Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Giàu có để làm gì?

Nếu hỏi mọi người có muốn giàu có không thì có lẽ ai cũng sẽ trả lời là có. Thế nhưng nếu hỏi tiếp giàu để làm gì thì có lẽ sẽ có vô vàn câu trả lời khác nhau.
Gần đây, dư luận hay bàn tán xôn xao về các đại gia Việt Nam: Nào là mua xe khủng, đám cưới tổ chức vài chục tỷ, nào là ăn chơi sành điệu, sống đúng phong cách, đẳng cấp. Trong khi đó, ở một thái cực khác, nhiều người, nhiều gia đình suốt đời chỉ ao ước có một “ngôi nhà mơ ước” mà cũng không có. Đó phải chăng là nghịch lý mà đồng tiền mang lại: kẻ ăn không hết, người làm không ra.
Đến đây tôi lại nhớ đến Quách Tĩnh, một nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung. Quách Tĩnh được mọi người biết đến như là “chàng khờ”. Thế nhưng Kim Dung lại khéo léo “sắp xếp” để cho “chàng khờ” này có một cuộc tranh luận với Thành Cát Tư Hãn về đề tài Anh Hùng. Thành Cát Tư Hãn hãnh diện cho mình là Anh hùng vì đã đánh Tây dẹp Bắc, thâu tóm đất khắp cả thiên hạ. Quách Tĩnh chỉ cần một câu hỏi đã làm đảo ngược tình thế! Chàng hỏi: “thế khi chết người ta cần bao nhiêu đất?” Thành Cát Tư Hãn bất ngờ trước câu hỏi này và càng khó chịu hơn với cách lý luận “đơn sơ” của Quách Tĩnh : nếu khi chết họ chỉ cần một thước đất để nằm thì việc gì khi sống phải chiếm cho được nhiều đất, để rồi gây ra bao cảnh tang thương. Dù có chút cay đắng, nhưng trước cách lý luận của “chàng khờ”, Thành Cát Tư Hãn đành phải “cất” đi niềm kiêu hãnh của mình.

Câu chuyện này cũng tương tự như câu chuyện của một doanh nhân kia. Trước khi qua đời, ông dặn dò con cháu như một lời trăn trối: những gì cha có và cha đã tiêu sài, bây giờ đã hết. Những gì cha có mà chưa kịp sài bây giờ đã về tay người khác. Những gì cha có và đã cho người khác bây giờ lại sắp trở về với cha.
Tiền. Quý thật. Vì nó giúp con người cải thiện cuộc sống và làm được bao nhiêu thứ. Nhưng đáng quý hơn đó là sử dụng đồng tiền như thế nào cho hữu ích. Tiền, quý thật nhưng có bao nhiêu thì đủ ? Câu trả lời của cụ Nguyễn Công Trứ xem ra rất xác đáng. Đó là: tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Biết đủ thì đủ, đợi cho đủ thì biết bao giờ mới đủ.
Đức Giê-su cũng đưa ra một hướng dẫn cho việc sử dụng tiền bạc khi kể về câu chuyện người phú hộ chỉ biết thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, cũng như không tin tưởng vào sự quan phòng của Người. Và rồi Đức Giê-su nhắn nhủ: Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời (x Lc 12, 13-34). Dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay (Lc 16,19-31) cũng cho thấy, nếu có tiền của mà chỉ biết thỏa mãn với chính mình và khép lòng lại trước cảnh thương tâm của đồng loại thì cũng như không! Giáo hội gồm những con người liên đới với nhau trong hành trình tiến về quê Trời. Trên con đường này, chúng ta không đi một mình nhưng liên đới với nhau trong mọi hoàn cảnh.
Thánh Đa minh đã minh họa lời dạy của Đức Giê-su bằng một lối sống lữ hành. Gia tài người để lại cho Anh Em người là một chiếc bị, không phải để đựng tiền nhưng là để đựng cuốn Kinh Thánh và lòng bác ái. Với hành trang như thế, người lữ hành Đa Minh được mời gọi chia sẻ những gì thủ đắc được vì ơn cứu độ và phần rỗi các linh hồn. Đó cũng là tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời, nơi mối mọt không thể nào phá hủy được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét