Chúa nhật 29 TNB (Mc 10,35-45)
Con Thiên Chúa đến
để phục vụ
Người đời ai cũng muốn làm
lớn, hay ít là cũng phải có một vị thế nào đó để không phải phục
vụ người khác. Chúng ta đang sống trong thời đại dịch vụ nên có
khuynh hướng chọn lựa những dịch vụ nào phục vụ tốt nhu cầu chúng
ta. Tuy nhiên, những việc “phục vụ” này luôn tỷ lệ thuận với kinh phí
bỏ ra.
Trong khi đó, Giáo hội lại mời
gọi ta “lội ngược dòng”. Dòng nước ngược này chính Con Một Thiên Chúa
đã đi trước làm gương cho chúng ta. Từ địa vị ngang hàng Thiên Chúa, Ngài
đã tự nguyện mặc lấy xác phàm như chúng ta. Ngài đã đón nhận đau
khổ buồn sầu như chúng ta và thậm chí “cúi xuống” phục vụ chúng ta.
Đức Giêsu không làm những dấu
lạ lớn lao để “chiêu dụ” lòng tin của dân chúng nhưng người “la cà”
với họ, ăn uống với họ, chung chia niềm vui tiệc cưới với họ, sẻ
chia nỗi buồn tang tóc với họ, đồng hành với họ trong những giờ cầu
nguyện tại Hội đường, hành hương với họ về Giêrusalem, v.v.. Đức Giêsu
đã đi trên con đường của Người Tôi Trung như trong bài đọc một để cúi
xuống gánh lấy tội lỗi người khác, nhờ thế, nhiều người được nên
công chính.
Trò không thể hơn Thầy. Trò
không thể đi con đường nào khác với con đường của Thầy. Vì thế Đức
Giêsu mời gọi các môn đệ và qua đó, mời gọi Giáo hội hãy đi con đường
phục vụ như Người.
Giáo hội được mời
gọi sống phục vụ
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em”
(Mc 10,43). Từ xưa đến nay, các Đức Giáo Hoàng đều tự nhận mình là
“tôi tớ của các tôi tớ Chúa”, đó như một cách thức nhắc nhở mỗi
người nói riêng và Giáo hội nói chung về giáo huấn của Đức Giêsu. Giáo
hội được mời gọi không phải để “cai trị” nhưng để phục vụ. Phẩm trật
Giáo hội không phải “được chọn” để “thống lãnh” cho bằng để hướng dẫn
và phục vụ dân Chúa. Do đó, nơi nào tinh thần “giáo sĩ trị” vẫn còn
thì nơi đó người ta chưa sống trọn giáo huấn của Chúa Giêsu.
Giáo hội được mời gọi để
phục vụ tất cả mọi người, không phân biệt “lương” hay “giáo”; không
phân biệt giàu nghèo; già trẻ; tốt xấu. Nếu như Con Thiên Chúa đến
thế gian để tìm kiếm những “con chiên lạc”, những “kẻ ốm đau” thì
Giáo hội cũng được mời gọi như thế. Những người nghèo, người đang đau
khổ, người vấp ngả trong đức tin, những người đang mang sự mặc cảm,
tự ti, phải là đối tượng ưu tiên của Giáo hội.
Không chỉ giáo sĩ, tu sĩ mà
cả giáo dân cũng được mời gọi sống phục vụ theo tinh thần Đức Giêsu.
Mọi người đều được mời gọi sống các mối tương quan trong tinh thần
phục vụ, dù là tương quan cá nhân hay trong gia đình, cộng đoàn hay
giáo xứ, Giáo hội hay xã hội. Để được vậy, mỗi người và cộng đoàn
cần thấm nhuần tinh thần Đức Giêsu, đó là tôn trọng, cảm thông và chia
sẻ. Thực vậy, phục vụ không chỉ thể hiện bằng hành động mà thôi
nhưng trước hết là tinh thần, là tấm lòng. Ai có tấm lòng thực sự
thì họ sẽ biết cách để phục vụ anh chị em mình cách cụ thể và
thiết thực nhất.
Phục vụ là cách thức truyền giáo
Hôm nay cũng là ngày Giáo hội
cầu nguyện cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo. Thiết nghĩ,
ngoài việc cầu nguyện, mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ cũng
có thể góp phần vào việc truyền giáo bằng những việc làm cụ thể.
Mỗi người tùy theo ơn riêng, tùy theo khả năng và hoàn cảnh sống của
mình, có thể cộng tác truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng sự
hiện diện thể lý hay hiệp thông trong tinh thần, bằng cách góp công
sức hay vật chất. Tuy nhiên, có một cách thức cụ thể mà ai cũng có
thể thực hiện được, đó là sống tinh thần phục vụ.
Dĩ nhiên, không nhất thiết là
phải phục vụ những người xa lạ, những người chưa theo đạo, nhưng có
thể là “phục vụ” chính gia đình của mình, phục vụ giáo xứ, phục
vụ những người quen biết, láng giềng xung quanh. Chính tinh thần sẵn
sàng phục vụ, phục vụ cách quên mình sẽ là động lực lôi cuốn người
khác đến với đạo, với Đức Kitô. Và như thế, ta có thể nói, một
người hy sinh phục vụ là một nhà truyền giáo, một gia đình sống tinh
thần cho đi là một gia đình truyền giáo, một giáo xứ sẵn sàng phục
vụ mọi người, mọi giới, mọi thành phần là một giáo xứ truyền
giáo. Nếu được như thế, Tin Mừng Cứu Độ sẽ được loan báo đến tận
cùng thế giới theo lệnh truyền của Đức Giêsu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét