Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

LÊNH ĐÊNH CON CHỮ

Lênh đênh tìm con chữ
Thực tình mà nói, tìm con chữ vẫn là niềm vui của đa số các em nhưng hành trình của nó sao mà lênh đênh quá. Cũng giống như bao trẻ em người Kinh khác, được mặc trên người bộ quần áo đẹp, khoác trên vai chiếc cặp xinh xinh là niềm hãnh diện của nhiều em nhỏ Barnah. Thế nhưng khi đến trường, ngoài những trở ngại như bao em khác thì các em ở đây còn chịu một thiệt thòi rất lớn, đó là vấn đề ngôn ngữ. Nếu may mắn gặp một cô giáo Barnah, các em sẽ cảm được một sự gần gũi thân một rất tự nhiên, nhưng nếu gặp một cô giáo ngươi Kinh, các em sẽ thấy một khoảng cách vô hình, dù cho các cô đã cố xóa đi khoảng cách vô hình đó.
Đã vậy, hành trình đến với môn toán và môn văn lại càng cam go hơn. Môn toán đòi hỏi một tư duy trừu tượng, một lối tư duy vốn không phổ biến nơi người Barnah, một sắc tộc thích lối tư duy cụ thể, chi tiết. Ở một thái cực khác, môn văn đòi hỏi một sự gắn bó mang tính văn hóa và truyền thống, đòi hỏi sự cảm nhận của cái đẹp về ngôn ngữ. Thế mà đối với các em, tiếng Việt khác nào là một ngoại ngữ.
Nếu nói các em Barnah lười học thì có lẽ không chính xác, bởi ngay từ bé, hầu như các em đều thích thú với con chữ, có chăng là hành trình đến với con chữ của các em qua lênh đênh. Các em phải đối diện với các trở ngại quá sớm. Nếu là người đã đầy đủ ý thức, họ sẽ cố gắng vượt qua những trở ngại để đạt đến mục đích. Đàng này các em còn trong tuổi ăn, tuổi chơi. Khi gặp trở ngại, nếu không có sự động viên, can thiệp đúng lúc, các em sẽ rất dễ bỏ cuộc để trở về với cuộc sống “an nhiên” của mình.
Hành trình đến với con chữ của các em vốn lênh đênh, nên các em cần lắm những tấm lòng quảng đại của những người đi truyền cái chữ. Tuy thế, hành trình truyền cái chữ cũng lênh đênh không kém!
Lênh đênh truyền con chữ
Có thể nói, kiếm được một “chỗ đứng” trong ngành sư phạm hiện nay là điều khó, thường tốn kém không ít. Vì thế, thầy cô nào cũng háo hức hơn nếu được tiếp nhận một lớp người kinh, may ra sau vài năm sẽ gỡ “lại vốn”. Còn nếu nhận được một lớp các em người địa phương thì… chỉ còn biết trông cậy vào cái tâm lớn của nhà giáo dục mà thôi.
Rất may, đa phần các thầy cô mà tôi có dịp tiếp xúc trong thời gian qua vẫn còn cái tâm rất lớn. Xin phép thay mặt các em, cám ơn các thầy cô! Thế nhưng, cái tâm của các thầy cô cũng phải được thanh luyện qua nhiều thử thách.
Cảm hứng sư phạm và rào cản ngôn ngữ: kiến thức chuyên môn và sư phạm cũng cần có môi trường thuận lợi để tiếp thêm động lực và cảm hứng truyền đạt. Thế nhưng khác biệt ngôn ngữ một lần nữa lại là rào cản khó khăn. Làm sao giải thích cho các em hiểu ý niệm “căn bậc hai”, “lũy thừa”, v.v.. chỉ có cách là học vẹt, ngay cả bảng cửu chương cũng thế. Mà vì học vẹt nên sau một kỳ nghĩ thì mọi sự lại phải “khởi động” từ đầu. Thử tưởng tượng ta phải học bảng cửu chương bằng tiếng Anh thì sẽ hiểu được khó khăn của các em và nỗi khổ của giáo viên.
Đó là chưa kể đến rào cản sắc tộc. Các cô người Kinh muốn gần gũi để hiểu và cảm thông với các em cũng như để được các em tín nhiệm đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Mà một năm học thì sẽ thoáng qua với biết bao là công việc!
Thêm nữa, trong khi phụ huynh người Kinh lo lắng việc học cho con em mình nhiều khi quá đáng thì trái lại, phụ huynh người bản địa thường bỏ ngỏ điều này. Số người biết lo cho con học trường này, lớp nọ, cô kia là rất hiếm. Nếu gặp bố mẹ mà hỏi tại sao con không đi học nữa thì câu trả lời đơn giản sẽ là “hi kuă - nó không muốn”. Nó không muốn thì bố mẹ cũng chịu, không biết làm gì hơn dù con chỉ mới học cấp 1.
Các em học tự lực là chính, anh chị nào khá hơn thì còn biết chỉ cho em học chứ bố mẹ thì chịu. Các em cũng học với tinh thần rất vô tư. Xong học ở lớp là về vất sách vở và chơi. Chẳng mấy khi xem bài vở thêm ở nhà. Có vẻ như nhà trường cũng thất bại trong việc này nên chẳng mấy trường cho các em bài tập làm ở nhà. Nói chung, sự nghiệp truyền cái chữ vẫn còn lắm lênh đênh!
Lênh đênh dùng con chữ
Biểu đồ học sinh ở các xứ người địa phương sẽ là một hình kim tự tháp nhọn hoắt, bởi số lượng các em trụ lại đến cấp 3 và sau phổ thông là rất hiếm. Các bạn này thật đáng trân trọng và khuyến khích! Thế nhưng số phận lênh đênh của con chữ vẫn chưa dừng lại. Với cái chữ mà các em và gia đình đã tốn bao nhiêu công sức và tiền của, làm sao các em có thể dùng nó để nuôi sống bản thân và gia đình?
Quả là vấn nạn nhức nhối và ray rứt cho những ai quan tâm đến giáo dục! Điều này chắc cũng không cần phải nói nhiều vì nó đã là quốc nạn! Một năm bao nhiêu sinh viên ra trường? Bao nhiêu em có được việc làm đúng ngành nghề? Làm thế nào để xin việc đúng nghành nghề mà không phải mất tiền?
Vấn nạn quá lớn, xin nhường lại cho những nhà hữu trách. Ở đây xin nêu lên một băn khoăn: Nếu không dùng được thì học cho lắm cái chữ để làm gì? Có người nói, những người có học hay học nhiều thì cách cư xử, lối sống cũng sẽ khác hơn. Thế nhưng cũng có một thực tế là những làng càng gần thành phố, càng học nhiều, lại càng nhiễu nhiều tính xấu như đua đòi, trộm cắp, gia dối, v.v.. trong khi những làng càng ở xa lại càng giữ được truyền thống văn hóa, tính chân thành, đơn sơ!

Dĩ nhiên ta không phủ nhận lợi ích của cái chữ mang lại nhưng vấn đề là làm thế nào để phát huy nó, để nó thực sự hữu ích mà không phải trả một cái giá quá đắt. Song song với việc nâng cao trình độ văn hóa, ta cần làm thêm điều gì nữa? Làm thế nào để văn minh, văn hóa và nhân văn song hành cùng nhau? Đó có lẽ là vấn nạn đang đặt ra cho anh chị em Đaminh chúng ta, những người đã chọn lựa mảnh đất Tây nguyên này làm nơi dấn thân loan báo Tin Mừng sự sống. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét