Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Giáo hội dưới cái nhìn của các Giáo phụ Tông đồ


Từ thời các Tông đồ, Tin mừng đã được loan báo cách rộng rãi và nhiều cộng đoàn Giáo hội đã được thiết lập ở các thành phố vùng Tiểu Á và Châu Âu. Đến thời các Giáo phụ Tông đồ, tức là những người đã trực tiếp nghe các Tông đồ hay các môn đệ của các Tông đồ, Giáo hội đã lan rộng khắp nơi. Do đó vấn đề đặt ra với các ngài là bảo vệ tính truyền thống của Giáo hội. Chính vì thế Giáo hội trở thành mối quan tâm của các ngài qua các thư từ cũng như những tác phẩm khác mà chúng ta có được.
Các Giáo phụ Tồng đồ đề cập nhiều đến Giáo hội là Clêmentê thành Rôma, Ignatiô thành Antiôkia và Hermas. Ở đây ta có thể nói đến ba mối quan tâm của các ngài là đặc tính, tổ chức và đời sống của Giáo hội.
1.        Đặc tính của Giáo hội
Đặc tính công giáo: Ignatiô là người đầu tiên gọi tập thể các Kitô hữu là “Giáo hội công giáo”. Trong thư gửi cho giáo đoàn ở Smyrna, Ignatiô đã đề cập tới cộng đoàn tín hữu qua cách diễn tả như sau: nơi nào có giám mục, nơi đó có cộng đoàn, nơi nào có Chúa Kitô, nơi đó có Giáo hội công giáo” (Smyr, 8,2).[1] Như thế, bất cứ tập thể nào được Chúa Kitô quy tụ lại với nhau dưới sự chủ tọa của vị giám mục đều được gọi là Giáo hội công giáo, bất kể tập thể các tín hữu đó hiện diện ở nơi nào. Vậy, Ignatiô đã sử dụng tính từ “công giáo”, để diễn tả tính phổ quát của Giáo hội không chỉ theo nghĩa địa lý hay số lượng nhưng còn có nghĩa là sứ điệp Tin mừng. Bất cứ nơi nào tin vào Tin mừng, tin vào sứ điệp của Đức Kitô dưới sự hướng dẫn của vị giám mục thì nơi đó là một với giáo hội phổ quát.
Đặc tính duy nhất: khi cộng đoàn Côrintô có những xáo trộn bất đồng, từ Rôma, Clêmentê đã gửi một bức thư cho cộng đoàn này. Qua bức thư đó ta thấy Clêmentê quan tâm đến tính duy nhất của Giáo hội cũng như trách nhiệm liên đới qua danh từ “chúng ta”. Trong thư ngài viết “vì chúng ta cùng đứng trên một bờ tường của cùng một vận động trường và chính cuộc chiến đấu này đang chờ đợi chúng ta”. Qua cách dùng từ “chúng ta” rất nhiều lần, ngài khẳng định chuyện của Giáo hội ở Côrintô cũng chính là chuyện của Giáo hội ở Rôma và giải quyết nó là vấn đề chung của “chúng ta”.[2]
Đặc tính vừa thiêng liêng vừa hữu hình: Theo Thánh Clêmentê, Giáo hội đã hiện hữu trước khi vạn vật được tạo thành và đó là Giáo hội thiêng liêng, vô hình và son sẻ. Còn trong hiện tại, Giáo hội đã mặc lấy xác phàm, trở nên thân thể Chúa Kitô, hôn thê của Chúa Kitô. Chính vì thế, Vai trò của Giáo hội không chỉ có chức năng thực tiễn nhưng còn biểu thị trật tự thần linh, bởi tự yếu tính, Giáo hội là thiêng liêng, hiện hữu trước khi xuất hiện cách hữu hình. Do đó, theo Ignatiô, Giáo hội trong những khía cạnh hữu hình của mình được cảm nghiệm như là sự biểu lộ một yếu tố vô hình và thiên quốc. [3] Tư tưởng này được thể hiện trong lá thư được gọi là thư thứ hai của Clêmentê như sau: “Thưa anh em, khi thực thi thánh ý Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng ta thuộc về Giáo hội thứ nhất thiêng liêng đã được tạo dựng trước mặt trời mặt trăng...các sách Tiên Tri cũng như Tông đồ dạy rằng Giáo hội không chỉ hiện hữu từ lúc này; nhưng từ buổi ban đầu, Giáo hội đã là thiêng liêng như Chúa Giêsu của chúng ta. Và Giáo hội, vốn thiêng liêng, đã trở nên hiện hữu trong thân xác Chúa Kitô. Vì thế … ai trong chúng ta gìn giữ Giáo hội trong thân xác mình mà không làm hư hoại Giáo hội thì người ấy sẽ đón nhận Giáo hội trong Thánh Thần”.[4]
Như vậy, các Giáo phụ cho thấy hình ảnh của Giáo hội được phản chiếu nơi thân xác người tín hữu. Chính đời sống của chúng ta sẽ phản ánh hình ảnh sinh động của Giáo hội. Trong tác phẩm Người mục tử Hermas, Giáo hội được ví như một Tôn mẫu khả kính. Hình ảnh già nua của Giáo hội trong thị kiến ám chỉ sự tiền hữu đời đời của Giáo hội trong ý định của Thiên Chúa: “Và một tôn mẫu trong y phục lộng lẫy tiến đến, tay bà cầm sách, bà ngồi một mình và chờ tôi: “Chào Hermas”. Và tôi buồn khổ, khóc lóc, tôi đáp lại: “Xin chào bà” (…)
Tôi hỏi người trẻ tuổi: “ai đó?” ông đáp: “Giáo hội”. Tôi hỏi lại: “nhưng sao Giáo hội già thế?” ông trả lời: “vì Giáo hội đã được dựng nên trước tất cả. Đó là lý do tại sao Giáo hội lại già”.[5]
Giải thích hình ảnh già nua của Giáo hội, người trẻ tuổi (một thiên thần) cho rằng đó là “vì sự bạc nhược mềm yếu và nghi ngờ của ngươi”. Như thế, hình ảnh cùa Giáo hội liên hệ với đời sống của người tín hữu. Khi phạm tội, con người làm cho hình ảnh của Giáo hội nơi mình già và xấu đi.  Khi vứt bỏ sự bạc nhược đó thì Giáo hội sẽ trẻ trung hơn và cuối cùng Giáo hội sẽ tươi trẻ, xinh đẹp và quyến rũ nếu chúng ta biết thống hối và trở lại.
2.        Tổ chức của Giáo hội:
Phẩm trật: Đặc tính phổ quát và duy nhất của Giáo hội được cụ thể hóa qua hình ảnh Giáo hội phẩm trật, với sự chủ tọa của giám mục, sự cộng tác của hàng linh mục và việc phục vụ của các phó tế. Phẩm trật ba bậc này được Ignatiô biện minh bằng những lý do thần bí. Những giám mục chủ tọa và điều khiển cộng đoàn như đại diện của Thiên Chúa, các linh mục được so sánh với các tông đồ  và phó tế là những tôi tớ của Thiên Chúa. Quả thật, Ignatiô đã viết: “Tôi khích lệ anh em, hãy hết lòng làm mọi sự trong sự thuận hòa thần linh, dưới sử chủ tọa của giám mục, đấng thay mặt Thiên Chúa, của các linh mục giữ vị trí hội đồng các Tông đồ, của các phó tế rất thân ái của tôi là những người được ủy thác phục vụ Chúa Giêsu Kitô”.[6]
Còn trong thư gửi cho Giáo hội ở Côrintô, Clêmentê nhắc nhở việc tôn trọng trật tự trong cộng đoàn. Việc cấu trúc hóa cộng đoàn bao gồm: các giám sự, niên trưởng và những phó tế. Lúc bấy giờ chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các giám sự (giám mục) với các niên trưởng (linh mục). Clêmentê nhấn mạnh những thừa tác viên này được thiết lập bởi các Tông đồ, các Tông đồ thì đến từ Đức Kitô và Đức Kitô đến từ Thiên Chúa. Những vị này được đặt lên bởi sự ưng thuận của toàn thể cộng đoàn tại nơi đó cũng như của những cộng đoàn xung quanh. Như vậy, theo Clêmente trẩm trật này có tính truyền thống từ các Tông đồ, có nguồn gốc sâu xa từ Thiên Chúa và được liên tục kế nhiệm cho đến ngày nay.[7]
Quyền ưu tiên của Rôma: Qua bức thư này, ta thấy Clêmentê đại diện cho Giáo hội ở Rôma để ngỏ lời với Giáo hội ở Côrintô, điều đó vừa nói lên tính hiệp thông, duy nhất vừa chứng tỏ một thứ uy quyền của Giáo hội Rôma. Trong thư ngài viết: “nếu có một số người bất phục những gì chúng ta nói với họ về họ, thì họ hãy biết rằng họ đang dấn mình vào lầm lạc và những hiểm nguy không nhỏ”.[8] 
Qua thư của Ignatiô gửi giáo đoàn Rôma, ta thấy ngài nhìn nhận tính ưu quyền cũng như một sự trỗi vượt nào đó của Giáo hội Rôma. Giáo hội được Ignace đánh giá cao về đức ái “agapè” và đức tin tinh tuyền: “Giáo hội chủ trì trong miền đất của người Rôma, xứng đáng với Thiên Chúa, xứng đáng mọi vinh dự, xứng đáng được gọi là chân phước, xứng đáng được mọi thành công, xứng đáng mọi tinh tuyền, chủ tọa trong đức ái…”[9]. Qua cách nói “chủ tọa trong đức ái”, Ignatiô chứng nhận Giáo hội Rôma là Giáo hội đã “giáo huấn những Giáo hội khác” và đã quy định cho các Giáo hội khác những bài học, là Giáo hội mà đức tin được tinh luyện khỏi mọi màu sắc ngoại lai, là Giáo hội có quyền hướng dẫn và điều khiển trên các giáo đoàn khác bởi nguồn gốc Tông đồ phát xuất từ cuộc tử đạo của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.[10]
3.        Đời sống của Giáo hội
Hiệp nhất và hiệp thông là mối bận tâm lớn của các Giáo phụ Tông đồ. Lý do là vì Giáo hội đang trong giai đoạn phát triển lan rộng, cơ cấu Giáo hội thì chưa hoàn thiện, hơn nữa Giáo hội lại đối diện với nhiều khó khăn bên trong lẫn bên ngoài. Trong bối cảnh đó, Ignatiô không ngừng rao giảng sự hiệp nhất: “anh chị em hãy yêu mến sự đoàn kết, xa lánh chia rẽ, hãy là những người bắt chước Đức Giêsu Kitô cũng như chính Ngài đã bắt chước Cha Ngài”.[11] Điều gìn giữ sự hiệp nhất là agapè, được diễn tả qua việc quan tâm giúp góa phụ, cô nhi cũng như qua việc thăm viếng và tương trợ giữa các Giáo hội với nhau. Sự hiệp nhất được ngài nhấn mạnh bằng từ “một”, “độc nhất”, “kết hợp”. Theo thánh Ignatio, Giáo Hội là sự kết hợp, hiệp nhất, đồng tâm, và nên một trong Đức Ái. Đó là điều Thiên Chúa và Đức Kitô muốn.[12]
Sự hiệp nhất giữa các tín hữu nhờ vào chính sự kết hiệp trong Chúa Kitô. Thánh Ignatiô không ngừng nhắc nhở các Kitô hữu hãy nên một với Chúa Kitô cách cụ thể qua việc hiệp nhất với giám mục của mình trong đức tin, trong vâng phục, và nhất là trong phụng vụ. “Chớ gì giữa anh em, không có một điều gì có thể phân rẽ anh em. … anh em đừng làm bất cứ điều gì mà lại không có giám mục và các trưởng lão: điều gì anh em làm theo theo riêng mình thì đừng cố coi là hợp lý, mà phải là những gì anh em làm chung với nhau: một kinh nghiệm duy nhất, một lời khẩn cầu duy nhất, một thần khí duy nhất, một niềm hy vọng duy nhất trong đức ái”.[13]
Cộng đoàn hiệp nhất với nhau dựa trên đức ái cũng chính là giáo huấn của Clêmentê. Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, Clêmente bày tỏ mối bận tâm về đặc tính duy nhất và hiệp thông của cộng đoàn như sau: “Nếu ngôn ngữ có khác nhau trên thế giới, thì nội dung của truyền thống vẫn là một, đồng nhất. Cả những Giáo hội thiết lập ở Germanie cũng không có một đức tin khác hay truyền thống khác, cả các Giáo hội của người Ibère, người Celtes, cả những Giáo hội ở Đông Phương, ở Ai Cập, ở Libye… là một và đồng nhất trên toàn thế giới”.[14] Như thế sự hiệp nhất không chỉ là trong nội bộ cộng đoàn với nhau nhưng còn là giữa các cộng đoàn trên thế giới.
Vâng phục: Giám mục chính là trung tâm của Giáo hội địa phương, do đó sự hiệp thông trong Giáo hội còn được thể hiện qua việc tôn trọng quyền quản trị trong Giáo hội, cụ thể là quyền kế vị Tông đồ. Thánh Clêmente nhấn mạnh cộng đoàn giáo dân không có quyền truất phế các linh mục vì quyền quản trị trong Giáo hội phát xuất từ các tông đồ và các tông đồ đã nhận từ chính Chúa Kitô. Do đó, “những người nào đã được trao trách vụ từ các tông đồ và đã phục vụ một cách không thể chê trách đoàn chiên của Chúa cách khiêm nhường, bình an và khôn ngoan, chúng tôi thấy rằng không đúng khi truất phế tác vụ của các ngài”.[15]
Đời sống cộng đoàn: Thư của Barnabê đề cập nhiều đến đời sống luân lý, đó là giáo lý về hai con đường giữa sự sống và sự chết. Qua thư tác giả nhấn mạnh đến việc phải thánh hóa ngày hưu lễ. Tác phẩm người mục tử Hermas trình bày những giới răn phù hợp với đời sống mới của hối nhân, trong đó đề cao việc chay tịnh, đổi mới đời sống luân lý, thi hành luật Chúa và thực thi bác ái. Trong tác phẩm này, người ta gặp thấy đủ hạng người nơi Giáo hội: những kitô hữu đủ loại tốt xấu, những thừa tác viên tốt cũng như những vị còn nhiều khiếm khuyết, những vị tử đạo cũng như những người bội giáo. Tác giả mô tả những mặt phải trái của cộng đoàn để kêu gọi mọi ngưới thống hối cũng như khơi lên lòng lạc quan tin tưởng vào Thiên Chúa và Hội thánh.
Tóm lại, trong khi lan rộng khắp nơi trên thế giới thì nhu cầu hiệp nhất về cơ cấu tổ chức cũng như hoàn thiện giáo lý của Giáo hội là cần thiết. Do vậy, ta dễ hiểu khi thấy mối bận tâm lớn nhất của Giáo hội lúc này là về chính Giáo hội. Qua các tác phẩm của mình, các Giáo phụ Tồng đồ đã cho thấy có một sự thống nhất về những đặc tính của Giáo hội cũng như về cơ cấu tổ chức và dần hoàn thiện về đời sống. Đó là một Giáo hội mang tính duy nhất, truyền thống nhưng đồng thời cũng là Giáo hội phổ quát, Giáo hội vừa hữu hình vừa thiêng liêng. Giáo hội hiệp nhất trong cơ cấu phẩm trật, trong sự vâng phục cũng như đức ái. Tất cả những điều đó sẽ là nền tảng để Giáo hội tồn tại cho đến ngày nay.





[1] Xc. Lê Văn Chính, giáo trình Giáo Phụ học (TP.HCM: ĐCV thánh Giuse, 2009), tr. 33.
[2] Xc. P.Tihon, Lịch sử Tín điều, phần II Giáo hội (Tủ sách Thần học, 2009), tr. 29.
[3] Xc. sđd, tr. 22-23.
[4] Lê Văn Chính, tr. 30-31.)
[5] Sđd, tr. 43.
[6] Sđd, tr. 33.
[7] Xc. P.Tihon, Sđd, tr. 28.
[8] Sđd, tr. 29.
[9] Lê Văn Chính, sđd, tr. 34.
[10] Xc. P.Tihon, Sđd, tr. 32.
[11] Sđd, tr. 31.
[12] J. Liébaert, Giáo Phụ (ĐCV thánh Giuse), tr. 25-26.
[13] Sđd, tr. 29-30.
[14] Sđd, tr. 19.
[15] Lê Văn Chính, sđd, tr. 28.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét