Lòng thương xót của
con người
Một anh mù, hằng ngày ngồi
bên vệ đường để xin lòng thương xót của người khác. Có lẽ lòng thương
xót của mọi người cũng đủ nuôi sống anh qua ngày. Thế nhưng từ trong
sâu thẳm tâm hồn, anh vẫn khao khát. Một khao khát mà chỉ có lòng
thương xót của Thiên Chúa mới có thể khỏa lấp.
Do vậy, khi vừa nghe nói Đức
Giêsu đang đi ngang qua, anh liền kêu lớn tiếng. Bị đám đông ngăn cản,
anh không nhụt chí nhưng càng kêu lớn tiếng: Lạy ông Giêsu, con vua
Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!
Nếu bằng lòng với lòng
thương xót của mọi người, có lẽ suốt đời anh cũng chỉ là “ngồi bên
vệ đường”. Thế nhưng anh mù Ba-ti-mê đã dám đứng lên, vứt bỏ áo
choàng (là gia tài và là “đồ nghề” của anh) để đến với lòng thương
xót của Đức Giêsu. Chính những hành động dứt khoát này đã thể hiện
niềm tin của anh vào lòng thương xót của Đức Giêsu.
Kính thưa ông bà anh chị em,
chúng ta có cần đến lòng thương xót của Chúa và của người khác
giống như anh mù Ba-ti-mê? Chúng ta đang sống trong xã hội mà nhiều
người có của cải dư dật, họ suốt ngày sống trong bốn bức tường mà
chẳng cần đến người khác. Họ không cần đến lòng thương xót của
người khác và do đó cũng chẳng quan tâm đến người khác. Nếu chúng ta
không cần đến lòng thương xót của người khác thì khó mà hiểu và trao
ban lòng thương xót cho người khác.
Thực ra, không ai giàu đến độ
không cần đến người khác và cũng không ai nghèo đến mức không có gì
để trao ban cho người khác. Cộng đồng nhân loại là cộng đồng của liên
đới và hiệp thông. Do đó, chỉ những ai sống khép kín, kiêu ngạo mới
không cần đến lòng thương xót của người khác. Ai khiêm tốn nại đến
lòng thương xót của anh chị em mình thì mới có khả năng hiểu được
anh chị em mình cũng cần lòng thương xót nơi chúng ta. Thực thi lòng
thương xót cũng là cách thức thể hiện hình ảnh cao quý của Thiên
Chúa nơi con người.
Lòng thương xót của Thiên Chúa
“Thiên Chúa là Đấng Từ Bi và Nhân Hậu, Người chậm giận và giàu
tình thương” (Tv 103,9). Anh Ba-ti-mê đã nhận ra tình trạng mù lòa
của mình để “đứng đậy”, “chạy đến” với lòng thương xót của Chúa. Thế
còn chúng ta, chúng ta có nhận ra tình trạng mù lòa của mình? Đôi mắt
thể xác chúng ta tuy sáng nhưng đôi lúc chúng ta mù lòa trước tình yêu
của Thiên Chúa, mù lòa không nhận ra tội lỗi của mình, mù lòa trước
nhu cầu của người khác. Vậy, mỗi người chúng ta cũng phải can đảm
“đứng lên”, dứt khoát rời bỏ tình trạng cũ kỹ của mình để chạy
đến với lòng thương xót Chúa. Thậm chí, dù cho “đám đông” có ngăn
cản chúng ta thì cũng đừng tuyệt vọng, đừng nhụt chí, đừng bỏ cuộc
nhưng hãy giữ vững niềm tin, vững lập trường và vững quyết tam đến
với lòng thương xót Chúa. Chắc chắn với những hành động thể hiện
niềm tin như thế, Chúa sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ!
Chúng ta có thể đến với lòng
thương xót Chúa bằng nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là sám
hối và thay đổi nếp sống, có thể là tham gia các giờ kinh nguyện
kính lòng thương xót Chúa, là đến với các Bí tích, nhất là Bí
tích Hòa giải. Một khi đã đón nhận lòng thương xót Chúa, chúng ta
hãy trở nên những sứ giả của lòng thương xót Chúa.
Anh mù đã được lòng thương xót Chúa chạm đến, anh được chữa
lành và dứt khoát theo Chúa trên con đường lên Giê-ru-sa-lem. Ước gì
mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta cũng được “chạm đến” lòng
thương xót Chúa, được cảm nhận sự ngọt ngào của ân sủng Chúa và
nhờ đó theo Chúa trên con đường ban phát lòng thương xót. Ước gì mỗi
người chúng ta đều trở thành những sứ giả nhiệt thành của lòng
thương xót Chúa, nhờ đó, mọi người có thể cảm nhận được lòng thương
xót của Chúa và của anh chị em mình giữa một xã hội đầy vô cảm như
hiện nay. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét