Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Ơn cứu độ và bí tích Rửa tội


Giáo hội luôn xác tín sự cần thiết của bí tích Rửa Tội để được ơn cứu độ. Tuy thế Giáo hội, nhất là từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng luôn khẳng định rằng ngoài Giáo hội vẫn có ơn cứu độ. Liệu hai điều trên có mâu thuẫn với nhau hay không? Giáo hội phải trình bày quan niệm về ơn cứu độ như thế nào trong bối cảnh đối thoại liên tôn như hiện nay?
1.             Ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa
Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người để thông chia sự sống và tình yêu. Nhờ đó con người được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa và vui sống trong sự công chính nguyên thủy. Thế nhưng, dù sao con người vẫn là loài thụ tạo và mang nơi mình những ham muốn bất chính. Chính vì thế mà tội đã len lõi vào thế gian qua nguyên tổ loài người.
Tuy vậy, Thiên Chúa nhân lành không ngoảnh mặt làm ngơ. Ngài mở ra một con đường để cứu độ loài người. Thiên Chúa, “vì muốn mở ra con đường cứu độ cao vời, ngay từ khởi thủy, Ngài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ biết. Sau khi tổ tông sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng họ dậy hướng tới niềm hy vọng cứu độ (x. St 3,15)” (DV, số 3). Như vậy ơn cứu độ đã được Thiên Chúa lên kế hoạch và thực hiện qua suốt dòng lịch sử Israel để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế sẽ đến trong thời Tân ước.
Sau khi phán dạy nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Bởi thế, Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể đã đến nói cho con người lời của Thiên Chúa và hoàn thành công trình cứu độ Chúa Cha đã giao phó cho Người thực hiện. “Người đã bổ túc và hoàn tất mạc khải và xác nhận mạc khải bằng một chứng cứ thần linh là Thiên Chúa ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi cho chúng ta sống lại để được sống đời đời” (DV, số 4).
Ơn cứu độ là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Quả thật, ơn cứu độ xuất phát từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, được hoàn tất nơi Đức Giê-su Ki-tô, và trong Chúa Thánh Thần Giáo hội tiếp tục mang ơn cứu độ đến cho mọi người. 
2.             Ơn cứu độ mang tính phổ quát
Cựu ước đề cao vai trò ưu tuyển của dân được chọn là Ít-ra-en, tuy thế tính phổ quát của ơn cứu độ cũng đã được đề cập đến dưới nhiều cách nói khác nhau. Chẳng hạn ở sách I-sai-a, khi nói đến sứ mạng của Người Tôi Trung, bài ca thứ hai đã nói rõ: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta, để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6). Như vậy sứ mạng của Người Tôi Trung, hình ảnh của Đấng Mê-si-a, không còn giới hạn trong dân Ít-ra-en mà thôi nhưng là đến với muôn dân nước trên khắp cùng cõi đất.
Ơn cứu độ phổ quát này càng được Tân Ước nhấn mạnh hơn nữa với lệnh truyền của Đức Giê-su: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 18-19). Thánh tông đồ Phao-lô cũng khẳng định Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2,4).
Khi bàn đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa, sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội (Ad Gentes) đã lồng vào trong bối cảnh tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Ngài muốn mời gọi hết mọi người vào chia sẻ hạnh phúc với mình. Sứ mạng của Đức Ki-tô và của Thánh Thần là nhằm thực hiện kế hoạch tình yêu đó. Hội thánh được thiết lập cũng để thực hiện chương trình tình yêu đó (x. AG, số 2-4). Khi bàn về các tôn giáo, sắc lệnh khẳng định tôn giáo xuất hiện như là sản phẩm của con người trong bước đường tìm về Thiên Chúa nhưng kỳ thực bước chân dò dẫm đó do bàn tay quan phòng của Thiên Chúa dẫn dắt. Ý định cứu rỗi của Thiên Chúa bao trùm hết tất cả mọi người. Bằng những đường lối bí nhiệm, Người sẽ lo liệu để cho những ai ăn ngay ở lành được lãnh ơn cứu rỗi (x. AG, số 7). Tính phổ quát này còn được đức Gio-an Phao-lô II nhắc lại trong phần dẫn nhập của tuyên ngôn Dominus Jesus như sau: “Sứ vụ phổ quát của Giáo hội phát sinh từ mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô và hoàn thành theo dòng các thế kỷ trong việc loan báo mầu nhiệm về Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con như là một biến cố cứu độ cho toàn nhân loại” (số 1).
Tuy ơn cứu độ mang tính phổ quát, là lời mời gọi dành cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại, chủng tộc và ngôn ngữ, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đón nhận ơn cứu độ.
3.             Để đón nhận ơn cứu độ
Ơn cứu độ là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, thế nhưng đón nhận được ơn đó hay không còn tùy vào thái độ của con người. Như thánh Augustin đã nói: Thiên Chúa tạo dựng nên con không cần có con nhưng Thiên Chúa không thể cứu độ con nếu không có con. Sự cộng tác của con người trước hết là bằng đức tin. Sách Công vụ Tông đồ có thuật lại câu trả lời của hai ông Phao-lô và ông Xi-la khi viên cai ngục hỏi hai ông rằng phải làm gì để được cứu độ. Hai ông đáp: “Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ” (Cv 16, 29-31).
Tuyên ngôn Dominus Jesus trung thành với mặc khải của Thiên Chúa đã tái xác nhận rằng Đức Giêsu Kitô là trung gian và là Đấng Cứu Thế duy nhất, Đấng qua biến cố nhập thể, tử nạn và phục sinh, đã đem lịch sử cứu độ tới chỗ viên mãn, lịch sử cứu độ được viên mãn trong Người và lấy Người làm trung tâm, chân lý đó phải được tin vững vàng như là một yếu tố kiên định của đức tin Giáo Hội (x. số 13). Qua đó ta thấy, Giáo hội qua tuyên ngôn này đã khẳng định tin vào Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ duy nhất như là điều kiện để đón nhận ơn cứu độ.
 Hơn nữa theo thư gửi tín hữu Do-thái, điều kiện tối thiểu để được cứu rỗi là tin rằng có Thiên Chúa và sẵn sàng làm theo ý Ngài trong hết mọi sự (x. Dt 11,6). Chính vì thế các nhà thần học đưa ra ba hình thức Thánh Tẩy khác nhau, đó là Thánh Tẩy bằng máu, bằng lòng mến và bằng nước. Như vậy, dù dưới hình thức nào thì bí tích Thánh Tẩy là rất cần thiết cho ơn cứu độ. Tuy nhiên, dù được tháp nhập vào Giáo hội, nhưng nếu không kiên trì sống trong đức ái thì vẫn không được cứu rỗi. Trở thành con cái của Giáo hội là do đặc ân của Chúa Kitô, nhưng nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn (x. LG, số 14).
Tuy thế, Hiến chế vẫn nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức tin và Giáo hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép Thánh Tẩy.
4.             Sự cần thiết của bí tích Rửa Tội
Sự cần thiết của bí tích Thánh Tẩy đã được Đức Giê-su khẳng định trong Tin mừng Gioan : “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Chính  vì thế bí tích Thánh Tẩy rất cần cho những người đã được nghe loan báo Tin Mừng và tự nguyện xin chịu phép rửa, để được cứu độ: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16, 15-16).
Ý thức tầm quan trọng của bí tích cũng như sứ mạng được Chúa trao phó, Thánh Tẩy được Giáo hội sơ khai thực hiện như là nghi thức chính yếu để lãnh nhận ơn cứu độ. Sau bài giảng đầu tiên của Phê-rô, dân chúng hỏi các Tông đồ: “vậy chúng tôi phải làm gì ?”. Ông Phê-rô đáp: hãy sám hối và chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội và hôm ấy ông đã rửa tội cho khoảng ba ngàn người (x. Cv 2, 37-38).
Tiếp nối truyền thống đó, Giáo hội luôn ý thức ngoài bí tích Thánh Tẩy, không có phương thế nào khác bảo đảm cho con người được hưởng hạnh phúc đời đời. Vì thế, Giáo hội không xao lãng sứ mạng Chúa đã giao phó là rửa tội cho tất cả những ai có thể lãnh nhận, để họ được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần. (x. SGL HTCG số 1257).
Ơn cứu độ xuất phát từ Thiên Chúa, nhất là nhờ Đức Giê-su Ki-tô là đầu và Hội thánh người là Thân thể, do đó thần học về bí tích luôn khẳng định sự cần thiết của bí tích Thánh Tẩy vì đây là cửa ngỏ dẫn vào đời sống thần linh. Nơi Hội thánh có đầy đủ các phương tiện thánh hóa để giúp cho con cái mình chuẩn bị và đón nhận ơn cứu độ.
Tuy nhiên trong bối cảnh đối thoại liên tôn ta cũng phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã liên kết ơn cứu độ với bí tích Thánh Tẩy, nhưng chính Người không bị các bí tích ràng buộc. Chính vì thế, Giáo hội, nhất là sau công đồng cũng có cái nhìn cởi mở hơn đối với vấn đề ơn cứu độ.
5.             Thái độ của Giáo hội trong bối cảnh đối thoại liên tôn
Trong bối cảnh đề cao đối thoại liên tôn, Công đồng Va-ti-ca-nô II nhìn nhận những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Kể cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi (x. LG, số 16).
Trong Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Ki-tô Giáo (Nostra Aetate), Giáo hội nhắc đến những gì là chung nhất của các tôn giáo, đó chính là “tâm tình tôn giáo” khắc trong tâm khảm con người. Đó là những băn khoăn, khắc khoải chung quanh cội nguồn và mục đích của cuộc sống, lấy gì mà phân biệt thiện ác, vì đâu có đau khổ, làm sao để được hạnh phúc (NA, số 1). Chính vì điểm chung này mà Giáo hội nhìn nhận những yếu tố tích cực, chân lý và thánh thiện nơi các tôn giáo. Qua đó đưa ra đường lối hợp tác để thăng tiến các giá trị tinh thần cũng như công tác văn hóa xã hội. (NA, số 2). Giáo hội nhìn nhận những gì tốt lành nơi các tôn giáo mà Ngôi Lời đã gieo làm nền chuẩn bị cho Phúc âm, đồng thời cũng phải biết thanh lọc những gì là tối tăm tội lỗi, đó chính là bổn phận của Giáo hội (LG, số 16-17). Chính vì thế, tuyên ngôn Dominus Jesus đối  thoại liên tôn là một thành phần trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Do đó, nó đòi buộc một thái độ hiểu biết và một mối quan hệ trong sự vâng phục chân lý và tôn trọng tự do (số 2,3).
Tuy công đồng đưa ra những nền tảng chung và những giá trị tích cực nơi các tôn giáo để làm cơ sở cho việc đối thoại, thế nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo việc đối thoại có kết quả mà không sai lạc với giáo lý truyền thống của Giáo hội, nhất là về tín lý. Bởi thế đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong Thông điệp Redemptoris Missio đã đưa ra những nguyên tắc tín lý như sau:
Thứ nhất: Nguồn gốc của chương trình cứu rỗi là tình yêu của Thiên Chúa muốn mời gọi con người vào chia sẻ sự sống thần linh của Ba Ngôi (số 7), con người được cứu rỗi khi tin nhận hồng ân tình yêu Chúa được biểu lộ nơi Đức Ki-tô trong Thánh Thần (số 12).
Thứ hai: Đức Giê-su là con đường duy nhất qua đó con người gặp gỡ Thiên Chúa (số 5), đành rằng những người không biết Đức Ki-tô cũng có thể được cứu rỗi nhưng là nhờ Đức Ki-tô và trong Thánh Thần (số 10). Thiên Chúa có thể dùng nhiều hình thức và cấp độ khác nhau nhưng tất cả đều thông dự vào vai trò trung gian của Đức Ki-tô chứ không phải song song hay độc lập với Ngài (số 5).
Thứ ba: Tác động của Thánh Thần vượt mọi biên cương không gian và thời gian. Ngài tác động trong tim, trong hạt giống chân lý gieo vào các nền văn hóa và tôn giáo, trong những nổ lực của con người tìm về chân thiện mỹ (số 28). Tuy nhiên chỉ có một Thánh Thần duy nhất hoạt động trong vũ trụ, trong Đức Ki-tô và trong Giáo hội (số 29).
Thứ tư: Hội thánh là vừa là phương tiện vừa là dấu chỉ trong công cuộc cứu rỗi. Là phương tiện,  Giáo hội nổ lực hết sức để rao giảng Tin mừng và mời gọi mọi người gia nhập vào Giáo hội. Là dấu chỉ, Giáo hội mạnh đến nhiệm vụ làm chứng tá cho tình yêu, công bình, bác ái bằng cách cộng tác trong tinh thần đối thoại để nâng cao các giá trị tinh thần và nhân văn (số 9). Nhiệm vụ này càng đòi hỏi cấp thiết hơn nữa trong bối cảnh Giáo hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau trên thế giới.

Như vậy, trong bối cảnh đối thoại liên tôn, một mặt Giáo hội thừa nhận những giá trị tích cực nơi các tôn giáo cũng như những người không theo tôn giáo nào nhưng sống theo lương tâm ngay lành. Từ đó, Giáo hội mời gọi con cái mình học hỏi để hiểu biết và đối thoại. Mặt khác giáo hội cũng không quên sứ vụ truyền giáo để qua đó gạn đục khơi trong và dẫn đưa mọi người vào Giáo hội qua bí tích Thánh Tảy để nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất mang lại ơn cứu độ cho mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét