Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Phải yêu kẻ thù như thế nào? (Mt 5,43-45)

Tìm hiểu từ ngữ
Đức Giê-su từng dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Nhiều người không thể hiểu nổi cũng như cảm thấy không thể thực hiện được điều răn này. Liệu Đức Giê-su có đòi hỏi chúng ta quá đáng chăng? Để hiểu rõ hơn lời mời gọi này, chúng ta cần tìm hiểu xem điều thực sự Đức Giê-su muốn nói ở đây là gì.
Trong tiếng Việt, “yêu” là động từ được dùng để diễn tả mọi “tình yêu” nói chung. Trong khi đó, các bản văn Tin Mừng dùng đến 4 động từ tiếng Hy Lạp khác nhau để diễn tả “tình yêu”.
Trước hết là động từ eraô (động từ này là gốc của danh từ erôs). Động từ này được dùng để diễn tả tình yêu lãng mạn và trần tục. Nó gắn liền với cảm xúc, với sự hấp dẫn phái tính theo bản năng và tự phát. Đôi khi nó cũng ám chỉ đến tình yêu thân mật.
Động từ thứ hai là stergô. Động từ này diễn tả tình yêu trong các mối tương quan nơi gia đình. Tình yêu này không tìm công trạng vì nó tự xuất phát bởi sự ràng buộc của các mối tương quan. Chẳng hạn tình yêu tự nhiên giữa cha mẹ dành cho con cái, của anh em dành cho nhau.
Động từ thứ ba là phileô. Động từ này diễn tả tình yêu bằng hữu, tình cảm thân mật giữa hai người bạn với nhau. Tình yêu này thường bao hàm một lời đáp trả, một sự hỗ tương.

Động từ thứ tư là agapaô. Động từ này được dùng để nói về tình yêu bác ái, từ tâm, thiện chí. Tình yêu trao ban mà không mong đền đáp.  Nó là tình yêu hoàn toàn vô vị lợi, tự hiến hoàn toàn chính bản thân cho người mình yêu. Đây là động từ mà Đức Giê-su đã dùng khi nói: “không ai có tình yêu (agapên) cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Tình yêu agapaô không thể hiện theo trật tự cảm xúc nhưng theo hiệu quả nó mang lại. Nó cũng không hòi đỏi một sự đáp trả hay hỗ tương. Yêu người dù người đó có đối xử với ta như thế nào đi nữa. Đây là thứ tình yêu của lý trí, yêu vì Thiên Chúa.
Hiểu rõ hơn lệnh truyền
Khi nói “Hãy yêu kẻ thù”, Đức Giê-su đã dùng động từ agapaô. Như vậy, Đức Giê-su không đòi hỏi chúng ta phải yêu kẻ thù giống như cách chúng ta yêu những người thân. Người cũng không đòi buộc chúng ta phải có tình cảm giống như tình cảm ta dành cho những người trong gia đình hay bạn hữu mình. Tình yêu mà Đức Giê-su đòi hỏi là tình yêu “agapê”. Một tình yêu không hệ tại ở cảm xúc, cũng không hệ tại bất kỳ điều gì riêng của con tim. Bởi dành cho “kẻ thù” một tình yêu của cảm xúc thì thật là khó!
“Agapê” mà Đức Giê-su đòi hỏi hệ tại ở một quyết định, một thái độ, một xác quyết liên quan đến ý chí. Tình yêu mà Đức Giê-su đòi buộc không bắt chúng ta phải mến mộ những ai xúc phạm đến mình, cũng không bắt chúng ta phải dùng tình bằng hữu mà đối đãi với họ. Điều Người đòi hỏi là khả năng trợ giúp và trao tặng sự phục vụ vì đức ái, nếu người đó cần đến sự trợ giúp của chúng ta.
Đức Giê-su giải thích rõ hơn lệnh truyền này ở Lc 6,27-28. Thứ nhất, Người nói: “Hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em”. Đức Giê-su không chỉ cấm trả thù mà Người còn truyền phải trợ giúp họ khi họ gặp khó khăn và cần đến chúng ta. Thứ hai, Đức Giê-su nói: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em”. Chúc lành có nghĩa là “chúc điều lành thánh”, “nói điều tốt đẹp” cho ai đó. Như vậy, chúc lành nghĩa là có thể nói điều tốt lành cho ai đó xứng với lời chúc đó, ngay cả khi người ấy gây điều xấu cho ta. Thứ ba, Đức Giê-su nói: “Hãy cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. Cầu nguyện cho ai điều họ thực sự cần, dù người ấy là kẻ thù của ta là một cách thế trao gửi ân sủng Thiên Chúa vào trái tim người ấy. Và không bao giờ ân sủng Thiên Chúa dành cho kẻ thù lại có thể gây hại cho ta.  
Tại sao phải yêu kẻ thù?
Thái độ đối với kẻ thù như thế là cách chúng ta học để nên giống Thiên Chúa, vì “như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Tình yêu của Thiên Chúa là dành cho tình yêu mọi người, tin cũng như không tin. Vì vậy, tình yêu của chúng ta cũng phải nên tinh tuyền. Đó là cách thế duy nhất để chúng ta trở nên giống như Người.
Tóm lược từ cuốn “Chúng ta biết gì về kinh thánh?” của tác giả Ariel Álvarez Valdés (Vũ Lượng, O.P. chuyển ngữ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét