Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (5)




Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.


Người tu sĩ theo Đức Giêsu không sống cho riêng mình. Họ sống theo một cách khác. Họ sẵn sàng sống mạo hiểm khi sứ vụ cần đến. Đức Giêsu đã nói với những kẻ theo Người về sự nguy hiểm trong sứ vụ được giao phó : “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16). Hình ảnh đàn chiên ở giữa bầy sói mới chỉ là một chút kinh khiếp thôi.
Người tông đồ Đức Giêsu cũng dễ bị tổn thương như chiên con ; họ (người tông đồ) hoàn toàn không được bảo vệ và bị tước đi sự phòng vệ. Khi ấy, sức mạnh ở trong tay những kẻ chống đối. Ấy vậy mà Đức Giêsu muốn những người đi theo Người hãy thực thi sứ vụ ngay giữa thế giới thù địch như thế. Người yêu cầu họ không vội vàng, thiếu suy nghĩ (“khôn ngoan như rắn”), nhưng Người không muốn họ chơi trò chơi giả dối (“đơn sơ như bồ câu”). Chúng ta hãy nhớ lại những lời Người phán : “Ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35), và vì thế chúng ta định hình cuộc sống theo cương lĩnh phục vụ anh chị em chúng ta ngay cả phải hy sinh mạng sống mình.

Từ bỏ cuộc sống riêng đòi hỏi chúng ta phải có phẩm chất đặc biệt : hân hoan đón nhận mọi nghịch cảnh. Cuộc sống ngày hôm nay không thiếu những thử thách, khó khăn, những hoàn cảnh phức tạp, những đêm tối. Đức Giêsu, Sứ giả mang tin vui và những phúc lành, dạy chúng ta cách khám phá sự hiện hữu của mầu nhiệm hạnh phúc giữa những tình huống này (Mt 5, 1-12). Nếu chúng ta để cho Thánh Thần hướng dẫn, nếu chúng ta khiêm nhường và từ bỏ, thì chúng ta sẽ nhận được món quà niềm vui ở chính nơi mà người khác không thể tìm thấy được. Nghịch cảnh hợp nhất chúng ta với Đức Giêsu, dấu chỉ bị phỉ báng cho đến cái chết. Hợp nhất với Đấng Cứu Thế làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Người, Đấng đã uống mừng sự ngự trị Nước Thiên Chúa và hân hoan trong bình an chờ đợi ngày phục sinh khải hoàn.  
Trở nên hợp nhất với Đức Giêsu đòi hỏi phải trải qua quá trình tự hủy (vác thập giá mình đi cho đến chết). Bước vào cái chết là không có tương lai, không có cuộc sống, thậm chí không có cả hạnh phúc. Chúng ta có thể thấy những thanh kim loại đã bị nung nóng trong lửa đáng thương thế nào, nhưng thật ra đó chỉ là việc loại đi các lớp xỉ và làm cho chúng dễ dàng được uốn cong hay rèn giũa, tạo cho chúng dáng vẻ mới đáng quý hơn. Có nhiều nỗi đau khổ vốn chuẩn bị nhằm định hình chúng ta thành hình ảnh quý giá và lôi cuốn hơn nơi Đức Giêsu. Giữa những đau khổ ấy, chúng ta hoàn toàn có thể hân hoan vui sướng một khi nhận thức rõ về chúng.
Khi ai đó muốn loại bỏ hình ảnh béo phệ để có được dáng vẻ trẻ trung, tự bản thân anh ta hay chị ta phải trải qua gian khổ bằng việc ăn kiêng. Chẳng phải anh ta hay chị ta cảm thấy hạnh phúc khi bắt đầu đạt được những kết quả tốt đẹp, cho dù anh có thể cảm thấy yếu đi lúc khởi đầu ? Cũng có loại tinh thần mềm yếu phát xuất từ lòng khát muốn tâm linh[1]. Trở nên hợp nhất với Đức Kitô cần có “một kế hoạch kiêng khem” tinh thần, vốn kéo theo một tiến trình khô cạn nội tâm và mối phiền toái vì không thỏa lòng sự khao khát tâm linh của mình. Nhờ có sự đói khát tâm linh, nó sẽ hướng chúng ta đến hạnh phúc Nước Trời (Mt 5, 6). Thật vậy, chẳng phải chính Đức Kitô trên thập giá đã kêu lớn tiếng, “Ta khát” đó sao ? (Ga 19, 28).
Chúng ta cũng phải vui sướng giữa bao việc khó khăn, bởi vì nhờ đó nhân vị, và trên cả tình yêu nơi chúng ta trở nên tích cực. Chúng ta vượt qua bản thân nhờ công việc ngõ hầu xây dựng nền văn minh tình thương.
Giữa muôn trùng những phán quyết bất công và vu khống xảy ra, người biết khiêm nhường và từ bỏ vẫn hân hoan vui sướng đón nhận. Sự tự do tinh thần giúp anh ta hay chị ta nhận ra những nỗi đau mà sự vu khống ấy mang lại cho chúng ta cơ hội tuyệt vời, để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, “Đấng đã bị vu khống”. Tu viện trưởng St. Dorotheus đã cổ vũ những tu sĩ của ngài cố gắng phấn đấu đạt đến đức khiêm nhường qua những lời sau đây :
Nào chúng ta hãy tự vấn hỡi những người anh em của tôi, có ai đó đã nghe thấy bao nhiêu điều khó chịu nhưng không màng lo lắng đến, như thể anh ta đã không hề nghe thấy ; tuy thế thi thoảng anh ta lại bối rối và lo lắng ngay khi vừa nghe thấy những lời tương tự như thế ? Phải có lý do nào đó chăng ? Tôi nhận thấy một số lý do như thế…. Nếu một người chìm đắm trong cầu nguyện và chiêm niệm, anh ta có thể dễ dàng tiếp nhận sự khiển trách nhưng vẫn giữ được vẻ thản nhiên, thanh thản. Nói cách khác, tình thương yêu dành cho anh em là nguyên do mạnh mẽ ; tình yêu chịu đựng tất cả với cả lòng kiên nhẫn. Lý do khác có lẽ là sự khinh   miệt ; nếu người nào đó khinh miệt kẻ gây rắc rối cho anh ta và hành động như thể anh ta là kẻ đáng khinh nhất trong mọi người và anh ta không đáng để nhìn, để trả lời hay đề cập đến sự lăng nhục, xúc phạm đến người khác thì những lời nói sẽ không ảnh hưởng gì đến anh ta…. Tuy nhiên, lý do của những rắc rối ấy, nếu chúng ta tìm hiểu tận căn, thì đó chính là do không ai nhìn thấy lỗi lầm nơi chính mình. Đây chính là đầu mối của mọi ưu phiền và tai họa. Đó lý do tại sao chúng ta đôi khi không có sự bình an nội tâm. Chúng ta không phải ngạc nhiên khi những bậc thánh thiện khiển trách chúng ta. Đây chính là đường duy nhất dẫn chúng ta đến bình an[2].
            Thánh Phaolô đã nói rằng ngài vui sướng mang lấy tất cả mọi đau khổ, và không có gì đáng tự hào ngoại trừ thập giá Đức Giêsu Kitô (Gl 6, 14). Bất cứ ai có thể ngày càng trở nên hợp nhất với Đức Kitô chịu đóng đinh để chia sẻ đau khổ, sự phỉ báng, sự tan vỡ mọi vọng tưởng với Người, thì cũng được dâng hiến nhờ liên kết trong sự hợp nhất với những hèn mọn và nhục nhã, và tìm thấy sự sống đích thực qua con đường thập giá.
Một cách tự nhiên, do cơ chế bản năng phòng vệ, chúng ta có xu hướng xa tránh những người kém may mắn, bàng quan trước những nỗi thống khổ của nhân loại. Chúng ta thích sống trong những hoàn cảnh thuận lợi và dễ chịu hơn cả. Tất cả chúng ta đều kiếm tìm hạnh phúc, nhưng sự suy tư sâu lắng và trải nghiệm nỗi đau nhân sinh dường như cắt đứt chúng ta khỏi những kiếm tìm ấy. Đó là lý do tại sao trong thâm tâm chúng ta bị cản trở việc thực thi tác vụ ở những nơi mà nỗi đau càng thêm phần thống khổ, những nơi mà nghèo đói là mối đe dọa thường xuyên. Tận trong thâm tâm, tính thấp hèn của thế giới nghèo đói quanh chúng ta, dù được biện hộ bởi lý lẽ về cả lý thuyết lẫn thực hành, vẫn là một điều gì đó giống như cơ chế phòng vệ được ném ra để bảo vệ quyền hạnh phúc của riêng chúng ta. Chúng ta không thể sống trong những hoàn cảnh chán chường và tuyệt vọng ấy. Trên đây là tất cả sự thật khi kiểu xen lẫn trong thế giới người nghèo này vẫn diễn ra nhan nhản trong suốt đời người.

Đức Giêsu muốn được chìm vào những con người thống khổ, bởi vì Người đã làm cho đau khổ của thế giới này trở thành bí tích trong sự hiện diện của Người. Chúng ta không được mời gọi để bảo vệ cuộc sống riêng của chúng ta, bởi chúng ta phải bảo vệ những người anh chị em của chúng ta. Cùng một con đường, chúng ta liên kết trong tình đoàn kết với những người đang chịu đau đớn bệnh tật, sự thống khổ, sự áp bức và bất công. Sống tình liên đới nghĩa là biết rõ hoàn cảnh những người quanh chúng ta, những người cùng sống trên trái đất này. Biết rõ những cảnh huống này thì không dễ dàng, bởi vì thông tin thường bị bóp méo bởi những ý thức hệ khác nhau. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng phải tìm cho ra nguồn thông tin tốt nhất mà chúng ta đã truy xuất, để tự cảm nhận, hầu với mỗi nguyên nhân đều có thể tìm thấy tiếng vọng và người bảo vệ trong tim chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa được minh chứng qua tình yêu với anh chị em. Bất cứ ai muốn yêu kính Thiên Chúa bằng cả cuộc sống mình, đều phải yêu thương anh chị em bằng cách hy sinh mạng sống mình cho họ[3].



[1] X. Saint John of the Cross, the Dark Night, Book I, ch.6 : On imperfections arising from spiritual gluttony.
[2] St. Dorotheus, Doct.7, De accusatione sui ipsius,1-2 : PG 88, 1695-1699. Office of Readings, Monday; week 9 in Ordinary Time.
[3]Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cùng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời” (2Tm 2:10).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét