Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

PHÉP RỬA ĐỔI MỚI

Lễ Chúa Giê-Su Chịu Phép Rửa – năm A (Mt 3,13-17)
13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói : "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !" 15 Nhưng Đức Giê-su trả lời : "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.
16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán : "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Sau đại lễ Giáng Sinh mừng Con Thiên Chúa nhập thể làm người, các bài đọc của phụng vụ trong thời gian qua liên tục đề cập đến các biến cố trong cuộc đời ẩn dật của Đức Giê-su, đó là việc ba vua tìm đến bái thờ vị Vua vừa mới sinh, việc dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ, thánh gia trốn sang ai cập và trở về, biến cố các trẻ thơ bị sát hại bởi bàn tay tàn bạo của vua Hêrôđê, v.v.. Chúa nhật hôm nay, Giáo hội dành để kính nhớ việc Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy giả. Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa mà chúng ta cử hành hôm nay mang nhiều ý nghĩa khác nhau và cũng để lại cho ta nhiều bài học bổ ích.
Thực vậy, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra việc Chúa Giê-su chịu phép rửa vừa khép lại những biến cố xảy ra trong thời gian sống ẩn dật của Đức Giê-su vừa mở ra một đời sống mới trong sứ vụ của Người. Bài đọc một chúng ta vừa nghe đề cập đến sứ vụ của người tôi tớ đau khổ, đó là thiết lập công lý của Thiên Chúa trên địa cầu nhờ Thần Khí. Người tôi tớ đau khổ đó chính là hình ảnh báo trước của Đức Giê-su Ki-tô. Thiết lập công lý chính là bày tỏ tình thương và lòng nhân ái của Thiên Chúa cho con người: “Cây lau bị giập cũng không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét cũng không nỡ tắt đi”. Bài đọc hai trích từ sách công vụ tông đồ, thánh sử Luca còn cho ta biết sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép rửa, Đức Giê-su đi đến đâu thì thi ân giáng phúc đến đó, Người chữa lành mọi thứ bệnh tật và giải phóng con người khỏi ma quỷ.

Dù là Con Một Thiên Chúa, là Đâng vô tội, thế nhưng Đức Giê-su đã khiêm nhường bước xuống dòng sông Giođan để lãnh nhận phép rửa của ông Gioan, một biến cố đánh dấu một giai đoạn hoàn toàn mới mẻ trong đời sống và sứ vụ của Đức Giê-su.
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ lại phép rửa của mình. Mỗi người chúng ta cũng đã chịu một phép rửa, không phải như phép rửa của Gioan nhưng là phép rửa do chính Chúa Giê-su thiết lập bằng máu của Người. Phép rửa đó cũng đưa chúng ta vào một đời sống mới, vào sứ vụ mới. Thế nhưng chúng ta có ý thức và sống điều đó hay chưa? Đời sống của chúng ta có khác với đời sống của một người chưa theo đạo hay không?
Vậy thì, đời sống mới của người Ki-tô hữu là gì? Sứ vụ mới của người Ki-tô hữu là gì?
Ngày chịu phép rửa, chúng ta đã hứa trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh rằng chúng ta sẽ từ bỏ ma quỷ và những cám dỗ của nó để chỉ tin vào một Thiên Chúa là Cha yêu thương mà thôi, thế nhưng trong thực tế cuộc sống, chúng ta có giữ được lời hứa đó hay không? Những khi gặp khó khăn, đau khổ hay thử thách chúng ta có tin tưởng và chạy đến với Thiên Chúa hay chúng ta cũng đi xem thầy, đi coi bói như nhiều người khác.
Trong cuốn tự thuật về công cuộc truyền giáo tại Giáo phận Kontum, các nhà truyền giáo người Pháp đã kể về trường hợp của ông Hmur, người Bana đầu tiên chịu phép rửa như sau: Trước khi chịu phép rửa, ông là người rất mê tín, nhất là với các linh vật hay các tập tục mê tín dị đoan của người Bana. Đó cũng chính là trở ngại lớn nhất đối với ông nói riêng cũng như đối với người Bana nói chung. Thế nhưng từ khi tiếp xúc với các vị thừa sai và được ơn đức tin. Ông đã hoàn toàn tín thác vào Chúa. Trước ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, ông đã công khai vất các linh vật xuống dòng sông trước sự chứng khiến đầy sợ hãi của dân làng. Người trong làng, kể cả người trong gia đình đều lo sợ cho ông vì cho rằng ông đã “phản bội” các thần linh. Họ khuyên ông từ bỏ đạo để quay trở lại thờ các tượng thần. Thế nhưng ông một mực từ chối. Hơn nữa, chính đời sống gương mẫu của ông sau khi lãnh nhận phép rửa đã làm cho nhiều người suy nghĩ lại và bắt đầu xin tìm hiểu và theo đạo. Đời sống của ông sau khi chịu phép rửa đã thay đổi hoàn toàn và ông đã làm gương, thuyết phục được nhiều người theo đạo. Mỗi người chúng ta cũng hãy tự hỏi xem mình đã thay đổi lối sống của mình hay chưa?
Qua phép rửa, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và là một thành viên trong gia đình Giáo hội, thế nhưng chúng ta đã sống tâm tình và bổn phận của người làm con như thế nào? Những lời Thiên Chúa nói với chúng ta qua Tin Mừng của Đức Giê-su, chúng ta có thích thú lắng nghe và cố gắng thực thi hay không, hay là chúng ta vẫn dễ dàng trong việc buông thả cho những ham muốn xác thịt quyến rủ, lôi cuốn chúng ta?
Là thành viên trong đại gia đình Giáo hội, chúng ta có giữ những điều Giáo hội dạy, có chu toàn những bổn phận, trách nhiệm của một thành viên trong gia đình để đóng góp, xây dựng và phát triển gia đình Giáo hội hay không? Hay chúng ta thờ ơ với những sinh hoạt của Giáo hội hay giáo xứ.

Là người ông người bà, người cha người mẹ trong gia đình, chúng ta đã chu toàn những bổn phận và trách nhiệm của mình theo lời dạy của Chúa hay chưa? Chúng ta có sống Tin Mừng trong gia đình, nơi làng xóm hay nơi môi trường sống và làm việc của chúng ta hay không? Ước gì những lời chất vấn đó là cơ hội để chúng ta xem xét lại đời sống của mình để càng ngày chúng ta càng nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Hoàn Thiện. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét