“Truyền giáo” được dịch từ chữ “mission” của tiếng Anh hay tiếng Pháp và chữ missio trong tiếng Latinh. Trong nguyên
ngữ latinh, missio bắt nguồn bởi động
từ mittere có nghĩa là “gửi đi, sai
đi, phái đi”. Trong Tân ước, từ này được dùng để chỉ việc Chúa Cha sai
Đức Ki-tô đến thế gian cũng như Đức Ki-tô Phục sinh sai Chúa Thánh Thần
đến với Giáo hội. Từ này còn được dùng để chỉ việc Đức Ki-tô sai các
Tông đồ đi rao giảng Tin mừng.
Truyền giáo là gì?
Nhân dịp 25 năm bế mạc công đồng Vaticanô II, đức Gio-an
Phao-lo II đã ban hành thông điệp "Redemptoris Missio" (Sứ mạng của
Đấng Cứu thế), qua đó khẳng định nền tảng của việc truyền giáo xuất
phát từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Nguồn gốc và động lực của việc truyền
giáo chính là thông đạt tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Như vậy, khởi
nguyên và tận điểm của việc truyền giáo là tình yêu Thiên Chúa và hạnh phúc
của con người.
Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo (Ad Gentes) của Công đồng
Vaticanô II thì nói rằng: Công cuộc truyền giáo không chỉ giới hạn vào
việc kêu gọi lương dân tin nhận Phúc âm và lãnh bí tích Rửa tội, nhưng bao
gồm cả việc phát triển các Giáo hội địa phương nữa. Công cuộc truyền giáo chỉ
có thể coi là chấm dứt với việc thành lập hàng giáo phẩm tại địa phương, với
những cộng đồng Ki-tô hữu trưởng thành, khả dĩ có thể truyền đạo cho đồng bào
của mình và các vùng lương dân (x. số 6).
Tại sao phải truyền giáo?
Ngoài mệnh lệnh của Đức Ki-tô sai các môn đệ đi rao giảng Tin
mừng cho khắp thế giới, đức Gio-an Phao-lo II còn đặt nền tảng của việc truyền
giáo trên quyền lợi cao quý nhất của con người, đó là quyền được biết sự thật.
Hội thánh cần phải nói cho con người biết sự thật về phẩm giá cao quý của mình.
Phẩm giá này hệ tại việc Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài mời gọi con
người thông dự vào sự sống của Ngài nhờ công trình cứu độ của Đức Ki-tô.
Hoạt động truyền giáo nhằm phục vụ chương trình yêu thương của Thiên Chúa đồng
thời cũng phục vụ con người: Thông đạt cho tha nhân hồng ân đức tin quý báu mà
chúng ta đã lãnh nhận. Hồng ân ấy có liên hệ tới hạnh phúc của mọi người.
Việc truyền giáo phải nhắm đến ba mục tiêu: Thứ
nhất là loan báo cho mọi người tin và đón nhận ơn cứu rỗi; thứ hai
là giúp họ trở thành môn đệ của Đức Ki-tô, trở nên phần tử của Giáo
hội; thứ ba là cải biến tâm thức cá nhân hay những cơ chế tội lỗi đi
ngược lại với giá trị của Tin mừng hay nhân phẩm con người.
Truyền giáo như thế nào?
Để đạt được những mục tiêu trên, việc truyền giáo
bao gồm nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ giới hạn trong việc
giảng dạy và đưa lương dân vào đạo. Việc truyền giáo khởi đi từ
những cử chỉ, thái độ đơn sơ như thông cảm, giúp đỡ người nghèo, người
bệnh cho tới những kế hoạch phát triển và thăng tiến con người. Việc truyền
giáo còn bao gồm cả các công tác bác ái xã hội như mở trường học,
bệnh xá, các cơ sở xã hội, v.v.. Nói chung là bất cứ hình thức nào
có thể chuyển thông tình yêu của Thiên Chúa và giúp con người đón
nhận ơn cứu độ đều được coi là việc truyền giáo vậy.
Tài liệu tham khảo
Vaticanô II, Sắc lệnh Ad
Gentes về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội
Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris Missio
Phan Tấn Thành, Thần
học Mạc khải, HVĐM, 2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét