Chúng ta đang sống trong một xã
hội đề cao tính tiêu thụ và thực dụng. Chính vì vậy người kitô hữu, nhất là
giới trẻ đang ngày càng thờ ơ với đời sống đức tin. Việc cử hành phụng vụ và
các bí tích dường như chẳng còn ý nghĩa gì đối với họ. Trong hoàn cảnh đó,
thiết nghĩ việc giúp các bạn trẻ khám phá lại chiều kích thiêng liêng cũng như
tầm quan trọng của các cử hành bí tích và á bí tích là hết sức cần thiết. Nhưng
trước hết cần tìm hiểu và phân biệt lại giữa bí tích và á bí tích.
1
Bí
tích và á bí tích
1.1
Định
nghĩa
Theo sách Giáo Lý Hội Thánh
Công giáo: “Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô
thiết lập và uỷ thác cho Hội thánh. Qua bí tích, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự
sống thần linh. Các nghi thức hữu hình dùng để cử hành bí tích, biểu thị và
thực hiện ân sủng riêng của từng bí tích. Các bí tích sinh hiệu qủa nơi những
người lãnh nhận hội đủ điều kiện” (số 1131). Như thế có thể hiểu cách đơn giản
rằng: Bí tích là dấu chỉ bề ngoài, chuyển thông ơn cứu độ bên trong.
Còn Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh thì đưa ra định nghĩa
về á bí tích như sau: “Giáo Hội Mẹ Thánh còn thiết lập những á bí tích. Đó là
những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những bí tích, nhờ đó biểu
trưng những hiệu quả - nhất là những hiệu quả thiêng liêng - và thông ban hiệu
quả đó nhờ sự bầu cử của Hội Thánh. Nhờ các á bí tích, con người được chuẩn bị
lãnh nhận hiệu quả chính yếu của các bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác
biệt trong cuộc sống” (SC 60).
1.2
Phân
biệt
Như thế, các bí tích là do chính Chúa Kitô thiết lập
và chỉ có đúng 7 bí tích mà thôi. Qua các bí tích ta nhận được sự sống thần
linh, tức là chính ơn Chúa Thánh Thần. Trong khi đó, các á bí tích là do Hội
thánh thiết lập và có nhiều loại khác nhau. Các á bí tích không ban ơn Chúa
Thánh Thần nhưng chuẩn bị tâm hồn để tín hữu đón nhận và cộng tác với ân sủng
đồng thời thánh hoá các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.
2
Tầm
quan trọng việc cử hành bí tích và á bí tích
2.1
Là
nhu cầu không thể thiếu
Bí tích là dấu chỉ hữu hình để diễn tả và chuyển
thông ân sủng vô hình cho con người, vì chính Đức Giêsu hành động trong bí tích
nhờ Thánh Thần của Ngài (Xc. SC 7). Chính vì thế công đồng Trento
khẳng định: để được ơn cứu độ người Kitô hữu
cần đến các bí tích của Giao Ước mới. Bởi qua các bí tích, Ân sủng bí tích là
ơn Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi người lãnh nhận, làm cho họ nên con
cái Thiên Chúa, giúp họ được kết hợp với Đấng Cứu Độ, và được tham dự vào sự
sống của chính Thiên Chúa (Xc. GLHTCG 1129).
Thực vậy, Đức Giêsu đến mạc khải
cho ta biết Thiên Chúa là Cha. Qua cái chết và cuộc Phục sinh, Ngài đã thông
ban cho ta sự sống thần linh và mở ra cho con người cánh cửa bước vào sự sống
vĩnh cửu. Hơn nữa, trong cuộc đời dương thế Đức
Giêsu đã từng chữa lành bệnh tật, xoa dịu khổ đau, thứ tha tội lỗi cho con
người thì nay Ngài vẫn tiếp tục ở với chúng ta qua các bí tích. Chính vì
vậy bí tích là những tác động của Chúa Kitô hiện tại hóa công việc cứu chuộc
của Ngài để áp dụng hiệu quả của nó cho các linh hồn. Bởi lòng thương yêu lạ
lùng, Đức Kitô đã chịu treo trên thập giá và từ cạnh sườn bị đâm thâu, Người đã
đổ máu và nước ra, từ đó phát sinh các Bí tích của Hội thánh. Như thế, chính
bởi lòng yêu thương vô ngần của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu Kitô đã thiết lập các bí
tích để hết thảy những ai tin nhận thì đều được hưởng ơn cứu độ từ nguồn Bí
tích đó. Ngày nay, mỗi khi cử hành các bí tích, chúng ta không chỉ tưởng niệm
lại một biến cố đã diễn ra trong quá khứ nhưng là hiện tại hoá hành động yêu
thương đó của Thiên Chúa.
Thánh lễ và việc cử hành các bí tích là đỉnh cao của
đời sống người kitô hữu. Các bí tích được ví như là máng thông ơn qua đó chúng
ta lãnh nhận ơn Chúa thánh Thần như nguồn sức sống thần linh cho linh hồn.
Chính vì thế việc tham dự và lãnh nhận các bí tích là nhu cầu không thể thiếu
trong đời sống người kitô hữu. Các bí tích được sắp xếp để người tín hữu có thể
lãnh nhận trong suốt cuộc đời, nhất là trong những biến cố quan trọng của cuộc
sống. Có thể nói các bí tích và á bí tích như là nguồn lương thực nuôi dưỡng và
là các phương thế để thánh hoá cuộc đời người tín hữu.
2.2
Là
lương thực nuôi dưỡng
Bảy bí tích trải dọc cuộc đời con
người và thánh hoá những thời điểm quan trọng nhất: sinh ra, lớn lên, trưởng
thành, lìa đời, v.v.. Với các bí tích khai tâm người Kitô hữu được kiện toàn
trong đức tin, gia tăng trong đức cậy và lớn mạnh trong đức mến. Các bí tích
còn chữa lành những thương tích thiêng liêng trong linh hồn, hơn nữa còn góp
phần thăng tiến cộng đoàn. Như thế có một sự tương tự nào đó giữa những chặng
đường trong đời sống tự nhiên và trong đời sống siêu nhiên. (x. Th. Toma Aq.,
S.Th. 3,65,1).
Giai đoạn đầu đời
Giai đoạn đầu đời con người được
sinh ra, được chăm sóc nhờ bàn tay yêu thương của mọi người đề từ đó dần dần
tạo nên căn tính xác định cho mình. Dấu ấn đầu tiên chính là bí tích Rửa Tội. Qua
bí tích Rửa Tội, chúng ta trở thành một thành viên trong gia đình Giáo hội. Như
thế ta được mời gọi liên kết với các thành viên khác bằng mối dây của bác ái và
ân sủng. Mỗi thành viên được ví như một chi thể trong một thân thể. Và như thế,
mọi chi thể đều được nuôi dưỡng bằng một nguồn sự sống đang lưu chuyển trong
thân thể ấy. Bí tích Thánh Thể cho ta thấy mối day liên kết này cách rõ nét
nhất.
Sự sống tự nhiên cần bánh ăn nuôi
dưỡng thế nào thì đời sống siêu nhiên cũng cần lương thực nuôi sống như vậy.
Chính vì thế qua bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ nhận được tấm bánh của sự sống
vĩnh cửu để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Cũng trong bí tích Thánh Thể, các
chi thể của Hội thánh cùng chia sẻ và cùng được nuôi dưỡng bởi một tấm bánh duy
nhất là thân mình Đức Giêsu kitô. Bí tích thánh Thể chính là lương thực nuôi
sống linh hồn trên hành trình dương thế này trong khi chờ đợi ngày chúng ta
được kết hiệp trọn vẹn với Đức Kitô trên Thiên Quốc.
Khi mới được tái sinh, người tín
hữu còn cần sự bao bộc, nâng đỡ của cộng đoàn nhưng họ không thể cậy dựa vào
cộng đoàn mãi. Đến một lúc nào đó tự bản thân họ cần phải đứng lên, ra đi trên
chính đôi chân của mình. Hơn nữa họ còn phải thi hành sứ vụ chứng tá của mình.
Để giúp đạt được điều đó chúng ta có bí tích Thêm Sức. Nhờ bí tích này, người
tín hữu lãnh nhận Chúa Thánh Thần cách đặc biệt để nên hoàn trọn hơn trong đời
sống cũng như làm chứng cho sự sống mới đã lãnh nhận qua bí tích Rửa Tội. Đó là
ba bí tích quan trọng hơn cả trong việc kiến tạo nên căn tính của người kitô
hữu. Ngoài hai bí tích này, chúng ta Chuùaần khoângể đến hai bí tích được xem
như là phương dược chữa lành linh hồn người tín hữu. đó là bí tích Hoà Giải và
Xức Dầu Bệnh Nhân.
Hai phương thuốc chữa lành
Ngoài việc xác lập một căn tính
rõ ràng, đời sống chúng ta đôi khi gặp những thử thách khó khăn, khô khan nguội
lạnh hay thậm chí là những “vết thương” nơi linh hồn. Vậy để được sống cách
sung mãn chúng ta cần chữa lành những “vết thương” đó. Vì thế bí tích Hoà Giải sẽ
giúp ta giao hoà với Thiên Chúa và nối lại tương quan với tha nhân. Bí tích Xức
Dầu Bệnh Nhân sẽ giúp người bệnh vững tin vào tình thương của Thiên Chúa nhờ đó
vượt qua những yếu đuối của phận người. Chính vì thế đây cũng là hai bí tích
quan trọng để nâng đỡ người tín hữu trong cuộc lữ hành đức tin của mình.
Thăng tiến xã hội
Bên cạnh những gì liên quan đến
đời sống cá nhân, con người còn sống trong xã hội và do đó cần có tương quan,
có tổ chức và xã hội cần phát triển không ngừng. Một cách nào đó hai bí tích
cuối cần thiết để thực hiện các chức năng này. Bí tích Truyền Chức Thánh sẽ
giúp Giáo hội có những người kế vị tông đồ Phêrô cũng như những cộng sự viên
của các ngài để thi hành ba chức năng giảng dạy, thánh hoá và quản trị. Bí tích
Hôn Phối là nơi nuôi dưỡng tình yêu và làm phát sinh sự sống. Chính qua bí tích
này Đức Kitô thánh hoá tình yêu phu phụ và nhờ đó Hội thánh ngày càng được phát
triển lan rộng.
Bên cạnh các bí tích, các á bí
tích cũng rất cần thiết cho đời sống chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi nên thánh mỗi ngày. Các á bí tích sẽ giúp ta
trong việc đón nhận ơn thánh cũng như giúp thánh hoá hầu hết các biến cố trong
cuộc đời. Đồng thời các á bí tích còn thánh hoá các đồ vật ta sử dụng với mục
đích thánh hoá con người và ca tụng Thiên Chúa.
2.3
Là
phương tiện thánh hoá
Hiến chế Phụng vụ nói rõ: phụng
vụ các bí tích và á bí tích giúp các tín hữu chuẩn bị chu đáo để hầu hết mọi
biến cố trong đời sống sẽ được thánh hóa nhờ thánh ân xuất phát từ mầu nhiệm
phục sinh của Chúa Kitô chịu thương khó, chịu chết và sống lại, vì Người là
nguồn mạch ban năng lực cho tất cả các bí tích và á bí tích. Hầu như không có
việc sử dụng của cải vật chất một cách chính đáng nào lại không đưa tới mục
đích thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa (Xc. SC 61). Như thế bí tích và
á bí tích chính là những phương thế để giúp thánh hoá bản thân và nhờ đó người kitô
hữu thánh hoá thế giới nhờ sự hiện diện của mình.
Qua việc thánh hoá bản thân và
thế giới, các bí tích còn giúp xây dựng thân thể Chúa Kitô qua việc cử hành như
là hành vi thờ phượng đích thực.
2.4
Là
hành vi thờ phượng đích thực
Việc cử hành các bí tích và á bí
tích còn là hành vi thờ phượng đích thực của người tín hữu. Qua đó ta công nhận
và cao rao những hồng ân của Thiên Chúa, tuyên dương sự cao cả và tình thương
vô biên của Ngài. Cử hành bí tích là tạ ơn về tất cả những gì Ngài đã và còn
đang làm để cứu độ chúng ta. Tắt một lời, khi cử hành bí tích là ta thờ phượng Thiên
Chúa như Ngài đáng được thờ phượng.
Vì coi bí tích là những hành động
phụng tự qua đó ta tôn thờ Chúa một cách trọn hảo và xứng đáng, chúng ta sẽ
không còn coi việc cử hành bí tích như là một việc chỉ liên hệ tới những người
nhận lãnh, nhưng sẽ ý thức được đó là việc phụng thờ của toàn thể Giáo Hội.
Việc tham dự không chỉ với mục đích duy nhất là cầu nguyện cho những người nhận
lãnh bí tích, nhưng để tôn thờ và ca vinh Thiên Chúa cũng như để thánh hóa
chính bản thân mình. Vì như Công đồng đã nói, bí tích không những giả thiết đức
tin mà còn nuôi dưỡng đức tin nữa; không những chỉ ban ơn, nhưng còn giữ vai
trò giáo huấn nữa (Xc. SC 59).
Ngoài những tầm quan trọng đã nêu
ở trên, việc cử hành các bí tích còn hướng chúng ta đến sự sống vĩnh cửu trên
Thiên Quốc. Quả thật, ơn cứu độ của chúng ta chỉ được hoàn tất trong ngày cánh
chung, khi chúng ta đã được kết hợp với Thiên Chúa cách trọn vẹn. Vì thế khi
tham dự việc cử hành các bí tích nói riêng và cử hành Phụng vụ nói chung,
“chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh
Chúa: trong khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ
với các Ngài; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta,
cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ
xuất hiện với Người trong vinh quang” (SC 8). Giáo lý Hội thánh Công giáo số
1130 cũng dạy rằng: Trong các bí tích của Chúa Kitô, Hội Thánh nhận được bảo
chứng gia nghiệp của Người, đã dự phần vào đời sống vĩnh cửu, đang khi “chờ đợi
ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu là Thiên Chúa vĩ
đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13). Như thế
chính qua việc cử hành các bí tích ta đã thông hiệp vào sự sống vĩnh cửu trên
Thiên quốc. Các bí tích là lương thực, là của ăn đàng để trợ lực cho ta trên
con đường hướng về sự sống vĩnh cửu.
Kết luận
Tóm lại, các bí tích biểu lộ tình
yêu của Thiên Chúa. Do đó, việc tham gia các cử hành bí tích giữ một vai trò
quan trọng trong đời sống người tín hữu. Các bí tích ban ơn thánh hoá để giữ
gìn và nuôi dưỡng, giúp chúng ta đi trọn hành trình dương thế để tiến về vương
quốc vĩnh cửu, nơi ta sẽ được kết hợp trọn vẹn với Đấng hằng yêu mến chúng ta.
Các bí tích còn là nơi ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, qua đó ta biểu lộ
các tâm tình chúc tụng, tạ ơn và thờ phượng. Đây vừa là bổn phận vừa là niềm
vinh dự cho chúng ta. Như thế các bí tích và á bí tích không chỉ thực sự cần
thiết cho đời sống mỗi người mà qua đó ta còn góp phần xây dựng thân thể Giáo hội
mà Chúa Kitô chính là đầu của Thân thể Mầu nhiệm đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét