Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

SỨ MẠNG NGƯỜI MÔN ĐỆ



Chúa nhật V TNA (Mt 5,13-16)
Kính thưa cộng đoàn,
Ngay trước bài Tin Mừng này là bản văn nói về Bát Phúc. Bát Phúc chính là hiến chương của Nước Trời, là lối sống của người môn đệ để xứng đáng với Vương Quốc mà Đức Giê-su đã loan báo. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay, Đức Giê-su đề cập đến sứ mạng của người môn đệ. Sứ mạng đó là nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.
Nói về tác dụng của muối đối với thức ăn, có lẽ mọi người đều biết rõ. Muối không chỉ giữ cho thực phẩm khỏi hư mà còn làm cho thức ăn thêm gia vị. Nấu ăn mà không có muối thì dù có là sơn hào hải vị cũng sẽ trở nên nhạt nhẽo. Muối có tác dụng với thức ăn như thế nào thì sứ vụ của người môn đệ đối với môi trường sống cũng vậy.

Để phát huy tác dụng, muối phải hòa tan chính mình vào trong thực phẩm để có thể ướp mặn mọi thành phần. Cũng vậy, sứ mạng của người môn đệ là hòa nhập vào mọi môi trường của cuộc sống để tiếp xúc với mọi đối tượng. Sứ mạng của người môn đệ là làm cho cuộc sống, vốn đã trở nên nhạt nhẽo, chán chường đối với nhiều người, nên đáng yêu và đáng sống hơn. Nhiều bạn trẻ đang mất định hướng, mất niềm tin vào xã hội; nhiều người lớn đang cảm thấy bất lực, thất vọng với cuộc sống; do đó, sứ mạng của người môn đệ là giúp họ nhận thấy những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đặc biệt là những giá trị tinh thần, những giá trị tâm linh.
Hơn nữa, Đức Giê-su dùng hình ảnh của muối nhưng nhấn mạnh đến tác động của muối. Nếu muối mà hết mặn thì cũng trở nên vô dụng, vì nó không còn sức tác động lên thứ khác. Cũng vậy, Chúa Giê-su không đồng ý một lối sống đạo thụ động, một lối sống đạo thu mình. Nếu là một người Ki-tô hữu mà chỉ tâm niệm rằng mình chỉ cần giữ các giới luật của Chúa và của Hội thánh mà thôi thì người Ki-tô hữu đó chưa thi hành tốt sứ vụ của mình. Thực vậy, Đức Giê-su không muốn chúng ta chỉ giữ đạo cho riêng mình mà thôi nhưng Người muốn đời sống của chúng ta phải trở nên một chứng tá, nghĩa là có sức lay động, cảm hóa, tác động nơi người khác. Trong thông điệp Niềm vui Tin Mừng, đức thánh cha Phanxicô đã nhấn mạnh, ngài thà thấy một Giáo hội bị vấy bẩn khi đến với người nghèo còn hơn là một Giáo hội sạch sẽ trong bốn bức tường.
Cũng vậy, xưa nay, con người luôn sợ bóng tối. Bóng tối làm cho người ta sợ hãi, nghi ngờ, sống co rút lại. Xã hội hiện đại ngày nay đang xuất hiện nhiều bóng tối đáng sợ hơn nữa: bóng tối tội lối, bóng tối của sự vô cảm, vô tâm, bóng tối của một lối sống buông thả, của một nền kinh tế ảm đảm, của những bất công trong xã hội, v.v.. Trong bối cảnh đó, người môn đệ được mời gọi trở nên ánh sáng cho trần gian. Sự hiện diện của người môn đệ phải có khả năng mang lại an tâm và hy vọng cho người khác.
Nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian là sứ vụ của người môn đệ. Thế nhưng không phải ai, không phải khi nào chúng ta cũng ý thức được sứ mạng này. Bằng chứng là Đức Giê-su đã nói rằng muối mà hết mặn thì sẽ bị vất đi, ánh sáng mà không có tác dụng soi chiếu cho người khác thì cũng nên vô dụng. Vậy mỗi người chúng ta hãy xét xem cuộc sống của mình đã đủ ‘chất mặn” để có thể ướp mặn cho người khác được chưa? Đời sống của chúng ta đã đủ sáng để chiếu sáng cho người bên cạnh hay chưa? Làm thế nào để chúng ta có thể ướp mặn cho đời? Có thể chiếu sáng cho trần gian?
Bài đọc một sẽ cho ta câu trả lời: đó là khi ta chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Khi đó ánh sáng của chúng ta sẽ bừng lên như rạng đông. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng ánh sáng này không phải từ trong chính bản thân chúng ta phát ra nhưng là ánh sáng chúng ta đã tiếp nhận từ Thiên Chúa. Như hình ảnh ông Môsê, sau một thời gian đàm đạo với Thiên Chúa trên núi, ông trở xuống mặt bừng sáng vì phản ánh vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên ông. Cũng vậy, những việc tốt của chúng ta không phản ánh vinh quang của chúng ta nhưng phản ánh vinh quang của Thiên Chúa.
Đầu năm 2014, Đức thánh cha Phanxicô đã sai 414 gia đình đi truyền giáo ở các châu lục, trong đó có cả Việt Nam chúng ta. Họ đi cả gia đình, đến ở, hiện diện và sinh sống như bao gia đình khác. Tuy nhiên, họ luôn ý thức mình được sai đi với sự mạng truyền giáo. Hành động này của Đức Thánh Cha cũng như quyết định ra đi của các gia đình trên nhắc chúng ta suy xét về sự hiện diện của mình. Chúng ta có ý thức sự hiện diện của của mình trong môi trường mình đang sống cũng là một sự hiện diện mang tính truyền giáo hay không?
Xin Chúa giúp chúng con luôn ý thức về sứ vụ của mình và can đảm thực thi sứ vụ đó trong từng hành động của chúng con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét