Tuần XXX - Thứ Tư
Đức Giê-su nói : "Hãy
chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được".
Kể
từ sau biến cố sa ngã, con người luôn ý thức về thân phận tội lỗi
của mình, đồng thời con người cũng ý thức rằng để được hưởng hạnh
phúc với Thiên Chúa thì con người cần phải được cứu độ. Đó là mối
bận tâm chung của người Do-thái ngày xưa. Chính vì thế, có người đã
đến gặp Đức Giê-su để đặt vấn đề: Những
người được cứu thì ít có phải không?
Câu
hỏi trên ngầm chỉ một sự tự hào nào đó. Thực vậy, dường như anh ta
đã biết phải làm thế nào để được cứu rồi nên vấn đề anh quan tâm là
số lượng người được cứu. Suy nghĩ này phản ánh thái độ của người
Do-thái lúc bấy giờ nói chung. Họ tự hào mình là dân được tuyển
chọn, là dân mà từ đó sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế, vậy nên, một chỗ
dành cho họ trong Nước Trời là lẽ đương nhiên!
Câu
trả lời của Đức Giê-su không liên quan đến số lượng nhưng đến cách
thức, đó là phải chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào. Đức Giê-su đã
dùng một hình ảnh thật gần gũi và cũng hết sức dễ hiểu. Cửa hẹp tượng trưng cho những khó khăn,
chông gai trong cuộc sống. Muốn đi qua cửa hẹp chúng ta phải thay đổi tư
thế, phải sửa mình cho phù hợp. Vào Nước Trời không phải là chuyện
dễ dàng, lại càng không phải là đặc quyền đặc lợi cho một thiểu số
nào đó. Nước Trời chỉ dành cho những ai biết chiến đấu để đạt được
mà thôi.
Thế nhưng, chúng ta phải chiến
đấu chống lại cái gì?
Chắc
hẳn, vấn đề này sẽ không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người.
Thực vậy, cửa hẹp là ngăn trở,
là vật cản riêng của mỗi người, do đó mỗi người phải tự xác định xem
mình phải chiến đấu với cái gì?
Xét
trong tương quan nội tại, ngăn trở đó có thể là thói kiêu căng hay
tính ích kỷ, là sự hám danh hay tham lam, gian dối hay nhút nhát, sợ
hãi. Xét trong tương quan với tha nhân, ngăn trở đó có thể là một sự
thờ ơ, hờ hững với mọi người, nhất là trước những người có hoàn cảnh
đáng thương hay vô cảm trước những đau khổ của cuộc sống. Cuối cùng,
xét trong mối tương quan với Thiên Chúa, ngăn trở đó có thể là một tâm
hồn nguội lạnh hay cứng tin vào tình thương của Người.
Nói
chung, đó là những ngăn trở ngăn cản chúng ta đến với Thiên Chúa. Mỗi
người phải chiến đấu với một trong những ngăn trở nói trên nhưng cũng
có thể là một người phải chiến đấu với nhiều ngăn trở cùng một
lúc. Có những ngăn trở đã trở nên hiển hiện rõ ràng nhưng cũng có
những ngăn trở khéo léo ẩn mình dưới những vỏ bọc kín đáo. Chỉ khi
thành tâm nhìn lại chính mình và khiêm tốn xét mình trước mặt Chúa
thì ta mới có thể nhận diện những ngăn trở của mình để mà chiến
đấu.
Tóm
lại, chiến đấu với những ngăn trở để đi qua cửa hẹp là cách thức để
vào Nước Trời. Đây là cách thức dành cho tất cả mọi người. Nước
Trời là phần thưởng cho những ai đã nổ lực chiến đấu chứ không phải
là đặc quyền đặc lợi cho một thiểu số. Khi nói điều này, Đức Giê-su muốn ám chỉ đến người Do thái, rằng: Đặc quyền về chủng tộc
không đảm bảo một vị trí trong Nước Trời. Điều này cũng áp dụng cho mỗi người chúng ta. Chúng ta đã được rửa tội. Nhưng
bấy nhiêu đó không
đủ đảm bảo cho chúng ta một chỗ trong Nước Trời.
Nước Trời chỉ dành
cho những ai biết chia sẻ với những nỗi gian truân, biết thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô.
Thực vậy, Thánh sử Lu-ca đã
khéo léo đặt bài trình thuật này trong bối cảnh “trên đường lên Giê-ru-sa-lem”. Đường lên Giê-ru-sa-lem có
cánh cửa hẹp là đồi Gôn-gô-tha nhưng chính qua cánh cửa
hẹp đó mà thập giá
đã nở hoa
cứu độ.
Là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng phải chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào cõi vinh quang. Qua đó,
Đức Giê-su cũng mời gọi chúng
ta hãy chiến đấu
với Ngài. Bước qua cánh
cửa hẹp là hoán cải và đổi mới đời
sống theo mẫu gương Đức Giê-su và
theo giáo huấn của Tin Mừng. Cửa tuy hẹp nhưng mọi dân
nước sẽ tề tựu đông đủ. Đó cũng chính là niềm hy vọng cho chúng ta.
Cánh cửa tuy hẹp nhưng sẽ không khép lại với những ai mau mắn và kiên
cường trong cuộc chiến cao đẹp để dành phần thưởng là sự sống đời
đời (1Tm 6,12).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét