho con tim mình. Vấn đề ở chỗ, ông trời trên bàn thờ, ông trời mà chúng ta thực sự tôn thờ, chính là bản ngã của chúng ta. Có lẽ chúng ta xây dựng một vài thần tượng bên cạnh cái tôi, nếu những thần tượng ấy hợp với hình ảnh mà nó sùng bái. Thần tượng bên trong này đòi chúng ta phải thờ phượng và thi lễ. Chúng ta có cảm tình đặc biệt với những ai tôn kính, tham gia vào việc tôn thờ của chúng ta. Tuy nhiên, khi một ai đó không cúi đầu hay không tham dự nghi thức ấy dù chỉ một chút thôi, thì chúng ta liền khinh miệt họ.
Những lúc không “cảnh giác”, phải chăng chúng ta thường không ngạc nhiên thấy mình chỉ thu vào mọi âu lo bản thân, chúng ta cứ để mặc mọi thứ khác phải đi theo quỹ đạo quanh bản ngã của chúng ta ? Chúng ta thích người khác làm hài lòng, chia sẻ ý kiến, sở thích, đồng ý và cung phụng cho mình. Tuy nhiên, chúng ta đã thổi phồng bản ngã của mình, khiến chính chúng ta không còn biết kính trọng và đồng cảm với tha nhân, những người bị bỏ rơi.
Người ta đã dựng trong cõi lòng mình một thứ thần tượng tôn giáo ích kỷ của riêng họ. Chúng ta đang nỗ lực sống Tin Mừng trong thế giới hôm nay, và đây là một trong những cám dỗ dễ thấy nhất giữa chúng ta. Chúng ta thường có xu hướng sai lầm khi đồng nhất tôn giáo, Thiên Chúa của chúng ta với bản ngã, với những ước mơ và ý muốn của cái tôi, với những quan tâm, sở thích cá nhân ích kỷ được ngụy trang một cách tinh vi. Thậm chí chúng ta rơi vào việc sùng bái tôn thờ cái tôi của riêng mình dưới danh thánh Đức Giêsu. Lúc ấy tôn giáo của tôi, vốn bị mắc kẹt trong chiếc lưới ích kỷ, sẽ trở thành những giáo điều mà bất kỳ ai cũng phải chấp nhận khi bước vào lãnh vực hoạt động tông đồ . 
Khi đương đầu với tình cảnh như thế, một tiên tri cỡ như Giê-rê-mi-a hẳn sẽ phản kháng kịch liệt thứ ích kỷ xấu xa này : “Đừng cho mình là ngon ; đừng đặt ra giá trị cao như thế cho những gì bạn nghĩ ; đừng có biến những bài giảng, những cuộc đàm luận hay những thảo luận thành dịp thổi phồng “cái tôi” vốn đã quá phình to của bạn. Hãy tiếp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa duy nhất của bạn ; bạn hãy là kẻ phục vụ Người và Hội thánh của Người”. Phá hủy những thần tượng phải bắt đầu bằng việc san phẳng “cái tôi” thần tượng nơi chính chúng ta. Người tu sĩ chính danh không phải là kẻ đi theo “Thiên Chúa của riêng mình”, nhưng là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Tâm điểm Kitô giáo đích thật không phải là Đức Giêsu “của tôi” nhưng là Đức Giêsu của Hội thánh. Chúng ta phải thờ phượng Người. Chúng ta hãy để cho Người dẫn dắt chúng ta.
Thiên hướng đi theo Đức Giêsu không bao hàm phương diện tiến bộ xã hội, sự thành công hay tự mãn nơi con người. Con đường theo Người đưa tới cứu độ và sự sống là con đường của khiêm tốn, từ bỏ và thập giá. Đó là sự khởi đầu cho việc trở nên đồng hình, đồng dạng với Đức Kitô. Cách thế này khiến chúng ta phải sống không cần đến quê hương xứ sở, hay nơi ở cố định. Đây là thực tại vượt trên tất cả dành cho chúng ta, những lữ khách truyền rao Tin Mừng theo cách thức của Đức Giêsu. Nhưng liệu chúng ta có thể sống không thuộc về quê hương, thế giới này được chăng ?
Bước theo Đức Giêsu trong nghèo khó, khiêm tốn và từ bỏ có thể làm xuất hiện trước mặt chúng ta một ngọn núi cao ngất và dị thường đến nỗi không thể leo qua được. Viễn cảnh thập giá, khiêm nhu và sự từ bỏ đánh vào nỗi khiếp sợ trong cõi lòng chúng ta. Nói chung, chúng ta đang đương đầu với lời mời gọi cho một quá trình chết đi. Chúng ta không thể thấy rõ điều gì đằng sau lời mời gọi ấy. Càng đến gần Đấng chịu đóng đinh, chúng ta càng thấy không phải đang đến gần ngày Thứ Sáu Tuần Thánh nhưng là ngày Giáng sinh, ngày chúng ta sinh ra với Người : “Ách của Tôi thì êm ái, gánh của Tôi thì nhẹ nhàng” (Mt 11, 30). Đấng đã hy sinh mạng sống mình sẽ cứu lấy mạng sống ấy.
Như các bậc thầy về đời sống tâm linh cho thấy rõ, một chút cường điệu trong lối giáo huấn dường như cần thiết để thiết lập tính quân bình nhân vị hợp lý giữa nhiều xu hướng tác động nơi chúng ta. Con người chúng ta là tập hợp thế lực xung đột lẫn nhau. Thuật ngữ Kinh thánh định nghĩa những thế lực này là “trần gian, xác thịt và ma quỷ”. Dường như chúng thường vượt ra khỏi sự kiểm soát và thực tại tội lỗi càng làm cho chúng thêm trầm trọng hơn. Nhưng tài sản, quyền lực và sở thích không phải là những thực tại tiêu cực : chúng là những tiềm năng mà Đấng Sáng Tạo đã trao tặng cho con người.
Tuy nhiên, tội lỗi đã dùng chúng để tạo ra những ngẫu tượng mới, để huỷ hoại nhân phẩm, làm biến chất và khiến cho những thực tại này thành quỷ dữ. “Thế tục, xác thịt và ma quỷ” nhất quyết thiết lập luật lệ nhằm “lấy đi sự bình an”, “làm vong thân”, “làm những gì chúng ta thích”. Đây là “vương quốc những ham muốn” vốn quyến rũ và gây ấn tượng trên khắp nhân loại. Chúng là những thế lực nhằm nhử chúng ta đi vào cõi “u mê” khiến chúng ta mất dần sự tự chủ. Kể từ lúc này, xã hội của chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân thô thiển bao quanh và ảnh hưởng lên chúng ta. Nhưng đấy không phải là một hiện tượng chỉ giới hạn riêng trong thời đại chúng ta. Dưới những hình thức khác nhau, những thế lực giống vậy đã định đoạt sự tồn tại con người qua những thời đại lịch sử khác nữa.
“Triều đại ham muốn và khoái lạc” đe dọa chúng ta cả về mặt cá nhân lẫn xã hội. Điều đó cản trở chúng ta trở nên chính mình, khiến chúng ta vô cảm trước những giá trị của Nước Chúa – cảm nghiệm một Thiên Chúa là Cha yêu thương, trở nên hợp nhất với Đức Giêsu, dấn thân trong tình huynh đệ đoàn kết, giúp đỡ cộng đồng nhân loại, bảo vệ và chăm nom công trình sáng tạo.
Những ai không biết kiềm chế các ham muốn và thèm khát, họ tự cho phép mình lao vào trong cõi u mê để chống lại Nước Trời và càng ngày càng thờ ơ, xa tránh Thiên Chúa, tách khỏi cộng đồng nhân loại, đánh mất chính mình. Đây là lý do vì sao trong cách giáo huấn của những bậc thầy tâm linh đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt từ bỏ những ham muốn riêng, và vì sao họ đề ra “một lựa chọn cao quý” vốn định rõ toàn bộ sự tồn tại nơi chúng ta, để lúc nào chúng ta cũng có thể làm chủ chính mình và đạt đến trải nghiệm thong dong tự tại thực sự. “Giữ mình khỏi những thú vui xác thịt”, “làm chủ các giác quan”, duy trì hợp lý “sự điều độ” trong ăn uống, không cho phép bản thân làm nô lệ cho thuốc lá, rượu bia, cà phê, thú vui, radio hay tivi, xác thịt – tất cả việc giữ gìn này là đều cho thấy một người có nội tâm bình an, có Thánh Thần trổi vượt trên “các thần” khác vốn muốn sai khiến chúng ta và tạo nên những lệ thuộc phi nghĩa.

Một người có tự do nội tâm là vị ngôn sứ Tin Mừng tuyệt vời. Chính thân thể người ấy trở nên “lễ hy tế” : thân thể không đơn thuần chỉ hấp thụ, hay hoàn toàn phụ thuộc những gì bên ngoài, nhưng hơn thế, một thân thể cho đi chính bản thân mình. Chỉ những ai thật sự cho đi chính mình mới là người sỡ hữu và làm chủ thân bản thân. Người như thế thuộc về Đức Kitô và là hình ảnh của Đức Kitô. Đây là cách thức “trở nên những người tông đồ” đích thực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét