Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Hoán cải là gì?

Làm thế nào để sự lựa chọn của ta và ân sủng của Thiên Chúa kết hợp với nhau?

Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca kể một số câu chuyện về những người dân ngoại gia nhập Giáo hội sơ khai như thế nào. Trong vài thế kỷ đầu, tiến trình điển hình gồm ba giai đoạn: loan báo Phúc âm, sự hoán cải và sau đó là phép rửa.
Ngày nay, trình tự này có thể sẽ khác nhưng cả ba yếu tố này vẫn là thiết yếu: loan báo Phúc âm_chia sẻ Tin Mừng; hoán cải_một quyết định từ bỏ thế gian và trở về cùng Thiên Chúa; phép rửa_sự dồi dào của ân sủng Chúa để tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi và biến thành con cái Thiên Chúa cũng như là thành viên của Giáo hội. Chúng ta hãy lần lượt nhìn vào ba yếu tố chìa khóa này.
Loan báo Phúc âm: loan báo Phúc âm là chia sẻ “tin vui” về Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng đã chết trên thập giá để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Sứ điệp của Tin Mừng có thể đến trực tiếp từ Chúa Thánh Thần như đã xảy ra với Phaolô (Cv 9,1-19), nhưng thông thường là Chúa Thánh Thần nói qua một ai đó đã có một kinh nghiệm hoán cải. Như trong trường hợp của Lydia, Chúa Thánh Thần tác động qua Phaolo và các cộng sự của ngài khi họ nói về Đức Ki-tô cho người phụ nữ này (x. Cv 16,11-15).

Bất kể nguồn gốc của sứ điệp như thế nào thì việc loan báo Tin Mừng luôn luôn là công trình của Chúa Thánh Thần. Chỉ Ngài mới có thể xuyên thấu cõi lòng con người với lời hứa về một đời sống mới. Chỉ Ngài mới có thể làm sáng tỏ tội lỗi và đổ tràn tình yêu chữa lành của Chúa Cha. Chỉ Ngài mới có thể mở rộng trái tim con người và bày tỏ Đức Giê-su theo một cách thức hoàn toàn mới mẻ. Tóm lại, chỉ Chúa Thánh Thần mới có thể “Phúc âm hóa” con người bằng cách dẫn người đó đến sự thật và hoán cải đời sống.

Hoán cải: Như chúng ta đã nói ở trên, hoán cải là quyết định từ bỏ tội lỗi và trở về với Thiên Chúa. Có hai chiều kích của sự hoán cải: hoán cải ban đầu và hoán cải liên tục. Trong dụ ngôn người con hoang đàng, Đức Giê-su minh họa cả hai chiều kích này cách rõ nét. Hoán cải ban đầu - hoán cải chủ yếu là quay lưng lại với thế giới để phó dâng đời sống mình cho Đức Ki-tô – là điều hiển nhiên nơi chính người con hoang đàng. Anh ta là người mà “đã hồi tâm và tự nhủ” từ bỏ lối sống cũ của mình để trở về nhà cha (Lc 15,17). 

Tuy nhiên, người anh cả, dù đang sống với cha mình nhưng anh ta vẫn cần kinh nghiệm một cuộc hoán cải sâu sắc hơn, nhất là về sự tự mãn, giận dữ và oán hận. Như thái độ của người cha đối với người con cả, Thiên Chúa cũng không ngừng mời gọi chúng ta quyết định xa rời tội lỗi và đến gần Đức Giê-su hơn. “Sự hoán cải liên tục” này phụ thuộc vào ân sủng chúng ta nhận được khi cầu nguyện, khi lãnh nhận các bí tích và khi chúng ta vượt qua chính mình để phục vụ người khác. Con đường này của người môn đệ được thực hiện với vô vàn những cơ hội để trải nghiệm một cuộc hoán cải sâu xa hơn.

Phép rửa: Bí tích Rửa tội tẩy sạch chúng ta khỏi tội nguyên tổ, biến chúng ta thành một “thọ tạo mới” (2Cr 5,17) và tháp nhập chúng ta vào trong thân thể Đức Ki-tô (GLHTCG, số 1262-1270). Phép rửa đòi hỏi rằng một người đã được nghe Tin Mừng, đã tin vào Đức Ki-tô và đã tuyên xưng Đức Giê-su sống lại từ cõi chết. Trong trường hợp phép rửa trẻ em, giả thiết là cha mẹ và những người đỡ đầu đứa trẻ sẽ đảm nhận trách nhiệm chính yếu của việc truyền đạt Tin Mừng và giúp đứa trẻ có một quyết định chín chắn trong việc từ bỏ tội lỗi và trở về với Đức Ki-tô.

Tin Mừng của đời sống mới: Hoán cải là một sự kết hợp mầu nhiệm giữa ân sủng đầy quyền năng của Thiên Chúa với quyết định của con người. Chúng ta tự do lựa chọn giao phó đời mình cho Đức Giê-su nhưng chúng ta thậm chí không thể đưa ra một lựa chọn như thế nếu không phải Chúa Thánh Thần chỉ cho chúng ta sự cần thiết của Đức Ki-tô cũng như tình yêu cao cả của Người đối với chúng ta. Sau kinh nghiệm ban đầu của cuộc hoán cải, chúng ta vẫn cần ân sủng của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể; chúng ta vẫn cần sự khôn ngoan của Kinh Thánh; chúng ta vẫn cần lòng thương xót trong bí tích Hòa giải. Không có ân sủng liên tục trong những quà tặng này, chúng ta có nhiều khả năng vượt khỏi tầm nhìn của Đức Giê-su và rơi vào cơn cám dỗ, khiến chúng ta sa ngã trở lại và làm cho cuộc hoán cải liên tục của chúng ta có nguy cơ.

Thiên Chúa muốn tất cả mọi người trải qua niềm vui của sự hoán cải ban đầu. Người muốn tất cả chúng ta đến để biết sự khác biệt giữa chỉ sống cho thế giới này và chỉ sống cho Đức Giê-su.

Tuy nhiên, bên cạnh ân sủng của sự hoán cải ban đầu này, Thiên Chúa muốn chúng ta tỉnh thức mỗi ngày và bước vào Ngôi trường của Đức Ki-tô, nơi Chúa Thánh Thần sẵn sàng dạy dỗ và huấn luyện chúng ta. Mỗi ngày, Chúa Thánh Thần muốn chỉ cho chúng ta cách thức ứng dụng những bài học của sự hoán cải liên tục vào cuộc sống để có thể đến gặp Đức Giê-su với những khuôn mặt không che màn, nghĩa là với một con tim đã được tinh luyện khỏi tội lỗi. 

Sự hoán cải cũng giống như đời sống hôn nhân. Đôi vợ chồng luôn nhớ và trân trọng ngày cưới của họ như một trong những ngày quan trọng nhất. Nhưng họ cũng nhận ra rằng chính sự kết hợp liên tục với nhau và trở nên một xương một thịt thông qua những niềm vui và thử thách trong cuộc sống sẽ giúp họ kinh nghiệm một tình yêu sâu sắc mà họ chỉ bắt đầu nếm hưởng từ ngày cưới. Tương tự thế, sự hoán cải ban đầu đến với Đức Giê-su thì tuyệt vời nhưng phát triển thành một Ki-tô hữu trưởng thành – qua sự hoán cải liên tục – thì còn tuyệt vời hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét