Liên quan tới các hình thức sám hối đền tội, các Hội Đồng Giám Mục đó đây trên thế giới đã gợi ý nhiều hình thức mới, phù hợp hơn với thời đại và tâm thức cũng như sự nhậy cảm của con người thời nay.
Chẳng hạn như quyên góp tiền bạc để trợ giúp các
dân tộc nghèo, hay các nạn nhân thiên tai; mời gọi tín hữu kiêng thịt, rượu
bia, các cuộc giải trí và các chi tiêu thừa thãi.
Hội Đồng Giám Mục Italia thì đề nghị hãm mình đền
tội bằng cách không ăn các thực phẩm ưa thích, có một cử chỉ bác ái tinh thần,
cầu nguyện tha thứ cho người gây khó khăn, phiền hà hay đau khổ cho mình.
Thế rồi còn có những việc khác nữa như đọc Thánh
Kinh, thực tập làm việc đạo đức, nhất là có các cử chỉ yêu thương, nhịn nhục,
tha thứ cho nhau giữa những người thân trong gia đình, trong cộng đoàn, giữa
hàng xóm láng giềng với nhau, hoặc với cả những người không quen biết. Đáp trả
lại những lời nói thóa mạ, khiêu khích, tục tằn bất lịch sự bằng những lời nói
dịu dàng, lịch thiệp, với nụ cười tha thứ.
Thế rồi còn có dấn thân lớn hơn trong việc chấp nhận
các khó khăn của cuộc sống, mà không tham vãn kêu ca, khước từ những thú vui
vv... Có hàng trăm cách thức hãm mình đền tội, mà mỗi tín hữu có thể tìm ra cho
chính mình, phù hợp với hoàn cảnh sống thường ngày trong môi trường làm việc và
sinh hoạt của mình. Mỗi ngày có biết bao nhiêu dịp để chúng ta thực thi bác ái,
yêu thương và tha thứ, nhịn nhục và trợ giúp lẫn nhau! Tất cả đều có thể được
dùng để diễn tả sự sám hối đền tội.
Việc cử hành sám hối chung trong các ngày xác định
của Giáo Hội có ý nghĩa rất sâu xa. Chẳng hạn như thứ sáu là ngày tưởng niệm
cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.
Ngoài ra, Giáo Hội cử hành việc hoán cải mọi ngày
trong các chiều kích sám hối của việc cử hành Thánh Thể. Đầu mỗi thánh lễ,
các linh mục đều nhắc lại lời Giáo Hội mời gọi ăn năn thống hối tội lỗi: “Anh chị em thân mến, để xứng đáng cử hành
mầu nhiệm thánh này chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta và xin Chúa tha thứ”.
Tiếp đến mọi người đọc kinh cáo mình: “Tôi
thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em tôi đã phạm tội nhiều
trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại
tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các
Thiên Thần, các Thánh và cùng anh chị em khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa,
Chúa chúng ta”. Sau đó vị chủ tế đọc: “Xin
Thiên Chúa toàn năng thương xót tha tội và dẫn đưa chúng ta về cõi trướng sinh”.
Tiếp đến là Kinh Thương Xót.
Tóm lại, toàn cuộc sống Giáo Hội là một lời cầu
nguyện liên lỉ nhằm thanh tẩy các vết nhơ của các chi thể con cái mình, và làm
cho việc sám hối đền tội của Giáo Hôi trở thành một ơn thánh, luôn luôn nhưng
không.
Tóm lược từ “Thần Học Kinh Thánh bài số 1172”
của Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/117879.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét