Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (2)

Lớp Tập Tôma thiện chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
MẶC LẤY LÒNG NHIỆT THÀNH TRUYỀN GIÁO
CỦA ĐỨC GIÊSU


Cái hồn hoạt động truyền giáo của người tu sĩ chính là bác ái. Người tu sĩ, trước hết, phải có trái tim biết yêu thương, sẵn sàng chia sẻ tình yêu đó cho bất cứ ai mà mình gặp gỡ. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu tình yêu ấy bằng một từ khóa khác : tình yêu Thiên Chúa – động lực thúc đẩy chúng ta dấn thân vào sứ vụ truyền giáo – được hiểu như “lòng nhiệt thành” (zeal) hay “tình yêu nồng nhiệt” (zealous love).
Trong bản dịch kinh thánh tiếng Anh, tình yêu của Thiên Chúa thỉnh thoảng diễn tả bằng những hạn từ tương đương : “ghen tương” (jealousy) hay “tình yêu vị kỷ” (jealous love). Tiếng Anh vay mượn thuật ngữ “zealous” từ tiếng La Tinh “zelus”, vốn được vay mượn từ tiếng Hy lạp “zêlos”, và “jealous” xuất phát từ tiếng Pháp cổ “gelous/jelouz”, vốn được vay mượn từ tiếng La Tinh. Vì cả tiếng La tinh lẫn Castilian sử dụng hai thuật ngữ “zelus”“celo” như nhau, nên trong ý nghĩa mơ hồ của từ “zeal” hay “jealous”, thì độc giả nói tiếng Anh cần phải ghi nhớ điều này. Ý niệm của từ “zeal” (nhiệt thành, nồng nhiệt) là một quan điểm phong phú vốn thêm nét đặc biệt và tính thực thể luận trong ý niệm bác ái tông đồ.

Nồng nhiệt hay nhiệt thành là một cảm xúc mơ hồ. Một tác giả thuộc trường phái Tân Platon cổ xưa viết : “khi tính nồng nhiệt hay nhiệt thành quy chiếu đến đức hạnh, thì nó diễn tả điều tốt lành, biểu hiện tình yêu chân thực ; còn khi nó quy chiếu đến các thứ bên ngoài, nó diễn tả điều xấu, biểu hiện sự ghen tị”. Thời Cựu ước, người ta quan niệm Thiên Chúa là Đấng ghen tương.
Khái niệm Thiên Chúa ghen tương không ngụ ý rằng Người bị lệ thuộc vào trạng thái tâm thức thoảng qua ; đúng hơn khái niệm ấy cho thấy rằng sự nồng nhiệt hay ghen tương gắn chặn đến sự hiện hữu hay tồn tại của Thiên Chúa : “vì Đức Chúa mang danh là ghen tương, Người là một vị thần ghen tương” (Xh 34,14). Tình yêu nồng nhiệt của Thiên Chúa dành cho Dân Người được trình bày dưới hình ảnh của sự ghen tương. Đôi khi sự ghen tương của Thiên Chúa được diễn tả bằng việc biểu lộ một tình yêu sâu thẳm, nồng cháy mà Thiên Chúa dành cho Dân riêng của Người[1]. Đàng khác nó cũng biểu hiện một Thiên Chúa không dung thứ dân Israel phạm tội phản nghịch và lìa bỏ Người, “con người sẽ bị xét xử như xét xử phụ nữ ngoại tình và những kẻ mắc tội đổ máu các ngôn sứ” (Ez 16,38). Lòng ghen tương của Thiên Chúa liên hệ chặt chẽ đến thánh thiện và quyền năng của Người, và không bao giờ bị hạ thấp bởi lối suy nghĩ đơn thuần.
Cựu Ước cho thấy một vài người có được ngọn lửa nồng nhiệt của Thiên Chúa chẳng hạn như Phineas (x. Ds 25:11, 13 ; Hc 45:23 ; 1Mcb 2:58), Mattathias (x. 1Mcb 2:24,26,27,50), và đặc biệt là ngôn sứ Ê-li-a (1V 19:10, 14 ; x. 1Mcb 2:58). Được thúc đẩy bởi ngọn lửa nhiệt thành của Thiên Chúa, các ngôn sứ ấy đã thực hiện những hành động có tính cách táo bạo, mãnh liệt. Các ông đã nổi lòng ghen và trừng trị con cái Israel vốn đã chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa. Có lẽ đây cũng là cội rễ của phong trào Nhiệt Thành. Phong trào này muốn bày tỏ lòng nhiệt thành đối với giới luật của Thiên Chúa trong thực tiễn cuộc sống và chính trị.
Thời Tân Ước, Đức Giêsu xua đuổi những kẻ trao đổi tiền bạc và kẻ buôn bán súc vật trong đền thờ. Hành động này khiến cho các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Thánh vịnh : “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà con đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 69, 10). Họ thấu hiểu được rằng hành động này sẽ mang đến những hệ quả tàn khốc cho Chúa Giêsu : nhiệt tâm cho nhà Chúa sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Chính vì vậy, trong khi hành động, Đức Giêsu được chính sự nồng nhiệt, nhiệt thành của Thiên Chúa tác động một cách âm thầm. Thánh Phaolô ám chỉ đến sự nồng nhiệt và ghen tương của Đức Chúa khi Ngài yêu cầu tín hữu Cô-rin-tô từ bỏ ngẫu tượng : “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa vừa uống chén của ma quỷ được ; anh em không thể vừa ở bàn tiệc của Thiên Chúa vừa ở bàn tiệc của ma quỷ được. Hay là ta muốn làm cho Chúa phải ghen tương” (Cr 10, 21-22).
Ở chỗ khác, thánh Phaolô mô tả những cảm xúc được dâng trào nơi ngài nhằm hướng dẫn đời sống đạo của các tín hữu Cô-rin-tô. Ngài dùng chính hình ảnh cái ghen của Thiên Chúa :
Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết. Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà E-và thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Ki-tô như vậy. Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Đức Giê-su khác với Đức Giê-su mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay” (2 Cor 11:2-4).
Phaolô muốn thức tỉnh cộng đoàn Cô-rin-tô bằng lòng ghen tương kẻo họ bị lầm đường lạc lối. Ngài định nghĩa lòng ghen tương này giống như lòng ghen tương của Thiên Chúa. Giờ đây Phaolô cũng dành cho Hội thánh một tình yêu ghen tương giống thư Thiên Chúa dành cho Dân riêng của Người. Thánh Phaolô, một tông đồ nhiệt thành, đại diện Hội thánh, là người đem chính sự ghen tương của Thiên Chúa[2]. Cũng trong Tân Ước, tình yêu Thiên Chúa là một ngọn lửa thiêu :
“Nhờ đó chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển. Chúng ta phải biết ơn, kính sợ và phụng thờ Thiên Chúa cho phải đạo. Quả thật, Thiên Chúa chúng ta là một ngọn lửa thiêu” (Dt 12:28-29).

Một ngôn sứ đích thực phải có một tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa, đối với tha nhân. Tình yêu mãnh liệt này cho thấy rằng người ngôn sứ ấy không được phép bàng quan, thờ ơ, và vô cảm. Ngược lại, người ngôn sứ ấy sẽ phản ứng một cách mạnh mẽ, dữ dội đối với mặt tốt hay mặt xấu. Khi một người nào đó luôn cảm nhận trong tim mình có một sự khát khao vinh quang của Thiên Chúa và ơn cứu độ đến cho tha nhân, thì người ấy sẽ dần dần khám phá ra rằng ngọn lửa của tình yêu nồng nhiệt luôn bừng cháy trong tim mình. Tình yêu ấy là sự thôi thúc mãnh liệt, vì rằng sứ vụ loan giảng cần tận dụng mọi cơ hội để truyền rao Tin Mừng và giúp cho con người cảm nghiệm được Nước Trời. Mọi lúc, mọi nơi, mọi cơ hội đều quý giá đối với người tông đồ.
Những người mang trong mình lòng nhiệt thành của Thiên Chúa thỉnh thoảng sẽ phản ứng phần nào giận dữ. Họ cảm nhận được sự phẫn nộ của Thiên Chúa ở trong họ. Đấy chính là sự giận dữ nhằm chống lại sự bất công, các thế lực sự dữ, chống lại những điều phản nghịch với Nước Trời và những kẻ phản Kitô. Khi đối diện với những áp bức, với điều phi nghĩa của tội ác, thì những người được tình yêu nồng nhiệt của Thiên Chúa bao phủ có thể cảm nhận sự ghê tởm, đau khổ, nổi loạn nội tâm. Mức độ nào đó, họ càng chia sẻ một cách sâu xa với sự nhạy cảm của Thiên Chúa, với tính xót thương nơi Thiên Chúa, thì tính ghê sợ bất kỳ loại tội ác nào, sự dối trá nào của họ ngày càng trở nên minh nhiên.

Tuy nhiên, khi ở vào giây phút quyết định, người môn đệ phải nhớ một tiêu chí quan trọng, để phân định rõ giữa “sự phẫn nộ thánh”“lòng nhiệt thành thánh của Thiên Chúa” đối với bất kỳ hình thức phẫn nộ hay nhiệt thành thuộc ma quỷ. Nhưng trừng phạt hay xót thương của Thiên Chúa đều là tiêu biểu cho tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ trừng phạt mà không xót thương. Thiên Chúa chỉ trừng phạt khi con người phản bội lại tình yêu của Người. Người gây thương tích rồi Người lại cứu vớt và chữa lành.
Một người tu sĩ mà có được sự phẫn nộ và nhiệt thành thánh thiện của Thiên Chúa thì phải là người, đã đồng nhất với trái tim của Thiên Chúa, có tình yêu thương mãnh liệt đối với những kẻ mà đáng ra, anh ta phải vạch trần tội của họ, với những người mà đáng ra anh ta phải lật đổ, nhưng chỉ để thu phục họ trở lại với đường ngay nẻo chính. Với nhãn giới này, việc chọn lựa sống nghèo và chịu cảnh khinh miệt của những kẻ áp bức sẽ mang đến một ý nghĩa mới. Đó chỉ là hai hình thức để sao cho phù hợp với một tình yêu duy nhất : ở trường hợp một, tình yêu như là một chọn lựa ưu đãi, ở trường hợp kia, thì tình yêu như là một phương thuốc lăng nhục. Nhưng cả người thích được ưu đãi lẫn người bị lăng nhục đều được yêu bằng tất cả sự mãnh liệt. Những người mà hay ghét bỏ và kết án tha nhân không có trái tim của Thiên Chúa, hay trái tim của Chúa Kitô.
Lòng nhiệt thành sứ vụ tông đồ đồng nhất chúng ta với Đức Giêsu Kitô. Chính lòng nhiệt thành ấy dẫn chúng ta tiếp nối tấm gương của thành Phaolô, ngài đã cảm nhận cái ghen của Thiên Chúa đối với cộng đoàn tín hữu Kitô, và chính vì thế ngài đã dành tất cả mối bận tâm, chăm sóc của mình vào trong đó. Được thắp lên ngọt lửa nhiệt thành tông đồ và niềm hoan hỷ trong Thánh Thần, chúng ta cũng dồn tất cả nỗ lực để danh Chúa được mọi người biết đến, yêu mến và kính cẩn suy tôn. Chúng ta sẽ phải yêu thương lẫn nhau và mỗi con người khát khao làm việc để đến ngày tất cả chúng ta có thể chia sẻ hồng phúc Nước Trời vốn đã khởi sự ngay ở trần gian này.
Chúng ta nên biết rằng tương lai sứ vụ của cộng đoàn hệ tại rất nhiều vào lòng nhiệt thành tông đồ của mỗi người chúng ta. Do đó, người tu sĩ cần có đức tính này nhiều hơn bất kỳ ai khác. Mọi thứ đang mong đợi những con người có lòng khao khát và ngọn lửa nhiệt thành từ Thiên Chúa.



[1] X. Is 9:7, 37:32, 42:13, 63:15 ; Ezk 36:6, 38:19, 39:24-29.
[2] X. Stumpff,art. Tsélos, GLNT, 1495-1500.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét