Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Hai cách đón tiếp Đức Giê-su (Lc 7,36-50)

Tuần XXIV - thứ Năm

Bài Tin mừng ngày hôm nay nói đến hai cách tiếp đón Đức Giê-su.  Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu và một người phụ nữ tội lỗi. Ông Pha-ri-sêu, chắc hẳn là một người nổi tiếng trong thành, là chủ nhà, đã mời Đức Giê-su đến dùng bữa với mình; còn người phụ nữ, cũng là người nổi tiếng trong thành, nhưng chị được gán mác là một người tội lỗi. Tuy chỉ là một người “khách không mời mà đến” nhưng chị lại “đón tiếp” Đức Giê-su cách đặc biệt. Một loạt những hành động của chị chắc hẳn đã gây sửng sờ cho những ai chứng kiến. Thực vậy, chị không dám đến trước mặt Đức Giê-su nhưng chỉ rón rén đứng đàng sau, khóc sụt sùi, để nước mắt tưới ướt chân Người, lấy tóc mà lau, cúi xuống hôn lên đôi chân của Đức Giê-su và lấy dầu thơm mà đổ lên. Cách đón tiếp này hoàn toàn khác với cách đón tiếp lạnh nhạt của ông chủ nhà Pha-ri-sêu.


Hai cách đón tiếp khác nhau này xuất phát từ hai thái độ khác nhau. Ông Pha-ri-sêu hẳn là đã tự hào về danh phận của mình. Các Pha-ri-sêu thường là những bậc thầy trong dân, là người tuân giữ luật một cách nghiêm khắc, là kiểu mẫu của đời sống đạo đức. Họ thường tự hào về những gì mình đã giữ và tuân hành. Do vậy, ông dễ nhìn người khác với cái nhìn từ trên nhìn xuống. Trái lại, người phụ nữ được giới thiệu là một người tội lỗi trong thành. Chắc hẳn chị cũng đã nổi tiếng một cách bất đắc dĩ. Ý thức thân phận của mình, chị tìm đến với Đức Giê-su cách rụt rè nhưng cũng rất can đảm. Chị rụt rè vì biết mình không xứng. Chị can đảm vì biết mình sẽ phải đến một nơi không được ai chào đón ngoại trừ thầy Giê-su. Chị can đảm khi phải bày tỏ thái độ và hành động của mình trước bao nhiêu ánh mắt! Thế nhưng chị không ngại ngần. Chị quyết tâm và dứt khoát bày tỏ lòng mình.
Trước hai thái độ tiếp đón khác nhau, Đức Giê-su cũng đáp trả với hai thái độ khác nhau. Với người phụ nữ, Người trân trọng đón nhận tất cả những hành động chân thành của chị dành cho Người. Người tha thứ tội lỗi cho chị và chúc chị đi bình an. Trong khi đó, với người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su khéo léo quở trách khi so sánh thái độ của ông với thái độ của người phụ nữ.
Bài Tin mừng ngày hôm nay là cơ hội cho chúng ta xét lại thái độ của mình khi đến với Chúa. Lắm lúc chúng ta mời Chúa đến với mình trong tâm trạng thờ ơ nguội lạnh. Đặc biệt là những lần rước Thánh Thể Chúa vào lòng. Chúng ta tham dự và cử hành một cách máy móc, khô khăn. Đôi khi chúng ta chưa có sự chuẩn bị, lắm lúc ta chỉ chuẩn bị cách sơ sài. Nhiều lúc mời Chúa vào lòng nhưng ta lại để Người cô đơn trong chính lòng mình, còn bản thân thì mơ màng đến những cõi xa xăm.
Cũng có lắm lúc ta tự hào về đời sống luân lý đạo đức của mình, về những thành tích của mình trong cộng đoàn, nơi giáo xứ. Để rồi từ đó có cái nhìn cao ngạo đối với người khác, nhất là những người nghèo, những người bị cô lập, bị bỏ rơi, bị cho là có tiếng xấu. Với cái nhìn tiêu cực về tha nhân như thế, ta cũng sẽ không thể có một tương quan tốt với Thiên Chúa.
Dù là người tội lỗi, đến với Chúa dưới ánh mắt dò xét của nhiều người, nhưng chị vẫn can đảm đến với Chúa bằng con người thật của mình. Chị không giả dối, không né tránh, nhưng nhìn nhận thân phận yếu đuối tội lỗi để đến với Đức Giê-su bằng tất cả lòng thành. Chị đã bày tỏ lòng yêu mến bằng những hành động tốt nhất có thể. Chị phạm tội nhưng không ở lại trong tội. Chị biết đứng lên để tìm đường về cõi sáng.

Ước gì đó cũng là thái độ sống của mỗi người chúng ta. Trong thân phận con người mỏng dòn yếu đuối, tội lỗi luôn đeo đuổi bám riết lấy con người chúng ta. Điều đó thật bi đát nhưng không phải là tuyệt vọng. Với lòng chân thành, chúng ta đến với Chúa để bày tỏ sự sám hối và lòng yêu mến, chắc hẳn Chúa cũng sẽ nói với ta như nói với người phụ nữ: “Tội của con đã được tha rồi”. Vì Thiên Chúa đối xử với chúng ta không theo tội lỗi chúng ta đã phạm theo theo lòng nhân hậu của Chúa, miễn là ta biết sám hối và đến với Người. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét