Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

HÃY CANH THỨC (Mt 24,37-44)

Chúa nhật 1 mùa vọng năm A

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42)
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su mượn câu chuyện ngày xưa để cảnh tỉnh các môn đệ. Thực vậy, vào thời ông Nô-ê, trước ngày diễn ra lụt đại hồng thủy, mọi diễn biến của đất trời chẳng có gì thay đổi. Mọi người vẫn sống bình thường. Họ vẫn vui vẻ ăn uống, vẫn cưới vợ lấy chồng như bao ngày khac. Phần đông dân chúng vẫn đang say sưa buông mình trong dục vọng. Thế rồi bất chợt dòng nước ào tới. Dòng nước trào dâng bất ngờ, mạnh mẽ, không một dấu hiệu, không chút xót thương, mang theo tất cả vết nhơ của một thế hệ đáng quên!

Không muốn có cơn hồng thủy thứ hai, nên Đức Giê-su đã cảnh báo các môn đệ. Ngày Con Người đến cũng sẽ như thế: bất chợt, chóng vánh, quyết liệt. Như vậy, ngày Đức Ki-tô, Đấng xét xử trần gian, ngự đến để xét xử cũng sẽ bất ngờ như thế. Ngày đó sẽ không có một dấu hiệu nào báo trước ngoại trừ lời cảnh tỉnh của Thầy: Anh em hãy canh thức.
Lời mời gọi của Đức Giê-su vừa thiết tha, vừa khẩn thiết. Thời gian sẽ không còn nhiều. Ngày Con Người đến đã cận kề, nếu chúng ta tiếp tục chè chén, say sưa, ngủ mê trong mộng tưởng thì sẽ không còn cách nào cứu vãn. Vì Con Người sẽ đến cách bất ngờ.
Tiếp nối lời mời gọi của Đức Giê-su, hằng năm, Giáo hội dành thời gian đầu mùa Vọng để mời gọi mỗi tín hữu hãy canh thức để sẵn sàng cho ngày Chúa đến. Sự chuẩn bị cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ, nếu không sẽ muộn. Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta ý thức được ý nghĩa của lời mời gọi này? Mấy ai trong chúng ta đang sẵn sàng và canh thức? Liệu chúng ta có thực sự mong chờ ngày Chúa đến hay không?
Suy nghĩ một cách chân thành, có lẽ ít ai trong chúng ta dám nói rằng mình đã sẵn sàng và đang mong chờ ngày Chúa đến. Chúng ta chưa thực sự mong chờ là vì chúng ta chưa sẵn sàng đón tiếp Chúa. Chúng ta chưa sẵn sàng đón tiếp Chúa là vì “ngày Chúa đến” ít khi hiện diện trong ý thức của chúng ta.
Với một số người, “ngày Chúa đến” xem ra là chuyện xa lạ, chuyện sách vở, chỉ có trong điện ảnh. Hơi đâu mà nghĩ đến cho mệt! Một số thì chủ quan, tự mãn, thấy rằng mình đang khoẻ mạnh, mọi sự vẫn đang diễn tiến tốt đẹp. Hơn nữa, ngày xưa các Tông đồ đã kêu gọi rất khẩn thiết, nhưng hai ngàn năm đã trôi qua rồi và có lẽ sẽ còn lâu hơn nữa “ngày đó” mới đến! Số khác thì bị ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Đầu óc chỉ nghĩ về kinh tế, thị trường. Họ rất cảnh tỉnh với giá cả thị trường, cổ phần chứng khoán; rất nhạy với những hình thức vui chơi, giải trí, những trào lưu mới, lối sống mới nhưng lại rất thờ ơ lãnh đạm với đời sống đạo đức, tâm linh. Với những người này bảo họ canh thức chờ Chúa đến thật là khó vì họ nào có muốn tiếp đón Người! Số người thực sự mong chờ hay sẵn sàng đón Chúa thật hiếm hoi. Họ như là “số sót” của Ít-ra-en xưa. Thế nhưng ta có quyền hy vọng từ một “số sót” này sẽ nảy sinh một sức sống mới.
Một mùa Vọng nữa lại đến, chúng ta được mời gọi nhìn lại thái độ sống đức tin của mình. “Ngày Chúa đến” chắc chắn sẽ xảy ra. Đó sẽ là ngày mỗi người phải trả lẽ trước mặt Con Người về thái độ và đời sống của mình. Để không phải sợ sệt trong ngày đó, chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Canh thức phải là thái độ sẵn sàng liên tục, như người quản gia trung kiên chờ đời cho đến khi chủ trở về (Mt 24,45-51). Canh thức là thi hành những lời khuyên của Tin mừng, là sống công chính trước mặt Thiên Chúa. Canh thức là sống bác ái vị tha với anh em, là ăn ở hiền lành, nhân hậu và tiết độ.

Ước gì mỗi người chúng ta biết tận dụng tốt thời gian này để kiểm điểm đời sống của mình theo những chỉ dẫn của Lời Chúa và theo giáo huấn của Giáo hội. Khởi đầu một năm phụng vụ mới, chúng ta cần có một quyết tâm mới, một sự đổi mới thực sự, nhờ đó chúng ta có được sự chuẩn bị tốt khi phải đối diện với Đấng xét xử chúng ta. Hy vọng rằng chúng ta không để lời mời gọi này trôi vào dĩ vãng hay lướt qua một cách hững hờ nhưng hãy kiên trì tỉnh thức vì những ai bền chí đến cùng thì sẽ được cứu độ (x. Mt 24,13).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét