Phúc thay ai sầu khổ, vì
họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Mt 5,5).
Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo “khoái khổ”, càng không
phải là một tôn giáo tìm mọi cách trốn tránh “bể khổ” trần gian. Nói đúng hơn,
Ki-tô giáo khuyến khích đón nhận đau khổ như thực tại gắn liền với thân phận
con người để qua đó vươn tới miền hạnh phúc vô tận.
Quả thật, Đức Giê-su là Con Một Thiên Chúa, là đầu của Hội
thánh, thế nhưng “Người phải chịu đau khổ
nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ
ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Đức Giê-su đã đón nhận tất cả đau khổ kiếp người,
thế nhưng cái chết của Đức Giê-su không phải là một sự tuyệt vọng cho bản thân
Người cũng như cho các môn đệ. Tuy các môn đệ từng buồn rầu bỏ về quê, thế
nhưng sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại một bầu khí mới, một sức sống mới.
Giờ đây tuyệt vọng và bi thương được đổi thành hy vọng và hoan lạc. Giờ của thập
giá đã qua và giờ của vinh quang đã đến. Sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại
một niềm hy vọng mới cho cuộc sống con người. Giờ đây, đau khổ vẫn là khổ đau
nhưng không phải là khổ đau trong tuyệt vọng. Phảng phất đau đó là niềm hy vọng
phục sinh cho những ai biết phó thác và kết hiệp với những khổ đau của Đức
Giê-su.
1. Thánh
Martin với kinh nghiệm cá nhân
Có thể nói, Martin được sinh ra trong một hoàn
cảnh rất đặc biệt. Cha là một sĩ quan da trắng thuộc dòng dõi Tây Ban Nha, mẹ
là một người da đen gốc Panama. Màu da đen giống mẹ vô tình đã trở thành một trở
ngại cho tình phụ tử. Vì sợ bị kỳ thị, người cha đã buồn rầu từ bỏ ba mẹ con
sau khi thuê cho họ một căn hộ lụp xụp ở thủ đô Lima. Trong gia đình thì bị cha
từ bỏ, ngoài xã hội thì đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc, những cư xử bất công
với người da đen và thổ dân.