Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

LỜI MỜI GỌI TRUYỀN GIÁO (1Cr 9,16-19.22-23)

Ngày 03: Thánh Phanxicô Xaviê

Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !
Thánh nhân sinh năm 1506 trong một gia đình quyền quý thuộc miền Bắc nước Tây ban Nha ngày nay. Năm 19 tuổi, Ngài đến Paris học. Tại Paris Ngài sống trong cùng một căn phòng với Thánh I Nhã. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của Thánh I Nhã khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi ngài chịu chức linh mục tại Venezia miền Bắc nước Ý (1537). Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III. Những vùng đất đã in đậm dấu chân ngài là Ấn Độ, Malaisia, Inđônêsia và Nhật Bản. Ngài ước mong vào Trung Hoa truyền đạo nhưng không được mãn nguyện bởi ngài đã chết trên đường đến đó vào ngày 03/12/1552. Ngài được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh I Nhã vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Thánh Phanxicô Xaviê là vị truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời mới. Ngài hòa nhập vào dân mà ngài muốn mang Tin Mừng đến ; ngài sống nghèo với những người lao động. Ngài hoạt động thật năng nổ cho cuộc truyền đạo và kích thích được tinh thần này ở Âu Châu. Hàng nghìn người đã theo gương ngài để mang Tin Mừng đi muôn phương.[1]
Truyền giáo là lời mời gọi dành cho hết mọi tín hữu. Mỗi người đều có thể thực hiện tùy theo địa vị và hoàn cảnh của mình. Ngày nay, Giáo hội đang mời gọi các Ki-tô hữu “tân phúc âm hóa” đời sống, khởi đi từ chính bản thân, gia đình giáo xứ và xã hội. Như vậy, truyền giáo ngày nay không nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải bước chân ra đi đến các vùng xa xôi, việc đó dĩ nhiên vẫn rất cần thiết nhưng chỉ phù hợp cho những ai có đặc sủng riêng biệt. Còn nhiệm vụ thiết thực của mỗi người là truyền giáo ngay nơi mình đang sống, là thánh hóa bản thân và từ đó giúp thánh hóa môi trường xung quanh. Truyền giáo ngày nay là giúp mọi người, kể cả các tín hữu, tái khám phá sự hiện diện sống động của Đức Giê-su trong cuộc đời mình, là làm mới lại Tin Mừng được rao giảng và lắng nghe.
Hơn nữa, chúng ta cũng có thể cộng tác vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội bằng nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là những lời cầu nguyện hàng ngày, cũng có thể là những hy sinh nhỏ bé dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho những bước chân truyền giáo. Đó cũng có thể là những đóng góp cụ thể bằng vật chất cho những vùng sâu vùng xa, những nơi đang cần sự nâng đỡ của những tấm lòng bác ái. Những công việc tưởng chừng nhỏ nhặt đó sẽ đem lại những lợi ích lớn lao nếu ta thực hiện với tất cả lòng yêu mến.
Ước gì lệnh truyền của Đức Giê-su (Mc 16,15-20) trước khi về trời cũng như lời bày tỏ của thánh Phaolô luôn vang vọng trong tim mỗi người. Ước gì mỗi tín hữu là một chứng nhân truyền giáo thì gương mặt và giáo lý của Đức Giê-su sẽ nhanh chóng được mọi người nhận biết và áp dụng vào cuộc sống.



[1] Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét