Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (1)

TỪ NOI GƯƠNG ĐẾN NÊN MỘT VỚI ĐỨC GIÊSU

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.


Ơn gọi tu trì của chúng ta không có mục đích nào khác hơn là gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô. Được trở thành môn đệ Đức Giêsu là mục tiêu cao cả nhất của chúng ta. Thiên Chúa Cha đã chọn chúng ta để chúng ta có thể trở nên giống Đức Giêsu (forma Christi) (Rm 13:14, Ga 6:7) ; để chúng ta có thể bắt chước Đức Giêsu và để công trình sáng tạo nơi Chúa Cha được thể hiện tròn đầy nơi chúng ta, vốn được tác tạo giống “hình ảnh của Thiên Chúa”. Chính “hình ảnh” của Đức Giêsu phải trở thành “hình ảnh” của chúng ta.

Chúng ta phải luôn gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô. Khi chúng ta xây dựng cuộc đời của ta theo cách thế này, chúng ta phải từ bỏ ý riêng và quyền quyết định cho vận mạng của mình, hoặc quyền để định hình, định hướng cuộc đời ta theo ý của mình. Chúng ta từ bỏ đặc quyền này để đón nhận giới luật sống mới từ Đức Giêsu và từ Giáo hội của Người : “Bất cứ ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ tìm được đời sống mới” (x. Mc 8, 35). Ơn gọi của chúng ta dẫn đưa chúng ta đến việc bắt chước đời sống ẩn dật và công khai của Đức Giêsu, đồng thời chia sẻ sự phục sinh của Người. Theo Đức Giêsu phải được hiểu không chỉ noi gương Đức Giêsu trong lời nói việc làm, các nhân đức của Người, mà còn phải sống thực tại về cái chết và phục sinh của Người nữa.
      Là tu sĩ chúng ta được Thiên Chúa Cha mời  gọi “cộng tác với Đức Giêsu Kitô trong công trình của Thiên Chúa Cha”, là làm nhân chứng cho “hình ảnh” của Đức Giêsu nơi thế giới này, và sống hình ảnh đó trong thế giới này.
Luôn có một loại đặc ân trong việc theo Đức Giêsu Kitô và nên giống Người. Những hoạch định lớn trong đời sống tâm linh của chúng ta bao gồm : việc bắt chước Đức Giêsu về đời sống khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, cầu nguyện liên lỉ và lòng khiêm nhường, sống hiệp thông như mong ước của Chúa Giêsu trong nhà tiệc ly, trong việc phục vụ loan giảng Tin Mừng. Chính Đức Giêsu Kitô là “con đường” của chúng ta. Chúng ta biết Người và tuyên xưng Người qua việc theo Người. Việc tuyên xưng đích thực của chúng ta nằm ở chỗ chúng ta mau mắn bước theo Người.
Người tu sĩ chúng ta được kêu mời để nói về Đức Giêsu trong Giáo hội và cho Thế Giới, bằng việc họa lại đời sống của Đức Giêsu, bằng chính đời sống của chúng ta. Người tu sĩ phải là người luôn luôn gắn chặt với Lời Thiên Chúa, phải là người noi gương Đức Giêsu qua việc sống đời sống khó nghèo, thanh khiết, vâng phục và khiêm hạ, phải là người đang trở nên một với Người cách nhiệm mầu. Đó là thời điểm mà Thánh Thần của Đức Giêsu đến và ngự trị hoàn toàn nơi người tu sĩ ấy.
Như Đức Giêsu, chúng ta được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong. Đức Giêsu Kitô được Thiên Chúa Cha tấn phong bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, và vì “Thiên Chúa ở với Người”, nhờ Chúa Thánh Thần, “Người đi tới đâu là thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị quỷ ám.” (x. Cv 10 : 38). Nhưng hai từ : “xức dầu”“được xức dầu” cho thấy điều gì ?
2.1.      Xức dầu phong vương
Theo phong tục xưa, xức dầu nhằm mục đích là tăng trưởng hay phục hồi sức khoẻ cho con người : người Phương Đông có thói quen sau khi tắm là hay sức dầu thơm trên cơ thể[1]. Người ta cũng xức dầu để chữa bệnh theo mùa : Thời thượng cổ người ta đã biết dùng dầu ô-liu để làm thuốc. Một loại xức dầu khác được thực hiện như là một hành động pháp lý cho việc phong vương, đặc biệt là phong vương cho vua hay cho tư tế.
Mục đích của việc xức dầu này nhằm tăng sức mạnh, vương quyền, quyền lực và tính hợp pháp. Người được xức dầu gọi là “Mê-si-a”[2]. Thần học trình bày người được xức dầu như là một “Mê-si-a của Thiên Chúa”. Vì được Gia-vê xức dầu tấn phong, do đó người ấy được bảo vệ và nhận sự ủy thác từ Thiên Chúa. Người ấy không thể bị xâm phạm vì đã thuộc về Đấng thánh. Thế nhưng, tước hiệu “Đấng được xức đầu của Gia-vê”, thỉnh thoảng được sử dụng mà không cần quy chiếu đến nghi thức vật chất của việc xức dầu, như trong trường hợp của vua Ba tư, Cyrus, đã được tiên tri Isaia gọi là “Mê-si-a của Gia-vê” (Is 45:1) hay như trong trường hợp của tiên tri Isaia : “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân” (Is 61:1).
Sau này, xuất hiện những chi tộc khác. Các chi tộc này cho rằng việc tiến lên ngai vàng trong dòng tộc Đa-vít là thời điểm của ơn cứu độ sẽ đến. Người ta thường hiểu là thời kỳ cánh chung. Hậu duệ của vua Đa vít được xem như là “Người Đại diện của Thiên Chúa” ở trên trần gian. Điều này được gọi là “niềm trông chờ vào Vị Cứu Tinh” vốn được nói rõ trong sách Thánh Vịnh (Tv 21:9-13, 110:1, 89:20, 132:11), và trong sách tiên tri Isaia (Is 9:5-6). Đấng Mê-si-a được xem như là người được Thần khí Chúa bao phủ mãi mãi (Is 9:5-6), và vì vậy cai trị một cách khôn ngoan, công bằng, và trung thuận. Triều đại của người sẽ kéo dài cho đến tận thế (Mk 5:3). Một quan điểm khác về Đấng Mê-si-a được trình bày trong các sách tiên tri Da-ca-ri-a, người tự nhận mình là kẻ nghèo hèn, khiêm nhường, và mến chuộng hòa bình, người sẽ làm mọi vũ lực, bạo tàn và chiến tranh biến mất[3].
2.2.                Đức Giêsu, Đấng được Chúa Cha xức dầu
Mặc dù Đức Giêsu không tự cho mình là “Mê-si-a” (theo Tin Mừng của thánh Mác-cô, Đức Giêsu là một Đấng “Mê-si-a bí mật”[4]), nhưng một chắc chắn rằng các tín hữu đầu tiên đã gán cho Người tước hiệu trên (tiếng Hy lạp là Kitô)[5], nhiều đến nỗi tước hiệu ấy được xem như một tên riêng. Những người kitô hữu này thấy được, qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự hoàn trọn giấc mơ về một đấng Mê-si-a : người là tôi trung của Thiên Chúa và được chính Thiên Chúa tấn phong Người bằng Thánh Thần và bằng quyền năng. (Acts. 4:27, 10:38). Tóm lại, Tin Mừng là một sự diễn giải lại tính Mê-si-a bằng cả cuộc đời của Đức Giêsu. Bối cảnh rửa tội đã được diễn ra như là giây phút tấn phong tước hiệu Mê-si-a, một giây phút mà Thiên Chúa Cha xức dầu Đức Giêsu bằng Thánh Thần sau khi Người chịu phép rửa. Từ giây phút này, Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ Mê-si-a của mình, và trở thành Tôi Trung của Gia-vê Thiên Chúa. Người toàn tâm lo việc rao giảng Lời và thiết lập nước Thiên Chúa. Chúa Cha đã bảo vệ Đức Giêsu ; Đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa Cha ; Người là sứ giả của Thiên Chúa Cha ; vì vậy, ngôi vị của Người bất khả xâm phạm. Cái chết và cuộc vượt qua của Đức Giêsu không hề mâu thuẫn với đặc tính Mê-si-a : Qua đó, Đức Giêsu xuất hiện như là một Đấng Mê-si-a khiêm hạ, nghèo hèn, và là trung gian hoà giải. Thánh Phaolô đã ý thức rằng việc loan giảng về một Đấng Kitô bị đóng đinh là một sự ô nhục đối với người Do Thái (x. 1 Cor 1:23).
2.3.      Người Kitô hữu, thông chia tính ngôn sứ nơi Đức Giêsu Kitô
Bồn rửa tội được gắn liền với việc xức dầu Chúa Thánh Thần ; và điều đó được biểu thị như là một dấu chỉ của bí tích Rửa Tội – Thêm Sức. Người Kitô hữu chúng ta được Đức Giám Mục xức dầu thánh trên đầu. Nghi thức xức dầu này diễn tả ấn tín của Chúa Thánh Thần đã được tuôn đổ vào tâm can của chúng ta (x. 2Cor 3:18 ; Rom 8:29 ; Gal 4:19). Bí tích Rửa Tội - Thêm Sức giúp chúng ta được thông chia vào sứ vụ ngôn sứ, tư tế, và vương giả của Đức Giêsu một cách tròn đầy nhất. Chính vì vậy chúng ta có tên là “Kitô”. Những ai được nối kết với Đức Giêsu Kitô sẽ trở thành “Kitô hữu”, ngôn sứ. Cộng đoàn Kitô hữu thường bị những người phản Kitô chống đối, nhưng cộng đoàn ấy vẫn có thể kiên cường đứng vững vì đã được xức dầu thánh (x. 1Ga 2:20, 27), vì có sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nếu người Kitô hữu chúng ta đã nhận lãnh cùng một Thần Khí nơi Đức Giêsu Kitô, vậy thì chúng ta vừa được phép vừa được thúc đẩy để thực thi công cuộc rao giảng Lời Chúa và sự hiện diện của Nước Thiên Chúa đang tới. Vì vậy chúng ta không gì phải sợ hãi hay chạy trốn nếu việc hoàn trọn ơn gọi ngôn sứ của chúng ta sẽ mang đến cho chúng ta, như Chúa Giêsu, một sự bách hại hay trải nghiệm khổ giá.
2.4.      “Được xức dầu để sai đi”
Tính ngôn sứ nơi Chúa Giêsu dường như đã được nói trước trong bản văn của tiên tri I-sa-i-a. Tại hội đường Na-za-rét, chính Người đọc và diễn giải bản văn ấy (x. Lc 4:18). Do đó, trở thành một tu sĩ là lời mời gọi, với ân ban riêng biệt, để sống chiều kích ngôn sứ trong toàn bộ đời sống Kitô hữu. Chúng ta sẽ cảm nghiệm chính mình như là “những người được xức dầu”, “những kitô của Thiên Chúa”. Chúng ta đã được trao cho sứ vụ ngôn sứ cách xứng hợp nhất, bằng quyền năng của Chúa Thánh Linh, để thực thi như những người được ủy thác của Thiên Chúa, người mang ơn cứu độ đến với tha nhân, đặc biệt cho người nghèo. Ơn gọi-sứ vụ của chúng ta sẽ chẳng còn ý nghĩa gì cả nếu không được đặt trọn nơi Đức Giêsu. Nếu ơn gọi của chúng ta không mang công lý của Thiên Chúa vào xã hội chúng ta, nếu hành động biểu trưng cho sự cứu độ của chúng ta không tỏ lộ được tình thương của Thiên Chúa đối với người lầm lạc, người bị áp bức, người bần cùng, thì việc “xức dầu” của chúng ta trở nên vô nghĩa, thậm chí còn giả tạo. Nếu Đức Giêsu, “Đấng được Thần Khí tấn phong, đã làm biết bao việc tốt lành, và chữa lành những ai bị quỷ ám, vì Thiên Chúa Cha luôn ở với Người” (Cv 10:38), vậy thì chúng ta, vốn cùng chia sẻ việc xức dầu với Người, nên làm giống như Đức Giêsu đã từng làm.
            Việc xức dầu này không được thực hiện nơi chúng ta chỉ trong nháy mắt, một giây duy nhất, và không bao giờ lặp lại nơi chúng ta. Chính xác hơn, đó là một tiến trình liên lỉ. Chúng ta được Đức Giêsu mời gọi để bước theo Người và cộng tác với Người trong công trình mà Chúa Cha đã uỷ thác. Do đó, chúng ta phải dõi bước, bắt chước và đắm chìm vào trong Thần Khí của Người đến nỗi không phải chúng ta đang sống nhưng chính Đức Kitô sống trong ta. Đây chính là cách thế duy nhất mà chúng ta có thể trở thành một khí cụ đắc lực trong việc loan giảng nước trời. Chỉ khi chúng ta để Thần Khí Chúa bao phủ, thì ơn gọi tu trì của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa, ấy là bước theo Chúa Kitô bằng cái cách mà chính Người đã sống và thực hiện nơi chúng ta. Việc xức dầu này không phải là kết quả nỗ lực dấn thân của chúng ta. Đó là một ân sủng. Và vì là một hạt mầm ân sủng (tất cả ân sủng của Thiên Chúa ở thời kỳ phôi thai, tiềm ẩn), do đó hạt mầm ấy chỉ có thể đạt đến sự triển nở cách tròn đầy khi có sự cọng tác tự do của chúng ta.
Chúa Cha đã mời gọi chúng ta trở nên đồng hình với cách sống và sứ vụ của Đức Giêsu, và Chúa Thánh Linh đã xức dầu chúng ta để điều đó trở thành hiện thực. Điều này hình thành một phần “bản chất nội tại” trong chính vận mạng của chúng ta. Nhưng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng dẫn chúng ta trở lại “ngoại cảnh” nơi diễn ra câu chuyện về Chúa Giêsu thành Na-za-rét, chứng tích mà Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy qua việc làm và lời nói của Người, bằng cả cuộc sống của Người, từ cái chết đến sự phục sinh, và chứng tích thường hằng đối với Người vốn được Giáo hội gìn giữ và thực hiện.
“Ngoại cảnh” khách quan này, ấy là Tin Mừng về Đức Giêsu, niềm tin của Giáo hội vào Đức Giêsu, phải là tôn chỉ cho việc chiêm niệm liên lỉ và thiết tha noi gương của chúng ta. Hình ảnh khách quan về Đức Giêsu, vốn được mặc khải qua Tin Mừng và truyền thống của Giáo hội, là một mẫu gương để chúng ta sống và noi theo. Đó chính là “mẫu gương” để quy chiếu ; đó chính là “hình ảnh” để định hình. Điều đó có một sức mạnh lôi cuốn và hấp dẫn đến nỗi có thể thuyết phục, cuốn hút và biến đổi chúng ta.
Rõ ràng, điều ấy quan trọng hơn là việc chỉ khơi gợi lại lịch sử hình ảnh này nhằm biến đổi một cuộc đời. Tuy vậy, mọi thứ vốn dường như ở trong sự khơi gợi này, mọi thứ vốn có hình thể và hình ảnh ở trong đó, thì không chỉ là một “sự vật” ; nhưng đúng hơn, nó là một huyền nhiệm : nó kết tinh và định hình sự tỏ lộ của một thực tại sâu xa hơn, một sự hiện diện.
Diện mạo, hình ảnh, và mẫu gương của Chúa Kitô được trổi lên từ thực tại về “Đấng đã lên cao mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Ep 4:10). Người tự tỏ lộ và tự mặc khải cho chúng ta thấy như là một người hoàn hảo, hết sức “quyến rũ”. Ở tình thế này chúng ta cảm nhận sự quyến rũ và lực hút bằng chính thực tại sâu thẳm vốn được tỏ lộ nơi Người. Nhưng chúng ta không vì vậy mà đặt mẫu gương này qua một bên để rồi bị hụt hẫng. Chúng ta cùng giữ lấy hai chiều kích thực tại của hình ảnh này. Một ánh sáng rực rỡ, một tinh thần đang hiện ra, bao phủ lấy hình ảnh này bằng sự lan toả của nó (Hans Urs v. Balthasar).
Chính vì vậy, việc chiêm niệm liên lỉ, “việc gắn kết vào Đức Kitô”, dần dần giúp ta tan biến trong Người. Lúc ấy “không còn là chúng ta sống, nhưng chính Đức Giêsu Kitô sống trong ta” (Gal 2:20).
Qua việc đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Linh giúp ta nhận hiểu không chỉ nhờ việc chuyên chăm chiêm niệm, chúng ta vừa đề cập ở trên mà còn nhờ vào thái độ và hành động, qua đó chúng ta gắn kết Đức Giêsu vào chính chúng ta. Khiết tịnh, khó nghèo, và vâng phục là ba chiều kích tốt nhất để chúng ta bắt chước và noi theo Đức Giêsu.



[1] Vào những dịp đặc biệt, họ thường xức dầu lên đầu, cằm và chân.
[2] Cựu ước sử dụng từ này 30 lần cho các vị vua, 6 lần đối với các tư tế (x. Lv 4:3, 5:16, 6:22; Dn 9:25,26) và 2 lần đối với các tộc trưởng (x. Sb 16:8 ; Tv 105:15)
[3] Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi : Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem ; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất (Dcr 9,9-10).
[4] Bí mật của Đấng Thiên Sai [là chủ đề của thần học Phúc Âm theo Thánh Marcô: Đức Giêsu một đàng tự mạc khải mình cho loài người, một đàng lại cấm ma quỉ xưng hô Ngài và cấm môn đệ tiết lộ Ngài là ai].
[5] Từ Kitô xuất hiện 529 lần trong Tin Mừng, và 379 trong thư của thánh Phaolô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét