Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: CÁM DỖ TRONG ĐỜI TU



Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.

Hành trình “tâm linh” mà chúng ta phải theo đuổi được trải bằng những chướng ngại vật. Khi một số ở bên trong còn một số lại ở bên ngoài. Mỗi chúng ta đều mang thân phận tội lỗi vốn tự nhiên khiến mình trở thành một kẻ đồng lõa của sự dữ. Chúng ta có thể nói, theo lời diễn giải của Phaolô, “Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt” (x. Rm 7, 14). Thế gian, xác thịt và ma quỷ (x. 1Ga 2, 14-16) bắt gặp trong chính bản thân chúng ta, một sự đồng lõa ngầm. Và ngay cả khi tội đồng lõa nội tại này bị loại bỏ, thì chúng ta vẫn mở cho những xúi giục, níu kéo và xu nịnh bên ngoài xui khiến chúng ta tạo ra khoảng trống cho điều xấu xa vào đời ta. “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ?” (Rm 7, 24). Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu xin Chúa Cha “giải thoát chúng ta khỏi sự dữ”.
Chúng ta nên chiêm niệm sự cám dỗ dưới viễn cảnh : Đức Kitô vẫn đang bị thử thách trong chính chúng ta.
2.    NHỮNG CÁM DỖ CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu, Con Một và Đấng Thiên Sai của Chúa Cha, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt vào hoang địa chịu cám dỗ. Người không chỉ mang lấy “thân xác tội lỗi” (Rm 8, 3) của chúng ta, nhưng đã cảm nhận chính Người trong cuộc đối thoại và sự xúi giục của tội, đòi Người trở nên kẻ đồng lõa (x. Mt 4, 1). Chúa Giêsu có thể hiểu và cảm thông với những yếu hèn của chúng ta, vì Người “đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4, 15)“Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2, 18).
Tin Mừng Nhất Lãm đã miêu tả hình ảnh Chúa Giêsu trong sa mạc – giống dân Thiên Chúa trong cuộc Xuất hành – chịu ma quỷ cám dỗ và vượt thắng chúng. Theo các tác giả, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn dắt vào hoang địa và chịu thử thách ở đó về lòng trung thành của Người cho điều răn tiên quyết và trọng nhất. Cám dỗ đầu tiên cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu yêu Chúa Cha bằng cả tâm hồn (con người). Khi dân Israel chịu thử thách bởi nạn đói trong sa mạc, được thuật lại như sau :
Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực ; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra (Đnl 8, 2-3).
Chúa Giêsu đã chỉ cho ma quỷ thấy rằng Lời của Chúa Cha được khắc cốt ghi tâm trong Người ; trong trái tím của Người là một tình yêu vĩ đại đến độ nó vượt trên mọi sự. Ở đợt cám dỗ thứ hai, Chúa Giêsu chịu thử thách bằng việc yêu mến Thiên Chúa bằng cả linh hồn mình (cuộc sống) : đối diện nguy cơ là cái chết mà được Tin Mừng Nước trời của Người đòi buộc, Chúa Giêsu đã không xin một dấu chỉ ; Người không thử thách Giavê như dân Israel đã làm trong hoàn cảnh tương tự[1]. Ở đợt cám dỗ thứ ba, Chúa Giêsu cho thấy rằng Người yêu Thiên Chúa hết cả sức lực (nguồn), và rằng Người yêu mến và tùng phục chỉ một mình Chúa Cha ; Người sẽ không tùng phục tiền của. Hơn nữa, từ một quan điểm khác, Thư Do thái 5, 7 giải thích lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Ghết-sê-ma-ni như một lời nguyện được thốt ra trong khoảnh khắc của cơn cám dỗ.
Hiện trạng cuộc sống của các tông đồ luôn phải đối diện với nhiều cám dỗ. Vì lý do này, Chúa Giêsu đã dạy các ông phải cầu nguyện hầu Chúa Cha không để họ sa chước cám dỗ, cụ thể là, “khẩn cầu Thiên Chúa để Người nâng đỡ các ông và Người sẽ bảo vệ các ông thoát khỏi những cám dỗ, mà quyền lực kẻ thù sẽ bóc trần chúng… theo lời dạy của Chúa Giêsu, ngươi phải nhớ rằng rằng bất kì khó khăn hay nguy hiểm nào và bất kỳ cám dỗ nào cũng đều diễn tả một cơn cám dỗ khổ đau tột cùng”[2]. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu cũng dạy ba tông đồ dấu yêu của mình hãy cảnh giác và cầu nguyền để có thể chống lại cám dỗ : “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14, 38). Chúng ta phải luôn phải tỉnh thức và cầu nguyện, để khi cơn cám dỗ đến, chúng ta mới có thể vượt thắng được.
Người tu sĩ chúng ta cũng phải chịu thử thách nhiều lần. Thật quan trọng để nhấn mạnh rằng những cám dỗ không chỉ còn nhắm vào những cám dỗ chống lại sự khiết tịnh. Nó vượt hẳn khỏi điều này. Trong ngữ cảnh Tin Mừng chúng ta vừa nói đến, không có sự chú ý đặc biệt nào dành cho kiểu mẫu của những cám dỗ này. Điều này không có ý cho rằng những cơn cám dỗ như thế không quan trọng hoặc chúng không thể gây ra những hậu quả nguy hại. Hiểu một cách đơn giản là Hội thánh đã quá nhấn mạnh đến những cám dỗ về bản năng tính dục đến nỗi quên đi những cám dỗ khác có thể dễ dàng làm chúng ta sa ngã hay cản trở ơn gọi và tác vụ của chúng ta cách trầm trọng.
Có những cám dỗ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, như một kiểu mẫu của đời sống hướng đến việc theo Đức Giêsu Kitô cách viên mãn, chúng là những cám dỗ chống lại sự khó nghèo và vâng phục, chống lại sự phục vụ tha nhân vô điều kiện, chống lại tinh thần nhiệt thành tông đồ, chống lại tình bác ái bên trong và bên ngoài cộng đoàn, chống lại sự chọn lựa phục vụ cho người nghèo và công bình. Có những cám dỗ của kiêu ngạo, của giận dữ, của hám lợi, của lười biếng, của dục tính, và của ghen tương. Có một vài giai đoạn nhất định trong đời là thời kì của cám dỗ, thử luyện đặc biệt cho người tu sĩ – những khoảnh khắc này đòi chúng ta phải điều chỉnh lại con người mình. Những bậc thầy về đời sống tâm linh chỉ ra cho chúng ta thấy những tình trạng đó gọi là dấu hiệu của “những đêm đen”, thật cần thiết cho chúng ta để duy trì sự thinh lặng và phải cậy trông vào lời cầu nguyện và sự thanh luyện.
Việc tin rằng Đức Kitô đang chịu thử thách trong chúng ta cũng sẽ giúp chúng ta hiểu ra rằng Người khao khát vượt qua sự xấu xa trong chúng ta và cùng với chúng ta. Ân sủng của Người sẽ không bao giờ để chúng ta sa ngã, một khi chúng ta có sự tín thác sắt đá vào Người. Hiệp nhất với Đức Kitô, được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời Chúa và cử hành các Bí Tích, trong tình yêu và việc phục vụ anh chị em một cách vô vị lợi, sẽ gia tăng sức mạnh cho chúng ta nhờ sự bao bọc, chở che của Thiên Chúa hầu chống lại ma quỷ. Những lời khuyên nhủ trong Sách Khôn Ngoan mang đến một ý nghĩa mới :
“Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách. Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên. Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục. Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con… Khốn thay quả tim nao núng vì không tin tưởng : chính vì vậy nó không được chở che” (Hc 2, 1-6, 13).
Cuối cùng, chúng ta muốn nói đến phương pháp tập luyện từ những hy sinh từ bỏ nho nhỏ, nhằm chuẩn bị và trang bị cho đến lúc dám đón nhận những hy sinh từ bỏ lớn hơn. Hy sinh là một biểu hiện, biểu trưng cho việc cắt đứt liên hệ với thứ gì đó hay với ai đó, để chúng ta bày tỏ mối tương quan thân thiết với tha nhân và với Thiên Chúa.
Những hy sinh đúng đắn là những hy sinh mà mục đích chính của chúng phải giúp chúng ta đến được với tình bằng hữu cao quý trong sự tự do hoàn toàn. Điều này chỉ có thể đạt được ở chân trời vô tận của Thiên Chúa, nơi mà chúng ta mới có thể thỏa cơn khát khi luôn là chính mình, nơi mà những giá trị phục hồi toàn bộ ý nghĩa và định hướng căn bản của chúng. Một giá trị chóng tàn, mau qua không đáng gọi là sự dấn thân hoàn toàn, sự dấn thân được hiểu là việc từ bỏ tất cả những thứ khác.
Nhưng sự dấn thân có liên quan đến những giá trị mà chúng ta gặp phải lại là phương pháp tập luyện tốt cho việc đạt đến sự dấn thân mang giá trị tuyệt đối ; và sự dấn thân này đòi hỏi những hy sinh từ bỏ nhỏ. Những hy sinh từ bỏ nhỏ của sự hiệp nhất này đưa chúng ta đến sự hy sinh từ bỏ to lớn. Ai muốn hiệp nhất với bản tính phải chấp nhận những từ bỏ (khổ hạnh, mức độ cô đơn, chịu đựng, kiên nhẫn) ; và ai muốn hiệp nhất với những người bạn cùng lý tưởng phải sẵn sàng từ bỏ lối sống vị kỷ của mình; và để hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô, người đó phải sẵn sàng “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo Người”.
Phương pháp tập luyện sự từ bỏ thật cần thiết để đạt đến sự hiệp nhất và vượt thắng những cản trở của cám dỗ. Nhưng chúng ta phải hiểu hay nắm bắt được một phần nào của phương pháp tập luyện đó trong ánh sáng của những giá trị chinh phục. Từ bỏ vì lợi ích của một giá trị ! Từ bỏ vì những giá trị tương đối, thấp hơn, có thể giúp ta thực hiện từ bỏ những thứ lớn hơn để đạt được những giá trị tuyệt đối. Ai không thể từ bỏ trong những việc nhỏ, sẽ không thể từ bỏ trong những việc lớn.
Hiệp nhất với Thiên Chúa chính là thứ “cao quý nhất”, vì thế không thể thiếu việc từ bỏ – và cũng không thể thiếu việc hy sinh từ bỏ tất cả, không gì có thể can thiệp vào mức độ bình đẳng giữa Thiên Chúa và chúng ta. Khi Chúa Giêsu từ bỏ mọi sự trên cây thánh giá và vượt thắng cám dỗ xuống khỏi thánh giá, thì Người đã mang sự viên mãn này bằng việc hiệp nhất con cái của Người với Chúa Cha và quy tụ tất cả con cái Thiên Chúa bị phân tán trong tình huynh đệ cao quý. Bằng sự từ bỏ chân thành, sự từ bỏ mà chúng ta thực hiện và những giá trị mà chúng ta từ khước sao có thể sánh được với ân sủng và giá trị mà chính chúng ta cam kết dấn thân.
Đời tu sẽ không xứng danh nếu thiếu đi sự hy sinh từ bỏ. Một chương trình sống mà không có chỗ cho phương pháp luyện tập những hy sinh từ bỏ nhỏ bé sẽ chỉ là kết quả của một đời sống tầm thường, có khuynh hướng đổ vỡ ngay khi đối diện sự cám dỗ và thử thách cho dù là nhẹ nhất. Trường hợp đáng thương nhất là điều mà tất cả chúng ta thường hay từ bỏ những gì “thực sự đáng giá” vì những lợi lộc hào nhoáng hay những cảm giác, ấn tượng hay khoảnh khắc của những cám dỗ (những phản bội của tình bạn, từ chối những gì Thiên Chúa kêu mời chúng ta, giảm bớt nhiệt tình trong cầu nguyện, ghét bỏ, xa lánh cộng đoàn hay sứ vụ).
Trong những trường hợp như vậy, những giá trị cao quý bắt đầu đánh mất đi tiếng nói trong cuộc đời chúng ta ; một khi không còn nghe thấy chúng, chúng ta sẽ trở thành “những kẻ hy sinh từ bỏ cho các ngẫu tượng”. Việc khôi phục lại trước tình trạng sùng bái ngẫu tượng này không thể không làm được ; nhưng nó rất nặng nề, khó khăn ; những nỗi đau sẽ kéo dài rất lâu. Phương pháp luyện tập từ bỏ không phải là coi thường những giá trị của thế giới (contemptus mundi) ; đúng hơn, đó là một sự quý trọng trong một phạm vi đúng đắn và một sự chuẩn bị cho việc đón nhận những giá trị cao quý, không thể có chuyện đầu hàng những cám dỗ sùng bái ngẫu tượng.

Người tu sĩ cảm nhận sự yếu đuối và nhận ra mình bị cám dỗ phải cầu nguyện cách tín thác rằng Thiên Chúa sẽ giúp mình trong khi gặp thử thách. Trong cuộc thử thách này, Thiên Chúa muốn mặc khải vinh quang Người. Đời sống khổ hạnh tỉnh thức của người tu sĩ phải là sự tự do đón nhận và nhận thức rằng sứ vụ người tu sĩ đã lãnh nhận là hồng ân vô giá được đựng trong một bình sành dễ vỡ. Thế nên, người tu sĩ cầu xin cho ý Cha được thể hiện và xin cho mọi người và vạn vật có thể tiến vào Nước trời.



[1] Những lời mà Chúa Giêsu nói với con Quỷ : “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (Mt 4, 7) cũng giống như việc cứng đầu và nghi ngờ của dân Is-ra-el muốn thách thức Thiên Chúa : Anh em đừng thách thức ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa. (Đnl 6, 16).
[2] H. Seesemann, art. “Peira”, in GLNTIX, pp. 1436-1437.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét