Tuần XXVII - Thứ Hai
25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" 26 Người đáp : "Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?" 27 Ông ấy thưa : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." 28 Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" 30 Đức Giê-su đáp : "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp... 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" 37 Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
Bài Tin mừng ngày hôm nay đưa chúng ta
vào trọng tâm của giáo lý Do Thái giáo và Ki-tô giáo. Thực vậy, nhà
thông luật đã đại diện cho toàn thể các tín hữu mọi thời đại để
hỏi Đức Giê-su (dù cho ông chỉ muốn thử Người) câu hỏi quan trọng
nhất: Phải làm gì để được sự sống đời đời? Qua câu trả lời của
chính ông, một cách gián tiếp, Đức Giê-su cũng trả lời cho tất cả
chúng ta bằng cách nhắc lại điều răn của Cựu Ước. Một điều răn căn
bản mà hầu như tất cả mọi người đều biết, đó là luật mến Chúa và
yêu người mà Cựu Ước đã thường xuyên nhắc đi nhắc lại.
Tuy nhiên nhà thông luật đã nêu lên một
vấn nạn quan trọng, đó là: Ai là người thân cận của tôi? Theo ngôn
ngữ tiếng Việt, người thân cận ám chỉ những người bà con trong gia
đình, chòm xóm láng giềng gần gũi hay bạn bè thân thuộc. Xa hơn nữa,
người thân cận ám chỉ những người nghèo khổ khó khăn cần sự giúp
đỡ. Đây cũng chính là quan niệm của người Do Thái.
Theo não trạng của người Do Thái, chỉ
những người Do Thái mới là thân cận của nhau. Còn những người khác
như dân ngoại, người Sa-ma-ri không những không phải là người thân cận
mà còn là những người đáng ghê tởm vì họ không cùng tôn giáo. Dù
cho sách Lê-vi (x. Lv 19, 34) và sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 10, 18-19) dạy
rằng những người ngoại kiều sống trong đất Do Thái cũng phải được
đối xử tử tế và được yêu mến nhưng thực tế thì điều đó rất khó xảy
ra.
Đức Giê-su biết rõ não trạng này nên
Người đã dùng dụ ngôn “người Sa-ma-ri tốt lành” để trả lời cho nhà
thông luật. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su cho thấy người thân cận không
còn giới hạn trong dân Do Thái với nhau mà thôi. Nếu như người Sa-ma-ri
đã thực thi lòng thương xót với người Do Thái bị nạn thì ông chính
là người thân cận của người bị nạn. Hay nói chính xác hơn, ai thực
thi lòng bác ái với người khác thì họ trở thành người thân cận của
chính người đó. Với quan niệm này, khái niệm “người thân cận” được
mở rộng cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo.
Khái niệm “người thân cận” từ đây chỉ dành cho những người biết yêu
thương nhau.
Đức Giê-su còn đi xa hơn khi bảo người thông
luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Đây là một lời mời gọi, một
lời khuyến khích chọn lối sống chủ động. Thay vì hỏi ai là người
thân cận của tôi thì ta phải chủ động trở nên người thân cận của mọi
người.
Lời Chúa hôm nay quả là một lời mời
gọi thiết thực cho đời sống đạo của chúng ta. Chúng ta vẫn hay quen
với câu hỏi thụ động ai là thân cận của tôi và thông thường chúng ta
mặc định người thân cận là những người thân bên cạnh chúng ta. Câu
hỏi và câu trả lời này không sai nhưng nó chưa đủ để diễn tả tinh
thần của người môn đệ Đức Giê-su. Chúng ta cần đặt lại câu hỏi tôi là
người thân cận của ai và hãy bắt chước hành động của người Sa-ma-ri
tốt lành cũng như thực thi lời động viên của Đức Giê-su: hãy đi và
làm như vậy.
Xã hội ngày nay có biết bao người gặp
nạn đang cần sự giúp đỡ. Họ có thể là nạn nhân của nghèo đói,
bệnh tật; của bất công, kỳ thị. Họ cũng có thể là những người cô
đơn, thất vọng, khô khan, buồn chán và nhiều lắm những nạn nhân của
kinh tế, xã hội và chính trị. Thế nhưng những người Sa-ma-ri tốt
lành lại ít xuất hiện. Biết bao người đi qua mới có một người mủi
lòng cúi xuống trước những nạn nhân xấu số. Đôi khi chính những quy
tắc xã hội lại tạo nên những rào cản khiến cho người ta ngại ngùng
dừng chân để liên lụy vào cuộc đời người khác.
Thực vậy, để bỏ ra một ít tiền của
giúp đỡ người khác thì dễ nhưng để “liên lụy” với họ thì thật là
khó. Chẳng hạn khi gặp một tai nạn ngoài đường, người ta ngại dừng
lại để đưa nạn nhân vào bệnh viện, không phải vì họ thờ ơ cho bằng
họ ngại những thủ tục rườm rà kéo theo. Đó là chưa kể đến căn bệnh
vô cảm mà ngày nay nhiều người đang lên án và tìm cách “chữa trị”.
Là người Ki-tô hữu, chúng ta không những
không được phép vô cảm nhưng còn phải biết thực thi lời mời gọi của
Đức Giê-su. Nếu mỗi người đều ý thức và chủ động ra đi để trở thành
người thân cận của người khác thì Giáo hội sẽ phản ánh trung thực hơn
hình ảnh của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là đầu của Giáo hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét