Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

QUẢ TRỨNG PHỤC SINH

Tập tục “quả trứng Phục Sinh” phát xuất từ đâu và có ý nghĩa gì?
Đến lễ Phục Sinh, ta thường thấy các tấm cards hay vẽ hình quả trứng, hoặc có những miếng xô-cô-la hình quả trứng. Vậy đâu là nguồn gốc và ý nghĩa của “Quả trứng Phục Sinh”:
- Tại Trung Âu, vào đêm Phục Sinh, sau thánh lễ, vị linh mục Chính thống chúc lành cho các giỏ thực phẩm mỗi gia đình mang tới, trong đó luôn luôn có ít quả trứng có khi được tô vẽ bên trên.
- Tại Biêlorussia và Ukraina, vào sáng Chúc Nhật Phục Sinh, những người chính thống phái Uniát (chấp nhận quyền bính của Đức giáo hoàng) cắt một quả trứng ra và mỗi người ăn cách thật kính cẩn.
Người Chính thống giữ Mùa Chay nhiệm nhặt hơn ta, và trong bảy tuần, họ không ăn một tí thịt hay một tí mỡ thú vật nào, cũng không ăn cá (trừ một lần giữa Mùa Chay) để rồi vào ngày lễ Phục Sinh, họ ăn trứng: như vậy, quả trứng chấm dứt Mùa Chay và là món ăn có chất prô-tê-in đầu tiên của mùa xuân và trở thành dấu chỉ sự đổi mới và báo tin mừng Phục Sinh.
- Tại Roumania, người ta cầm một quả trứng “cụng” vào quả trứng của chủ nhà và mừng lễ ông: Đức Kitô đã phục sinh. Người ta cũng thường viết thư trên các quả trứng và gửi cho những người họ thương mến.
Từ đó phát sinh tục lệ gửi trứng Phục Sinh mừng nhau (trên đó có khi ghi một sứ điệp tôn giáo), và thành hình một loại nghệ thuật dân gian truyền thống, có những quy luật, những ý nghĩa tượng trưng, khác nhau ít nhiều tùy miền, tùy xứ.
Như thế, quả trứng Phục Sinh có trang trí chính là một phương tiện chuyển thông sứ điệp Phục Sinh (sự đổi mới và sức sống). Hôm nay, chúng ta có thể dùng cách thức đó để cầu chúc cho nhau được đổi mới và có chan hòa sức sống mới của Đức Kitô Phục Sinh.

Tóm lược từ bài viết của Lm PX Phan Long, ofm đăng tại kinhthanhvn.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét