Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

ĐỨC GIÊSU KITÔ, VỊ VUA ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT

Lễ Kitô Vua (Ga 18,33b-37)

Trong suốt năm phụng vụ, Giáo hội đã chiêm ngắm Đức Giêsu với nhiều khuôn mặt khác nhau. Trong Chúa nhật cuối cùng này, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Đức Giêsu với khuôn mặt của một vị vua.
Khi nói đến vua Kitô, ta thường hay liên tưởng ngay đến những danh hiệu như vua Vũ trụ, vua Hòa bình, vua Sự thật, vua Tình yêu, v.v.. Hôm nay, trong bối cảnh Giáo hội sắp khai mạc năm thánh ngoại thường kính Lòng Thương Xót Chúa, tôi xin mời mọi người cùng chiêm ngắm vua Kitô với gương mặt của một Đấng đầy Lòng Thương Xót.
Vua Kitô, khuôn mặt thương xót của Chúa Cha
Ngay câu đầu tiên trong Tông chiếu về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của Lòng Thương Xót Chúa Cha”. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được mạc khải là Đấng “nhân từ và đầy thương xót” (Xh 34, 6). Lòng thương xót của Thiên Chúa không chung chung trừu tượng nhưng được thể hiện qua những hành động rất cụ thể: “Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ” (Tv 146, 9) hay “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành” (Tv 147, 3).
Sau cùng, Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện cách cụ thể qua chính Con Một là Đức Giêsu Kitô. Vì thương xót con người, Con Một Chúa đã đến thế gian trong thân phận một phàm nhân. Cái chết trên thập giá là đỉnh cao của Lòng Thương Xót đó. Lòng Thương Xót đó còn được thể hiện qua giáo huấn và chính cuộc sống của Đức Giêsu Kitô.
Lòng thương xót qua những giáo huấn của Vua Kitô
Đức Giêsu khai mạc sứ vụ với bài giảng trên núi, còn gọi là Hiến chương Nước Trời. Hình ảnh này có thể cho ta hình dung Đức Giêsu như vị vua vừa khai quốc, đang đứng trước toàn dân để công bố Hiến chương của một vương quốc mới, vương quốc của Lòng Thương Xót. Nội dung Hiến chương này cũng toát lên Lòng Thương Xót của vị quốc vương. Vương quốc này không dành cho những người tự mãn về mình nhưng cho những ai đáng hưởng Lòng Thương Xót Chúa.
Lòng Thương Xót Chúa còn được thể hiện qua những dụ ngôn, đặc biệt nơi chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca. Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót không muốn đánh mất, dù là một người tội lỗi. Ngài cất công đi tìm kiếm con chiên lạc và vui mừng vác trên vai mang về. Ngài như người cha ngày đêm lo lắng, mong ngóng đứa con hoang trở về.
Lòng thương xót qua hành động của Vua Kitô
Đức Giêsu không chỉ giảng dạy về Lòng Thương Xót nhưng trên hết, chính Người đã sống Lòng Thương Xót đó. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi thấy dân chúng lầm than vất vưởng không người chăn dắt (Mt 9,36). Người chạnh lòng thương với đau khổ của người mẹ góa thành Nain trước cái chết của người con trai duy nhất (Lc 7,15). Người chạnh lòng thương trước nổi ô nhục của người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang (Ga 7,11). Người chạnh lòng thương trước cái chết của La-za-rô, bạn hữu Người (Ga 11,35). Và cuối cùng, Lòng Thương Xót Chúa thể hiện qua cuộc thương khó với cái chết trên thập giá. Vua Kitô không chỉ dạy ta về Lòng Thương Xót nhưng chính Người đã nêu gương cho chúng ta trước.
Chúng ta, những công dân của lòng thương xót

Vương quốc của Thiên Chúa là vương quốc của Lòng Thương Xót không chỉ vì Đức Giêsu Kitô là Vua Thương Xót mà còn vì chúng ta được mời gọi trở nên những công dân của Lòng Thương Xót đó. Nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, chúng ta trở nên những công dân trong vương quốc Ngài. Phần chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi sống Lòng Thương Xót với nhau trong gia đình, nơi lối xóm, trong các đoàn thể, nơi giáo xứ và ngoài xã hội, nhờ đó, chúng ta xứng đáng là những công dân của Lòng Thương Xót Chúa. 

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

TỰ HÀO VÀ TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG HÀO HÙNG

Các thánh tử đạo Việt Nam (Ga 17,11-19)

Lễ các thánh Tử đạo Việt Nam luôn gợi lên trong lòng mỗi người niềm tự hào khó tả, bởi chúng ta mang trong mình dòng máu của các ngài. Hôm nay, mỗi người chúng ta đều có quyền tự hào vì là dòng dõi của các thánh nhân, là con cháu của các vị Tử đạo. Niềm tự hào đó còn khơi lên nơi chúng ta quyết tâm sống đạo để tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông.
Tự hào về cha ông: chọn cái chết để tuyên xưng đức tin
Chúng ta có quyền tự hào về gương chứng nhân anh dũng của cha ông. Trong số 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam thì có 96 vị là người Việt Nam, trong đó có 59 vị là giáo dân. Như vậy, nên thánh không chỉ là các vị nước ngoài mà thôi nhưng có rất nhiều người Việt Nam; không chỉ là các Giám mục, linh mục mà thôi nhưng có rất nhiều giáo dân. Các ngài cũng là những người bình thường như chúng ta. Có những người đang làm quan nhưng sẵn sàng mất chức, mất mạng để bảo vệ đức tin. Có những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng tinh thần vững mạnh khi tuyên xưng đức tin. Có những chàng trai tương lai đầy hy vọng nhưng lại dũng cảm chọn một tương lai chắc chắn hơn trên quê trời.
Các thánh Tử đạo cũng đón nhận một đức tin như chúng ta, các ngài cũng sống trong môi trường văn hóa, xã hội như chúng ta, thậm chí là khắc nghiệt hơn, thế nhưng các ngài đã trung kiên giữ vững đức tin của mình. Chắc chắn các ngài không được học giáo lý đầy đủ, không được tự do sống đạo như chúng ta ngày nay, thế nhưng chính sự thiếu thốn đó lại hun đúc niềm tin và tình yêu nơi các ngài.
Dù bị nghi ngại và hiểu lầm, dù gặp chống đối và ngăn trở, dù bị bách hại và cầm tù, chịu tra tấn và giết chết, các ngài vẫn không run sợ trước những quyền lực thế gian. Dù bị dụ dỗ hay hù dọa, đức tin của các ngài vẫn kiên vững.
Các chứng nhân anh dũng trên quê hương Việt Nam không chỉ là 117 vị thánh tử đạo mà thôi nhưng còn hơn 100 ngàn người khác đã hy sinh một cách âm thầm. Giữa muôn trùng thử thách, các ngài đã đứng vững, đã can đảm gìn giữ và tuyên xưng đức tin của mình. Máu các thánh Tử đạo đã đổ xuống để trổ sinh những bông hạt là đức tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống hào hùng đó để sống đức tin cho xứng đáng.
Tiếp nối truyền thống:  Hãy sống đức tin
Ngày nay, không còn nhiều cảnh bắt bớ, đánh đập, tù đày và chết chóc nhưng người tín hữu vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn thử thách mới. Nếu xét về bề ngoài có lẽ nó chẳng là gì so với xưa kia, thế nhưng chính điều đó lại là mối nguy hiểm! Nó giết hại đức tin của người tín hữu một cách âm thầm.
Ngày nay, ai ai cũng lo thăng tiến bản thân. Nhỏ lo học, lớn lên lo kiếm việc làm, rồi cố gắng duy trì và thăng tiến trong công việc. Ngoài ra còn vô số những nhu cầu của thời đại khiến ta cảm thấy phải chịu nhiều áp lực trước cuộc sống. Những áp lực đó khiến ta không còn thời gian nghĩ đến Chúa, không còn thời giờ đến nhà thờ, học giáo lý, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích hay cầu nguyện riêng tư. Dần dần chúng ta đánh mất cảm thức đức tin. Không còn thấy nhu cầu phải sống đạo.
Đôi khi phải lựa chọn giữa đức tin và công việc, giữa thực hành đức tin với những thú vui và đam mê trần thế, chúng ta thà đánh mất đức tin, mất các giá trị cao đẹp của Tin Mừng hơn là chấp nhận hy sinh thiệt thòi về phía mình.
Đời sống đức tin ngày nay đặt chúng ta trước những chọn lựa khắc nghiệt không kém. Đó là một cuộc tử đạo liên lỉ, tử đạo hàng ngày. Chọn lựa đứng về phía các giá trị của Tin Mừng là một chọn lựa cao đẹp và anh dũng không kém gì chọn lựa chết vì đạo.

Xin các thánh Tử đạo phù trợ để phận con cháu chúng con luôn giữ vững đức tin của mình. Amen.

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

HÌNH THỨC BÊN NGOÀI VÀ TÌNH YÊU BÊN TRONG

Chúa nhật XXXII TN (Mc 12,38-44)

Kính thưa ông bà anh chị em, hình thức bên ngoài và chất lượng bên trong là hai điều mà người ta dựa vào để đánh giá chất lượng của sản phẩm. Thông thường, tiêu chuẩn đầu tiên vẫn là hình thức bên ngoài. Để mua một chiếc xe hay chiếc điện thoại, trước hết người ta xem dòng xe hay điện thoại đó có hợp thời không, dáng dấp thế nào, rồi sau đó mới so sánh đến chất lượng bên trong. Khi xem quảng cáo, điều đập vào mắt ta trước tiên vẫn là mẫu mả bên ngoài. Vì thế mới dẫn đến tình trạng con người đánh giá “đẳng cấp” của nhau theo những gì họ đang sở hữu hay thể hiện ra bên ngoài.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp ta có một cái nhìn khác, không phải là hình thức bên ngoài nhưng là cốt lõi bên trong, đó chính là tình yêu.
Các bài đọc hôm nay làm nổi bật lên hai hình ảnh trái ngược. Hình ảnh các kinh sư xúng xính trong những bộ áo lộng lẫy, hay xuất hiện ở những nơi công cộng, thích được người ta chào hỏi, nhưng bên trong sự xúng xính, sang trọng đó là những mưu mô tính toán, là áp bức đặt trên người nghèo. Trái lại, các bà góa, những người thuộc tầng lớp “thấp cổ bé miệng” nhưng bên trong lại dạt dào một tình yêu. Một tình yêu dám hi sinh cho đi những gì mình đang cần chứ không phải chỉ cho đi những của cải dư thừa.
Bà góa thành Za-rép-ta dám hi sinh những gì còn lại cuối cùng để chia sẻ cho ông Ê-li-a và bà đã được trả công xứng đáng. Bà góa trong bài Tin Mừng đã hi sinh đồng bạc kẽm ít ỏi của mình để dâng cúng cho Đền Thờ và bà cũng đã được Chúa tuyên dương. Tình yêu thực sự đòi hỏi ta phải hi sinh những gì người khác thực sự cần chứ không phải cho đi những gì mình dư thừa. Hành động của những bà góa giúp ta nhìn lại thái độ của mình, tình yêu của mình trước lời mời gọi của Chúa Giêsu và Hội thánh.
Thiên Chúa yêu thương tôi rất nhiều thế nhưng tôi đang đáp trả lại tình yêu của Người như thế nào? Giáo hội đã và đang cho tôi rất nhiều, thế nhưng tôi đã hi sinh những gì để đóng góp xây dựng Giáo hội? Tôi đã lãnh nhận rất nhiều từ những người xung quanh nhưng tôi có nhìn ra và đáp ứng nhu cầu của những anh chị em bên cạnh? Làm việc nhiều chưa hẳn vì yêu, cho đi rất nhiều chưa hẳn là hi sinh, nếu như thiếu vắng tình yêu thực sự. Nếu thiếu vắng tình yêu, tất cả cũng chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài. Mà hình thức bên ngoài nhiều khi là để “quãng cáo” cho chính mình. Chỉ có tình yêu mới hướng việc làm ta đến với tha nhân thực sự.
Qua các bài đọc hôm nay, Đức Giêsu cũng dạy cho các môn đệ và qua đó, dạy mỗi người chúng ta đừng đánh giá người khác theo dáng vẻ bên ngoài nhưng phải thấu cảm tận trong thâm sâu cõi lòng. Bên ngoài có thể ăn mặc bình dị, cũ kỹ, thậm chí là dơ bẩn, rách rưới nhưng bên trong sự dơ bẩn rách rưới đó có thể là một tấm lòng cao thượng, hết lòng hi sinh cho vợ, cho con. Có thể họ chấp nhận phần thiệt thòi về mình để vợ con được no ấm. Con người dễ đánh giá nhau theo dáng vẻ bên ngoài nhưng Thiên Chúa nhìn thấy tận tam can.
Muốn có cái nhìn như Chúa, người môn đệ chúng ta cần phải học hỏi cùng Chúa, hãy chậm rãi quan sát chứ đừng vội nhận xét. Để có thể thấu hiểu cõi lòng một ai đó cần có thời gian, có sự quan tâm, có dịp gặp gỡ tiếp xúc. Giống như hai môn đệ ông Gio-an tẩy giả, muốn biết Đức Giêsu phải đến xem và ở lại với Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi đến với nhau bằng tất cả thiện chí, “ở lại” với nhau bằng tất cả tình yêu, có như vậy ta mới có thể có được cái nhìn thấu cảm về hoàn cảnh của anh chị em mình.
Ước gì người với người đến với nhau bằng tình yêu thực sự! Ước gì ai ai cũng có cái nhìn thấu cảm như Đức Giêsu! Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Amen.



BÁT PHÚC, CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Chúa nhật XXXI TNB – LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ (Mt 5,1-12a)

Con người đến từ đâu? Phải sống cuộc đời này như thế nào và rồi sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi mà nhiều người hằng thao thức. Với Hội thánh Công giáo, câu trả lời rất rõ ràng. Con người được dựng nên bởi tình yêu Thiên Chúa và cùng đích của con người là chung hưởng hạnh phúc với Ngài. Vì thế, cuốc sống trên dương gian này là hành trình con người tiến về nhà Cha, nơi hạnh phúc đích thực đang chờ đón, nơi các thánh đang quy tụ để tôn vinh Thiên Chúa.
Vậy, làm thế nào để đạt được hạnh phúc đó? Bằng cách nào để chúng ta cùng được đoàn tụ với các thánh trên Thiên Quốc? Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay sẽ cho ta câu trả lời.
Thật vậy, trong bài đọc hai, thánh Gioan nhắc đến phẩm giá cao quý của chúng ta, đó là con Thiên Chúa. Mà đã là con thì chúng ta cũng sẽ được đồng thừa kế với Đức Giêsu: Ngài ở đâu chúng ta cũng sẽ ở đó với Ngài. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải tin vào Ngài. Đức tin đó, không chỉ đơn giản là nhận phép rửa hay chỉ tuyên xưng ra ngoài miệng một lần là xong. Đức tin đó đòi hỏi phải được tôi luyện, phải “trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh 7,14). Các thánh là những người cùng đón nhận đức tin như chúng ta. Các ngài đã trải qua những cơn thử thách khác nhau trong cuộc đời, đã trung thành với đức tin đã lãnh nhận và giờ đây đang chung hưởng hạnh phúc đích thực trước nhan Thiên Chúa.
Các thánh là những người đã sống trọn giáo huấn của Đức Giêsu, Giáo huấn đó gói trọn trong bài giảng đầu tiên, còn gọi là Bát Phúc. Bát phúc chính là con đường nên thánh. Các thánh là những người đã sống trọn đời mình theo Bát Phúc của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua từng mối phúc đó:
Mối phúc thứ nhất: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó. Thánh Phanxicô đã chọn “Chị Nghèo” làm bạn và sống trọn mối phúc này, vì thế, ngài còn được gọi là Phanxicô Khó Khăn.
Mối phúc thứ hai: Phúc cho ai hiền lành. Thánh Phanxicô Salêsiô vốn mang bản tính nóng nảy nhưng đã noi gương Đức Giêsu cố gắng sống hiền lành và khiêm nhường.
Mối phúc thứ ba: Phúc cho ai sầu khổ. Thánh Mônica suốt đời khổ sở vì lo lắng cho chồng cho con. Thế nhưng ngài cũng luôn tin tưởng và phó thác nổi khổ sầu của mình cho Chúa và đã được Chúa thương nhận lời.
Mối phúc thứ tư: Phúc cho ai khao khát nên người công chính. Thánh Thomas More thà chết chứ không chiều theo những quyết định trái với luật hôn nhân của vua Henri VIII, vua nước Anh.
Mối phúc thứ năm: Phúc cho ai xót thương người. Thánh Têrêsa cùng với các nữ tu của mình suốt đời bày tỏ lòng thương xót qua việc phục vụ những người bần cùng nhất của xã hội.
Mối phúc thứ sáu: Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch. Maria Goretti thà chết để giữ trinh tiết còn hơn sống mà thân xác bị ô nhục.
Mối phúc thứ bảy: Phúc cho ai xây dựng hòa bình. Thánh nữ Catarina Siêna đã suốt đời rong ruổi để thực thi sứ vụ hòa giải, mang lại hòa bình cho nhiều vùng miền và ngay trong nội bộ Giáo hội.
Mối phúc thứ tám: Phúc cho ai bị bách hại vì Thầy. Các thánh tử đạo là những người đã trung kiên gìn giữ và tuyên xưng đức tin của mình, vì thế các ngài xứng đáng nhận ngành lá thiên tuế.
Bát phúc là con đường cụ thể giúp ta nên thánh. Mỗi người không nhất thiết phải sống cho trọn tám mối phúc này, nhưng chỉ cần sống trọn vẹn một mối phúc cũng đủ rồi. Bởi thật ra, tám mối phúc này không tách biệt nhau. Ai giữ trọn một mối phúc cũng có nghĩa là sống tốt những mối phúc còn lại.
Các thánh mà Giáo hội mừng hôm nay không chỉ là các vị đã được ghi danh trong sổ bộ các thánh nhưng các ngài có thể là tổ tiên, ông bà của chúng ta, là những người đã ra đi trước chúng ta. Các ngài đã trải qua cuộc thanh luyện qua việc sống các mối phúc. Xin các ngài cầu bầu cùng Chúa ban ơn để chúng ta cũng sống tốt các mối phúc hầu có thể đoàn tụ với các ngài trên Thiên Đàng. Amen.    


Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

KHÔNG ĐỀ





Đâu cần điện ngọc cao sang

Đâu cần đá quý bệ vàng nâng chân

Chỉ là mang một tấm thân

Cùng người khốn khó, song hành nhân gian

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA KHÔNG GIỚI HẠN

“Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền” (Lc 13,12) Lòng thương xót của Thiên Chúa không chờ đợi con người phải kêu xin, Ngài cũng không cần hỏi han thăm dò. Đúng hơn, Ngài thấy và chạnh lòng thương. Ngài tự động bày tỏ lòng thương xót. Xin lòng thương xót Chúa chạm đến tâm hồn chúng con.

Đến với lòng thương xót Chúa

Lòng thương xót của con người
Một anh mù, hằng ngày ngồi bên vệ đường để xin lòng thương xót của người khác. Có lẽ lòng thương xót của mọi người cũng đủ nuôi sống anh qua ngày. Thế nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn, anh vẫn khao khát. Một khao khát mà chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới có thể khỏa lấp.
Do vậy, khi vừa nghe nói Đức Giêsu đang đi ngang qua, anh liền kêu lớn tiếng. Bị đám đông ngăn cản, anh không nhụt chí nhưng càng kêu lớn tiếng: Lạy ông Giêsu, con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!
Nếu bằng lòng với lòng thương xót của mọi người, có lẽ suốt đời anh cũng chỉ là “ngồi bên vệ đường”. Thế nhưng anh mù Ba-ti-mê đã dám đứng lên, vứt bỏ áo choàng (là gia tài và là “đồ nghề” của anh) để đến với lòng thương xót của Đức Giêsu. Chính những hành động dứt khoát này đã thể hiện niềm tin của anh vào lòng thương xót của Đức Giêsu.
Kính thưa ông bà anh chị em, chúng ta có cần đến lòng thương xót của Chúa và của người khác giống như anh mù Ba-ti-mê? Chúng ta đang sống trong xã hội mà nhiều người có của cải dư dật, họ suốt ngày sống trong bốn bức tường mà chẳng cần đến người khác. Họ không cần đến lòng thương xót của người khác và do đó cũng chẳng quan tâm đến người khác. Nếu chúng ta không cần đến lòng thương xót của người khác thì khó mà hiểu và trao ban lòng thương xót cho người khác.
Thực ra, không ai giàu đến độ không cần đến người khác và cũng không ai nghèo đến mức không có gì để trao ban cho người khác. Cộng đồng nhân loại là cộng đồng của liên đới và hiệp thông. Do đó, chỉ những ai sống khép kín, kiêu ngạo mới không cần đến lòng thương xót của người khác. Ai khiêm tốn nại đến lòng thương xót của anh chị em mình thì mới có khả năng hiểu được anh chị em mình cũng cần lòng thương xót nơi chúng ta. Thực thi lòng thương xót cũng là cách thức thể hiện hình ảnh cao quý của Thiên Chúa nơi con người.
Lòng thương xót của Thiên Chúa
Thiên Chúa là Đấng Từ Bi và Nhân Hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,9). Anh Ba-ti-mê đã nhận ra tình trạng mù lòa của mình để “đứng đậy”, “chạy đến” với lòng thương xót của Chúa. Thế còn chúng ta, chúng ta có nhận ra tình trạng mù lòa của mình? Đôi mắt thể xác chúng ta tuy sáng nhưng đôi lúc chúng ta mù lòa trước tình yêu của Thiên Chúa, mù lòa không nhận ra tội lỗi của mình, mù lòa trước nhu cầu của người khác. Vậy, mỗi người chúng ta cũng phải can đảm “đứng lên”, dứt khoát rời bỏ tình trạng cũ kỹ của mình để chạy đến với lòng thương xót Chúa. Thậm chí, dù cho “đám đông” có ngăn cản chúng ta thì cũng đừng tuyệt vọng, đừng nhụt chí, đừng bỏ cuộc nhưng hãy giữ vững niềm tin, vững lập trường và vững quyết tam đến với lòng thương xót Chúa. Chắc chắn với những hành động thể hiện niềm tin như thế, Chúa sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ!
Chúng ta có thể đến với lòng thương xót Chúa bằng nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là sám hối và thay đổi nếp sống, có thể là tham gia các giờ kinh nguyện kính lòng thương xót Chúa, là đến với các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải. Một khi đã đón nhận lòng thương xót Chúa, chúng ta hãy trở nên những sứ giả của lòng thương xót Chúa.
Anh mù đã được lòng thương xót Chúa chạm đến, anh được chữa lành và dứt khoát theo Chúa trên con đường lên Giê-ru-sa-lem. Ước gì mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta cũng được “chạm đến” lòng thương xót Chúa, được cảm nhận sự ngọt ngào của ân sủng Chúa và nhờ đó theo Chúa trên con đường ban phát lòng thương xót. Ước gì mỗi người chúng ta đều trở thành những sứ giả nhiệt thành của lòng thương xót Chúa, nhờ đó, mọi người có thể cảm nhận được lòng thương xót của Chúa và của anh chị em mình giữa một xã hội đầy vô cảm như hiện nay. Amen.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

PHỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO

Chúa nhật 29 TNB (Mc 10,35-45)

Con Thiên Chúa đến để phục vụ
Người đời ai cũng muốn làm lớn, hay ít là cũng phải có một vị thế nào đó để không phải phục vụ người khác. Chúng ta đang sống trong thời đại dịch vụ nên có khuynh hướng chọn lựa những dịch vụ nào phục vụ tốt nhu cầu chúng ta. Tuy nhiên, những việc “phục vụ” này luôn tỷ lệ thuận với kinh phí bỏ ra.
Trong khi đó, Giáo hội lại mời gọi ta “lội ngược dòng”. Dòng nước ngược này chính Con Một Thiên Chúa đã đi trước làm gương cho chúng ta. Từ địa vị ngang hàng Thiên Chúa, Ngài đã tự nguyện mặc lấy xác phàm như chúng ta. Ngài đã đón nhận đau khổ buồn sầu như chúng ta và thậm chí “cúi xuống” phục vụ chúng ta.
Đức Giêsu không làm những dấu lạ lớn lao để “chiêu dụ” lòng tin của dân chúng nhưng người “la cà” với họ, ăn uống với họ, chung chia niềm vui tiệc cưới với họ, sẻ chia nỗi buồn tang tóc với họ, đồng hành với họ trong những giờ cầu nguyện tại Hội đường, hành hương với họ về Giêrusalem, v.v.. Đức Giêsu đã đi trên con đường của Người Tôi Trung như trong bài đọc một để cúi xuống gánh lấy tội lỗi người khác, nhờ thế, nhiều người được nên công chính.
Trò không thể hơn Thầy. Trò không thể đi con đường nào khác với con đường của Thầy. Vì thế Đức Giêsu mời gọi các môn đệ và qua đó, mời gọi Giáo hội hãy đi con đường phục vụ như Người.  
Giáo hội được mời gọi sống phục vụ
Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10,43). Từ xưa đến nay, các Đức Giáo Hoàng đều tự nhận mình là “tôi tớ của các tôi tớ Chúa”, đó như một cách thức nhắc nhở mỗi người nói riêng và Giáo hội nói chung về giáo huấn của Đức Giêsu. Giáo hội được mời gọi không phải để “cai trị” nhưng để phục vụ. Phẩm trật Giáo hội không phải “được chọn” để “thống lãnh” cho bằng để hướng dẫn và phục vụ dân Chúa. Do đó, nơi nào tinh thần “giáo sĩ trị” vẫn còn thì nơi đó người ta chưa sống trọn giáo huấn của Chúa Giêsu.
Giáo hội được mời gọi để phục vụ tất cả mọi người, không phân biệt “lương” hay “giáo”; không phân biệt giàu nghèo; già trẻ; tốt xấu. Nếu như Con Thiên Chúa đến thế gian để tìm kiếm những “con chiên lạc”, những “kẻ ốm đau” thì Giáo hội cũng được mời gọi như thế. Những người nghèo, người đang đau khổ, người vấp ngả trong đức tin, những người đang mang sự mặc cảm, tự ti, phải là đối tượng ưu tiên của Giáo hội.
Không chỉ giáo sĩ, tu sĩ mà cả giáo dân cũng được mời gọi sống phục vụ theo tinh thần Đức Giêsu. Mọi người đều được mời gọi sống các mối tương quan trong tinh thần phục vụ, dù là tương quan cá nhân hay trong gia đình, cộng đoàn hay giáo xứ, Giáo hội hay xã hội. Để được vậy, mỗi người và cộng đoàn cần thấm nhuần tinh thần Đức Giêsu, đó là tôn trọng, cảm thông và chia sẻ. Thực vậy, phục vụ không chỉ thể hiện bằng hành động mà thôi nhưng trước hết là tinh thần, là tấm lòng. Ai có tấm lòng thực sự thì họ sẽ biết cách để phục vụ anh chị em mình cách cụ thể và thiết thực nhất.
Phục vụ là cách thức truyền giáo
Hôm nay cũng là ngày Giáo hội cầu nguyện cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo. Thiết nghĩ, ngoài việc cầu nguyện, mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ cũng có thể góp phần vào việc truyền giáo bằng những việc làm cụ thể. Mỗi người tùy theo ơn riêng, tùy theo khả năng và hoàn cảnh sống của mình, có thể cộng tác truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng sự hiện diện thể lý hay hiệp thông trong tinh thần, bằng cách góp công sức hay vật chất. Tuy nhiên, có một cách thức cụ thể mà ai cũng có thể thực hiện được, đó là sống tinh thần phục vụ.

Dĩ nhiên, không nhất thiết là phải phục vụ những người xa lạ, những người chưa theo đạo, nhưng có thể là “phục vụ” chính gia đình của mình, phục vụ giáo xứ, phục vụ những người quen biết, láng giềng xung quanh. Chính tinh thần sẵn sàng phục vụ, phục vụ cách quên mình sẽ là động lực lôi cuốn người khác đến với đạo, với Đức Kitô. Và như thế, ta có thể nói, một người hy sinh phục vụ là một nhà truyền giáo, một gia đình sống tinh thần cho đi là một gia đình truyền giáo, một giáo xứ sẵn sàng phục vụ mọi người, mọi giới, mọi thành phần là một giáo xứ truyền giáo. Nếu được như thế, Tin Mừng Cứu Độ sẽ được loan báo đến tận cùng thế giới theo lệnh truyền của Đức Giêsu.

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

HÃY CHỌN MỘT NIỀM VUI



Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn thế! Một niềm vui nho nhỏ nhưng cũng đủ sức để xua tan đi những vất vả, lao nhọc trong suốt cả ngày. Còn gì vui hơn khi khởi đầu ngày mới bằng một niềm vui nho nhỏ. Nó là “thức ăn sáng” bổ dưỡng tuyệt vời, nhất là cho những ai ngày ngày đối diện với hàng đống công việc, dù là việc không tên.
Nỗi buồn thường tự tìm đến mà không cần hỏi ý kiến ta nhưng niềm vui thì ta có thể tự tạo cho mình. Một niềm vui dù nhỏ đến đâu, nhưng nếu cảm nhận với tất cả tấm lòng, ta cũng sẽ thấy nó rất có giá trị. Những niềm vui như thế không hề thiếu vắng nơi vùng truyền giáo này.
Với tôi, niềm vui nho nhoi đó là sáng sáng nhìn các em cắp cặp đến nhà thờ, trên tay cầm que củi để “đổi” lấy gói xôi hay ổ bánh mì trước khi đi tiếp đến trường học.
Với người thành thị, cầm 20 ngàn trong tay cũng phải phân vân xem ăn gì cho thích hợp, nhưng với các em ở đây, chỉ cần “khẩu phần” 2 ngàn đồng thôi cũng đủ. 2 ngàn chẳng đáng là bao, nhưng nhìn từng bước chân trần hân hoan của các em mẫu giáo, lớp 1 chạy đến “đổi” phần ăn sáng, tôi cũng cảm thấy ấm lòng. 2 ngàn chẳng đáng là bao, thế mà thỉnh thoảng vẫn nghe các thầy cô kể lại có em này, em kia, ngất trong lớp học vì đói và lạnh.
Thế đấy, với nhiều người, cầm 2 ngàn trong tay chẳng biết để làm gì; nhưng cũng với rất nhiều người, 2 ngàn đó có thể sưởi ấm được bao cõi lòng và nuôi dưỡng bao mơ ước.

Vậy bạn có muốn chọn cho mình một niềm vui? Dù nho nhoi, nhưng chắc chắn đó là cách khởi đầu một ngày mới rất tốt, đặc biệt là khi bạn biết phó dâng niềm vui đó trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa!

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

TỐT - XẤU

Thứ Năm, tuần XVII (Mt 13,47-53)
Cũng như chiếc lưới bao gồm cả cá xấu lẫn cá tốt, Giáo hội cũng luôn có cả người tốt lẫn người xấu. Thiên Chúa để vậy là do lòng khoan nhân của Ngài. Ngài tạo cơ hội và chờ đợi con người biến đổi. đến ngày tận thế, cơ hội sẽ chấm dứt. Mọi sự cần phân minh rõ ràng. Tốt xấu không còn chung đụng với nhau nữa.
Giáo xứ và gia đình cũng thế, luôn có người này người kia. Chúa không muốn ta loại trừ ngay những kẻ xấu nhưng muốn ta kiên nhẫn và chờ đợi, thậm chí là phải tạo cơ hội để người xấu có dịp trở về.
Thực ra, ngay chính bản thân mỗi người chúng ta cũng thế, luôn tồn tại hai khuynh hướng tốt xấu. cuộc sống hiện tại là cơ hội Chúa cho để phấn đấu, để biến đổi cái xấu trở nên tốt hơn. Cơ hội sẽ chấm dứt vào ngày kết thúc đời mình. Không ai biết đó là ngày nào, vậy nên ta phải tận dụng cơ hội này chứ đừng chủ quan.

Lạy Chúa, xin giúp con nắm lấy cơ hội này để huấn luyện bản thân ngày một tốt hơn. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

BIẾN CẢI CÁI XẤU

Thứ Ba, Tuần XVII (Mt 13,36-43)
Hạt giống tốt là con cái Nước Trời, cỏ lùng là con cái Ác thần. Ruộng chẳng phải là độc quyền của lúa tốt nhưng cỏ lùng len lỏi khá nhiều.
Thế gian không chỉ dành cho người tốt nhưng kẻ xấu cũng trà trộn khắp nơi.
Nếu như cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt thì ngược lại, người xấu có thể trở thành người tốt.
Người Kitô hữu không chỉ được mời gọi lớn lên trong đức tin và đức ái nhưng còn phải giúp biến đổi thế gian.
Ánh sáng có nhiệm vụ đẩy lui bóng tối thế nào thì người Kitô hữu có ơn gọi biến cải cái xấu như thế.
Tâm lý chung, ta sẽ lo sợ khi thấy cái xấu tràn lan. Ta cũng dễ dàng nhận ra lý do này, lý do kia.
Thế nhưng ít khi ta nhận trách nhiệm về mình: những Kitô hữu chưa chu toàn nhiệm vụ!
Thử hỏi: Tôi đã làm gì để biến cải những cái xấu quanh tôi?
Trách nhiệm của cộng đoàn Kitô hữu là tạo nên môi trường sống lành mạnh quanh mình chứ không dừng lại ở sự hài lòng bản thân.

Xin Chúa giúp con biến cải cái xấu quanh mình để thế giới mỗi ngày một tốt hơn. Amen.

SỨC SỐNG BÊN TRONG

Thứ Hai, tuần XVII TN (Mt 13,31-35)
Hạt cải và nắm men khác với hòn đá ở sức sống bên trong.
Hòn đá đặt ở đâu vẫn trơ trọi một mình.
Ngược lại, hạt cải và nắm men nếu gặp môi trường thuận lợi sẽ lan truyền sức sống ra bên ngoài.
Bạn và tôi, chúng ta muốn là hạt cải và nắm men tràn trề sức sống hay muốn là hòn đá khô khan nguội lạnh?
Sức sống bên trong đó chính là ơn Chúa!
Qua bí tích Thanh Tẩy, mỗi Kitô hữu đều đã lãnh nhận ấn tín không phai nhòa, đó là hồng ân cao quý cùng nhiều ơn lành khác.
Đừng để những ơn đó trở nên vô hiệu nhưng hãy tạo cơ hội để ơn Chúa lan tỏa đến mọi người.
Đừng chôn vùi ơn Chúa mà không sinh ích lợi gì cho bản thân và tha nhân.
Hạt cải muốn trở sinh bông hạt phải chết đi hình dáng cũ của mình. Bột muốn dậy men, nắm men phai tiêu hao dần.
Sức sống “nội tại” có vẻ như sẽ tiêu hao đi, nhưng thực ra nó không bao giờ mất hết. Trái lại, nếu liên kết với môi trường xung quanh, nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.



Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

KHÓ KHĂN VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT

Chúa nhật XVII TNB (Ga 6,1-15)
Đông đảo dân chúng đến với Đức Giêsu và các môn đệ:
Philipphê cảm thấy bất lực vì chỉ thấy khó khăn trước mắt và tìm cách giải quyết theo kiểu con người.
Anrê phát hiện ra một tia hy vọng khi nhìn thấy những thứ (bánh mì và cá) mà họ (đứa bé) sở hữu.
Đức Giêsu biến hy vọng nhỏ nhoi đó thành một dấu lạ.
Cuộc sống của chúng ta cũng luôn đối diện với những khó khăn thử thách như thế.
Khó khăn sẽ càng chồng chất nếu ta chỉ cậy dựa vào sức riêng mình.
Hãy học Anrê để nhìn ra những tia hy vọng, dù mong manh, nơi anh chị em chúng ta, dù là những người nhỏ nhất.
Và nhất là, hãy noi gương Đức Giêsu để dâng những tia hy vọng đó lên cho Thiên Chúa. Hãy xin Người chúc lành và biến những tia hy vọng đó thành dấu lạ, nhờ đó, khó khăn không còn là thử thách đáng sợ nữa, những là cơ hội để ta bày tỏ lòng tín trung vào Chúa.


SỨ MẠNG PHỤC VỤ

Ngày 25.7: Thánh Giacôbê Tông đồ (Mt 20,20-28)
Xã hội hiện đại là xã hội của dịch vụ. Ai càng làm lớn, càng có nhiều tiền thì sử dụng càng nhiều dịch vụ. Dịch vụ là dùng tiền để yêu cầu người khác đáp ứng theo nhu cầu của mình. Trái lại, phục vụ là tự nguyện bỏ tiền bạc và công sức để đáp ứng phần nào nhu cầu người khác.
Ấy vậy mà Đức Giêsu luôn mời gọi ta hãy phục vụ chứ đừng dùng dịch vụ. Không chỉ dạy ta mà thôi, Người còn đi đầu trong việc nêu gương. Người phục vụ tất cả mọi hạng người. Người dạy dỗ, chữa lành, an ủi, cho ăn, …tột đỉnh việc phục vụ của Chúa Giêsu là hy sinh mạng sống mình trên thập tự giá.
Theo gương Thầy Giêsu, các môn đệ cũng là những người phục vụ và hiến dâng mạng sống mình, cụ thể như thánh Giacôbê mà Giáo hội mừng lễ hôm nay.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng phục vụ của Giáo hội.

Xin Chúa giúp con biết nhận ra đâu là những đối tượng Chúa mời gọi con phục vụ và liệu  con có thể làm gì được cho họ. Amen.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

ĐÁM ĐÔNG KHÁT KHAO

“Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì cạnh lòng thương” (Mc 6, 30-34)
Dường như luôn có một đám người rất đông bao quanh Đức Giêsu và các môn đệ. Người đi đâu, họ theo đó. Đôi mắt mòn mỏi, tâm hồn khát mong, đôi tai chờ đợi. Họ thèm được nghe, được thấy, được chạm đến Lời quyền năng, Lời yêu thương và Lời chữa lành.
Đức Giêsu rất thành công, các môn đệ xem ra cũng thành công, thế nhưng đám đông thèm khát vẫn luôn hiện diện bên cạnh các ngài.
Ngày nay vẫn thế, bên cạnh mỗi người Kitô hữu, vẫn luôn có một đám đông thèm khát như thế.
Ai sẽ khỏa lấp nỗi khát mong của họ? Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi trở thành cộng tác viên ban phát tình thương của Thiên Chúa.
Vậy đâu là đám đông đang ở bên tôi? Những người nào thuộc phạm vi chăm sóc của tôi? Là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp?

Xin cho con trở nên khí cụ của Chúa trong việc ban phát tình thương và loan báo Tin Mừng. 

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

GÁNH NẶNG

Thứ Năm, tuần XV TN (Mt 11,28-30)
Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta (x Mt 11,28-30)
từ cuộc sống: Cuộc sống luôn chất lên vai ta nhiều gánh nặng. Có những điều trước kia là một hồng ân thì nay lại là gánh nặng. Tội lỗi đã chất thêm những gánh nặng lên đôi vai bé bỏng của con người. nuôi dạy con cái, hạnh phúc gia đình, công việc làm ăn, tương quan xã hội, lẽ ra mang lại thích thú và niềm vui thì nay đổi lấy thành âu lo: Cho con học trường nào? Chơi với ai? Để chúng ăn gì? Bệnh tật thì sao? Vợ/chồng tôi đang đi đâu? Làm gì? Với ai? Tiền bạc đi về đâu? … quá nhiều câu hỏi và áp lực đối với con người thời hiện đại!
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay là một lời an ủi cho chúng ta. Chúa không hứa sẽ cất đi những gánh nặng của ta nhưng Chúa có cách làm cho những gánh nặng đó trở nên êm ái nhẹ nhàng. Chúa sẽ đưa những gánh nặng đó trở về tình trạng nguyên thủy. Thay vì là gánh nặng, nó sẽ trở thành niềm vui của trách nhiệm. Chính Chúa Giê-su cũng đã mang lấy những gánh nặng đó, nhưng với tình yêu. Với tình yêu, mọi gánh nặng sẽ trở nên êm ái!
Tận hưởng niềm vui: Chúa không để ta gánh nặng một mình. Trên vạn nẻo đường, Chúa luôn đồng hành ngay bên. Những lúc ta mệt mỏi, muốn ngã gục, hãy chạy đến với Chúa, hãy trao gánh nặng vào tay Chúa, Chúa sẽ đỡ đần cho!

Chung lời cầu nguyện: Xin chúa thêm tình yêu để con biến gánh nặng thành niềm vui, và khi con sắp ngã gục, xin cho con biết trao phó gánh nặng vào tay Chúa. Có thế, đời con sẽ không bao giờ tuyệt vọng.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

PHÉP LẠ VÀ SÁM HỐI

Thứ Ba - tuần XV TN
Biết bao phép lạ Chúa làm là để bày tỏ quyền năng và tình thương của Thiên Chúa đồng thời chữa lành con người. Nếu như quyền năng và tình thương luôn chan chứa trong từng phép lạ thì việc chữa lành lại tuy thuộc con người. Thực vậy, việc chữa lành ở đây bao gồm chữa lành thân xác và chữa lành linh hồn. Việc chữa lành thân xác gắn liền với những đối tượng trực tiếp còn chữa lành linh hồn thì liên quan đến mọi người.
Một trong những hiệu quả của việc chữa lành linh hồn là sám hối và thay đổi lối sống. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã khiển trách nhiều người Do Thái khi chứng kiến những phép lạ tỏ tường của Người mà không hề hoán cải. Họ trơ lòng trước những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm.
Lời khiển trách của Đức Giêsu cũng là một lời nhắc nhở với mỗi người chúng ta. Chúng ta không trực tiếp chứng kiến những phép lạ Chúa đã làm nhưng chúng ta có rất nhiều chứng tá về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, về những việc kỳ diệu Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Thế nhưng chúng ta vẫn chai lì trong nếp sống cũ, vẫn cứng cỏi cố chấp trong những lỗi lầm của mình.

Xin Chúa giúp con quyết tâm từ bỏ một tính xấu nào đó và thực tập một tính tốt ngược lại, để cây đời con ngày một được tỉa tót nên dẹp hơn nhờ bao nhiêu ân huệ Chúa ban trong cuộc đời.

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

XỨNG VỚI THẦY

Thư Hai - Tuần XV TN
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy”
Thập giá của tôi lúc này là gì? Tôi có dám ghé vai vác lấy mà bước theo Thầy hay ngoảnh mặt làm ngơ vì thập giá xem ra nặng nề quá đỗi!
Cuộc sống hàng ngày luôn cho tôi nhiều cơ hội để lựa chọn. Tôi thường lựa chọn đứng về phía Chúa hay quay lưng lại với Ngài?
Làm sao tôi dám nhận mình xứng đáng với Thầy bởi đòi hỏi của Thầy thật dứt khoát. Đó là một tình yêu không lựa chọn bởi Thầy luôn là ưu tiên số một: cha mẹ, con cái và ngay cả mạng sống đều phải nhường bước. Ngược lại, ai vì Danh Thầy mà làm, dù chỉ một việc rất nhỏ cũng sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Giúp giúp con luôn can dảm chọn Thầy trong mọi tình huống cuộc sống

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

LÊNH ĐÊNH CON CHỮ

Lênh đênh tìm con chữ
Thực tình mà nói, tìm con chữ vẫn là niềm vui của đa số các em nhưng hành trình của nó sao mà lênh đênh quá. Cũng giống như bao trẻ em người Kinh khác, được mặc trên người bộ quần áo đẹp, khoác trên vai chiếc cặp xinh xinh là niềm hãnh diện của nhiều em nhỏ Barnah. Thế nhưng khi đến trường, ngoài những trở ngại như bao em khác thì các em ở đây còn chịu một thiệt thòi rất lớn, đó là vấn đề ngôn ngữ. Nếu may mắn gặp một cô giáo Barnah, các em sẽ cảm được một sự gần gũi thân một rất tự nhiên, nhưng nếu gặp một cô giáo ngươi Kinh, các em sẽ thấy một khoảng cách vô hình, dù cho các cô đã cố xóa đi khoảng cách vô hình đó.
Đã vậy, hành trình đến với môn toán và môn văn lại càng cam go hơn. Môn toán đòi hỏi một tư duy trừu tượng, một lối tư duy vốn không phổ biến nơi người Barnah, một sắc tộc thích lối tư duy cụ thể, chi tiết. Ở một thái cực khác, môn văn đòi hỏi một sự gắn bó mang tính văn hóa và truyền thống, đòi hỏi sự cảm nhận của cái đẹp về ngôn ngữ. Thế mà đối với các em, tiếng Việt khác nào là một ngoại ngữ.
Nếu nói các em Barnah lười học thì có lẽ không chính xác, bởi ngay từ bé, hầu như các em đều thích thú với con chữ, có chăng là hành trình đến với con chữ của các em qua lênh đênh. Các em phải đối diện với các trở ngại quá sớm. Nếu là người đã đầy đủ ý thức, họ sẽ cố gắng vượt qua những trở ngại để đạt đến mục đích. Đàng này các em còn trong tuổi ăn, tuổi chơi. Khi gặp trở ngại, nếu không có sự động viên, can thiệp đúng lúc, các em sẽ rất dễ bỏ cuộc để trở về với cuộc sống “an nhiên” của mình.
Hành trình đến với con chữ của các em vốn lênh đênh, nên các em cần lắm những tấm lòng quảng đại của những người đi truyền cái chữ. Tuy thế, hành trình truyền cái chữ cũng lênh đênh không kém!
Lênh đênh truyền con chữ
Có thể nói, kiếm được một “chỗ đứng” trong ngành sư phạm hiện nay là điều khó, thường tốn kém không ít. Vì thế, thầy cô nào cũng háo hức hơn nếu được tiếp nhận một lớp người kinh, may ra sau vài năm sẽ gỡ “lại vốn”. Còn nếu nhận được một lớp các em người địa phương thì… chỉ còn biết trông cậy vào cái tâm lớn của nhà giáo dục mà thôi.
Rất may, đa phần các thầy cô mà tôi có dịp tiếp xúc trong thời gian qua vẫn còn cái tâm rất lớn. Xin phép thay mặt các em, cám ơn các thầy cô! Thế nhưng, cái tâm của các thầy cô cũng phải được thanh luyện qua nhiều thử thách.
Cảm hứng sư phạm và rào cản ngôn ngữ: kiến thức chuyên môn và sư phạm cũng cần có môi trường thuận lợi để tiếp thêm động lực và cảm hứng truyền đạt. Thế nhưng khác biệt ngôn ngữ một lần nữa lại là rào cản khó khăn. Làm sao giải thích cho các em hiểu ý niệm “căn bậc hai”, “lũy thừa”, v.v.. chỉ có cách là học vẹt, ngay cả bảng cửu chương cũng thế. Mà vì học vẹt nên sau một kỳ nghĩ thì mọi sự lại phải “khởi động” từ đầu. Thử tưởng tượng ta phải học bảng cửu chương bằng tiếng Anh thì sẽ hiểu được khó khăn của các em và nỗi khổ của giáo viên.
Đó là chưa kể đến rào cản sắc tộc. Các cô người Kinh muốn gần gũi để hiểu và cảm thông với các em cũng như để được các em tín nhiệm đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Mà một năm học thì sẽ thoáng qua với biết bao là công việc!
Thêm nữa, trong khi phụ huynh người Kinh lo lắng việc học cho con em mình nhiều khi quá đáng thì trái lại, phụ huynh người bản địa thường bỏ ngỏ điều này. Số người biết lo cho con học trường này, lớp nọ, cô kia là rất hiếm. Nếu gặp bố mẹ mà hỏi tại sao con không đi học nữa thì câu trả lời đơn giản sẽ là “hi kuă - nó không muốn”. Nó không muốn thì bố mẹ cũng chịu, không biết làm gì hơn dù con chỉ mới học cấp 1.
Các em học tự lực là chính, anh chị nào khá hơn thì còn biết chỉ cho em học chứ bố mẹ thì chịu. Các em cũng học với tinh thần rất vô tư. Xong học ở lớp là về vất sách vở và chơi. Chẳng mấy khi xem bài vở thêm ở nhà. Có vẻ như nhà trường cũng thất bại trong việc này nên chẳng mấy trường cho các em bài tập làm ở nhà. Nói chung, sự nghiệp truyền cái chữ vẫn còn lắm lênh đênh!
Lênh đênh dùng con chữ
Biểu đồ học sinh ở các xứ người địa phương sẽ là một hình kim tự tháp nhọn hoắt, bởi số lượng các em trụ lại đến cấp 3 và sau phổ thông là rất hiếm. Các bạn này thật đáng trân trọng và khuyến khích! Thế nhưng số phận lênh đênh của con chữ vẫn chưa dừng lại. Với cái chữ mà các em và gia đình đã tốn bao nhiêu công sức và tiền của, làm sao các em có thể dùng nó để nuôi sống bản thân và gia đình?
Quả là vấn nạn nhức nhối và ray rứt cho những ai quan tâm đến giáo dục! Điều này chắc cũng không cần phải nói nhiều vì nó đã là quốc nạn! Một năm bao nhiêu sinh viên ra trường? Bao nhiêu em có được việc làm đúng ngành nghề? Làm thế nào để xin việc đúng nghành nghề mà không phải mất tiền?
Vấn nạn quá lớn, xin nhường lại cho những nhà hữu trách. Ở đây xin nêu lên một băn khoăn: Nếu không dùng được thì học cho lắm cái chữ để làm gì? Có người nói, những người có học hay học nhiều thì cách cư xử, lối sống cũng sẽ khác hơn. Thế nhưng cũng có một thực tế là những làng càng gần thành phố, càng học nhiều, lại càng nhiễu nhiều tính xấu như đua đòi, trộm cắp, gia dối, v.v.. trong khi những làng càng ở xa lại càng giữ được truyền thống văn hóa, tính chân thành, đơn sơ!

Dĩ nhiên ta không phủ nhận lợi ích của cái chữ mang lại nhưng vấn đề là làm thế nào để phát huy nó, để nó thực sự hữu ích mà không phải trả một cái giá quá đắt. Song song với việc nâng cao trình độ văn hóa, ta cần làm thêm điều gì nữa? Làm thế nào để văn minh, văn hóa và nhân văn song hành cùng nhau? Đó có lẽ là vấn nạn đang đặt ra cho anh chị em Đaminh chúng ta, những người đã chọn lựa mảnh đất Tây nguyên này làm nơi dấn thân loan báo Tin Mừng sự sống. 

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

KHÔNG CÓ CHI!

 “Bĭ ‘dei kiơ! - Không có chi!” nhưng câu nói đó cứ mãi ám ảnh tôi. Lời nói thốt ra với vẻ mặt ngại ngùng. Tôi biết, họ ngại ngùng vì thầy vào nhà mà không có chi để tiếp! Họ cũng may mắn làm được căn nhà khang trang để ở, điều vẫn còn là mong ước của nhiều người, nhưng họ vẫn ý thức rằng, ngoài căn nhà ra thì “bĭ ‘dei kiơ!”
Tôi cũng ái ngại cho họ thật, nhưng ái ngại thì ít mà xót xa thì nhiều. Xót xa bởi trước đó tôi đã kịp liếc qua mâm cơm còn dang dở. Nói mâm cơm cho sang chứ thực ra chỉ có nồi cơm, chén muối ớt và ít rau luộc.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện của một cha già. Trong một lần ghé thăm nhà dân, ngài vào thăm nhà bếp. Khi cúi xuống mở nắp một chiếc nồi, ngài giật mình khi vỏn vẹn trong đó là 2 con chuột. Cùng lúc cúi xuống đó, ngài kịp nhìn thấy gói thuốc lá trong túi áo. Thế là theo sự thôi thúc của con tim, ngài quyết tâm từ bỏ thuốc là kể từ lúc đó.
“Không có chi”, trong nhiều trường hợp là lời từ chối khéo một lời khen nào đó, nhưng trong trường hợp này thì nghe thật nao lòng.
“Không có chi” cũng cho thấy một sự bất công về phát triển xã hội: có những người chẳng thấy làm chi mà cái chi cũng có, ngược lại, có những người việc chi cũng không từ nhưng trong nhà thì chẳng có cái chi.
Tôi chợt nhớ đến lời của thánh Phaolô: bị coi là vô danh tiểu tốt nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả. (x. 2Cr 6,8-10). Có thể xem là tự an ủi nhưng kỳ thực, tôi thấy nơi họ có rất nhiều thứ, những thứ mà Thiên Chúa đã ban cho họ, không ai có thể lấy mất hay thay đổi được.


Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

LÀM CHỨNG

Thứ Hai, tuần VI TN (Ga 15,27 – 16,4)
Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.
Làm chứng cho Thầy, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ cao quý của người môn đệ. Chỉ những ai ở với Thầy ngay từ đầu mới có thể làm chứng cho Thầy. Nếu chúng ta chưa đủ can đảm, nếu chúng ta không biết cách làm chứng cho Thầy, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta chưa ở lại trong Thầy. Chưa ở lại trong Thầy, chưa thấy động lực, chưa đủ quyết tâm, chưa có lòng mến nên sẽ rụt rè và dễ bỏ cuộc. Bởi, làm chứng cho Thầy không bao giờ là việc dễ dàng.
Thầy đã tiên báo trước, ai làm chứng về Thầy sẽ bị  người ta loại bỏ, loại trừ. Thậm chí, loại bỏ và loại trừ người làm chứng còn là thành tích và mục tiêu hàng đầu của “họ”, là công trạng mà họ ngỡ rằng sẽ được lãnh nhận trước mặt Thiên Chúa.
Biết bao người vì mang danh kitô hữu mà mất công ăn việc làm, con cái hết đường tiến thân. Biết bao người vì giữ nếp sống đạo mà bị loại trừ khỏi những sinh hoạt của xã hội, chịu bao thiệt thòi mất mát. Thậm chí họ còn bị nhìn với cái nhìn ác cảm. Như những người theo tà giáo vậy, dù cho họ đang thờ phượng một Thiên Chúa chân thật.
Thế nhưng, điều quan trọng là sau tất cả những khó khăn thử thách đó, họ vẫn cảm nhận được một niềm vui và sự bình an. Sự bình an không phải theo kiểu thế gian, một sự bình an không ai có thể lấy mất được, bởi nó có nền tảng nơi Thiên Chúa. Chỉ những ai thường xuyên ở lại trong Thiên Chúa mới cảm nhận được sự bình an quý giá này.

Ước gì mỗi kitô hữu chúng ta đều thường xuyên ở lại trong Thiên Chúa để có đủ nghị lực và lòng mến mà làm chứng cho Thầy, dù cho có phải trải qua những khó khăn thử thách nhưng sự bình an của Đấng Phục sinh vẫn luôn ở với chúng ta. Được vậy, chắc chắn chúng ta sẽ không còn sợ hãi. 

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

LÀ ÁNH SÁNG MUÔN DÂN

Thứ 7 tuần IV PS
Người ích kỷ thường giữ lại những gì tốt lành cho riêng mình. Họ không muốn chia sẻ vì sợ người khác cũng được như mình, vì sợ điều tốt lành của mình sẽ bị lấy mất. Tóm lại, họ chỉ nghĩ cho bản thân mà thôi.
Trái lại, người rộng lượng thường nghĩ đến người khác, mong người khác cũng nhận được những điều tốt lành như mình, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình. Do vậy, họ sẵn sàng chia sẻ để được cảm nhận niềm vui của người khác.
Ơn cứu độ được Thiên Chúa thương ban cho toàn thể nhân loại qua dân Do thái. Thế nhưng, đa số người Do thái hiểu rằng đó là đặc quyền, là ơn riêng của họ. Do vậy, họ ganh tỵ và cảm thấy khó chịu khi dân ngoại nhận biết Thiên Chúa.
Thực vậy, từ lâu, Thiên Chúa đã dần hé mở chương trình cứu độ của Người, chẳng hạn như lời tiên báo của tiên tri Isaia vào năm 750 TCN: Ta sẽ đặt Ngươi làm ánh sáng muôn dân để Ngươi mang ơn cứu độ của ta đến tận cùng cõi đất (Is 49,6). Thế nhưng khi Phaolô và Banaba loan báo Tin Mừng cho dân ngoại thì gặp phải sự chống đối từ người Do Thái. Thậm chí họ còn trục xuất hai ông ra khỏi thành. (Cv 13,44-52)
Đôi khi, chính sự ích kỷ đã ngăn cản sức lan tỏa của Tin Mừng theo mong muốn của Chúa Giêsu. Đôi khi chính sự ích kỷ của bản thân người Ki-Tô hữu đã ngăn cản người khác đến với Chúa.

Đúng ra, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở thành ánh sáng cho người khác để dẫn đưa họ về với Đức Ki-Tô. Đó chính là trách nhiệm, là bổn phận, là ơn gọi cao quý của người Ki-Tô hữu.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

HỒNG ÂN ĐỨC TIN

Thứ Năm tuần III PS (Ga 6,44-51)

"Không ai đến được với Tôi nếu Cha Tôi không lôi kéo người đó"
Chúa Giêsu đã nói: Người không tự mình đến thế gian nhưng là theo ý của Chúa Cha. Mà ý của Chúa Cha là tất cả những ai tin vào Đức Giêsu không phải chết nhưng sẽ sống lại vào ngày sau hết.
Nhưng, như thế nào là tin vào Đức Giêsu? Tự mình, chúng ta có thể tin vào Đức Giêsu được không? Đức tin trước hết là ơn ban của Chúa. Chính Thiên Chúa mời gọi và ban cho ta ơn đức tin. Phần ta, chúng ta chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa để đức tin càng ngày càng bền vững.
Trong bài đọc 1, trích từ sách Công vụ Tông đồ, có một vị quan đọc sách ngôn sứ Isaia nhưng không hiểu. Với sự trợ giúp của Thần Khí Thiên Chúa, Philiphê đã giảng giải lời Chúa cho ông, nhờ đó, ông đã hiểu và đã tin. Như thế, để tin vào Đức Giêsu cần có người giảng dạy, đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: không ai đến được với Tôi, nếu Cha Tôi, không lôi kéo người đó. Như thế, chúng ta biết và tin vào Đức Giêsu là nhờ Chúa Cha lôi kéo. Chúa Cha lôi kéo chúng ta theo nhiều cách thức khác nhau: Người sai Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta, hay Người cũng có thể dùng một người nào đó, thậm chí có khi là người mà ta chưa hề biết.
Tóm lại, đức tin của chúng ta trước hết là ơn ban của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải biết cảm ơn Ngài. Chúng ta hãy cầu nguyện và học hỏi để đức tin của ta ngày càng vững mạnh hơn. Amen.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA: AI TIN CHÚA CON SẼ ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Thứ Tư, tuần III PS (Ga 6,35-40)
Kính thưa cộng đoàn, các bài đọc hôm nay đề cập đến chương trình, kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Chương trình đó, đôi khi khó hiểu, nếu ta nhìn vào từng sự kiện cụ thể, nhưng, dưới sự hướng dẫn của Chúa, tất cả đều sẽ trở nên tốt đẹp.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói cho ta biết Người không tự mình đến thế gian nhưng là theo ý muốn của Chúa Cha. Và ý muốn của Chúa Cha là tất cả những ai tin vào Chúa Con sẽ không phải chết đời đời nhưng sẽ sống lại vào ngày sau hết.
Thế nhưng, tin vào Chúa Con cũng không phải là điều đơn giản, bởi không phải chỉ nói “lạy Chúa, lạy Chúa” là tin vào Chúa. Không phải cứ rửa tội, là được ơn cứu độ. Tin vào Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta nhiều hơn thế.
Chẳng hạn trong bài đọc 1 trích từ sách Công vụ Tông đồ, sau khi phó tế Têphanô bị ném đá chết, Giáo Hội tại Giêrusalem tiếp tục bị bách hại khiến cho các tín hữu phải từ bỏ Giêrusalem mà phân tán khắp nơi. Vì tin vào Đức Giêsu Kitô, các tín hữu đầu tiên phải đối diện với sự truy bắt và bách hại của quan quân.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

CÚI XUỐNG BÊN NGƯỜI ANH CHỊ EM

THỨ 5 TUẦN THÁNH

Anh em cũng hãy rửa chân cho nhau. Mẫu gương và giáo huấn của Đức Giêsu thật rõ ràng. Niềm tin vào Đức Giêsu xóa bỏ mọi khoảng cách, mọi ràng buộc và chỉ dành chỗ cho tình yêu mà thôi. Thiên Chúa đã yêu con người đến cùng và Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy yêu thương nhau đến cùng. Tình yêu không chỉ diễn tả bằng lời nói nhưng là cúi xuống để gần hơn với nỗi đau của anh em mình, để nâng đỡ những bước chân rã rời kiệt sức, để làm tươi mát những tâm hồn héo úa, để lau sạch những bụi bặm trần ai, để mang lại sức sống mới cho những cuộc đời thất thểu. Những ai đã một lần cúi xuống bên cạnh người anh em mình thì cũng sẽ dễ cảm nhận được những lần Chúa cúi xuống bên cuộc đời của chính chúng ta.  

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

ĐÂU RỒI LÒNG NHÂN TỪ?

Thứ 2 tuần IIMC (Lc 6,36-38)
Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em trên trời là Đấng nhân từ” (Lc 6,36)
Dư luận mấy hôm nay đang tranh luận sôi nổi xem người việt hiền lành hay hung hãn. Câu trả lời có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu như không có thống kê mới đây về số người nhập viện trong mấy ngày đầu xuân do đánh nhau.
Trong khi chờ những phân tích và kết luận, cư xử nhân từ chính là đóng góp của người môn đệ cho xã hội Việt Nam thân yêu của chúng ta. Lòng nhân từ một khi được thực thi chắc chắn sẽ nhanh chóng lan truyền như chất men Tin Mừng len lỏi trong từng ngõ ngách cuộc sống.

Đó cũng là cách sống mùa Chay thực tế mà Mẹ Giáo hội luôn mời gọi mỗi người.

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

ANH EM HÃY NÊN HOÀN THIỆN

Thứ 7 tuần IMC (Mt 5, 43-48)

Xã hội đang nhuốm màu bạo lực. Người ta sẵn sàng đâm chém nhau vì những lý do nực cười. Thiếu nền tảng tôn giáo, con người sống hời hợt và gạt qua một bên những giá trị nhân văn.

Trong khi đó, lời mời gọi dành cho người môn đệ vẫn là “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện”. Người môn đệ không được bằng lòng với tiêu chuẩn đạo đức thông thường nhưng cần biết vươn lên không ngừng.

Trong ánh mắt người môn đệ, không còn ai là kẻ thù nữa nhưng tất cả là anh em cùng một Cha trên trời. Nếu chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì có gì lạ thường đâu? Người môn đệ cần tiến thêm một bước nữa để chủ động trở nên anh em tất cả mọi người. 

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

SỰ KHÁC BIỆT CỦA NIỀM TIN

Thứ Ba tuần IV TN (Mc 5,21-43)
Giữa hàng ngàn ngươi hành hương, chỉ có vài người cảm nhận được “ơn chữa lành”. Trong hàng triệu người đi theo Chúa, chỉ có vài người cảm nghiệm được tình Chúa xót thương. Điều gì làm nên sự khác biệt đó. Thưa, chính niềm tin.
Giữa đám đông chen lấn và đụng chạm đến Đức Giêsu, có một người tự nhủ: “tôi sẽ được sạch” và điều đó tạo nên sự khác biệt. Trong đám đông đi theo Người, có một người sấp mình bái lạy và cầu xin, Chúa nhận lời ông với điều kiện: hãy tin.
Nhiều người ngoại giáo sẽ hỏi nhau: tại sao người Công giáo lại làm\suy nghĩ như thế? Thưa, chính niềm tin. Chúng ta hãy tạo nên sự khác biệt không phải bởi lối sống “kỳ dị, xa lạ” nhưng bằng niềm tin vào Đấng yêu thương ta.

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN

Thứ Bảy tuần III TN
(Mc 4,35-41)

Giữa trận cuồng phong dữ dội, Đức Giêsu vẫn tựa đầu ngủ yên. Giấc ngủ an lành của một tâm hồn thanh thản sau khi đã cống hiến thời gian và sức lực cho dân chúng. Ai sống với cái tâm trong sáng thì cũng sẽ ngủ với cái tâm an lành dù cho vạn sự xung quanh có biến đổi vô lường. Tốc độ cuộc sống đang dâng cao với sự phát triển của kỹ nghệ, áp lực cuộc sống như trận cuồng phong vây kín mọi tâm hồn, chúng ta hãy học cùng thầy Giêsu để có được cái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. có Thầy Giêsu ở cùng, sẽ không có gì lay chuyển được ta!

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

RÌNH RẬP VÀ TÌM KIẾM

Thứ 4 tuần 2 TN
Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. (x. Mc 3, 1-6)
Chân lý chỉ tỏ hiện cho những ai khao khát tìm kiếm chứ không phải cho những người rình rập. Khi tìm kiếm, con người khiêm tốn nhìn nhận mình còn thiếu và họ có cơ may được lấp đầy. Khi rình rập, họ nhìn nhận và đánh giá mọi sự theo cái nhìn thiển cẩn của mình. Những người như thế dù nhìn cũng không thấy, gặp cũng không tin. Ngược lại, ai tìm kiếm thì dù chưa thấy, chưa gặp nhưng chân lý đã tràn đầy nơi họ!

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

ĐỂ ĐÓN NHẬN GIÁO LÝ CHÚA GIÊSU

Thứ Hai tuần 2 TN (Mc 2, 18-22)
Thời đại mới thì con người phải mới. Để đón nhận giáo lý của Đức Giêsu, chúng ta cần chuẩn bị con người trước. Tâm hồn chưa xứng đáng, chưa sẵn sàng thì khó mà nhận biết và sống theo Tin Mừng của Thầy Giêsu. Đó cũng là lý do nhiều người biết đến Tin Mừng nhưng chưa thể tiếp nhận và sống theo “niềm vui Tin Mừng”.
Xin Chúa giúp con thay đổi lối sống để tâm hồn con trở thành vườn ươm Hạt giống Tin Mừng.

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

NIỀM VUI ĐÍCH THỰC (Ga 3,22-30)

Thứ 7 sau lễ Hiển Linh

“Người phải nổi bật lên còn thầy phải lu mờ đi”, đó là niềm vui thánh thiện và khiêm tốn của Gioan Tẩy Giả, đó cũng là nềm vui trọn vẹn và đích thực vì ông xác định được sứ vụ cuộc đời mình là thế.

Cuộc đời mỗi người có những niềm vui khác nhau. Có những niềm vui chóng đến mau qua; có những niềm vui nhẹ nhàng sâu đậm; có những niềm vui đầy tính nhân văn nhưng cũng có những niềm vui đè trên nước mắt và đau khổ của người khác.

Thế nhưng, niềm vui chỉ trọn vẹn khi gắn bó đời ta với Chúa. Thiếu bóng dáng Chúa, niềm vui sẽ hời hợt chóng qua. Chỉ trong Chúa ta mới có niềm vui đích thực. 

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

ĐỂ LỜI VANG XA (Mt 4,12-17.23-25)

Thứ 2 sau lễ Hiển Linh

"Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân"


Galilê là vùng đất bao quanh bởi dân ngoại còn Giuđa là trung tâm đời sống tôn giáo của Israel, thế nhưng, Đức Giêsu đã chọn Galilê để khai mạc sứ vụ chứ không phải Giuđa. Tin mừng cần được loan báo cho nhiều người chứ không thể đóng khung trong một nơi bé nhỏ. Nếu mỗi tín hũu đều ý thức điều này thì Lời Chúa sẽ ngày càng vang xa.

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

LÀM CHỨNG

Thứ 7, ngày 3.1 (Ga 1,29-34)

“Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”

Thấy là điều kiện để làm chứng. Nếu không thấy mà làm chứng thì lời chứng sẽ thiếu sức thuyết phục.
Trái lại, có người thấy nhưng không làm chứng vì sợ phiền hà, vì không có khả năng làm chứng, vì bị đe dọa hay vì lười biếng, vô tâm, v.v..
Nhưng nếu đối tượng cần được làm chứng là người mình yêu thương thì có lẽ ta sẽ “xả thân” để làm chứng!
Tôi đã làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hàng ngày hay chưa?
Tôi chưa “thấy” Chúa hay tôi thấy mà không làm chứng?

Ơn gọi làm chứng nằm ngay trong bản chất người Ki-tô hữu. Khi đời sống tôi chưa làm chứng cho Chúa tức là tôi chưa chu toàn bổn phận Ki-tô hữu của mình.

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA

Thứ Sáu, Ngày 2.1 (Ga 1,19-28)

"Tôi là tiếng người hô, hãy dọn con đường cho Đức Chúa."(Ga 1,23)

Tôi là ai trong tương quan với Đức Giêsu? Tôi có dám là “tiếng hô” để dọn đường cho Người.
Con đường để Chúa đến đang có nhiều quanh co, lồi lõm, tôi sẽ đứng ở đâu để đón đợi Người?
Hãy sửa con đường cho Đức Chúa, con đường của lòng tôi và con đường của mọi người!