Hiển thị các bài đăng có nhãn Góp nhặt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Góp nhặt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

KHÔNG CÓ CHI!

 “Bĭ ‘dei kiơ! - Không có chi!” nhưng câu nói đó cứ mãi ám ảnh tôi. Lời nói thốt ra với vẻ mặt ngại ngùng. Tôi biết, họ ngại ngùng vì thầy vào nhà mà không có chi để tiếp! Họ cũng may mắn làm được căn nhà khang trang để ở, điều vẫn còn là mong ước của nhiều người, nhưng họ vẫn ý thức rằng, ngoài căn nhà ra thì “bĭ ‘dei kiơ!”
Tôi cũng ái ngại cho họ thật, nhưng ái ngại thì ít mà xót xa thì nhiều. Xót xa bởi trước đó tôi đã kịp liếc qua mâm cơm còn dang dở. Nói mâm cơm cho sang chứ thực ra chỉ có nồi cơm, chén muối ớt và ít rau luộc.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện của một cha già. Trong một lần ghé thăm nhà dân, ngài vào thăm nhà bếp. Khi cúi xuống mở nắp một chiếc nồi, ngài giật mình khi vỏn vẹn trong đó là 2 con chuột. Cùng lúc cúi xuống đó, ngài kịp nhìn thấy gói thuốc lá trong túi áo. Thế là theo sự thôi thúc của con tim, ngài quyết tâm từ bỏ thuốc là kể từ lúc đó.
“Không có chi”, trong nhiều trường hợp là lời từ chối khéo một lời khen nào đó, nhưng trong trường hợp này thì nghe thật nao lòng.
“Không có chi” cũng cho thấy một sự bất công về phát triển xã hội: có những người chẳng thấy làm chi mà cái chi cũng có, ngược lại, có những người việc chi cũng không từ nhưng trong nhà thì chẳng có cái chi.
Tôi chợt nhớ đến lời của thánh Phaolô: bị coi là vô danh tiểu tốt nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả. (x. 2Cr 6,8-10). Có thể xem là tự an ủi nhưng kỳ thực, tôi thấy nơi họ có rất nhiều thứ, những thứ mà Thiên Chúa đã ban cho họ, không ai có thể lấy mất hay thay đổi được.


Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH TẠI VATICAN



Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (Mt 5,9).
Việc kiến tạo hòa bình còn đòi hỏi nhiều sự can đảm hơn là trong chiến tranh.” Đó là phát biểu của Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Vatican. ĐTC lưu ý tiếp, lịch sử đã cho thấy rằng hòa bình không thể hiện hữu chỉ đơn thuần bởi sức mạnh của con người. “Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây, bởi vì chúng ta biết và chúng ta tin rằng, chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta không rũ bỏ trách nhiệm của mình, nhưng chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa trong hành động có tính trách nhiệm cao trước lương tâm của chúng ta và trước dân tộc của chúng ta.”
Kế đến, Tổng thống Israel Shimon Peres đã đưa ra một lời kêu gọi cho hòa bình. Ông nói, “Tôi đến đây để kêu gọi hòa bình giữa các quốc gia.” Ông cũng thừa nhận rằng, “hòa bình không đến một cách dễ dàng nhưng chúng ta vẫn phải theo đuổi để khiến nó trở nên gần gũi.” Ông nhấn mạnh, “chúng ta được lệnh phải theo đuổi hòa bình”. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng “nếu chúng ta theo đuổi hòa bình với quyết tâm, với đức tin, chúng ta sẽ đạt được nó.”
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì dựa theo lời cầu nguyện để khẩn cầu cùng Thiên Chúa : “Lạy Chúa, xin ban cho khu vực và người dân của chúng con sự an toàn và ổn định. Hãy gìn giữ thành phố được chúc phúc Giêrusalem; trước hết là Thánh địa Kiblah, sau đó là Đền thánh Hồi giáo, thứ ba Thánh Địa Hồi giáo Mecca và các thành phố của phước lành và hòa bình với tất cả những gì bao quanh nó.”
Buổi cầu nguyện kết thúc bằng những cái bắt tay hòa bình giữa các nhà lãnh đạo, và trồng một cây ô liu, biểu tượng của ước mơ hòa bình.

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

QUẢ TRỨNG PHỤC SINH

Tập tục “quả trứng Phục Sinh” phát xuất từ đâu và có ý nghĩa gì?
Đến lễ Phục Sinh, ta thường thấy các tấm cards hay vẽ hình quả trứng, hoặc có những miếng xô-cô-la hình quả trứng. Vậy đâu là nguồn gốc và ý nghĩa của “Quả trứng Phục Sinh”:
- Tại Trung Âu, vào đêm Phục Sinh, sau thánh lễ, vị linh mục Chính thống chúc lành cho các giỏ thực phẩm mỗi gia đình mang tới, trong đó luôn luôn có ít quả trứng có khi được tô vẽ bên trên.
- Tại Biêlorussia và Ukraina, vào sáng Chúc Nhật Phục Sinh, những người chính thống phái Uniát (chấp nhận quyền bính của Đức giáo hoàng) cắt một quả trứng ra và mỗi người ăn cách thật kính cẩn.
Người Chính thống giữ Mùa Chay nhiệm nhặt hơn ta, và trong bảy tuần, họ không ăn một tí thịt hay một tí mỡ thú vật nào, cũng không ăn cá (trừ một lần giữa Mùa Chay) để rồi vào ngày lễ Phục Sinh, họ ăn trứng: như vậy, quả trứng chấm dứt Mùa Chay và là món ăn có chất prô-tê-in đầu tiên của mùa xuân và trở thành dấu chỉ sự đổi mới và báo tin mừng Phục Sinh.
- Tại Roumania, người ta cầm một quả trứng “cụng” vào quả trứng của chủ nhà và mừng lễ ông: Đức Kitô đã phục sinh. Người ta cũng thường viết thư trên các quả trứng và gửi cho những người họ thương mến.
Từ đó phát sinh tục lệ gửi trứng Phục Sinh mừng nhau (trên đó có khi ghi một sứ điệp tôn giáo), và thành hình một loại nghệ thuật dân gian truyền thống, có những quy luật, những ý nghĩa tượng trưng, khác nhau ít nhiều tùy miền, tùy xứ.
Như thế, quả trứng Phục Sinh có trang trí chính là một phương tiện chuyển thông sứ điệp Phục Sinh (sự đổi mới và sức sống). Hôm nay, chúng ta có thể dùng cách thức đó để cầu chúc cho nhau được đổi mới và có chan hòa sức sống mới của Đức Kitô Phục Sinh.

Tóm lược từ bài viết của Lm PX Phan Long, ofm đăng tại kinhthanhvn.net

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI



Ngày 15-01-2014 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã ký và cho công bố sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi. Năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI quyết định cử hành ngày này hằng năm vào Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục sinh
Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 51 của Đức Thánh Cha Phanxicô có chủ đề “Ơn gọi, chứng tá cho sự thật” trong đó Đức Thánh Cha yêu cầu người Công Giáo hãy "mở lòng chúng ta ra cho những lý tưởng tuyệt vời, cho những điều cao cả".

Dưới đây là tóm lược sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô:
Trước hết, ĐTC trích dẫn đoạn Kinh Thánh Mt 9,35-38 trong đó có câu: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ gặt sai thợ ra gặt lúa về”. ĐTC lưu ý rằng Đức Giê-su cho biết “lúa đã chín” và đang “thiếu thợ gặt”, Đức Giê-su không hề đề cập đến việc gieo trồng. Vậy ai đã gieo trồng? ĐTC khẳng định “cánh đồng lúa” chính là nhân loại và “tác động đầy hiệu quả đã giúp sản sinh ra nhiều hoa trái là ân sủng của Thiên Chúa”. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở các tín hữu thành Côrintô rằng: “Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa” (1 Cr 3:9). Chính Thiên Chúa đã tác động để có một “mùa bội thu” và Ngài mời gọi con người cộng tác trong việc thu hoạch.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: CÁM DỖ TRONG ĐỜI TU



Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.

Hành trình “tâm linh” mà chúng ta phải theo đuổi được trải bằng những chướng ngại vật. Khi một số ở bên trong còn một số lại ở bên ngoài. Mỗi chúng ta đều mang thân phận tội lỗi vốn tự nhiên khiến mình trở thành một kẻ đồng lõa của sự dữ. Chúng ta có thể nói, theo lời diễn giải của Phaolô, “Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt” (x. Rm 7, 14). Thế gian, xác thịt và ma quỷ (x. 1Ga 2, 14-16) bắt gặp trong chính bản thân chúng ta, một sự đồng lõa ngầm. Và ngay cả khi tội đồng lõa nội tại này bị loại bỏ, thì chúng ta vẫn mở cho những xúi giục, níu kéo và xu nịnh bên ngoài xui khiến chúng ta tạo ra khoảng trống cho điều xấu xa vào đời ta. “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ?” (Rm 7, 24). Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu xin Chúa Cha “giải thoát chúng ta khỏi sự dữ”.
Chúng ta nên chiêm niệm sự cám dỗ dưới viễn cảnh : Đức Kitô vẫn đang bị thử thách trong chính chúng ta.
2.    NHỮNG CÁM DỖ CỦA CHÚA GIÊSU

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

GIÁNG SINH LÀ LỄ CỦA SỰ TIN TƯỞNG VÀ NIỀM HY VỌNG



Trong bài nói chuyện với các tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 18-12-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy tư về lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu, ngày lễ của sự tin tưởng và niềm hy vọng, vượt thắng sự bất ổn và bi quan. Lý do của niềm hy vọng là vì: Thiên Chúa ở với chúng ta và vẫn còn tin tưởng nơi chúng ta! Thiên Chúa Cha thật là quảng đại.
Thiên Chúa đến ở với loài người, lựa chọn trái đất để cùng sống với con người và để con người nhận ra Ngài trong những niềm vui và khổ đau của cuộc đời. Vì thế trái đất không còn là “thung lũng nước mắt” nữa, mà là nơi chính Thiên Chúa đã cắm lều của Ngài, là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người và liên đới với con người.
Thiên Chúa đã muốn chia sẻ điều kiện làm người của chúng ta đến độ trở thành một với chúng ta trong con người của Đức Giêsu, là người thật và là Thiên Chúa thật. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người không được thực hiện trong một thế giới lý tưởng, tình tứ, nhưng trong thế giới thực sự này, một thế giới bị ghi dấu bởi các chia rẽ, gian ác, nghèo túng, các chuyên quyền và chiến tranh. Ngài đã lựa chọn ở trong lịch sử của chúng ta với tất cả gánh nặng của các hạn hẹp và các thảm cảnh của nó. Khi làm như thế Ngài đã chứng minh cho thấy lòng xót thương và tình yêu của Ngài đối với con người. Chúa Giêsu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ngay cả trong khổ đau và khốn khó của lịch sử.
Đức Thánh Cha định nghĩa lễ Giáng Sinh như sau: Lễ Giáng Sinh biểu lộ cho thấy Thiên Chúa đã đứng về phía con người một lần cho tất cả, để cứu vớt chúng ta, để nâng chúng ta dậy từ bụi đất của các nỗi bần cùng, khó khăn và tội lỗi của chúng ta. Từ đó phát xuất ra món quà vĩ đại của Hài Nhi Giê-su: một năng lực giúp chúng ta không chìm sâu trong các mệt nhọc, thất vọng, buồn sầu của chúng ta; bởi vì nó là một năng lực sưởi ấm và biến đổi con tim.
Từ việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta có thể rút tỉa ra hai điều.

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

CÁC SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN TIỀN HÔ



1. Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.
Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của Thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.
Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Sứ điệp của Thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.
Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành Dân của Chúa. Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: QUÀ TẶNG HAY ÂN SỦNG (3)

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
         3.    KHAO KHÁT VÀ NỖ LỰC CHIẾN ĐẤU
        Người tu sĩ phải khao khát và hăng hái kiếm tìm ân huệ của sự công chính Nước Trời ; ở giữa và cùng với dân Chúa, người tu sĩ phải nỗ để kín múc lấy ân sủng của sự trưởng thành tròn đầy nơi Đức Kitô.
         3.1.      Tầm quan trọng của khao khát
         Chúng ta phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “khao khát”. Khao khát nghĩa là để ân sủng của Thiên Chúa quyến rũ mọi động lực cá nhân của chúng ta, để chúng ta chuyển động lực đó đến với ân sủng và để cho ân sủng dẫn dắt. Nuôi dưỡng những khát khao tốt là con đường đúng đắn nhất để đón nhận trải nghiệm của ân sủng. Những khát khao tốt được nuôi dưỡng bởi những ai không quên đi lời họ đã nghe được, và luôn chiêm niệm những ân sủng Chúa, đồng thời nỗ lực để không đánh mất sự chiêm ngắm những dấu vết của Thiên Chúa qua lịch sử. Trong phạm vi nào đó, khi ân sủng Thiên Chúa luôn được duy trì qua việc chiêm ngắm và thấu hiểu ; ở cùng phạm vi đó, thì ân sủng ấy được khát khao chiêm niệm sâu hơn. Khao khát đánh thức một tình yêu mãnh liệt. Khao khát làm cho lời cầu nguyện được thốt ra. Như thánh Âu-Tinh đã viết :

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: QUÀ TẶNG HAY ÂN SỦNG (2)

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.

Thiên Chúa Cha đã mời gọi chúng ta hầu chúng ta có thể đạt đến sự trưởng thành tròn đầy trong Đức Kitô. Như nền tảng cho lời kêu gọi này khi đọc thư Ê-phê-xô 4, 13 :
            “Và chính Người đã “ban” ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái”(Ep 4, 11-16).

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

Ngày 14 tháng 12

Thánh Gioan Thánh Giá được tôn xưng là nhà thần bí lớn trong Giáo Hội. Khi còn sống, những tư tưởng về đời sống tâm linh đã được đúc kết bằng những khổ đau trong chính cuộc đời mình.
Cha ngài thuộc dòng dõi quí tộc, nhưng bị khai trừ vì cưới một thường dân làm vợ. Ông qua đời lúc ngài vừa sinh được vài tháng nên gia đình phải sống trong cảnh nghèo túng. Tuy vậy Gioan cũng đã được học hành đàng hoàng nhờ vừa đi làm vừa tự học. Đến năm 21 tuổi, ngài gia nhập Dòng Carmêlô.
Dòng Carmêlô ở Tây Ban Nha được ngưởng mộ vì thực hành một đời sống tâm linh sâu sắc, nghiêm túc giữ luật dòng và đời sống cầu nguyện. Nhưng vào thời kỳ của Gioan thì kỷ luật bị buông lỏng và tinh thần đạo đức sa sút. Gioan chịu chức linh mục năm 1567 và được giới thiệu với thánh Têrêxa Avila, đấng đang lãnh đạo phong trào cải tổ sâu rộng dòng Carmêlô.
Cả hai trở nên thân thiết vì có chung một chí hướng. Tinh thần cải tổ rất nguy hiểm trong thời kỳ có Pháp đình Tôn giáo, Cơ quan này sẵn sàng kết án những ai có tư tưởng không theo rập khuôn mẫu tôn giáo đã được ấn định vào thời bây giờ. Thánh Gioan là nạn nhân của anh em trong dòng. Vào năm 1577, thánh Gioan bị bắt cóc đem nhốt vào một phòng giam trong tu viện ở Toledo. Sau chín tháng bị giam cầm, Gioan đã trốn thoát được ra ngoài trong đêm tối.
Sau một thời gian, thánh Gioan được anh em mời trở về dòng nhưng những đau khổ vẫn mãi dồn dập. Gioan vẫn viết lên những lời thơ thần bí để lại cho hậu thế ngưỡng mộ. Gioan chết vào ngày 12 tháng 12 năm 1591 trong cô đơn sau một thời gian bị bệnh lâu dài.
Sự đau khổ đã nung nấu ý chí và tạo nên đời sống tâm linh huyền bí. Tác phẩm lớn là “Đêm tối tăm của linh hồn” được sáng tác với kinh nghiệm lúc bị giam ở Toledo. Gioan tả linh hồn như một người đang yêu trốn ra trong đêm tối đến hẹn hò với Nhân Tình. Đau khổ làm cho linh hồn tinh khiết như cây củi được đốt trong lò sưởi, lửa cháy làm tan nát và thiêu hủy cây củi nhưng tạo được ngọn lửa hồng trong sáng.
 Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gioan linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình. Xin cho chúng con hằng biết noi gương sáng của người để mai sau được chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển (Lời nguyện nhập lễ thánh Gioan thánh giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh ).
Tóm lược theo Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác


Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

NGÀY 13: KÍNH THÁNH NỮ LUCIA

Ngày 13 tháng 12 là Lễ kính Thánh Nữ Lucia, trinh nữ tử đạo, năm 304. Bạn biết gì về vị Thánh này ? Tại sao gương của Thánh nữ lại quan trọng ? Đây là vài lý do:
Thứ nhất, có biểu tượng về tên của bà. Chữ Lucia có gốc từ tiếng Latin, nghĩa là ánh sáng – “Lux” hoặc “Lucis”. Lucia là vị Thánh của Ánh Sáng trong Mùa Vọng, Mùa Ánh Sáng. Ánh Sáng Mùa Vọng xuất hiện trong thời gian tối tăm trong năm. Với công việc tốt lành, sự trong sạch và tình yêu dành cho người nghèo, Thánh Lucia đã tỏa sáng ánh sáng thật của Sự Sống.
Thứ nhì, Thánh Lucia đối lập với Luxiphe. Luxiphe vốn là thiên thần, là “người mang ánh sáng” nhưng đã rơi vào thung lũng bóng tối. Luxiphe là ánh sáng sai lầm, còn Thánh Lucia phản chiếu ánh sáng thật của Ngôi Lời, Ánh Sáng Đức Kitô trong thế giới tối tăm và trụy lạc. Thánh Phaolô nói rằng các Thánh chiếu sáng như những vì sao trong đêm tối. Luxiphe được gọi là “Sao Mai Sáng” nhưng ánh sáng đó đã trở thành bóng tối khi ánh sáng chói lói của các Thánh chiếu tỏa.
Thứ ba, Thánh Lucia là vị Thánh của Ánh Sáng nhưng bà cũng “bị mất ánh sáng”, tức là bị mù. Tại sao ? Hồi đó, Lucia là cô gái xinh đẹp, có một anh chàng ngoại giáo nói yêu đôi mắt đẹp của Lucia, thế là Thánh nữ móc mắt mình cho người đó vì muốn giữ mình trọn đời đồng trinh vì Nước Trời. Do đó, Thánh Lucia là bổn mạng của những người khiếm thị. Thánh Lucia nhắc nhở chúng ta phải luôn cố gắng bước đi trên “con đường ánh sáng”, nghĩa là Thánh Lucia đã trao ánh sáng cho chúng ta !
Thứ tư, Thánh Lucia từ chối kết hôn với người ngoại giáo. Thời đó, ngoại giáo bị coi là tà giáo. Người ngoại giáo đó có quyền hành, chức tước, địa vị, của cải... Làm vợ người đó thì tương lai tươi sáng và rộng mở, nhưng Thánh Lucia vẫn nhất quyết từ chối. Đó là điều không dễ đối với một cô gái đẹp còn trẻ, vì sự cám dỗ về vật chất rất mạnh mẽ.
Thật xứng đáng để chúng ta yêu mến Thánh Lucia, vì bà đã không chịu thỏa hiệp. Thánh Lucia là một thiếu nữ nhưng sống như một anh hùng, một chiến binh can đảm vì Đức Kitô. Thánh Lucia nhắc chúng ta rằng nếu chúng ta không cương quyết thì chúng ta sẽ không được vào Nước Trời.
Lạy Thánh Nữ Lucia, xin nguyện giúp cầu thay. Amen.
TRẦM THIÊN THU, chuyển ngữ từ Patheos.com


Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: QUÀ TẶNG HAY ÂN SỦNG (1)



Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.



1.   TÂM LINH NHƯ MỘT HÀNH TRÌNH : ÂN SỦNG VÀ DẤN THÂN
Cái chìa khóa mà người tu sĩ chúng ta phải nắm bắt và theo đuổi tiến trình đời tu của mình cách tích cực chính là một ân sủng ưu việt, đòi chúng ta phải mở lòng mình ra qua hai cách đáp trảnghe theo.
“Hành trình tâm linh” của một tu sĩ là kết quả tuyệt vời của cuộc đối thoại trong tự do từ cả hai phía : Thiên Chúa và con người. Điều này có thể được giải thích theo những thuật ngữ trong hai khung cảnh Tin Mừng liên quan đến Phê-rô : Đầu tiên là việc thoát khỏi tù cách lạ thường (x. Cv 12, 1-11) ; thứ đến là nỗ lực của ông đi trên mặt biển hồ Ga-li-lê (x. Mt 14, 25-32).
1.1.      Hai khung cảnh Tin Mừng
khung cảnh đầu tiên chúng ta biết Phê-rô đang ở tù. Thiên sứ của Chúa đánh thức ông, giải thoát ông khỏi xiềng xích, mở mọi cửa nẻo cho ông, và cả cổng thành. Phê-rô được trao tặng con đường toàn vẹn dẫn đến tự do. Đây được xem như là món quà tinh tuyền mà Phê-rô nhận được. Thiên sứ chỉ cho ông cơ hội tuyệt vời này bằng những từ ngữ mang tính mệnh lệnh sau : “đứng dậy mau đi…, mặc quần áo vào…, xỏ dép vào…, khoác áo choàng vào…, đi theo tôi !”. Điều duy nhất đòi nơi Phê-rô là hãy đặt niềm tin vào người báo cho ông sự giải thoát, và ông phải có ước muốn được giải thoát mạnh mẽ. Phê-rô sẽ phải cất bước hướng đến tự do, được thúc đẩy bởi niềm tin, và tín thác rằng sự giải thoát sẽ được tỏ lộ khi ông vượt qua mọi thử thách có thể xảy ra trong hành trình đạt đến mục tiêu. Và thực ra, Phê-rô đã chấp nhận mọi rủi ro, đã tín thác vào Người ban cho ông cơ hội thoát khỏi ngục tù nhờ vào sự tín thác của ông.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

MÙA VỌNG LÀ GÌ?



Trong tiếng Việt, vọng có nghĩa là “mong chờ”. Như vậy, mùa Vọng được hiểu là mùa mong chờ Chúa đến. Tuy nhiên, trong tiếng La tinh, mùa Vọng là Adventus có nghĩa là “đến”. Như vậy đây là mùa Chúa đến. Việc Chúa đến được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất nhắc lại biến cố Chúa Nhập thể cách đây hơn 2000 năm, nghĩa thứ hai được hiểu là việc Chúa đến trong thời cánh chung.
Với hai ý nghĩa này, các bài đọc Sách Thánh trong các Chúa nhật mùa Vọng được chọn để làm nổi bật cả hai chủ đề này. Các bài đọc của Chúa nhật thứ nhất đề cập đến việc Chúa đến trong biến cố quang lâm và mời gọi mọi người chuẩn bị sẵn sàng cho biến cố đó. Các bài đọc của các Chúa nhật còn lại giới thiệu mẫu gương của những người sẵn sàng đón chờ Chúa Cứu Thế như Gio-an Tẩy Giả (Chúa nhật thứ 2 và 3) hay Đức Ma-ri-a (Chúa nhật thứ 4).
Cũng vậy, mùa Vọng được chia làm hai phần với móc phân chia là ngày 17/12. Phần thứ hai, từ là một tuần trước áp lễ Giáng Sinh, các bài đọc thường trích từ “Tin Mừng thời niên thiếu” hoặc là đề cập trực tiếp đến biến cố truyền tin. Điều đó cho thấy phụng vụ trong thời gian này được chọn lựa với mục tiêu chuẩn bị cho lễ giáng sinh đã gần kề.
Như vậy, mùa Vọng (Adventus) là mùa hướng lòng về ngày Chúa Kitô sẽ lại đến trong vinh quang để xét xử thế giới và con người, nhưng gần hơn cả là chuẩn bị tâm hồn và đời sống để mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta nhìn lên Chúa, Đấng đang đến với chúng ta mỗi giây phút và một cách đặc biệt khi ‘Người sẽ lại đến trong vinh quang’.
Tài liệu tham khảo
Phan tấn Thành, O.P. Hiểu để sống đức tin, tập 1

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (6)

ĐỒNG NHẤT VỚI ĐỨC KITÔ
QUA BỆNH TẬT VÀ CÁI CHẾT
Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Khái niệm sứ vụ thường bị giản lược chỉ còn là một “hoạt động” thì khái niệm ấy không đầy đủ. Nếu rơi vào trường hợp ấy, sứ vụ lúc ấy chỉ tồn tại khi có những hoạt động tông đồ nào đó được thực hiện ; sứ vụ được đồng nhất với hoạt động tông đồ hay chỉ là thói quen. Quả thực sứ vụ là “hoạt động”, nhưng cũng là “cuộc khổ hình”.
Đức Giêsu, trong khi chịu đựng đau đớn một cách kiên nhẫn trên Thập giá, đã đưa sứ vụ của Người đến sự hoàn trọn trong trường hợp hoàn toàn bị động, trong khoảnh khắc vừa đủ thốt lên, trong giây phút chẳng thể mang đến cho ai niềm an ủi. Chính trong khoảnh khắc ấy mà Người đã kêu lớn tiếng rằng : “mọi sự đã hoàn tất”. Chúng ta hãy chịu đựng bệnh tật, đau khổ bằng sự khiêm tốn và vâng phục hướng về tình yêu nơi Thiên Chúa, để nhận ra rằng qua những đau khổ chúng ta lấp đầy những gì là thiếu thốn trong nỗi đau của Đức Kitô. Khi đó chúng ta hãy cho thấy sự kiên nhẫn tuyệt vời để hứng chịu bệnh tật hay bất kỳ thiếu thốn nào đó do sự nghèo nàn của chúng ta. Bằng cách này chúng ta có thể thuyết phục người khác bằng chính đời sống chứng tá của chúng ta.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (5)




Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.


Người tu sĩ theo Đức Giêsu không sống cho riêng mình. Họ sống theo một cách khác. Họ sẵn sàng sống mạo hiểm khi sứ vụ cần đến. Đức Giêsu đã nói với những kẻ theo Người về sự nguy hiểm trong sứ vụ được giao phó : “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16). Hình ảnh đàn chiên ở giữa bầy sói mới chỉ là một chút kinh khiếp thôi.
Người tông đồ Đức Giêsu cũng dễ bị tổn thương như chiên con ; họ (người tông đồ) hoàn toàn không được bảo vệ và bị tước đi sự phòng vệ. Khi ấy, sức mạnh ở trong tay những kẻ chống đối. Ấy vậy mà Đức Giêsu muốn những người đi theo Người hãy thực thi sứ vụ ngay giữa thế giới thù địch như thế. Người yêu cầu họ không vội vàng, thiếu suy nghĩ (“khôn ngoan như rắn”), nhưng Người không muốn họ chơi trò chơi giả dối (“đơn sơ như bồ câu”). Chúng ta hãy nhớ lại những lời Người phán : “Ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35), và vì thế chúng ta định hình cuộc sống theo cương lĩnh phục vụ anh chị em chúng ta ngay cả phải hy sinh mạng sống mình.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (4)

NÊN MỘT VỚI ĐỨC KITÔ, ĐẤNG CỨU THẾ
Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Những cách thế trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta, khai mở đường tâm linh cho bất kỳ tu sĩ chính danh nào bước theo Người. Chính Thánh Thần, Đấng xây dựng con người nội tâm, dẫn người tu sĩ đến việc từ bỏ mọi thứ, ngay cả bản thân mình, để có thể đem mọi thứ và mọi người về với Đức Kitô.
Khi kêu gọi các tông đồ, Đức Giêsu đã nói : “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Tuy nhiên đây không là lời mời gọi dấn thân vào con đường buồn chán và đau khổ. Chính sự khiêm hạ mới là chìa khóa đưa người tu sĩ đến hạnh phúc, đó cũng là từ bỏ bản thân, bất chấp những đòi hỏi quyết liệt của việc từ bỏ để cùng chia sẻ niềm vui với Đức Giêsu.

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (3)

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Thánh Phaolô nói với chúng ta : “Giữa các anh em, hãy có tâm tình của Đức Giêsu Kitô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, … nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:5-9). Những lời này thúc giục chúng ta đồng hóa chính mình với Đức Giêsu khiêm nhường. Tuy nhiên, khiêm nhường là gì ? Chức năng của đức khiêm nhường trong việc thực thi đời sống tu trì là gì ?
Những gì chúng ta coi là to lớn thì Thiên Chúa xem là nhỏ nhặt, những gì chúng ta coi là lố bịch, Thiên Chúa xem là cao cả[1]. Khiêm nhường là sức mạnh hay là nhân đức nhằm đặt để chúng ta vào trong nhãn quan của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể đánh giá lại và nhìn mọi thứ như chúng là. Khiêm nhường là một quà tặng, một nhân đức giúp chúng ta phần nào hiểu được những gì là đáng giá dưới ánh mắt Thiên Chúa, cũng như những gì Ngài muốn nơi mỗi người chúng ta. Khi Chúa Cha kêu gọi chúng ta nên giống Chúa Giêsu, Ngài kêu gọi chúng ta nên giống với những tình cảm sâu kín nhất của Chúa Giêsu.