Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ



Thứ Năm Tuần Thánh (Ga 13,1-15)

Chuyện kể rằng có một bà cụ, nhìn thấy bên dòng nước một cành cây khô, trên cành cây có con bò cạp đang loay hoay để tránh rơi xuống nước. Thấy vậy, bà cụ với tay kéo cành cây vào bờ. Chẳng may bị con bò cạp cắn phải, bà ôm tay đau đớn. Có người trông thấy liền trách bà sao dại dột cứu làm chi con bò cạp. Bà trả lời: cắn người là bản năng của bò cạp còn yêu thương là bản chất của con người. Bà không thể thấy chết mà không cứu. Bị nó cắn chẳng qua do bà không cẩn thận mà thôi.
Vâng, kính thưa cộng đoàn. Yêu thương chính là bản chất của con người. Người xưa có câu: Nhân chi sơ tính bản thiện. Con người tự bản chất là thiện, là hướng đến những việc tốt lành, là sống yêu thương nhau.
Với đức tin Ki-tô giáo, yêu thương của con người còn xuất phát từ Thiên Chúa vì thánh Gioan tông đồ đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách cụ thể qua việc cho Con Một của Ngài đến ở với chúng ta, để đồng lao cộng khổ với chúng ta. Và trong ngày thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, chúng ta tưởng niệm lại những hành động yêu thương cụ thể của Đức Giê-su.
Trước hết là hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.
Nếu một vị vua, hay một vị thủ tướng mà cúi xuống rửa chân cho thần dân của mình thì có lẽ, điều đó cũng vượt ngoài trí tưởng tượng của chúng ta. Thế nhưng, Đức Giê-su, là Con Một Thiên Chúa, là Thiên Chúa cứu độ nhưng đã tự nguyện quỳ xuống rửa chân cho các đồ đệ của mình. Đây quả là hành động xưa nay hiếm thấy. Đó không chỉ là một hành động khiêm nhường nhưng trên hết là một hành động yêu thương. Chỉ với một tình yêu lớn lao, không phân biệt, không so đo, không tính toán mới có thể thực hiện một hành động như thế. Hình ảnh cúi xuống rửa chân diễn tả một tình yêu sẵn sàng dấn thân phục vụ, sẵn sàng cúi xuống trên những phận người khốn khổ, nghèo nàn, thậm chí là những người mà rồi đây, họ sẽ chối bỏ hay phản bội. Thế nhưng tình yêu của Đức Giê-su là tình yêu vô điều kiện.
Bài học Đức Giê-su để lại cho chúng ta thật rõ ràng. Đó là yêu thương và phục vụ nhau cách vô vị lợi. Nhất là dám cúi xuống trên những thân phận cần sự quan tâm nhất, cần sự giúp đỡ nhất. Bài học này không chỉ dành cho các tông đồ mà thôi nhưng là cho mọi môn đệ của người, trong đó có chúng ta.   
Bài học Đức Giê-su để lại cho chúng ta không phải là quá khó, bởi trong lịch sử Giáo hội cũng đã cho thấy nhiều mẫu gương hy sinh phục vụ như thế.
Trong cuốn nhật ký truyền giáo tại Tây Nguyên, cha Dourisbour đã kể lại một cuộc đối thoại giữa cha và một em nhỏ người Bana như sau:
  • Cha từ đâu tới đây?
  • Cha từ nước Pháp, cách đây rất xa.
  • Cha có yêu đất nước của cha không?
  • Có chứ! Cha yêu đất nước của cha, nơi cha đã sinh ra và lớn lên, nơi đã cho cha rất nhiều kỷ niệm.
  • Thế cha có yêu bố mẹ và gia đình của cha không?
  • Có chứ! Cha rất yêu và nhớ bố mẹ cùng gia đình của cha.
  • Thế tại sao cha lại bỏ họ để đến đây ở với chúng con, một nơi rất xa lạ và thiếu thốn nhiều thứ?
Suy nghĩ một lát, cha trả lời: Bởi vì cha rất yêu chúng con. Cha yêu chúng con như yêu cha mẹ của cha vậy. Vì yêu, cha còn có thể làm nhiều thứ cho chúng con nữa.
Và thế là khởi đi từ tình yêu của con người, khởi đi từ những gì rất cụ thể, cha bắt đầu nói với em về tình yêu của Thiên Chúa, một khái niệm quá trừu tượng đối với trí hiểu non nớt của các em.
Kính thưa cộng đoàn, vì yêu thương và muốn phục vụ, nhiều nhà thừa sai đã không quản ngại đường xá xa xôi hiểm trở cũng như muôn vàn khó khăn khác để ra đi, đến những vùng truyền giáo xa xôi, hẻo lánh, để nói về tình yêu Thiên Chúa cũng như để biểu lộ tình yêu của các ngài. Nhiều vị đi chưa đến nơi thì đã bỏ mạng vì thời tiết khắc nghiệt, vì bị quân lính vây bắt. Nhiều vị suốt đời âm thầm hy sinh, phục vụ người nghèo. Chẳng hạn như đức cha Cac-xanh một đời phục vụ người cùi ở trại phong Di Linh và cuối đời đã chết vì chính căn bệnh này.
Cứ dấu này mà người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ thầy, đó là anh em hãy yêu thương nhau. Từ đây, yêu thương trở thành dấu hiệu để nhận biết môn đệ Đức Giê-su. Giáo hội mở rộng tới đâu, tình yêu lan rộng tới đó. Khi đạo Công giáo mới phát triển tại Việt Nam, người ta đã gọi đây là “đạo yêu nhau”. Không phải là tình yêu riêng biệt của một đôi bạn trai gái, cũng không chỉ là tình yêu mở ngỏ cho một gia đình bé nhỏ mà thôi, nhưng là tình yêu nối kết tất cả chúng ta trong một đại gia đình mà Đức Ki-tô là trung tâm. Tình yêu luôn mang dấu ấn Đức Ki-tô.
Thực vậy, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy yêu như Người đã yêu. Người đã yêu như thế nào? Đó là tình yêu sẵn sàng chết đi, không chỉ cho bạn hữu mà là cho một tội nhân. Vì dù là một tội nhân thì tội nhân đó vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái của Thiên Chúa. Đó chính là đặc trưng của tình yêu Ki-tô giáo.
Tình yêu đó ngày nay vẫn được diễn tả nơi muôn vàn khuôn mặt khác nhau của Giáo hội.
Chuyện kể rằng trong trại tù của Đức Quốc xã, có một luật lệ là hễ 1 tù nhân trốn thoát thì 10 người tù khác phải chết thay cho anh ta. Lần nọ, có một tù nhân trốn thoát và người cai tù đã triệu tập tất cả các tù nhân đến. Ông đi một vòng và chỉ: ngươi, ngươi, ngươi… những người ông chỉ là những người sẽ phải chết thay cho tù nhân trốn thoát. Khi ông chỉ đến tù nhân thứ 10 thì ông này vội quỳ xuống khóc lóc van xin: xin hãy tha cho tôi vì tôi còn có vợ và con dại ở nhà. Họ đang mong chờ tôi trở về…
Người cai tù không đồng ý, bỗng dưng trong hàng ngũ tù nhân còn lại có một cánh tay giơ lên: tôi xin được chết thay cho người này. Viên cai tù hỏi: mày là ai? Tại sao mày lại muốn chết thay cho nó. Người này từ tốn trả lời: Tôi là một linh mục Công giáo, tôi không có vợ, không có con. Tôi xin được chết thay cho người này vì anh ta còn có vợ, có con. Người xin chết thay này chính là thánh Maxximiliano Kolbe. Hành động sẵn sàng chết thay của ngài đã phần nào diễn tả lại hành động của Đức Giê-su. Nếu không có tình yêu, nếu không xuất phát từ tình yêu, người ta sẽ không có những suy nghĩ và hành động cao đẹp như thế.
Lời mời gọi tình yêu không nhất thiết đòi hỏi chúng ta hy sinh mạng sống nhưng còn có nhiều cách thế khác phù hợp hơn với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Sự hiện diện của các sr trong cộng đoàn này, sự âm thầm phục vụ hàng ngày của các sr cũng là một cách thức biểu lộ tình yêu. Sự kiên trì nhẫn nại trong công việc, thái độ khiêm tốn vui tươi khi trò chuyện tiếp xúc với nhau cũng là những cách thức biểu lộ tình yêu. Sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, trò chuyện cởi mở, chia sẻ chân thành của các cụ cũng là cách thức biểu lộ và diễn tả tình yêu.
Và kính thưa cộng đoàn, tình yêu còn được biểu lộ và diễn tả qua việc hiện diện ở bên nhau. Khi đã yêu thương thì người ta muốn ở bên nhau, người ta sẵn sàng chờ đợi nhau để được gặp gỡ, để được kề cận bên nhau. Đức Giê-su đã biểu lộ tình thương bằng cách thiết lập bí tích Thánh Thể để ở lại mãi với con người. Nơi bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa sẽ kết hợp với con người. Thiên Chúa sẽ ở lại trong chúng ta.
Ngài luôn chờ đợi chúng ta nơi nhà chầu để chúng ta có thể đến cầu nguyện bằng cách nói chuyện, chia sẻ, tâm sự với ngài. Chúng ta có thể trút nhẹ những lo lắng, những băn khoăn, những sợ hãi của chúng ta cho Ngài. Trung thành và kiên nhẫn đến với Ngài, ở bên Ngài rồi chúng ta cũng sẽ nhận được sự an ủi và ơn bình an trong những lúc khó khăn, đau đớn của cuộc sống.
Chuyện kể rằng có một cụ nông dân, mỗi lần đi làm ngang qua một ngôi nhà nguyện, cụ ghé vào trong tích tắc rồi lại trở ra ngay. Mọi người thắc mắc không biết cụ vào đó làm gì mà nhanh thế?
Thế rồi cụ mắc phải căn bệnh nghiêm trọng. Trong phòng bệnh, mọi người đau đớn, kêu la, cau có. Thế nhưng cụ lại khác. Dù không có nhiều người ghé thăm nhưng người ta thấy cụ luôn nở nụ cười trên môi, thỉnh thoảng cụ như đang tiếp chuyện với ai đó.
Tò mò, người ta hỏi thăm thì cụ trả lời. Trước đây, hàng ngày tôi ghé vào nhà nguyện để thăm Đức Giê-su nên bây giờ, hàng ngày Đức Giê-su cũng đến đây để thăm tôi. Mọi người lại càng thắc mắc hơn và hỏi xem khi đến thăm ông, Đức Giê-su đã nói gì. Ông trả lời. Trước đây, tôi không biết cầu nguyện thế nào nên mỗi lần đến thăm Chúa tôi chỉ nói: Chúa ơi, con là T… đây, con đến đây để thăm Chúa. Bây giờ, Chúa cũng đến và chỉ nói với tôi là: T… à, Ta là Giê-su đây, Ta đến để thăm con. Chúa chỉ nói từng đó nhưng tôi rất hạnh phúc.
Vâng, hạnh phúc thật đơn giản nhưng cũng thật quý giá. Ước gì mỗi người chúng ta cũng đến với Chúa Giê-su Thánh Thể hàng ngày để chính Ngài cũng sẽ đến thăm ta vào những lúc ta cần Ngài nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét