Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

HÌNH ẢNH ÔNG DA-KÊU (Lc 19,1-10)

Chúa nhật XXXI năm C (bài 2)

Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 
Hình ảnh ông Da-kêu xuất hiện trong bài Tin Mừng với sự trái ngược giữa thân thế và hành động. Thực vậy, ông được giới thiệu là người “đứng đầu những người thu thuế” và là “người giàu có”. Vì nghề nghiệp, người thu thuế phải tiếp xúc với đủ mọi hạng người, kể cả dân ngoại, nên họ bị coi là những người ô uế; vì khi thu thuế, họ thường tính cao hơn mức thuế đã ấn định nên họ bị coi là những người tội lỗi. Trong Tin Mừng, người thu thuế thường được kể chung với những người tội lỗi (x. Mc 5,30) và ngoại đạo (x. Mt 18,17). Da-kêu là người “đứng đầu những người thu thuế” hay là “cục thuế trưởng”, do đó ông càng bị đẩy ra bên lề xã hội Do-thái. Hơn nữa, ông còn được giới thiệu là “người giàu có”, và theo Tin Mừng Lu-ca, những người giàu có thì khó vào Nước Trời (Lc 18,24-27).
Dù thân thế không có gì sáng sủa nhưng tên gọi Da-kêu lại có nghĩa là ngây thơ, trong sáng. Sự ngây thơ được thể hiện trong chính hành động của ông. Vì muốn biết Đức Giê-su là ai, ông đã chạy lên phía trước, nơi người sẽ đi qua, leo lên cây sung để nhìn, vì người thì đông mà ông lại lùn. Hành động leo lên cây sung để nhìn Đức Giê-su có lẽ phù hợp hơn với những đứa trẻ chứ không phải với một “cục thuế trưởng” giàu có!
Da-kêu, một người giàu có và quyền lực, thế nhưng dường như những thứ đó vẫn chưa làm ông thỏa mãn. Thế nên khi nghe người ta đồn thổi về nhân vật Giê-su, ông đã “tìm cách” để xem cho biết “Đức Giê-su là ai?”. Hành động của ông không đơn thuần là một sự tò mò nhưng trong đó ẩn chứa một khát khao, một ước vọng cần được khỏa lấp. Ông chưa hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng muốn một điều gì đó sâu xa hơn nữa. “Đức Giê-su là ai?” là câu hỏi trung tâm của toàn bộ Tin Mừng. Thái độ thắc mắc này đã dẫn ông đến việc đón nhận ơn cứu độ, khác hẳn với sự lãnh đạm và thù nghịch của giới lãnh đạo Do-thái.
Cái nhìn của Đức Giê-su
Sự khao khát của Da-kêu đã được đáp trả. Ông leo lên cây sung để “nhìn xuống” xem “Đức Giê-su là ai?” nhưng chính Đức Giê-su đã chủ động “nhìn lên” ông. Giữa một đoàn người đông đảo quanh mình, Đức Giê-su đã nhìn ra những hành động và khao khát của Da-kêu. Da-kêu hoàn toàn thụ động trong cuộc gặp gỡ này, ông chưa hề nói một lời với Đức Giê-su, thế nhưng Đức Giê-su lại chủ động nhìn đến ông và nói với ông: Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.
Một câu nói ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa. Ba từ “hôm nay”, “phải” và “ở lại” cho thấy thái độ chủ động và dứt khoát của Đức Giê-su. Người không chờ đợi hay gợi ý cho ông Da-kêu mời mình “đến nhà” nhưng khẳng định Người “phải” ở lại nhà ông. Người không hứa hẹn sẽ đến vào lúc nào đó nhưng khẳng định sẽ “ở lại” ngay “hôm nay”.
Khác với cái nhìn ác cảm của những người Do-thái đương thời về những người thu thuế, Đức Giê-su đã nhìn ra khao khát bên trong của một con người. Người không bị lệ thuộc vào những định kiến có sẵn nhưng chủ động phá vỡ những rào cản để đưa con người xích lại gần nhau. Có lẽ nhìn ra sự thành tâm nơi Da-kêu nên Người tạo cơ hội cho ông biến đổi. Và thực sự ông đã thay đổi hoàn toàn. 
Sự biến đổi của Da-kêu
Được Đức Giê-su mở lời, ông vội vàng tụt xuống. Ông mừng rỡ đón rước Đức Giê-su và đưa ngay một quyết định: Đem phân nữa tài sản chia cho người nghèo, nếu có làm thiệt hại cho ai thì ông tình nguyện đền gấp bốn. Đó chính là quyết định đổi đời của ông. Một quyết định tự nguyện và đầy thiện chí. Quyết định này cho thấy ông hoàn toàn tin tưởng vào Đức Giê-su và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của Người (dù cho trong bài Tin Mừng không hề thấy một yêu cầu nào từ Đức Giê-su). Nhờ quyết định này mà Đức Giê-su đã nói: Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này. Như vậy, ông không phải chờ đợi, việc đón nhận và thay đổi đời sống theo giáo huấn của Đức Giê-su đã đủ để ông đón nhận ơn cứu độ rồi.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và ông Da-kêu thật ý nghĩa và mang lại cho ta nhiều bài học. Có bao giờ chúng ta khao khát, muốn tìm cách để hiểu biết Đức Giê-su hơn nữa hay là chúng ta đã hài lòng với cuộc sống hiện tại? Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đang nhìn và đánh giá người khác như thế nào? Theo định kiến có sẵn của đám đông hay mạnh dạn khám phá những bí ẩn trong lòng mỗi người và tạo cơ hội cho họ thay đổi? Chúng ta rước lễ hàng ngày nhưng chúng ta đã thực sự mời Người “ở lại” trong “nhà” của mình hay không? Qua những cuộc gặp gỡ đó, chúng ta có một thay đổi nào trên con đường theo Thầy Chí Thánh hay không? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét