Phúc thay ai sầu khổ, vì
họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Mt 5,5).
Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo “khoái khổ”, càng không
phải là một tôn giáo tìm mọi cách trốn tránh “bể khổ” trần gian. Nói đúng hơn,
Ki-tô giáo khuyến khích đón nhận đau khổ như thực tại gắn liền với thân phận
con người để qua đó vươn tới miền hạnh phúc vô tận.
Quả thật, Đức Giê-su là Con Một Thiên Chúa, là đầu của Hội
thánh, thế nhưng “Người phải chịu đau khổ
nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ
ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Đức Giê-su đã đón nhận tất cả đau khổ kiếp người,
thế nhưng cái chết của Đức Giê-su không phải là một sự tuyệt vọng cho bản thân
Người cũng như cho các môn đệ. Tuy các môn đệ từng buồn rầu bỏ về quê, thế
nhưng sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại một bầu khí mới, một sức sống mới.
Giờ đây tuyệt vọng và bi thương được đổi thành hy vọng và hoan lạc. Giờ của thập
giá đã qua và giờ của vinh quang đã đến. Sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại
một niềm hy vọng mới cho cuộc sống con người. Giờ đây, đau khổ vẫn là khổ đau
nhưng không phải là khổ đau trong tuyệt vọng. Phảng phất đau đó là niềm hy vọng
phục sinh cho những ai biết phó thác và kết hiệp với những khổ đau của Đức
Giê-su.
1. Thánh
Martin với kinh nghiệm cá nhân
Có thể nói, Martin được sinh ra trong một hoàn
cảnh rất đặc biệt. Cha là một sĩ quan da trắng thuộc dòng dõi Tây Ban Nha, mẹ
là một người da đen gốc Panama. Màu da đen giống mẹ vô tình đã trở thành một trở
ngại cho tình phụ tử. Vì sợ bị kỳ thị, người cha đã buồn rầu từ bỏ ba mẹ con
sau khi thuê cho họ một căn hộ lụp xụp ở thủ đô Lima. Trong gia đình thì bị cha
từ bỏ, ngoài xã hội thì đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc, những cư xử bất công
với người da đen và thổ dân.
Đó chính là hoàn cảnh bi thương của cậu bé
Martin. Bình thường, hoàn cảnh này dễ dẫn đưa đến những hậu quả không mấy tốt đẹp.
Đó có thể là một sự bất mãn, thất vọng để rồi sống buông thả. Tuy nhiên, đối với
Martin thì ngược lại. Cậu đón nhận hoàn cảnh của mình mà không một lời than van
trách móc. Trái lại cậu luôn phấn đấu khi có cơ hội. Tuy hoàn cảnh đáng thương
nhưng cậu không dừng lại ở sự đáng thương của mình, trái lại từ đó cậu nhìn ra
và nhạy cảm với những hoàn cảnh đáng thương của người khác. Từ nhỏ, cậu đã luôn
sẵn sàng để giúp đỡ những người cơ cực. Khi được mẹ sai đi mua đồ, cậu đã biết bớt
ít tiền mua hàng để giúp đỡ người nghèo. Chứng kiến cảnh khổ cực, bệnh hoạn của
nhiều người, cậu đã nuôi trong mình ý chí phấn đấu để có cơ hội giúp đỡ họ.
Việt Nam ta có câu: “Trời không phụ lòng người”. Quả thật, với tấm lòng quãng đại như thế,
Martin đã có được những điều kiện thuận lợi để thực hiện ước mơ của mình. Thật
vậy, dù cha cậu không mấy mặn mà với con cái nhưng ông cũng không bỏ mặc chúng,
nhất là với Martin. Khi biết cậu ước muốn theo học nghề thuốc, ông đã gửi cậu đến
học nghề với một thầy thuốc nổi tiếng, cũng là bạn của ông. Martin đã không bỏ
qua cơ hội. Cậu miệt mài học tập, siêng năng tìm tòi để hy vọng có thể xả thân
cứu đời.
Với tài năng, đức độ và tình yêu, Martin đã tiến
xa với nghề này và được nhiều người biết đến. Tương lai của Martin sẽ là một
con đường tươi sáng. Thế nhưng mục đích của cậu không dừng lại ở đó. Cậu muốn dấn
thân phụng sự Chúa và tha nhân cách triệt để hơn bằng cách xin vào sống trong
dòng Đa Minh.
Như vậy, trong một hoàn cảnh mà với nhiều người
sẽ là những nỗi khổ đau thì Martin đã đón nhận và vượt qua tất cả để mở ra một
chân trời mới, chân trời của niềm hy vọng. Ở đây không chỉ là niềm hy vọng cho
bản thân khi có điều kiện để phụng sự Chúa và tha nhân cách trọn vẹn nhưng còn
là mở ra một khung trời hy vọng cho nhiều người, với nhiều hoàn cảnh thuộc nhiều
thời đại khác nhau.
2. Thánh
Martin, một chứng nhân hy vọng
Dù với tư cách là một người giúp việc trong nhà dòng hay với
tư cách của một thầy tu huynh, Martin luôn chu toàn trách nhiệm và thi hành bác
ái. Sự hiện diện của thánh nhân chính là niềm hy vọng của những người nghèo, những
người bệnh tật. Thực vậy, dù với chính bản thân, Martin luôn chọn lối sống
nghèn nàn giản dị nhưng với tha nhân, thánh nhân luôn rộng rãi và quãng đại. Martin
đã từng xin bán mình để giúp cha Bề trên giải quyết những khó khăn lúc bấy giờ.
Ngài luôn mở rộng cửa cho những ai đói khát, thiếu thốn. Với bệnh nhân, ngài
luôn ân cần, kiên nhẫn chăm sóc.
Với tài năng và lòng đạo đức, Martin vừa chữa bệnh vừa cầu
nguyện. Ngài đã tin tưởng vào Chúa hơn là vào tài năng của mình. Ngài luôn chữa
bệnh cùng với lời cầu nguyện, nhiều khi chỉ là thoa dầu và làm dấu thánh giá
trên vết thương. Những người đến xin Martin cứu giúp rất nhiều nhưng ngài đón
nhận tất cả, không từ chối ai. Khi còn sống, Martin đã là niềm hy vọng cho dân
chúng như thế nào thì khi qua đời ngài càng trở thành một chứng nhân hy vọng
tuyệt vời hơn nữa, nhất là sau khi ngài được đức Giáo hoàng Gioan XXIII tôn
phong lên bậc hiển thánh vào ngày 06/05/1962.
Ngày nay, sau gần 400 năm ngày thánh nhân qua đời
(03/11/1639), nhiều người khắp nơi trên thế giới vẫn thường xuyên chạy đến với
ngài. Đa số họ, khi đến với thánh nhân đều mang theo một niềm hy vọng, hy vọng
được xoa dịu những nỗi khổ đau phần hồn lẫn phần xác. Nếu ai đã một lần đến với
đền thánh Martin (tại Tu viện Martin, Hố Nai) vào ngày đại lễ 03/11 hàng năm,
chắc hẳn cũng sẽ có những ấn tượng khó quên.
Mới sáng sớm, từng đoàn người đã nườm nượp đổ về. Mỗi người
mang theo một tâm tình, một niềm hy vọng dù là mong manh. Niềm hy vọng đó có thể
là mong được gặp thầy gặp thuốc, được chữa lành bệnh tật, được khỏe khắn lành mạnh.
Niềm hy vọng đó còn là gia đình hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái hiếu thảo,
cháu chắt ngoan hiền. Ngoài ra, còn có nhiều tâm tình khác như việc giữ đạo được
nên trọn, người thân biết bỏ xa được lầm lạc mà trở về cùng Chúa, cùng Hội
thánh và cùng gia đình; từ bỏ nghiện ngập, các tật xấu, v.v..
Có thể nói bao nhiêu tâm tình là bấy nhiêu niềm hy vọng. Tất cả
đều được chân thành phó thác nơi Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của thánh
Martin. Đến với thánh Martin là chúng ta đến với một chứng nhân của niềm hy vọng.
Cuộc đời của thánh nhân là một bài ca hy vọng. Hy vọng vượt lên mọi hoàn cảnh để
mang lại niềm hy vọng cho tha nhân. Ngày nay, ở trên Thiên Quốc, thánh nhân vẫn
tiếp tục ban phát niềm hy vọng cho chúng ta bằng cách chuyển cầu lên Thiên
Chúa, Đấng mà tất cả mọi người đặt niềm hy vọng, Đấng là nguồn mạch tất cả niềm
hy vọng của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét