Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

HÃY SÁM HỐI (Mt 3,1-12)

Chúa nhật 2 mùa Vọng - năm A 

 Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2)
Lịch sử Do thái là lịch sử thăng trầm của tin và phản bội, ra đi và trở về, tội lỗi và sám hối. Trong lịch sử đó, các ngôn sứ xuất hiện như những nốt son đánh dấu một sự đổi mới. Vậy mà bẵng đi 400 năm vắng bóng ngôn sứ, cuộc sống chẳng có gì đổi mới, dân chúng dường như mệt mỏi với sự chờ đợi. Bổng nhiên một ngôn sứ xuất hiện như dòng suối chảy qua sa mạc. Người người xếp hàng để được tưới mát. Vị ngôn sứ trình làng với lời giảng trọng tâm: Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần.
Sám hối là từ bỏ con đường cũ để chọn con đường mới tốt hơn, là quá trình thay đổi não trạng, là vứt bỏ tội lỗi để mặc lấy một quả tim mới, một tinh thần mới (Ez 36,26), là trở về hiệp thông với Thiên Chúa. Sám hối là nhìn nhận thực trạng đi hoang của mình để tìm đường trở về.
Nước Trời đã đến trần gian với sự hiện diện của Ngôi Lời nhập thể và nước đó đang tiến dần đến sự hoàn trọn trong ngày Cánh Chung. Chính vì vậy để trở thành công dân Nước Trời đòi hỏi ta phải có thái độ sám hối và hoán cải không ngừng.
Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Đó cũng chính là nội dung rao giảng của Đức Giê-su (x. Mt 4,17). Không chỉ ngừng lại ở sám hối mà thôi, Thầy Giê-su còn mời gọi ta hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,48). Sám hối là thái độ quan trọng trên con đường hoàn thiện chính mình. Sám hối hàm ẩn trong đó ý hướng đổi mới để nên hoàn thiện. Lời mời gọi sám hối và hoàn thiện vẫn không ngừng vang vọng bên tai mỗi người tín hữu hôm nay.
Để có được một lần thực sự sám hối và hoán cải, ta hãy thực tâm khiêm tốn nhìn vào cõi lòng mình, can đảm nhận ra những gì cần bỏ và những gì cần đổi mới. Điều cần từ bỏ có thể là một thói quen xấu, một ác cảm, một sự tự ti, một chút kiêu hãnh, một sự phung phí, một chút hà tiện, một sự thờ ơ, lãnh đạm, vô tâm, v.v.. Những điều cần từ bỏ có lẽ còn nhiều hơn nữa. Điều quan trọng không phải là ta liệt kê cho đầy đủ nhưng là có một quyết tâm thay đổi, một sự đổi mới thật sự, thấy được, cảm được. Lòng sám hối phải sản sinh những hoa quả tương xứng.
Sám hối không phải để người khác nhìn thấy nhưng là để xứng đáng là công dân Nước Trời, xứng đáng với những gì ta đã được lãnh nhận và mang danh. Sám hối cũng không phải vì sợ sệt, sợ quả báo, sợ sa hoả ngục, sợ mất thiên đàng nhưng sám hối phải được gợi hứng từ tình yêu và sự nhận biết Thiên Chúa.
Lời mời gọi sám hối vang lên giữa không khí ảm dạm của mùa đông khiến nó tăng thêm vẻ u buồn ủ dột. Tuy nhiên, từ chính không gian tĩnh lặng đó lại thoát lên một niềm hy vọng. Hy vọng của một tội nhân được ơn tha thứ, của con chiên lạc biết chủ đang tìm kiếm mình, của người con hoang đàng biết cha luôn sẵn sàng giang rộng vòng tay tha thứ, của một tội nhân biết cả triều thần thiên quốc đang mong đợi một bước chân đổi hướng.

Trước khi về trời, thầy Giêsu còn sai các môn đệ khi khắp thế gian kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha tội (Lc 24, 47). Lời kêu gọi đó được tiếp tục gởi đến cho những ai muốn gia nhập nước Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét