Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

NGÀY QUANG LÂM (Mc 13, 24-32)

Ngày 24/11: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Năm B

26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.
Đức Giê-su đến thế gian để khai mở Nước Trời. Nước đó đã khởi đầu với biến cố Đức Giê-su nhưng chưa hoàn tất. Nước Thiên Chúa chỉ hoàn thành trong ngày quang lâm như đã tiên báo. Bài Tin mừng ngày hôm nay, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người, tức là ngày Người đến để xét xử chúng ta, người sống cũng như kẻ chết.

Trái đất này đã có một khởi đầu thì cũng sẽ có một kết thúc. Vào ngày kết thúc, Đức Giê-su không cho biết ngày giờ (vì chỉ có Chúa Cha biết mà thôi) nhưng Người khẳng định điều đó chắc chắn sẽ xảy ra với nhiều gian nan khốn khó. Những gian nan khốn khó đó là lừa gạt, chia rẽ, thù hằn, bắt bớ, chiến tranh, thiên tai. Tai họa đổ xuống trái đất như là hậu quả của tội lỗi do con người gây ra. Tuy nhiên, Đức Giê-su cũng hứa rằng ai bền chí đến cùng thì sẽ được cứu độ.
Bài đọc một trong sách Đa-ni-en cho biết vào ngày đó, “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,2-3). Như vậy ngày đó là ngày xét xử công minh. Các hiền sĩ, những người làm cho người khác nên công chính (giúp người khác thực thi thánh ý Thiên Chúa), nghĩa là những kẻ được tuyển chọn, những người bền chí đến cùng, sẽ được sống lại để hưởng phúc trường sinh.
Trong ngày đó, Con Người sẽ sai các thiên sứ đi tập hợp tất cả những kẻ được Người tuyển chọn. Họ là những ai? Chắc chắn họ là các hiền sĩ, những người bền chí đến cùng, trung thành đến cùng.
Bài Tin mừng tuần này cũng thật phù hợp với ngày lễ kính trọng thể các thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay. Hơn ai hết, các thánh Tử đạo là những người đã bền tâm đến cùng. Dù đối diện với trăm ngàn thử thách, dù sống trong cơn giông tố ngặt nghèo, dù phải chịu muôn nghìn khổ nhục, các ngài vẫn giữ vững đức tin của mình. Dù trong hoàn cảnh bị đối xử phân biệt, sống trong sự nghi kỵ, trốn tránh, nhiều khi phải chịu những điều oan ức, bất công, nhưng các ngài vẫn nêu cao chứng tá của mình. Đó là đời sống yêu thương. Thậm chí “yêu thương” trở thành tên gọi của đạo trong thời kỳ Ki-tô giáo tại Việt Nam vẫn còn rất non trẻ. Thực vậy, thấy đời sống của các tín hữu, lương dân đã gọi đạo mới này là “đạo yêu thương”[1].
Chắc hẳn các thánh Tử đạo Việt Nam được xếp vào số những người được tuyển chọn và sẽ sống lại vào ngày quang lâm để hưởng sự sống đời đời trong Thiên Chúa. Không chỉ các thánh Tử đạo mà thôi nhưng còn bao nhiêu chứng nhân khác đã cách này cách khác làm chứng cho đức tin hay đã trung thành đến cùng với đức tin mà họ đã lãnh nhận qua bí tích Rửa tội. Phần chúng ta ngày nay thì sao? Liệu chúng ta có được đứng vào số những người được tuyển chọn hay không?
Trong bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta được ghi dấu thánh giá trên mình như dấu chỉ thuộc về Đức Ki-tô. Đó là dấu chỉ chúng ta được tuyển chọn, được sáp nhập vào Giáo hội là thân thể của Đức Ki-tô. Đó là cuộc tuyển lựa đầu tiên mà mỗi người chúng ta tham dự vào. Chúng ta còn phải qua một cuộc tuyển lựa nữa, do chính Đức Ki-tô thực hiện. Đó là cuộc tuyển lựa trong ngày sau hết. Đó là cuộc tuyển lựa giữa chiên và dê (x. Mt 25, 31-46).
Thực vậy, trong ngày đó, chúng ta sẽ biết mình có được đứng vào số những người được tuyển chọn hay không. Việc này tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta trên trần gian này. Tiêu chuẩn cơ bản để phân định là tôi có thực thi lòng mến hay không.
Là con cháu của các thánh Tử đạo, là người tín hữu trong bối cảnh xã hội có nhiều lôi cuốn hấp dẫn, ước gì mỗi chúng ta cũng luôn trung tín với đức tin mà mình đã lãnh nhận trong bí tích Thanh Tẩy và đặc biệt là kiên trì thực thi đức ái để trong ngày quang lâm của Con Người, chúng ta sẽ được quy tụ lại để hưởng sự sống đời đời.


[1] Xc. Đỗ Quang Chính, Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét