Trong
thế kỷ thứ III, tuy gặp phải sự chống đối mãnh liệt từ chính quyền Rôma với nhiều
cuộc bách hại có phương pháp và hệ thống nhưng Giáo hội vẫn phát triển mạnh mẽ và
thâm nhập vào nhiều môi trường xã hội khác biệt. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ
và những cuộc bách hại, Giáo hội phải đối diện với nhiều vấn đề như đời sống
luân lý, kỷ luật bí tích, cách đối xử với những người ly giáo trở về, v.v.. Trước
những vấn nạn thực tế đó, các Giáo phụ trong thế kỷ thứ III đã suy tư rất nhiều
về các Bí tích, đặc biệt là hai Bí tích Rửa tội và Hòa giải. Thực vậy, năm
250, hoàng đế Dèce muốn thống nhất dân tộc và tôn giáo nên buộc mọi
công dân trong đế quốc phải tham dự vào một nghi thức tôn thờ các
thần minh để ủng hộ ông. Các Ki-tô hữu buộc phải lựa chọn một hành
vi thờ ngẫu tượng hoặc phải chịu ngục tù, tra tấn và ngay cả cái
chết. Giáo hội phải cư xử như thế nào với những Ki-tô hữu đã bỏ đạo
nhưng lại thật lòng muốn trở lại với Giáo hội? Hơn nữa, việc có Rửa tội
hay không cho những người trở lại từ các nhóm ly giáo cũng trở thành
một đề tài tranh luận gay gắt giữa giáo hội ở Bắc Phi và Giáo hội
tại Rôma.[1]
Ngoài ra, vấn đề Rửa tội cho trẻ em, bí tích Truyền chức, v.v. cũng
được các Giáo phụ trong giai đoạn này đề cập đến.
1.
Bí tích Rửa tội
Phép rửa cho trẻ em
Ngay
từ đầu, vấn đề có Rửa tội cho các trẻ em hay không đã được đặt ra.
Đây là vấn đề cần thiết, cấp bách và nan giải. Cần thiết bởi bí
tích Rửa tội là ân sủng cao quý Chúa ban cho con người và nan giải
là vì bối cảnh của Giáo hội lúc bấy giờ đòi hỏi người lãnh nhận
bí tích này cần có đời sống đức tin trưởng thành.
Thực
vậy, về phép Rửa dành cho trẻ em, quan điểm của Tertullianô là: “theo điều kiện, theo sự chuẩn bị và
tuổi tác của mỗi người, nên thích hợp là triển hạn việc lãnh phép
rửa, nhất là đối với các trẻ em. … hãy đợi cho đến khi chúng lớn
lên, đến khi chúng ở vào độ tuổi được giáo huấn, khi chúng đã học
biết Đấng mà chúng đến với Ngài.… Tại sao ở tuổi thơ ngây này lại
quá vội vả nhận việc tha tội. … Kẻ mà người ta không trao phó những
của cải trần thế, liệu người ta có trao phó cho nó những ân huệ
thần linh không? Hãy để cho chúng ít nhất biết xin ơn cứu độ, để
người ta chắc là ơn cứu độ chỉ được ban cho người xin…” Một lý do
quan trọng để hoãn việc ban phép Rửa nữa là “Đối với những kẻ chưa lập gia đình, bởi vì sự cám dỗ rình
rập họ, dù đối với các trinh nữ để cho họ được chín chắn hoặc đối
với các quả phụ trong sự bấp bênh của họ…”[2]
Theo
Tertullianô, phép Rửa được xem như một gánh nặng, một cam kết không còn
phạm tội nữa. Do đó phép Rửa chỉ được ban cho những ai đủ trưởng
thành, đủ nhận thức trong đời sống đức tin. Các trẻ em, các trinh nữ
và ngay cả các góa phụ vẫn chưa chắc chắn vì nguy cơ phạm tội vẫn
luôn rình rập họ. Tertullianô áp dụng câu nói “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo”
(Mt 7,6) hay “Anh đừng vội đặt tay
trên ai, đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác” (1 Tm 5, 22)
vào bí tích Rửa tội. Theo ông, bí tích là của thánh, là ngọc trai
nên không được trao ban bừa bãi. Tùy theo hoàn cảnh, thái độ, tuổi tác
của từng người mà ta tạm hoãn phép Rửa lại thì có lợi hơn. Nhất
là trong trường hợp trẻ em vì chớ để người đỡ đầu có nguy cơ không
giữ trọn lời hứa trong trường hợp đứa trẻ đâm ra hư đốn. Theo Tertullianô,
nếu người ta hiểu được tầm quan trọng lớn lao của phép Rửa, người ta
sợ phải lãnh nhận nó hơn là triển hoãn nó. Tertullianô quan niệm
phép Rửa khắc khe như vậy là vì ông khẳng định tội chỉ được tha một
lần duy nhất: “Chúng ta bước vào
giếng nước phép Rửa một lần duy nhất, và cũng một lần duy nhất tội
chúng ta được tha, bởi thế không được phạm tội lại.”[3] Trái ngược với
quan điểm có phần khắc khe của Tertulianô, Cyprianô nhìn vấn đề cách
tích cực hơn.
Trong
thư 64, Cyprianô khẳng định: “Chúng tôi
đều đồng ý là không được từ chối
lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa đối với bất kỳ người nào
bắt đầu hiện hữu, … chúng ta nghĩ rằng sự cắt bì thiêng liêng không được
bị ngăn cản bởi sự cắt bì thể xác” vì có người cho rằng không
được rửa tội cho trẻ trước ngày thứ tám là ngày làm lễ cắt bì. Để
bảo vệ quan điểm trên, Cyprianô lập luận như sau: “những tội nhân quan trọng nhất lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi,
sau khi đã phạm tội nặng nghịch lại Thiên Chúa: không ai trong họ bị
từ chối phép Rửa và ân sủng.” Vậy thì “một trẻ em không nên bị từ chối phép Rửa, trẻ em vốn vừa được
sinh ra từ ít lâu, chưa phạm tội nào; nó chỉ phải chịu duy nhất khi
sinh ra, vì là con cháu Ađam, vi khuẩn giết người của sự di truyền xưa.”[4]
Khác
với Tertullianô, Cyprianô không coi phép Rửa như một gánh nặng nhưng là
một ân huệ. Mà đã là ân huệ thì không được từ chối một ai, nhất là
với những trẻ thơ vô tội. Những người lớn phạm nhiều tội nặng
nghịch lại Thiên Chúa vẫn được lãnh nhận phép Rửa sau khi đã sám hối
vậy thì cớ gì lại từ chối ban phát ân sủng này cho những trẻ thơ
vốn chưa phạm tội gì ngoại trừ tội di truyền từ nguyên tổ Ađam. Lập
trường của Cyprianô vẫn được Giáo hội thực hành cho đến ngày nay.
Quá trình chuẩn bị và nghi thức phép
Rửa
Ngoài
tranh luận về việc rửa tội cho trẻ nhỏ, quá trình chuẩn bị và nghi
thức của bí tích này cũng được giáo phụ Hippolytô đề cập đến trong
cuốn Truyền thống Tông đồ. Trước
hết, về những người sẽ lãnh nhận phép Rửa, ngài viết như sau: “khi chọn những người lãnh phép Rửa, phải
xét đời sống của họ: trong thời gian dự tòng, họ có sống ngay thẳng liêm khiết
không? Họ có tôn trọng các góa phụ không? Có thăm viếng bệnh nhân không?” nếu
được người tiến dẫn chứng nhận là tốt, họ sẽ được nghe tin mừng, được tách biệt
ra và được đặt tay trừ quỷ mỗi ngày. “Khi
gần đến ngày họ sẽ lãnh nhận phép Rửa, Giám mục sẽ trừ quỷ cho từng người trong
họ để biết họ có tinh tuyền không.” Nếu có ai không trong sạch sẽ bị loại.[5]
Hippolytô
cho thấy để được lãnh nhận phép Rửa, người dự tòng phải trải qua
một thời gian chuẩn bị lâu dài với nhiều thử thách kỹ lưỡng về đời
sống, nhất là đời sống luân lý và bác ái. Họ phải được người khác
chứng nhận là tốt thì mới được tách biệt ra để được trừ quỷ. Về
nghi thức, khi gần đến ngày chịu phép Rửa, họ được Giám mục đặt tay
trừ quỷ mỗi ngày, phải tắm rửa vào ngày thứ năm, ăn chay vào ngày
thứ sáu và ngày thứ bảy mới lãnh nhận phép Rửa. Nghi thức sẽ có
đặt tay để cầu nguyện và trừ quỷ, làm dấu thánh giá và nghe giáo
huấn.[6] Ngoài
ra, nghi thức này còn đề cập đến việc làm phép và xức dầu trừ tà
và dầu tạ ơn cũng như việc ba lần tuyên xưng đức tin và ba lần “rửa”.[7] Như
thế, ta thấy quá trình chuẩn bị cũng như nghi thức của bí tích Rửa
tội thời này chu đáo và kỹ lưỡng hơn ngày nay rất nhiều.
Ngoài
ra trong bản cáo trạng chống bè rối, Tertullianô còn nhắc lại các quy định
về việc ban phát và lãnh nhận phép Rửa. Ban phát trước tiên là quyền của vị
linh mục đứng đầu, nghĩa là Giám mục, sau đó là của Linh mục và Phó tế, nhưng
lúc nào cũng phải có phép của Giám mục. Ngoài ra, giáo dân cũng có quyền đó.
Nếu như Lời Chúa không ai được dấu kín thì phép Rửa cũng vậy, phép Rửa cũng
xuất phát từ Thiên Chúa, ai ai cũng có thể ban phát được.[8]
Tính thành sự của Bí tích
Trong
thời gian này, các nhóm lạc giáo và ly giáo cũng xuất hiện. Một số
người từ bỏ Giáo hội để theo các nhóm này sau đó lại xin tái nhập
vào Giáo hội hay những kẻ từ các giáo phái này xin gia nhập vào Giáo
hội. Vấn đề đặt ra là có Rửa tội lại cho những người này hay không
hay nói cách khác là tính thành sự và hiệu quả của Bí tích. Về
vấn đề này, Cyprianô không ngần ngại kết luận rằng ngoài Giáo hội
không có các Bí tích thành sự, cũng không có ân sủng hay ơn cứu độ.
“Không ai có thể có Thiên Chúa làm
Cha nếu không có Giáo hội làm mẹ”.[9] Khẳng
định dứt khoát này nhắm vào những kẻ xúi giục ly khai trong thời kỳ này, những
kẻ chịu những trách nhiệm về những tuyệt giao cố ý với Mẹ Giáo hội. Vì lẽ “chỉ Giáo hội mới có nước tái sinh, có quyền
rửa tội và thanh tẩy, kẻ nào nói rằng người ta có thể chịu phép rửa và được
thánh hóa nơi Novatien, kẻ ấy trước tiên phải xác định và chứng minh rằng
Novatien đang ở trong Giáo hội hay đang điều khiển Giáo hội.”[10]
Như
vậy theo Cyprianô, phép Rửa chỉ có trong Giáo hội mà thôi, do đó nếu
lãnh nhận phép Rửa nơi Novatien (người đã ly khai với Giáo hội) thì phép
Rửa đó không phát sinh ân sủng và không mang lại ơn cứu độ. Hay nói
cách khác, phép Rửa không thành sự. Lập trường của Cyprianô rất gần
với lập trường của Tertullianô. Trong khảo luận chuyên biệt đầu tiên
về phép Rửa Tertullianô đã bàn về phép Rửa của những người lạc
giáo như sau: “Bởi vì giữa chúng ta và
họ, chúng ta không có cùng một Thiên Chúa, cũng không có cùng một Chúa
Ki-tô: vì thế, chúng ta không có cùng một phép Rửa, bởi vì không phải
là một phép Rửa. Nhưng bởi vì họ không có phép Rửa đó theo như luật
lệ ấn định, nên hẳn nhiên, họ không có phép Rửa, và bởi vì họ không
có phép Rửa, nên họ không thể chú trọng đến phép Rửa: do đó, bởi
vì họ không có phép Rửa, nên họ không thể lãnh nhận phép Rửa”.[11]
Lập
luận của Tertullianô cho rằng những người lạc giáo không có cùng đức
tin với Giáo hội, không có cùng một Thiên Chúa, một Chúa Ki-tô và do đó
không có cùng một phép Rửa theo như luật lệ đã ấn định. Nói cách
khác, nơi họ không có phép Rửa hay phép Rửa không thành sự. Do vậy, lập
trường của Cyprianô và Tertullianô là rửa tội lại cho những người từ
các nhóm ly khai trở lại Giáo hội. Lập trường này khác với lập
trường ở Rôma và Alexandria là chỉ cần đặt tay trên những người trở
lại vì phép Rửa nơi các nhóm này đã được ban theo thể thức và ý
hướng của Giáo hội. Đó là truyền thống của Giáo hội tại Rôma. Hơn nữa,
khi người tín hữu rời bỏ Giáo hội để theo các giáo phái này, họ đã
không nhận một phép Rửa khác nữa cho nên Giáo hội không cần phải Rửa
tội lại.
Thực
vậy Giám mục của Rôma là Stephan đã viết “nếu những người lạc giáo đến với chúng ta, dù họ thuộc giáo
phái nào, thì xin đừng ai sáng chế điều gì khác, nhưng xin chỉ theo
truyền thống, đó là đặt tay trên họ để đón nhận họ vào việc thống
hối, vì lẽ rằng chính những người lạc giáo, thuộc mọi giáo phái
không làm phép Rửa theo nghi thức riêng của họ những ai đến với họ, nhưng
chỉ đón nhận họ cách đơn giản vào sự hiệp thông với họ.”[12]
Quan điểm
này của Stephan bị Cyprianô cho là sai lầm, là ủng hộ lạc giáo chống
lại Giáo hội. Cyprianô nhấn mạnh: “Chỉ
có hiền thê có thể sinh con một cách thiêng liêng cho Thiên Chúa… để có
thể có Thiên Chúa là cha, cần phải trước hết có Giáo hội là Mẹ. Vậy
ngoài Giáo hội, không có lạc giáo, không có ly giáo nào có thể có sự
thánh hóa của phép rửa cứu độ.”[13] Sau
khi đã họp với các giám mục khác, Cyprianô khẳng định: “những kẻ đã được dìm trong nước bên
ngoài Giáo hội và đã bị ô uế bởi thứ nước phàm tục, khi họ đến với
chúng tôi và đến với Giáo hội, là Giáo hội duy nhất, những người đó phải
được rửa tội, vì nếu họ không lãnh nhận cả phép Rửa của Giáo hội mà
chỉ đặt tay trên họ để họ nhận lãnh thánh thần thì quá ít…”[14]
Như vậy ông quan niệm hiệu quả của bí tích phụ thuộc vào sự thánh
thiện của người phàm chứ không phải theo thể thức và ý hướng cử
hành. Hai quan niệm và thực hành khác nhau này đã gây nên một mẫu
thuẫn không nhỏ giữa Giáo hội tại Rôma và tại Bắc Phi.
2.
Bí tích Hòa giải
Suy tư
về bí tích Hòa giải và sự thống hối liên hệ đến phép Rửa và
những hậu quả của cuộc bắt đạo. Vấn đề được quan tâm là điều kiện
để tái hội nhập các tội nhân vào trong sự hiệp thông của Giáo hội cũng
như thái độ của Giáo hội đối với các tội nhân.
Tertullianô
quan niệm ngoài việc thống hối lần thứ nhất là bí tích Rửa tội thì
“việc thống hối lần hai, vốn là việc
thống hối duy nhất, càng quan trọng hơn, thì việc thống hối đó càng
phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nó không chỉ diễn ra trong lương tâm,
nhưng phải được bày tỏ ra bên ngoài.” Biểu lộ bên ngoài này cho
thấy một đời sống khiêm hạ, tự hủy (L’exomologèse). Đó là “ngủ trên bao bị và tro”, là “nuôi dượng lời kinh nguyện bằng chay
tịnh và than van, khóc lóc, đêm ngày van xin Thiên Chúa, quì gối trước
mặt các linh mục, trước mặt các người tuyên xưng đức tin, khẩn nài
mọi anh em giúp lời cầu nguyện”.[15]
Những hình thức này không xóa bỏ hình phạt đời đời nhưng là để thay
thế chúng.
Về
trách nhiệm của các Giám mục, Tertullianô khuyên “đừng ngăn cản họ vào nhà thờ và nghe lời Chúa bởi vì Chúa
chúng ta không hoàn toàn chê bỏ những người thu thuế và tội nhân, nhưng
đã ăn uống với họ” vì người đau ốm mới cần thầy thuốc… “ông (Giám mục) nên thăm viếng và theo
dõi những người bị khiển trách về tội của họ, và có hành vi xấu,
hãy chăm sóc họ, nói chuyện, an ủi họ, giúp họ ăn năn thống hối”.
Với hối nhân, Tertullianô khuyên các Giám mục: “hãy đặt tay trên hối nhân, trong khi mọi người cầu nguyện cho
nó, sau đó ngươi (Giám mục) đón nhận nó vào Giáo hội, nó sẽ nhận được
việc đặt tay thay thế cho phép rửa, bởi vì hoặc do việc đặt tay hoặc
do phép rửa, người ta nhận được sự thông ban Thánh Thần. Cũng như một
lương y, … hãy dùng những lời nói như là thuốc thang giúp họ, những
lời kiển trách nhẹ nhàng, và dược phẩm là lời cầu nguyện”.[16]
Trong
vấn đề người “lapsi”, có những linh mục và những người “tuyên tín” đã tự động
tha thứ cách dễ dãi. Cyprianô chống lại những người này. Ngài viết
về vấn đề này như sau “Anh em
thân mến, có một thứ tai ương mới đã xuất hiện và, như thể bão tố bách hại
hoành hành chưa đủ, nó còn đưa tới chỗ tàn phá hoàn toàn, lấy cớ là do lòng
thương xót, lòng trắc ẩn giả hiệu và một tai hoạ ẩn núp dưới cái vẻ dịu dàng, tốt
đẹp…Một số người không kiên tâm chờ đợi được chữa lành, cũng chẳng tìm kiếm
phương thuốc đích thực mà việc đền tội mang lại.” Với những kẻ được tha
thứ cách dễ dãi này, Cyprianô nói thẳng: “Trước khi đền bồi tội lỗi, trước khi xưng thú tội ác, trước
khi lương tâm và bàn tay được thừa tác vụ của Giám mục thanh tẩy, trước khi làm
nguôi ngoai sự xúc phạm đối với Chúa đang giận dữ, đe dọa, thì họ đã xúc phạm đến
Mình và Máu Ðức Kitô và họ phạm đến Thiên Chúa, với đôi tay và với miệng của họ
còn hơn là khi họ chối bỏ Chúa. Họ tưởng, điều mà một số kẻ ban cách gạt gẫm là
bình an. Ðó chẳng phải là bình an mà là xung đột, vì chưng kẻ nào xa với Phúc
Âm thì không thể hợp nhất với Giáo Hội.”[17]
Trong nghi thức sám hối,
Cyprianô còn nhấn mạnh sự cần thiết phải ăn năn sám hối đền bồi đầy đủ. Người
tín hữu được tha thứ tội lỗi là nhờ công hiệu của nghi thức đặt tay do linh mục
hay giám mục, có sự cộng tác của cộng đoàn trong giai đoạn kiểm tra việc ăn năn
đền tội trước khi cử hành nghi thức hoà giải, và trong lời cầu thay nguyện
giúp.
Như
vậy, giữa hai thái cực nhiệm
nhặt (Tertullianô) và khoan hồng, Giáo hội đi tìm một lý tưởng dung
hòa. Quan điểm chính thức của Giáo hội là kỷ luật bí tích Thống hối
phải được mềm dẻo hơn nhưng tính cứng rắn vẫn còn hiệu lực, sự
thống hối công khai vẫn còn áp dụng nhưng cũng tránh sao cho lòng
thương xót khoan hồng không trở nên quá dễ dãi. Các Giám mục phải
bày tỏ lòng thương xót để kêu gọi hối nhân trở về. Chiều kích Giáo hội
của tội và của ơn tha thứ được sống cách mạnh mẽ. Tội làm mất sự
hiệp thông với thân mình Giáo hội. Ngược lại ơn tha thứ tái hội nhập
tội nhân vào thân mình Giáo hội. Trách nhiệm chính của các Giám mục
là hòa giải các tội nhân. Đặc biệt là chiều kích “bí tích” của sự
hòa giải này qua việc đặt tay.
Ngoài
ra, Origènes còn đưa ra nhiều dịp để được tha thứ tội lỗi mà Phúc Âm đề
cập đến như: khi chịu phép Rửa, chịu các đau khổ thử thách, khi nhờ bố thí,
khi tha tội cho tha nhân, v.v..[18]
3.
Các Bí tích khác
Bí tích truyền chức: Trong cuốn
Truyền thống Tông đồ, Hippolytô nói:
“nếu một người tuyên xưng đức tin bị bắt
vì danh Chúa, thì sau đó người ta không còn đặt tay trên ông để trao ban chức
phó tế hay linh mục, bởi vì ông đã có danh dự của chức linh mục do việc tuyên
xưng đức tin. Nhưng nếu người ta phong chức giám mục cho ông, thì người ta phải
đặt tay cho ông”.[19] Như
vậy theo Hippolytô, những người bị chính quyền bắt nhưng đã tuyên xưng
đức tin thì họ đã có chức linh mục danh dự qua việc tuyên xưng nên
không cần phải đặt tay truyền chức. Nhưng nếu muốn truyền chức giám
mục thì phải đặt tay. Tác phẩm này còn đề cập đến nghi thức tấn
phong giám mục, linh mục và phó tế gồm nghi thức đặt tay và cầu nguyện, trong lời
cầu nguyện có nhắc đến các bổn phận của từng thừa tác vụ. Chức giám mục phải được
phong cho ai được toàn dân lựa chọn. Trước sự ưng thuận của mọi người, các giám
mục sẽ đặt tay trên đầu người thụ phong trong khi linh mục đoàn đứng yên tại
đó. Trong lễ phong chức linh mục, giám mục sẽ đặt tay lên đầu tân chức, và cả
các linh mục khác cũng được tham dự vào. Trong lễ phong chức phó tế thì chỉ một
mình giám mục đặt tay vì phó tế là để phục vụ giám mục.[20]
Những nghi thức này cơ bản vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Còn
trong khi tranh luận về tính thành sự của phép Rửa nơi những người
lạc giáo hay ly giáo, Cyprianô cũng khẳng định Giáo hội chỉ hiện diện
nơi những người được phong chức hợp pháp hay nói cách khác, những
người không được phong chức hợp pháp thì không thuộc về Giáo hội: “nếu Giáo Hội ở nơi Corneille, người kế vị
Giám Mục Fabianus do sự phong chức hợp pháp, … thì Novatien, kẻ khinh thường
truyền thống Phúc Âm, truyền thống Tông Ðồ, đã tự mình mà đến và chẳng kế vị ai
cả, ông ta không ở trong Giáo Hội và cũng không thể được coi như một Giám Mục.
Thực vậy, một kẻ không được phong chức trong Giáo Hội thì không thể điều khiển
Giáo Hội.”[21]
Đặc
biệt, chính Tertullianô là tác giả đầu tiên gọi giám mục là vị thượng tế. Ông
cũng là người đầu tiên dùng khái niệm tấn phong (ordinatio) cho nghi lễ dẫn nhập
vào một thừa tác vụ.[22]
Bí tích thêm sức: Trong thời gian này, Thêm sức chưa được
biết đến như một Bí tích biệt lập. Tuy nhiên các giáo phụ cũng cho
thấy trong phép Rửa có nhiều giai đoạn với những hiệu quả khác nhau.
Tertullianô khẳng định không phải là chúng ta tiếp nhận Thánh Thần trong nước,
nhưng nước rửa sạch để chuẩn bị nhận Thánh Thần. Sau khi được “rửa” bằng
nước, thụ nhân sẽ được xức dầu thánh và việc này mang lại những lợi
ích thiêng liêng. Tiếp theo đó là nghi thức đặt tay với một lời chúc lành khẩn
khoản mời gọi Thánh Thần xuống. Hippolytô còn nói rõ “động tác xức dầu đầu tiên sau phép Rửa do tay một linh mục. Việc tiếp
theo là nghi thức kêu gọi ân sủng Thiên Chúa xuống người chịu phép Rửa với động
tác đặt tay và xức dầu hiểu như “đóng dấu ấn” dành cho giám mục.”[23]
Bí tích Thánh Thể: Đối
với Origène, phép Thánh thể trước hết có ý nghĩa là Ngôi Lời Thiên Chúa đến
trong Bánh và Rượu, và con người được hiệp thông với Ngôi Lời dưới hình thức
Bánh và Rượu. Khi chú giải về Mt
11, 14 Origène viết: “Ta có thể
nói nhiều điều về Ngôi Lời đã nhập thể và đã thành của ăn thực thụ. Ai ăn sẽ
chắc chắn được sống đời đời, nhưng ở đây kẻ xấu không có quyền ăn.”[24] Cyprianô
cũng nhấn mạnh rằng những người “lapsi” nếu chưa sám hối và xưng thú
tội mà lãnh Mình Máu Thánh Chúa thì đã xúc phạm đến Chính Thiên
Chúa.
Bí tích Hôn phối: Trong
Ad uxorem Quyển 2, Tertullianô phác
họa cho chính vợ mình hình ảnh lý tưởng về một hôn nhân sống trong đức tin. Hôn
nhân được ký kết trong Giáo hội và được Thiên Chúa đặc biệt chúc phúc. Con cái
không thể cưới hỏi hợp lệ và hợp pháp mà không có sự ưng thuận của người cha
(Giáo hội). Vợ chồng sống lý tưởng hôn nhân khi cùng nhau phụng tự Thiên Chúa
và hoạt động bác ái. Còn đối với Origènes tương quan vợ chồng là một hồng ân
Thiên Chúa ban tặng. Chính Thiên Chúa đã liên kết đôi bên thành một, khiến
không còn là hai nữa. Vì xuất phát từ Thiên Chúa, quan hệ hôn nhân là một hồng
ân nơi những kẻ được Thiên Chúa liên kết.[25]
Bí tích xức dầu: Trong thời này, bí tích Xức dầu chưa được hình thành rõ ràng như ngày
nay nhưng trong cuốn truyền thống Tông
đồ, Hippolytô còn lưu lại một nghi thức thánh hiến dầu dành cho
bệnh nhân. Còn Origènes chú giải
đoạn thư Giacôbê sau đây như một cách thức sám hối để được tha tội: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời
các kỳ mục của Hội thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân
danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa
nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.” (Gc 5,
14-15).[26]
Kết luận
Trong
thế kỷ này, các Bí tích chưa được phân chia và định hình rõ ràng. Do
bối cảnh của Giáo hội, các suy tư của các Giáo phụ chủ yếu tập trung
vào ba Bí tích Rửa tội, Thống hối và Truyền chức. Các Bí tích còn
lại hoặc là nằm trong liên hệ với ba Bí tích trên hoặc là chỉ được
nói đến cách tổng quát. Phải đợi đến thời Trung cổ bảy Bí tích
mới được nghiên cứu một cách đầy đủ và hệ thống.
[1] Lê Văn Chính, Giáo trình Giáo phụ học (TP.HCM:
ĐCV Giuse, 2009), tr.130.
[2] Sđd, tr.133-134.
[3] Sđd, tr.133.
[4] Sđd, tr.134.
[5] Xc. Sđd, tr.128-129.
[6] Xc. Sđd, tr.128-129.
[7] Xc. Koch, Bearbeitet V.
Günter, Bí tích học qua các tác giả,
Köln, 1991, tr.296-297.
[8] Xc. Sđd, tr.717.
[9] Lê Văn Chính, sđd, tr.131.
[10] J. Liébaert, Giáo Phụ (ĐCV thánh Giuse), tr.168.
[11] Lê Văn Chính, sđd, tr.133.
[12] Sđd, tr.135.
[13] Sđd, tr.136.
[14] Sđd, tr.139.
[15] Sđd, tr.137.
[16] Sđd, tr.138.
[17] J. Liébaert, Giáo Phụ (ĐCV thánh Giuse), tr.166-167.
[18] Xc. Koch, sđd, tr.586.
[19] Lê Văn Chính, sđd,
tr.128.
[20] Xc. Koch, sđd, tr.718-720.
[21] J. Liébaert, Giáo Phụ (ĐCV thánh Giuse), tr.169.
[22] Xc. Koch, sđd, tr.716.
[23] Sđd, tr.357-360.
[24] Sđd, tr.444-445.
[25] Xc. Sđd, tr.811-813.
[26] Sđd, tr.641-644.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét