Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI



Chúa nhật III TNA – người lớn (Mt 4,12-23)
Kính thưa cộng đoàn, bài Tin Mừng hôm này tường thuật cho ta biết hoàn cảnh Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ của Người. Đó là khi nghe tin ông Gioan Tẩy giả bị nộp, Đức Giê-su lánh qua miền Galilê và bắt đầu rao giảng tại đó. Tại sao Đức Giê-su không bắt đầu rao giảng ở Giuđa là trung tâm đời sống tôn giáo và chính trị của Israel, trái lại Người lánh về miền Galilê là “vùng đất của dân ngoại”? Sự lựa chọn của Đức Giê-su có ý nghĩa gì?
Galilê là nơi ở chủ yếu của hai chi tộc Dơvulun và Náptali. Vào thế kỷ thứ 8 trước Chúa Giê-su, vùng đất này bị quân Átsau xâm chiếm và kể từ đó, nó là nơi ở hỗn tạp của dân Do thái với dân ngoại. Đây có thể coi là một sự thất bại, một nỗi nhục đối với người Do Thái. Cụm từ “miền đất của dân ngoại” là kiểu nói mỉa mai, ám chỉ một miền đất bị loại trừ, bị Thiên Chúa bỏ quên. Thế nhưng chương trình của Thiên Chúa thì khác với suy nghĩ của con người.

Thật vậy, từ lâu, tiên tri Isaia đã tiên báo rằng : Thiên Chúa đã hạ nhục Dovulun và Náptali nhưng sau đó, Người sẽ làm cho đất này nên vẻ vang. Đoàn dân đang ngồi trong bóng tối tăm sẽ được một ánh sáng chiếu soi. Một ánh sáng kỳ diệu sẽ mang lại niềm vui và hy vọng cho nhiều Người. Ánh sáng đó đã được thánh sử Matthêu quy hướng về Đức Giê-su. Thực vậy, Đức Giê-su đã chọn Dơvulun và Naptali để bắt đầu công cuộc loan báo Tin Mừng của Người. Sự xuất hiện của Đức Giê-su, những lời giảng dạy, những phép lạ Người làm tại Galilê như ánh sáng soi đường, mang lại niềm tin và sức sống cho những ai đang mệt mỏi. Đó cũng chính là niềm vui và hy vọng cho mỗi người chúng ta.
 Thực vậy, ngày nay nhiều người vẫn đang bước đi trong bóng tối. Có những bóng tối nằm ngoài khả năng và quyết định của mỗi người trong chúng ta. Chẳng hạn như chúng ta đang sống trong giai đoạn kinh tế rất khó khăn. Hàng trăm công ty xí nghiệp phải đóng cửa. Hàng triệu người phải thất nghiệp. Nhiều người đang ngày đêm vất vả với những món nợ chồng chất. Kinh tế khó khăn như một bóng tối đe dọa đời sống cá nhân và gia đình. Nhiều người không còn thời gian, không đủ kiên nhẫn để đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, cũng có những bóng tối khác do chính chúng ta tạo ra. Chẳng hạn như nguy cơ của những cuộc chiến tranh. Sự bắt bớ và đàn áp về tôn giáo. Những khủng hoảng trong đời sống gia đình, cộng đoàn. Những tranh giành, bon chen trong công việc làm ăn, nạn tham nhũng, lối sống vô cảm, v.v.. đó là những bóng tối do chính sự ích kỷ, tham lam, nhỏ nhen của chúng ta tạo nên.
Bóng tối là điều đáng sợ, thế nhưng điều còn đáng sợ hơn nữa chính là sự cố chấp ở trong bóng tối. Như Đức Giê-su đã có lần nói: thế gian này yêu bóng tối hơn ánh sáng (x Ga 3,19), nhiều người biết đó là bóng tối nhưng vẫn thích vì điều đó mang lại nhiều lợi ích cho họ. Họ sẵn sàng mưu lợi cho mình dựa trên chính nỗi khổ của người khác. Vì chút lợi nhuận, người ta sẵn sàng làm thuốc giả, người ta vô tư tẩm các chất độc hại vào thực phẩm. Người ta bất chấp đạo đức và phẩm giá con người để trục lợi cho mình. Thậm chí, người ta loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống để đạt được những mục đích tạm bợ.
Chính vì vậy, lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta hãy tiếp nhận ánh sáng của Đức Giê-su. Ánh sáng đó chính là sự hiện diện của Người trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Ánh sáng đó là lời Chúa soi dẫn chúng ta mỗi ngày, trong từng lựa chọn.
Trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta cũng đã nhận lấy ngọn nến sáng được thắp từ cây nến phục sinh. Ánh sáng đó tượng trưng cho chính Đức Ki-tô mà mỗi người chúng ta đón nhận không phải để cất giữ cho riêng mình nhưng để chiếu sáng cho người khác nữa. Đó cũng chính là lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho chúng ta trong ngày hôm nay.
Chúng ta đang sống trong năm tân phúc âm hóa gia đình. Trong thư mục vụ của Đức cha Micae gửi cho toàn thể giáo phận, đức cha đề nghị ba việc cụ thể để sống đức tin trong năm này. Thứ nhất là mỗi gia đình công giáo hãy kết thân với một gia đình không công giáo. Thứ hai là phát huy các giờ kinh trong gia đình. Và cuối cùng là gia tăng việc đọc, suy niệm và chia sẻ lời Chúa. Thiết nghĩ những gợi ý trên cũng là cách thức chúng ta phản chiếu ánh sáng Chúa Ki-tô cho những gia đình xung quanh.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho mỗi gia đình chúng ta biết tiếp nhận ánh sáng của Chúa và chiếu soi ánh sáng đó cho những gia đình xung quanh để nhờ đó mọi người đều nhận biết ánh sáng của Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét