Hiển thị các bài đăng có nhãn PS6. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn PS6. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

CHÚA THÁNH THẦN VÀ ƠN BÌNH AN

Chúa nhật VI Phục Sinh (Ga 14, 23-29)

Sự kiện thời sự nổi bật nhất thời gian qua chính là hiện tượng cá chết hàng loạt ở mảnh đất miền trung thân thương. Sự kiện đó không chỉ mang đến nổi bất an lo lắng cho đồng bào miền trung nhưng còn đánh động lương tâm của bất cứ ai tâm huyết với dân tộc Việt. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để nói về bình an cho họ. Hay khi chứng kiến những tai nạn giao thông, nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt, làm thế nào để nói về bình an cho người đi đường hay người tiêu dùng? Làm thế nào để lấy lại niềm tin và bình an cho người dân? Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay sẽ hé lộ cho ta câu trả lời.
Trong bài đọc một, các môn đệ đang phải đối diện với vấn đề nan giải: cắt bì theo luật Môsê là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa. Vậy những người ngoại giáo theo đạo có cần cắt bì nữa không? Chỉ cần tin vào Đức Giêsu là đủ hay họ vẫn phải giữ luật cũ của Môsê? Nếu không khéo giải quyết, Giáo hội mới hình thành sẽ có nguy cơ chia rẻ hay tan rã. Rất may, các Tông Đồ đã biết cách giải quyết, không dựa vào ý riêng hay khả năng riêng của các ông nhưng dựa vào Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28). Khi quyết định cùng với Chúa Thánh Thần, quyết định đó hướng đến lợi ích chung của toàn thể dân thánh. Quyết định đó mang tính xây dựng và nó thực sự mang lại bình an cho tất cả mọi người.
Trở lại những câu chuyện của chúng ta. Sự bất an xuất phát từ những quyết định tự do của con người. Con người tự mình quyết định mà không cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Những quyết định như thế thường hướng đến những mục đích riêng tư. Nó không có tính xây dựng và do đó không mang lại bình an cho con người. Chúng ta tách mình ra khỏi Thiên Chúa. Chúng ta loại bỏ Chúa Thánh Thần ra khỏi những quyết định của chúng ta. Do đó, những quyết định của chúng ta thường mang lại bất an cho nhau.
Quả thực, bình an đích thực chỉ có trong Chúa Thánh Thần. Trước khi chia tay, Đức Giêsu nói với các môn đệ: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Các Tông Đồ chỉ có bình an đích thực khi đón nhận Chúa Thánh Thần. Có Chúa Thánh Thần, các ông không còn sợ sệt hoang mang nhưng can đảm làm chứng Thầy đã phục sinh. Có Thánh Thần, các ông không còn “ngu muội” nữa vì Thánh thần giúp các ông hiểu lời Kinh Thánh cũng như nhớ lại những lời Thầy đã nói khi còn sống. Như thế, bình an mà Đức Giêsu hứa ban chính là Chúa Thánh Thần.
Ai đón nhận Chúa Thánh thần, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời mình, người đó cũng sẽ luôn ở trong Chúa Giêsu và giữ điều răn của Người. Đó là điều răn yêu thương. Ai sống điều răn yêu thương của Chúa thì người đó sống tương quan tốt với Thiên Chúa và tha nhân. Người đó sẽ có bình an và là người xây dựng bình an. Người lại, những ai có ác tâm, những ai lòng dạ gian dối thì sẽ chẳng thể tìm được bình an đích thực. Bởi bình an đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa là Đấng chân thực.
Tóm lại, một khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống thì không thể tcó được bình an đích thực. Bản thân họ không có thì cũng không thể mang lại cho người khác. Còn những ai đón nhận Chúa Thánh Thần và sống theo sự hướng dẫn của Ngài thì dù giữ muôn trùng khó khăn thử thách, họ vẫn bình an vì có Chúa luôn ở cùng họ.


Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

LÀM CHỨNG

Thứ Hai, tuần VI TN (Ga 15,27 – 16,4)
Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.
Làm chứng cho Thầy, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ cao quý của người môn đệ. Chỉ những ai ở với Thầy ngay từ đầu mới có thể làm chứng cho Thầy. Nếu chúng ta chưa đủ can đảm, nếu chúng ta không biết cách làm chứng cho Thầy, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta chưa ở lại trong Thầy. Chưa ở lại trong Thầy, chưa thấy động lực, chưa đủ quyết tâm, chưa có lòng mến nên sẽ rụt rè và dễ bỏ cuộc. Bởi, làm chứng cho Thầy không bao giờ là việc dễ dàng.
Thầy đã tiên báo trước, ai làm chứng về Thầy sẽ bị  người ta loại bỏ, loại trừ. Thậm chí, loại bỏ và loại trừ người làm chứng còn là thành tích và mục tiêu hàng đầu của “họ”, là công trạng mà họ ngỡ rằng sẽ được lãnh nhận trước mặt Thiên Chúa.
Biết bao người vì mang danh kitô hữu mà mất công ăn việc làm, con cái hết đường tiến thân. Biết bao người vì giữ nếp sống đạo mà bị loại trừ khỏi những sinh hoạt của xã hội, chịu bao thiệt thòi mất mát. Thậm chí họ còn bị nhìn với cái nhìn ác cảm. Như những người theo tà giáo vậy, dù cho họ đang thờ phượng một Thiên Chúa chân thật.
Thế nhưng, điều quan trọng là sau tất cả những khó khăn thử thách đó, họ vẫn cảm nhận được một niềm vui và sự bình an. Sự bình an không phải theo kiểu thế gian, một sự bình an không ai có thể lấy mất được, bởi nó có nền tảng nơi Thiên Chúa. Chỉ những ai thường xuyên ở lại trong Thiên Chúa mới cảm nhận được sự bình an quý giá này.

Ước gì mỗi kitô hữu chúng ta đều thường xuyên ở lại trong Thiên Chúa để có đủ nghị lực và lòng mến mà làm chứng cho Thầy, dù cho có phải trải qua những khó khăn thử thách nhưng sự bình an của Đấng Phục sinh vẫn luôn ở với chúng ta. Được vậy, chắc chắn chúng ta sẽ không còn sợ hãi. 

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

SỐNG VỚI CHÚA THÁNH THẦN



Thứ 2 tuần VI PS (Ga 15,26-16,4)

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.



Chúa Thánh Thần được giới thiệu với hai danh hiệu là Đấng Bảo Trợ và Thần Khí sự thật. Là Thần Khí sự thật, Người sẽ soi sáng cho ta biết đâu là sự thật đích thực, làm thế nào để đón nhận và can đảm làm chứng cho sự thật; Là Đấng Bảo Trợ, Người sẽ cầu thay nguyện giúp cho ta cũng như giúp ta vượt qua những gian nguy trong cuộc sống.
Chúng ta cũng hãy sống thân mật với Chúa Thánh Thần trong hai mối tương quan này.