Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Thái độ của đức tin (Lc 4,16-30)

Tuần XXII - thứ Hai

Sau khi đã nổi tiếng khắp vùng, Đức Giê-su quyết định trở về quê quán của Người. Hẳn dân làng Na-da-rét cũng đã nghe đồn thổi về Người. Giờ đây, tại hội đường của quê hương, chính tai họ lại được nghe những lời ân sủng thốt ra từ miệng Người và họ đã không giấu được sự thán phục của mình.
Thế nhưng, với họ như thế vẫn chưa đủ. Làm sao họ có thể chấp nhận chuyện một người mà họ nghĩ là mình biết rất rõ, một người đã lớn lên giữa họ, lại trở thành một người nổi tiếng sau một thời gian ngắn vắng mặt? Câu hỏi của họ liên quan đến nguồn gốc của Đức Giê-su vừa bày tỏ sự ngạc nhiên vừa lộ vẻ khinh miệt. Lòng kiêu căng và tính ích kỷ đã ngăn cản họ. Do vậy, chỉ dựa vào những lời hay ý đẹp của Người mà thôi thì chưa đủ. Họ còn muốn chứng kiến những phép lạ! Họ nên giống cha ông mình, cứng lòng trước các ngôn sứ.
Đức Giê-su hiểu thấu tâm can họ nhưng Người không chiều theo đòi hỏi của họ. Phép lạ Người làm là để bày tỏ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải để thoả mãn sự tò mò của con người. Người cũng không muốn người khác tin nhận mình chỉ dựa vào các phép lạ mà thôi, vì đó là một niềm tin không có nền tảng vững chắc. Niềm tin cần phải được đặt nền trên toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su, nghĩa là cả cuộc sống và công trình cứu độ mà Người thực hiện.
Khi không được đáp ứng, họ nổi cơn thịnh nộ và muốn giết Người. Đó là thái độ của người Do thái xưa kia. Thế còn thái độ của chúng ta ngày nay thì sao?
Chúa Giê-su đã nói: Phúc cho ai không thấy mà tin (Ga 20,29). Vậy thì chúng ta là những người có phúc vì chúng ta đã không nghe trực tiếp những lời Người nói và không thấy tận mắt những việc Người làm. Thế nhưng chúng ta đã sống đức tin đó như thế nào? Liệu có phải lúc nào chúng ta cũng xác tín vững vàng vào Thiên Chúa hay không? Có lẽ ít ai trong chúng ta dám khẳng định điều đó. Vì thực tế trong cuộc sống, đức tin của chúng ta bị thử thách rất nhiều và ắt hẳn đã có lần chúng ta tỏ ra nghi ngờ niềm tin của mình.
Thực vậy, trong cuộc sống ngày nay, đức tin của chúng ta đang đối diện với rất nhiều thử thách. Thử thách đó có thể là những sự dữ đang xảy ra quanh ta hay cho chính chúng ta, đó có thể là những tai ương bệnh tật, là nghèo đói đau khổ, là bất công oan ức. Nhất là khi đối diện với những nghịch cảnh đó, chúng ta cầu nguyện nhưng không thấy Chúa nhận lời.
Chúng ta vẫn đến nhà thờ, vẫn tham dự thánh lễ, đọc kinh và làm các việc đạo đức, vẫn nghe lời Chúa thường xuyên, thế nhưng đời sống đức tin của chúng ta vẫn khô khan nguội lạnh! Chúng ta vẫn giữ đạo nhưng gia đình thì đổ vỡ, con cái thì hư hỏng, công việc làm ăn đôi khi cũng thất bại. Đó là những lúc đức tin của chúng ta bị thử thách nặng nề.
Trong những lúc như thế, liệu chúng ta có thách thức Thiên Chúa hay khiêm tốn để sẵn sàng lắng nghe và tìm hiểu thánh ý Người; liệu chúng ta ủ rũ thất vọng và trách móc Thiên Chúa hay chúng ta tin tưởng, cậy trông và tín thác vào tình thương Thiên Chúa.
Quả thật, nhiều lúc chúng ta cảm thấy Chúa vắng bóng trong cuộc đời mình, thế nhưng thực tế thì Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Do vậy, để đứng vững trong đức tin đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rất nhiều. Hơn thế nữa, chúng ta cần ý thức chính bản thân mình để khiếm tốn nói như các tông đồ: Con tin, nhưng xin thầy thêm đức tin cho chúng con (x. Lc 17,5).
Đức tin là một hồng ân, chính Chúa Thánh Thần ngự trong linh hồn và thúc giục chúng ta tin tưởng, yêu mến Thiên Chúa. Chính vì thế, để nuôi dưỡng và gia tăng đức tin, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng. Nhất là khi chúng ta đang sống trong năm đức tin, năm mà Giáo hội mời gọi mỗi người hãy tái khám phá lại đức tin của mình, đồng thời gia tăng niềm tin ấy mỗi ngày. Một trong những cách thức cụ thể mà Giáo hội đề nghị cho mỗi người, đó là xây dựng mối tương qua gần gũi, thân mật với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng ta.

 Gợi ý chia sẻ:
1.      Có khi nào đức tin của bạn bị lung lay?

2.      Bạn có kế hoạch nào để sống năm đức tin cách cụ thể hơn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét